Religious Faith And Religion

 

Nguyễn Trọng Lưu

 

Gần đây, có khá nhiều người hỏi tôi: ”Thần học là gì? –  nên trong bài viết này – tôi sẽ định nghĩa và trình bày nội dung của khoa thần học – trong tương quan với những bộ môn liên hệ, đồng thời đào sâu ý nghĩa đích thực của bộ môn này theo giáo huấn của Giáo Hội.

Trước khi đi vào chính đề, tôi xin lưu ý quý độc giả một điểm quan trọng này. Trong những bài viết của tôi, lúc nào tôi cũng khẳng định rằng, ”nhân không thể nào ngộ được thần” – mà chỉ có ”thần  ngộ cho nhân” mà thôi. Điều đó có nghĩa là cho dù lý trí của con người có giỏi giang và tư duy sâu sắc đến đâu, cũng không thể nào hiểu được thần thánh – mà chỉ có thần thánh mới tỏ bày cho con người mà thôi – mà trong đạo công giáo gọi là ”mặc khải”. Đó cũng là ý nghĩa câu chuyện Thánh Augustinô kể lại trong cuốn ”Confessions”. Một hôm đang đi dạo trên bãi biển, trong đầu đang  suy tư về Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài nhìn thấy một cậu bé cứ lấy một cái vỏ sò bé tí múc nước biển đổ vào cái lỗ trên bãi cát. Ngài mới bảo cậu bé: “Làm sao con có thể múc hết được nước biển đổ vào cái lỗ kia được?” Cậu bé trả lời: “Điều này còn có thể thực hiện được, chứ điều mà Ngài tư duy về Thiên Chúa Ba Ngôi thì hoàn toàn không thể, vì làm sao con người có thể hiểu được về Thiên Chúa?”. Sau đó cậu bé biến đi.

Như vậy để tìm hiểu về “thần”, con người phải nhờ vào mặc khải của Thiên Chúa. Mà mặc khải của Thiên Chúa được bày tỏ cho con người qua và nơi Đức Kitô trong, được ghi lại trong Thánh Kinh dưới sự hướng dẫn của Thánh Truyền – tức truyền thống của Giáo Hội.

Nguyên nghĩa của từ  ”mặc khải”

“Mặc khải” dịch từ chữ Latinh là “revelatio” – gốc từ chữ Hy Lạp là “apocalypsis”.

“Apocalypsis” có tiếp đầu ngữ “apo” – nghĩa là cách, tách biệt, khỏi; còn “calypsos” có nghĩa là che, phủ. Như vậy, “apocalypsis” theo nguyên nghĩa là vén màn che lên, tỏ ra cho biết, cho thấy.

Danh từ “velum” trong La ngữ có nghĩa là mạng che mặt, khăn trùm hay tấm màn (tiếng Pháp: voile; tiếng Anh: veil). Từ đó có động từ “velare” nghĩa là: che phủ, che đậy, giấu kín (voiler, couvrir; to veil, to cover) và “revelare” – với tiếp đầu ngữ “re” – nghĩa là: bỏ mạng che mặt, cất màn; hiểu theo nghĩa rộng là: trình bày công khai; để lộ, tiết lộ (dévoiler, découvrir; unveil, uncover). Từ hậu bán thế kỷ 14, từ “revelare” được dịch sang tiếng Pháp là ”reveler” và tiếng Anh là ”reveal” có nghĩa là: bộc lộ, tiết lộ điều bí mật, phát hiện, khám phá vật bị giấu.

“Revelatio” theo nguyên nghĩa là hành vi vén mở, tiết lộ, hay tỏ lộ những việc trước đây không được biết đến.  Còn trong ngôn từ thần học, “revelatio” có nghĩa là Chúa để lộ ra chính mình Chúa và thánh ý Chúa cho các loài thụ tạo, hay việc truyền đạt và tiết lộ những ý định này.

Trong chữ Hán, thuật từ “mặc khải” hay “khải huyền” có nghĩa rộng là “chỉ đường”. Trong chữ khải có một bàn tay mở cửa (môn khải nhi nhập: cửa mở cứ vào). Còn trong “Luận ngữ”: “Bất phẫn bất khải, bất phi bất phát: Đối với học sinh, phải chờ đến khi chúng không nghĩ ra, mới gợi ý; chờ đến khi chúng không nói ra được mới giải thích”.

Năm 1994, trong bản dịch Tân Ước của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ xuất bản, nơi chú thích (b) của Sách Khải Huyền, đoạn 1, câu 1 có ghi: “Do từ Hy Lạp apocalypsis, ”mặc khải là Thiên Chúa tỏ bày mầu nhiệm của Người cho nhân loại qua trung gian loài người với các ngôn sứ Môsê, Êlia, và nhất là qua Chúa Yêsu. Đến lượt mình, Chúa Yêsu lại tỏ cho các tông đồ biết mọi bí nhiệm, ý định của Thiên Chúa.

Billedresultat for Theology

 

Ý nghĩa tầm nguyên của từ “thần học”

Các từ “Teologi”, “Théologie”, “Theology”, “Theologia”, “Thần học” đều đến từ nguyên ngữ Hy Lạp được ghép do hai chữ “Theos – Thiên Chúa hay Thần” và “Logos – lời nói hay việc học”.

Vị thần cao cả nhất là Thiên Chúa, nên thần học là học về Thiên Chúa. Mà Thiên Chúa trong Kitô giáo được mặc khải qua và nơi Đức Kitô – nên thần học là học về Đức Kitô, về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và lời giảng dạy của Ngài. Trong nghĩa này, thần học đồng nghĩa với “kitô học”, là một trong những môn của khoa thần học. Mà Đức Kitô lại được bày tỏ ra trong Thánh Kinh, nên một cách đơn giản – thần học là học về Thánh Kinh.

