Jesus Christmas Nativity Scene With Images Of Baby Backgrounds | JPG Free Download - Pikbest

 

Nguyễn Trọng Lưu

 

Tâm điểm của lễ Giáng Sinh

Đứng trước một sự kiện xảy ra, mỗi ngưòi đều có thể có những cái nhìn rất khác nhau tùy theo vị thế mình lựa chọn.

Chẳng hạn đứng trước biến cố lễ Giáng Sinh, đối với người công giáo và những người tin vào Đức Chúa, đó là khởi điểm của việc hoàn thành hồng ân cứu rỗi đã được loan báo ngay từ thời Cựu Ước qua các ngôn sứ. Với những người không tin vào Đức Chúa, lễ Giáng Sinh chỉ là một huyền thoại không tưởng, được lập đi lập lại một cách vô ý thức, có khi lại còn làm hại cho sự trưởng thành của con người. Còn đối với những người làm thương mại, lễ Giáng Sinh chỉ là một dịp kiếm tiền qua những hàng bán cho giới tiêu thụ mà thôi.

Ở đây, trong khuôn khổ bài này, khi viết về lễ Giáng Sinh, chúng tôi chọn lựa chỗ đứng như Nguyễn Du đã viết trong Kiều:

”Đem lời phương tiện mở đường hiếu sinh” (câu 1750)

– nghĩa là qua những hiện tượng bên ngoài của lễ Giáng Sinh để khai phóng một cái nhìn mới, như một phản chiếu từ Tình-Yêu-Tuyệt-Đối, là tâm điểm của lễ Giáng Sinh.

  

Ánh sáng

Hiện tượng gần gũi nhất, cụ thể nhất đập vào mắt chúng ta trong dịp lễ Giáng Sinh là ánh sáng. Từ nhà ở đến các cửa tiệm và đường phố, chỗ nào người ta cũng chưng nến hay điện đèn sáng chói, với muôn màu rực rỡ, lập lòe trong bóng tối của đêm đen. Từ đèn ngôi sao đến những đèn bảy ngọn, cho đến những hình ông già Noël ngồi xe được những con linh dương kéo trên tuyết để đi trao quà cho các em bé … tất cả đều đẹp, đều diệu vợi, đều mời gọi con người đi vào thế giới của linh thiêng, thế giới nồng ấm của lễ Giáng Sinh.

 

Đèn ngôi sao, được gơi hứng từ Kinh Thánh Tân Ước qua tường thuật về ánh sao dẫn đường cho ba vị hiền triết muốn đi kính bái vị vua mới chào đời (Mt. 2, 2) – nói lên sự huớng dẫn yêu thương, che chở của Đức Chúa cho con người qua hết mọi biến cố trong dòng thời gian. Đèn bảy ngọn – một biểu trưng đặc biệt trong Do Thái Giáo – nhắc nhớ con người tới ngày Sabbat, là ngày của Đức Yahvê. Còn đèn hình ông già Noël đi phát quà cho trẻ em, là biểu tượng cho một niềm tin dân gian, muốn nhắc nhớ con ngưòi hãy biết chia sẻ miếng cơm manh áo cho nhau.

Mà nếu chỉ với ánh sáng con người mới nhìn thấy rõ mọi vật, thì trong cuộc đời của mỗi người cũng phải có một thứ ”ánh sáng”– không phải là thứ ánh sáng của lửa, của mặt trời hay của điện đèn – mà là một thứ ánh sáng nội tại trong sâu thẳm của tâm lòng mỗi người, làm cho mỗi người nhận ra chỗ đứng của mình trong vũ trụ và trong thông hiệp với đất trời và với anh em đồng loại.

