Có nhiều góc cạnh khác nhau để chiêm ngưỡng và ca tụng Đức Maria – đã được ghi lại rất đầy đủ và xúc tích trong “Kinh Cầu Đức Bà” chúng ta vẫn thường đọc. Nhưng đối với tôi, có lẽ không có góc cạnh nào xúc động hơn là cái nhìn về một người mẹ sầu bi, mà tuyệt đỉnh khổ đau là khi Mẹ đứng bên người con sắp chết nhục nhã trên thập tự như một người tử tội

Mẹ đứng đó …

Nguyễn Trọng Lưu

 

Mẹ sầu bi ngày xưa.

Có nhiều góc cạnh khác nhau để chiêm ngưỡng và ca tụng Đức Maria – đã được ghi lại rất đầy đủ và xúc tích trong “Kinh Cầu Đức Bà” chúng ta vẫn thường đọc. Nhưng đối với tôi, có lẽ không có góc cạnh nào xúc động hơn là cái nhìn về một người mẹ sầu bi, mà tuyệt đỉnh khổ đau là khi Mẹ đứng bên người con sắp chết nhục nhã trên thập tự như một người tử tội: “Đứng gần thập giá Đức Kitô, có mẹ Người…” (Yoan 19, 25)

Đó cũng là góc cạnh mà Đức Cha JB. Bùi Tuần – nguyên Giám Mục giáo phận Long Xuyên và cũng là vị Giám Mục Việt nam duy nhất được tấn phong đúng vào ngày 30.04.1975 – đã cảm nghiệm được khi Ngài viết. “Riêng những lần dâng hoa, tôi thường đặt hoa của tôi trước ảnh Đức Mẹ Trái Tim –  tức là ảnh Đức Mẹ mở trái tim mình bốc lửa. Tôi hiểu lửa đó là tình yêu đau khổ. Những lúc thân phận yếu đuối của tôi cảm thấy mình cần được gần gũi một tình mẹ đầy xót thương, giàu sức cứu độ, hoặc những khi trí khôn tôi đã quá mệt mỏi, không còn khả năng tập trung suy nghĩ, thì tôi nhìn vào hình ảnh tình thương của Đức Mẹ Trái Tim để cầu nguyện với niềm tin vào lòng thương xót Chúa. Hình ảnh Đức Mẹ Trái Tim không ở đâu xa. Tôi nhìn thấy gần tôi, hầu như ngay trong chính tim tôi”.

Cái đau khổ của Đức Maria là cái đau khổ thấu tận tâm lòng, bàng bạc và kéo dài suốt cuộc đời. Những khổ đau của Mẹ đã đi ngược lại với khát vọng nội tại, vừa căn bản lại vừa hiện sinh, nơi mỗi con người: đó là khát vọng về hạnh phúcmà tôi từng phân tích trong bài “Trong tầm tay, hạnh phúc…”. Khi làm một so sánh như thế có lẽ chúng ta mới đồng cảm được phần nào những khổ đau của Đức Maria, như một người mẹ và là một con người có thịt xương như chúng ta.

Vào năm 1482 Linh Mục Jean Couderberghe, người Bỉ, đề xướng và thuyết giảng về những sự đau đớn của Đức Mẹ – mà sau nàyDòng Tôi Tớ Đức Mẹ – đã khởi hứng từ đó làm thành một chuỗi kinh, gọi là “Ngắm bảy sự đau đớn Đức Mẹ” (1646), kèm theo bảy kinh Kính Mừng sau mỗi ngắm. Khi du nhập vào Việt Nam, thì Đức Cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn – trong sách kinh của giáo phận Bùi Chu, đã sửa lại thành “Ngắm bảy sự thương khó Đức Bà” và đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh sau mỗi ngắm.

Bảy điều đau khổ của Đức Mẹ đều đã được viết lại trong Tin Mừng LucaYoan:

  1. Ông già Simêon nói tiên tri cùng Đức Mẹ (Lc 2, 34-35).
  2. Đức Mẹ đem Chúa Yêsu trốn sang nước Ai Cập (Mt 2, 13-21).
  3. Sau ba ngày tìm kiếm, Đức Mẹ tìm được Chúa Yêsu  trong đền thờ (Lc 2, 41-50).
  4. Chúa Yêsu vác cây Thánh giá và chịu đóng đinh (Yn 19, 17-18).
  5. Đức Mẹ đứng bên Thánh giá Chúa Yêsu lúc gần chết (Yn 19, 25-30).
  6. Hai môn đệ hạ xác Chúa Yêsu (Yn 19, 39-40).
  7. Môn đệ táng xác Chúa Yêsu vào huyệt đá mới (Yn 19, 40-42).

Sau này Giáo Hội đã dành ngày 15.09 hàng năm để cử hành lễ Mẹ sầu bi. Trong việc sùng kính và mừng lễ Đức Mẹ sầu bi, Giáo hội nhắc nhớ chúng ta hiểu rằng qua Thánh Yoan, Chúa Yêsu đã trao Mẹ Maria cho chúng ta: “Này là Mẹ con”, và trối chúng ta cho Đức Mẹ: “Này là con Bà”. Như vậy, Đức Maria là Mẹ thật của chúng ta, và chúng ta thật là con của Mẹ.

