#GNsP (09.10.2018) – Đường lối của Giáo hội Công giáo Việt Nam “đồng hành với dân tộc” đã được Đức tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, TGP Huế – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, cùng Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, GP Mỹ Tho – Tổng thư ký Hội đồng, thay mặt 7 triệu tín hữu Công giáo minh định với bà Chủ tịch Quốc hội, qua đó với quốc dân Việt Nam:
“Chính quyền kêu gọi các tôn giáo đồng hành với dân tộc, chúng tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng thiết tưởng nên phân biệt rõ dân tộc và chế độ. Lịch sử dân tộc Việt Nam nói riêng và lịch sử thế giới nói chung cho thấy rằng các chế độ chính trị thay đổi theo thời gian, còn dân tộc thì trường tồn. Do đó, phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Chúng tôi nghĩ rằng, đồng hành với dân tộc là đồng hành với những con người cụ thể đã và đang làm nên dân tộc này, nhất là những người cùng khổ và bị quên lãng. Đồng hành với dân tộc là đồng hành với những giá trị làm nên di sản tinh thần và văn hoá của dân tộc Việt Nam: chống ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi, chống cường quyền, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách…
Theo ý nghĩa đó, chúng tôi cho rằng các tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng, luôn đồng hành với dân tộc, vì các tôn giáo khơi dậy những giá trị tinh thần cao quý trong lòng người, dạy các tín đồ của mình tôn trọng công bằng và lẽ phải, sống từ bi bác ái, tôn trọng mọi người vì chính phẩm giá của họ, và như thế, góp phần phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, cộng tác tích cực vào việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.” (HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM. NHẬN ĐỊNH VỀ LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO 2016. Thử gởi bà Chủ tịch Quốc hội. 01.06.2017. số 5).
Tuy vậy, mấy hôm nay, các Fbker lại bàn đến một phát biểu của một linh mục được VOV trích dẫn (rất có thể là VOV ngụy tạo như năm 2008, VTV đã cắt xén và ngụy tao phát biểu của ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt).
VOV viết: “Tại cuộc họp báo sáng nay 8/10 ở Hà Nội, linh mục Trần Xuân Mạnh- quyền Chủ tịch kiêm TTK Ủy ban đoàn kết công giáo Việt Nam khẳng định: Chủ đề của Đại hội là “Đồng hành- Hiệp thông-Phục vụ”.
Đồng hành được hiểu thế nào? Trả lời câu hỏi này, linh mục Trần Xuân Mạnh dẫn lời các đức Giáo hoàng cho rằng “Người công giáo tốt cũng là người công dân tốt, vì chúng tôi vừa kính chúa, vừa yêu nước. Chúng tôi phải làm tốt hai bổn phận giống như con chim 2 cánh, vừa theo đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đặc biệt là Thư chung năm 1980 với phương châm “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”. Về mặt xã hội, Ủy ban có trách nhiệm động viên gần 7 triệu người công giáo Việt Nam chấp hành tự giác các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia tích cực các phong trào của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nghĩa là yêu nước”.
Linh mục Trần Xuân Mạnh khẳng định: Xây dựng tổ quốc quê hương là bổn phận bắt buộc của người công giáo. “Chúng tôi đồng hành với nhân dân để xây dựng quê hương đất nước, chúng tôi hiệp thông với Tòa thánh Vatican và Hội đồng Giám mục Việt Nam, hiệp thông với các chức sắc của Đảng và Nhà nước, hiệp thông lương giáo và mục tiêu cuối cùng là để phục vụ quê hương ngày một tốt hơn”.” (https://vov.vn/…/phung-su-to-quoc-la-trach-nhiem-cua-nguoi-…)
1. Điều đúng, vì đúng nên chỉ cần trích lại mà không cần nói thêm, bài báo đã viết:
“Đồng hành được hiểu thế nào? Trả lời câu hỏi này, linh mục Trần Xuân Mạnh dẫn lời các đức Giáo hoàng cho rằng “Người công giáo tốt cũng là người công dân tốt, vì chúng tôi vừa kính chúa, vừa yêu nước. Chúng tôi phải làm tốt hai bổn phận giống như con chim 2 cánh, vừa theo đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đặc biệt là Thư chung năm 1980 với phương châm “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”.”
“Xây dựng tổ quốc quê hương là bổn phận bắt buộc của người công giáo. “Chúng tôi đồng hành với nhân dân để xây dựng quê hương đất nước, chúng tôi hiệp thông với Tòa thánh Vatican và Hội đồng Giám mục Việt Nam”.
2. Điều sai, vì sai nên phải nói lại cho rõ về những điều bài báo đã viết:
– “Về mặt xã hội, Ủy ban có trách nhiệm động viên gần 7 triệu người công giáo Việt Nam chấp hành tự giác các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia tích cực các phong trào của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nghĩa là yêu nước”.
Ủy ban ở đây là Ủy ban đoàn kết Công giáo (UBĐK), một tổ chức do đảng Cộng sản VN thành lập, trong khối Mặt trận tổ quốc, là cánh tay nối dài của CSVN, hoàn toàn không phải các ỦY BAN trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, nên tự bản chất không liên quan gì đến 7 triệu người Công giáo tại VN cả.
Còn nếu giả sử trong hiến chương hay quy luật gì đó của UBĐK có nhận đó là “trách nhiệm” thì có thể đó là trách nhiệm do đảng CSVN trao phó, tức làm làm tôi cho đảng CS mà thôi.
Sai lầm lớn hơn cả, nếu nhận mình là người Công giáo mà lại còn ép người Công giáo khác “chấp hành tự giác các chủ trương, chính sách của Đảng [CSVN]” là điều nghịch với tín lý Công giáo. Người Công giáo tin có Một Thiên Chúa, do vậy đường lối của niềm tin sẽ chỉ theo một hướng duy nhất đó, để thế giới được cứu độ, dân Việt Nam được phước lành của Thiên Chúa. Còn CS chủ trương vô thần, tức là không có thiên chúa nào cả, nên loại trừ, triệt tiêu niềm tin từ trong văn hóa, giáo dục, cấu trúc xã hội đến lối sống công khai.
Chủ trương của một đảng phái chính trị chỉ có quyền ảnh hưởng tạm thời trên các đảng viên của họ mà thôi. Tại sao tạm thời? Thưa vì khi một hay những đảng viên của đảng chính trị ấy thấy đường lối đó sai lầm hoặc đã quá chán tổ chức chính trị ấy thì họ có thể tự ra khỏi tổ chức, nên không thể có giá trị tuyệt đối được. Tạm là thế!
Còn những người Công giáo với tư cách là công dân sẽ lấy hiến pháp quốc gia mình là thành viên làm nền tảng để thượng tôn pháp luật. Khi đảng cầm quyền vi phạm hiến pháp, người Công giáo yêu nước phải công khai lên án những lạm dụng quyền lực để vi hiến nhằm xâm phạm lợi ích dân tộc, quốc gia và công dân.
– “hiệp thông với các chức sắc của Đảng và Nhà nước…” là biến tướng tổ chức chính trị và chính phủ thành tổ chức tôn giáo. Đảng chính trị thành tôn giáo là núp bóng tôn giáo làm chính trị. Nhà nước càng không thể thành tôn giáo được. Do vậy không thể có ý niệm “chức sắc nhà nước”.
Nhà nước có “quan chức”, “côn bộc”, dù gọi là gì thì họ đều nhận sự ủy thác quyền lực của từng công dân chứ tự thân họ không có quyền đó.
Vậy thôi nhé !
FB Lm. Antôn Lê Ngọc Thanh