Thứ ánh sáng đó đã được H. C. Andersen vẽ lại một cách tuyệt diệu trong chuyện”Den lille pige med svolvstikkerne – Em bé bán diêm”. Chỉ với ánh sáng của một que diêm bé nhỏ, em bé gái đó đã cảm nhận được hơi ấm làm tan đi cái lạnh buốt của gió tuyết mùa đông. Cũng chính cái ánh sáng của một que diêm bé nhỏ đó đã đưa em gặp lại bà ngoại ở một thế giới khác – thế giới vĩnh cửu tràn ắp ân tình mà chỉ riêng hai bà cháu biết được.

Đó là thứ ánh sáng mà triết gia Gabriel Marcel (1889-1973) đã cảm nghiệm được qua ”huyền nhiệm tha nhân”. Triết học của G. Marcel khởi đầu từ một nhận định căn bản: Vivre, c´est vivre avec les autres – sống là sống với tha nhân”. Từ khi được thụ thai cho đến lúc được sinh ra và mãi cho đến ngày chết đi, lúc nào con người cũng được bao bọc trong tình yêu tha nhân, vì chỉ với tha nhân, cái ”tôi” mới được phát triển toàn vẹn. Sống không có tha nhân, thì con người chỉ là một hiện hữu đơn độc, què quặt, chết chóc. Đó là cái què quặt, chết chóc chúng ta đã quá biết qua triết lý buồn nôn, thừa thãi, phi lý của Jean-Paul-Sartre (1905-1980): ”L´enfer, c´est les autrestha nhân là hỏa ngục”. Đó cũng chính là cái chết chóc gớm ghê của các thể chế độc tài, đã biến tha nhân thành những công cụ phục vụ cho quyền lợi của một nhóm người.

Khi nói ”sống với”, là G. Marcel muốn nói đến cái hiện hữu trong sự đón nhận và chia sẻ trọn vẹn với tha nhân. Giá trị của mỗi người sẽ được hình thành tùy vào cái mà tôi ”là” và cái mà tôi ”có” để chia sẻ với tha nhân và ngược lại. Nói một cách khác, ”tôi” có trách nhiệm về hiện hữu của tha nhân mà tha nhân cũng có trách nhệm về hiện hữu của tôi. Triết học của G. Marcel đã khai triển rất sâu sắc những phạm trù sống hiện thực như thủy chung, cảm thông, chia sẻ, cái chết … trong ”Être et avoir” và trong ”Fragments philosophiques”.

Mà ngay cả khi bước vào thế giới mai sau, con người vẫn tiếp tục ”sống” với tha nhân, bởi cái chết chỉ là hiện hữu của các hữu thể trong một trạng thái khác mà thôi. Đó cũng chính là ý nghĩa thẳm sâu nhất của sự hiện hữu của con người mà các triết gia đã định nghĩa rằng con người là ”être-pour-la-mort”. Phải chăng cái nhìn của G. Marcel là một cái nhìn triết học tây phương về ” đạo ông bà” của người Việt Nam chúng ta? (Xin đọc ”Tổ tiên Việt và ngôi nhà Việt Nam” để so sánh).

Đức Phật lại khám phá ra ánh sáng cuộc đời trong ”giác ngộ” – mà tiếng Anh và tiếng Pháp dịch rất chỉnh – ”illumination”có nghĩa là ”làm phát sáng” – và từ đó Ngài dạy cho chúng sinh biết ”chấp mê” để đi vào cõi không an bình cực lạc. Nhiều người đã lầm nghĩ rằng, cõi không của Đức Phật chỉ là hư không, trống rỗng, không tưởng theo kiểu ”néant” của nhiều triết gia tây phương.

Không, ”cõi không” của Đức Phật là cõi hiện hữu của tâm định – mà chúng tôi đã trình bày trong bài ”Cho tôi được tự do thật” – là nơi chỉ có CHÂN, THIỆNMỸ – chỉ có TÌNH YÊU vô vị lợi, tràn đầy từ bi hỷ xả, không còn tranh chấp, không còn hận thù, không còn ”tham””sân””si” và như vậy cũng không còn bị buộc trói vào ”Karma” nữa.