 

Mẹ sầu bi ngày nay

Nhưng những đau khổ của Mẹ Maria không chỉ đóng khung vá chấm dứt với cái chết của Con Mẹ là Đức Yêsu trên thập giá mà thôi, mà những nỗi đau đó vẫn còn dày vò, vẫn còn day dứt tâm can Mẹ – thế nên những lần Mẹ hiện ra tại La Salette ngày 19.09.1846với Maximin Melanie trên núi Mont Sous-Les Baisses(Pháp); tại Lộ Đức  với Bernadette Soubirous năm 1858 trong một hang nằm dưới chân rặng núi Pyrénées thuộc vùng Toulouse (Pháp) và tại Fatima ngày 13.05.1917 với Lúcia dos Santos,Jacinta Marto và Francisco Marto(Bồ Đào Nha), lần nào Mẹ cũng giãi bày những tâm tình đau khổ đó qua những lời khuyên nhủ chúng ta: “hãy ăn năn sám hối, hãy siêng năng cầu nguyện, hãy hãm  mình hy sinh và hãy quay về với Chúa”.

 1- Điều đó có nghĩa là ngày nay Đức Mẹ khổ đau trong khát khao ơn cứu độ cho hết mọi người

Thế giới chúng ta hiện đang sống trong bị đầu độc bởi những khủng hoảng – mà lớn hơn cả là não trạng vô thần và hiện tượng tục hóa: càng ngày con người lại càng muốn chối bỏ hoặc cố tình lãng quên Thiên Chúa – để mặc kệ đời mình trôi giạt trong hư vô tuyệt vọng, không dám đối diện với sự thật thực hữu nhất thực, là là sự thực về chính mình, là con người có căn thiện nội tại trong mình

Thế giới ngày nay cũng làm cho nhiều người quên mất những anh em đang sống với và gấn sát ngay bên chúng ta, nhưng lại phải gánh chịu những dửng dưng, thiên kiến, hận thù, chia rẽ, ghét ghen – cũng chỉ vì những người đó muốn biến cái tôi của mình thành một thứ trung tâm điểm, bắt mọi người phải thuận theo ý của mình. Đó cũng chính là ý nghĩa sâu xa mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16, trong mùa chay năm nay đã kêu gọi chúng ta hãy quan tâm đến những anh em bên cạnh chúng ta.

  

2- Và Đức Mẹ vẫn đứng bên cạnh thánh giá của toàn Giáo Hội

Mẹ đứng bên thánh giá của Đức Thánh Cha, người mang nặng trên vai gánh nặng của toàn Giáo Hội, từ những khổ đau vì lạm dụng tình dục của một số giáo sĩ, đến những tàn phá của chiến tranh làm cho nhiều người vô tội phải chết đau thương, sống vất va vất vưởng trong đói khổ xé nát tâm can.

Mẹ ở dưới chân thánh giá của các Giám mục trung thành, phải chịu đắng cay tủi nhục – khi có một số những người khác đang tìm cách tách ra một giáo hội ly khai với Đức Thánh Cha, – Đấng mà Chúa Yêsu đã đặt làm nền tảng Giáo Hội duy nhất.

Mẹ luôn ở bên cạnh thánh giá của các Linh mục và các linh hồn tận hiến, đã được kêu gọi để tuyệt đối trung thành với Chúa Yêsu, với Tin Mừng và Giáo Hội, đang phải chịu một thứ tử đạo nội tâm vì bị hiểu lầm, chế nhạo và tẩy chay.
Mẹ ở dưới chân thánh giá của các tín hữu, những người luôn can đảm vàquảng đại đón nhận lời kêu mời hoán cải của Mẹ. Giữa bao khó khăn và thử thách nặng nề, họvẫn cậy trông và tin tưởng vào Mẹ bvà hằng bền chí cầu nguyện trong tinh thần đền tạ.

Mẹ còn ở dưới chân Thập Giá của những bệnh nhân để ủi an và ban ơn nhẫn nại, của những người lạc lõng để dẫn họ về đường cứu rỗi và những người gần chết để giúp họ chết trong ơn nghĩa Chúa.

Hãy xác tín rằng, Mẹ sầu bi lúc nào cũng có mặt dưới chân thập giá của chúng ta để cùng chịu khổ đau và cầu nguyện với chúng ta.

Kinh cầu Đức Mẹ Sầu Bi

 Có hai bài kinh cầu Mẹ Sầu Bi – tôi muốn ghi lại để xin mời mọi người cùng suy niệm và cầu nguyện với Mẹ – đặc biệt trong tháng 5 và tháng 10, là hai tháng trong năm đuợc Giáo Hội dành riêng tôn kính Đức Mẹ.

Trước hết là bài thơ “Stabat Mater dolorosa”Mẹ sầu bi đứng bên Thánh Gcủa Jacopone di Todi (1230-1306), một tu sĩ dòng Anh Em Hèn Mọn, mà sau này Giáo Hội đãdùng làm ca tiếp liên trong Thánh Lễ Kính Mẹ sầu bi ngày 15. 09 :

“Mẹ sầu bi, tầm tã giọt châu, đang đứng bên cây thập giá, nơi Con Người đã bị treo lên.