Ở trên tôi có viết “mặc khải của Thiên Chúa được bày tỏ cho con người qua và nơi Đức Kitô được ghi lại trong Thánh Kinh  dưới sự hướng dẫn của Thánh Truyền”. Lý do là bản văn Thánh Kinh đã được truyền khẩu lâu năm trước khi trở thành văn bản và Giáo Hội không ngừng tìm hiểu, giảng dạy ý nghĩa đích thực của Thánh Kinh. Vai trò của truyền thống và giáo huấn của Giáo Hội rất quan trọng trong việc xác định đâu là bản văn và ý nghĩa đích thực của Thánh Kinh.

Vì thế thần học là suy tư về Thánh Kinh – đã được truyền thống Giáo Hội truyền lại dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội.

 

Billedresultat for Theology

 

Các bộ môn thần học

Thần học bao gồm ba bộ môn: Thánh Kinh, Tín Lý và Luân lý. Bộ môn Thánh Kinh gồm việc học các cơ cấu,thể văn, tính cách linh ứng và khoa chú giải các ngôn ngữ nguyên gốc của Thánh Kinh. Cựu Ước được viết bằng tiếng Do Thái và Aramien, còn Tân Ước bản cổ nhất được viết bằng tiếng Hy Lạp. Tín Lý là bộ môn suy tư dựa trên Thánh Kinh, để khai triển và cắt nghĩa một cách hệ thống các điều phải tin được tóm gọn trong Kinh Tin Kính và các định tín của Giáo Hội – như định tín Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Còn Luân Lý là để trình bày cách tín hữu phải sống thế nào, bao gồm mười giới răn và sáu luật điều Hội Thánh.

Cả ba bộ môn này gắn liền với nhau. Tín Lý không dựa trên Thánh Kinh, thì không có cơ sở vững chắc; còn Luân Lý không dựa trên tín lý thì không có nền tảng. Chúng ta chỉ có thể thực sự hiểu Thánh Kinh khi sống Thánh Kinh – nghĩa là giữ vững niềm tin (tín lý) và sống niềm tin (luân lý).

Thái độ khi học thần học

Thần học là một khoa học đúng nghĩa  vì có đối tượng nghiên cứu là mầu nhiệm Thiên Chúa và các mầu nhiệm tôn giáo.

Vì đối tượng của thần học là Thiên Chúa và các mầu nhiệm tôn giáo, nên người học thần học phải có thái độ khiêm tốn trong kinh nguyện. Điều đó có nghĩa là việc nghiên cứu thần học luôn phải đi đôi với việc sống thần học. Thánh Tomas Aquino, một thần học gia lừng danh của Giáo Hội ngay từ thời trung cổ đã tự nhận rằng – Ngài học được tất cả khi quỳ dưới chân Thánh Giá. Chính vì thế người ta mới hay nói: ”thần học đích thực là thần học quỳ gối!”.

Trong khi triết học tư duy về con người và đặt những câu hỏi căn bản về con người – như: ”Con người từ đâu đến? Sống để làm gì? Chết rồi đi đâu? Đau khổ có ý nghĩa gì hay không? Thế nào là tự do? Có đời sau hay không?” mà không cần tìm lời giải đáp – thì thần học lại nhằm trả lời các câu hỏi đó. Do vậy Thánh Toma Aquino mới viết: “philosophia ancilla theologiae – triết học là nữ tì của thần học”. Nhưng các triết gia ngày nay không đồng ý với chủ trương này, bởi triết học và thần học là hai bộ môn hoàn toàn đặt trên những nền tảng khác nhau và dùng những phương pháp nghiên cứu hoàn toàn khác biệt – mà do vậy nhận định của Thánh Toma Aquino có lẽ chỉ đúng trong tương quan với triết học kinh viện mà thôi.

Những nét khởi thảo cho nền thần học Việt Nam

Nếu Cựu Ước được viết bằng tiếng Do Thái và Aramien, còn Tân Ước bản cổ nhất được viết bằng tiếng Hy Lạp và Đức Kitô đã nhập thể và nhập thế ở Do Thái – tức được ngập chìm trong văn hóa Do Thái – thì ngày nay, nhiều thần học gia Việt Nam – mà tiên phong là Lm. Phêrô Vũ Đình Trác (1927-2003) – trong bài thuyết trình tại đại học hè, Thụy Sĩ, 1996 – đã phác họa những nét khởi thảo cho nền thần học Việt Namđặt  nền trên Triết Lý Âm Dương (cũng gọi là Lưỡng Nghi); Triết Lý Tam Tài; Triết lý Nông NghiệpTriết Lý Truyền Thốngqua các đạo giáo Việt Nam (Đạo Ông Bà; Đạo Khổng; Đạo Lão; Đạo Phật; Đạo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo) – để từ đó đi đến việc tìm hiểu thần học Việt nam trong truyền thống dân tộc và kết thúc trong việc sống thần học Việt Nam trong truyền thống dân tộc với các đạo quân bình toàn diện, đạo sống Thái Hòa và đạo sống an vi.

Ước mong có nhiều thần học gia Việt Nam sẽ đào sâu và trình bày bày con đường khai phóng của Lm. Phêrô Vũ Đình Trác – mà chúng tôi mới lược tóm trên đây – hầu mang lại nhiều chiều kích tốt đẹp cho người Việt chúng ta trong việc tìm hiểu và sống thần học theo tinh thần hội nhập mà Thánh Công Đồng Vatican 2 đã đra.