Một lưỡi gươm nhọn đã đâm qua tâm hồn Bà đang rên siết, đang sầu khổ và đau buồn.

Ôi đau buồn sầu khổ biết bao cho bà Mẹ đáng suy tôn của một người Con duy nhất!

Bà Mẹ hiền nhìn xem nỗi khổ hình của người Con chí thánh, mà đau lòng thổn thức tâm can.

Ai là người không tuôn châu lệ, khi nhìn thấy Mẹ Chúa Kitô, trong cảnh cực hình như thế?

Ai có thể không buồn bã nhìn xem Mẹ Chúa Kitô, đang đau khổ cùng với Con Người?

Mẹ nhìn thấy Chúa Giêsu vì tội dân mình mà khổ cực và bị vùi giập dưới làn roi.

Mẹ nhìn Con mình dịu hiền như thế, bị thống khổ lúc lâm chung, khi Người trút hơi thở cuối cùng.

Ôi lạy Mẹ là niềm yêu mến, xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương, để cho con được khóc than cùng Mẹ.

Xin cho lòng con cháy lửa mến yêu, mến yêu Đức Kitô là Thiên Chúa, để cho con có thể làm đẹp ý Người.

Ôi Thánh Mẫu, xin Mẹ làm ơn đóng vào lòng con cho thực mạnh những vết thương của Đấng bị treo thập giá.

Xin Mẹ cho con được chia phần thống khổ của Con Mẹ đã thương vong, đã khấng chịu cực hình vì con như thế.

Xin cho con được cùng Mẹ thảo hiếu khóc than, cùng Đấng bị đóng đinh tỏ niềm thông cảm, bao lâu con còn sinh sống ở đời.

Con ước ao được cùng với Mẹ đứng bên cây thập giá và hợp nhất cùng Mẹ trong tiếng khóc than.

Ôi Đức Trinh Nữ thời danh trong hàng trinh nữ, xin đừng tỏ ra cay đắng với con, xin cho con được cùng Mẹ chan hoà dòng lệ.

Xin cho con được mang sự chết của Đức Kitô, được cùng Người thông phần đau khổ và tôn thờ những thương tích của Người.

Xin cho con được mang thương tích của Người, cho con say sưa cây thập giá và máu đào Con Mẹ đã đổ ra.

Ôi, Đức Trinh Nữ xin đừng để cho con bị lửa hồng thiêu đốt, nhưng được Mẹ chở che trong ngày thẩm phán!

Lạy Chúa Kitô, khi phải lìa bỏ cõi đời này, nhờ Đức Mẹ, xin Chúa cho con được tới lãnh ngành dương liễu khởi hoàn.

Khi mà xác thịt con sẽ chết, xin cho linh hồn con được Chúa tặng ban vinh quang của cõi Thiên đường”.

 

Còn đây là kinh Cầu Ðức Mẹ Sầu Bi, của các bậc cha mẹ dâng con cái mình cho Đức Mẹ, được phổ biến trong Giáo Phận Hà Nội :

”Lạy Mẹ Ðồng Trinh Sầu Bi, Nữ Vương các thánh tử đạo, Mẹ đã sầu bi đứng dưới chân thánh giá chứng kiến sự đau đớn trong giờ chết của Con Mẹ. Xin nhìn đến chúng con đang quỳ dưới chân Mẹ đây với lòng dịu hiền và thương xót của Mẹ. Chúng con kính suy lòng sầu bi của Mẹ và chúng con đặt tất cả những ước nguyện, nỗi khổ đau của chúng con với lòng tin tưởng ẩn náu trong trái tim thương tích Mẹ. Chúng con nài xin Mẹ thay chúng con mà dâng những ước nguyện và nỗi đau khổ lên Thiên Chúa Cha nhờ công nghiệp khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu, cùng với sự đau khổ của Mẹ dưới chân thánh giá, xin Chúa nhận lời cầu xin của chúng con. Hỡi Mẹ lân ái, chúng con biết cậy nhờ vào ai để dâng những ước nguyện và đau khổ của chúng con nếu không có Mẹ. Mẹ đã uống cùng chén thánh Con Mẹ nên Mẹ cảm thông được nỗi sầu khổ của chúng con.

 Lạy Mẹ rất thánh, tâm hồn Mẹ đã bị đâm thủng bởi lưỡi gươm sầu bi khi diện kiến cuộc khổ nạn của Con Chí thánh Mẹ nên chỉ có Mẹ mới hiểu và an ủi chúng con. Chúng con xin dâng những người con của chúng con lên mẹ. Những đứa con ngoan ngoãn xin Mẹ thương gìn giữ; những đứa con làm đau lòng cha mẹ xin Mẹ soi lối cho chúng trở về; những đứa con hoang đàng, tội lỗi xin Mẹ cho chúng được ăn năn thống hối. Xin cầu bầu cho chúng con, và xin Thiên Chúa nhận lời chúng con khấn nguyện. Amen”.