Với việc nhập thể và nhập thế của Đức Giêsu – mà người công giáo và những nguời tin vào Đức Chúa mừng kính trong dịp lễ Giáng Sinh hàng năm – thì thứ ánh sáng nội tại đó lại mang một chiều kích thần linh diệu vợi – mà lý luận và tư duy của con người không thể nào phân tích được, chỉ có thể cảm nhận và sống huyền nhiệm ấy mà thôi. Thứ ánh sáng đó không chỉ còn là một cảm thông, một giao cảm giữa những con người trong kiếp nhân sinh này, mà đã được nối kết, được thăng hoa lên cõi thần linh, được hiệp thông vào với chính Đức Chúa. Ánh Sáng là Lời, mà Lời là chính Đức Chúa và Đức Chúa đã mặc lấy xác người đến ở giữa chúng ta (Yoan 1, 1-18). Đó là kỳ công vĩ đại của Tình-Yêu-Đức-Chúa mà ngôn sứ Isaia trong Cực Ước đã loan báo bằng ngôn từ Emmanuël: Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Why do we have Christmas trees? - BBC Newsround

Lễ Giáng Sinh là lễ của tình yêu và nguyện ước

”Lễ của Tình Yêu” – vì trọng điểm của lễ Giáng Sinh là tình yêu: vì yêu nhân loại mà Đức Giêsu đã nhập thể và nhập thế để giao hòa lại đất với trời, để tháo gỡ con người khỏi xích xiềng của lỗi tội và đem lại cho con người ơn giao hòa với Đức Chúa.

 ”Lễ của nguyện ước” – vì ước nguyện của Đức Giêsu là làm bừng cháy nơi con người tình yêu Đức Chúa và tha nhân.

 Ước nguyện trọn tâm hồn sẽ hướng đến mầu nhiệm làm người của Đức Giêsu

Lễ Giáng Sinh là lễ kỷ niệm việc Đức Giêsu xuống thế làm người. Có lẽ ai cũng đều biết điều này. Nhưng nhiều lúc trong thực tế, chúng ta lại bị cuốn lôi vào những ngoại cảnh như ánh sáng, âm nhạc, ông già Noël, quà tặng mọi người thân thương – mà lãng quên vào nhân vật chính của lễ hội: đó là Đức Giêsu làm người.

Việc đó giống như chúng ta đến dự buổi tiệc sinh nhật của ai đó và tận hưởng theo cách của mình mà quên đi nhân vật chính của bữa tiệc.

Không có gì sai khi mong đợi những điều tốt lành sẽ xảy đến trong mùa lễ Giáng Sinh. Nhưng khi tư duy về ý nghĩa thật sự của lễ Giáng Sinh, chúng tôi nhận ra rằng nhiều khi mong ước của chúng ta thường chỉ quy hướng về chính bản thân. Ước mong mùa Giáng Sinh năm nay chúng ta sẽ suy nghĩ sâu xa hơn về tin vui lớn mà việc giáng sinh của Chúa Giêsu mang đến cho thế giới này với trọn vẹn tâm trí và tấm lòng: ”Vì hôm nay tại thành Đa-vít, một Đấng Cứu Thế, là Đấng Kitô, là Chúa đã được sinh ra cho các ngươi!” (Luc. 2, 11).

 Ước mong sẻ chia ý nghĩa thật sự của lễ Giáng Sinh cho những ai chưa biết

Có một mục sư từng chia sẻ kinh nghiệm của ông tại một nhà hàng trong dịp lễ Giáng Sinh. Tất cả những nhân viên phục vụ đều mặc trang phục ông già Noël. Vì thế, ông hỏi một nhân viên: “Này cô ơi, cô có biết ý nghĩa của lễ Giáng Sinh là gì không? Tại sao tất cả nhân viên ở đây lại mặc trang phục ông già Noel?”. Cô nhân viên ấy lúng túng trả lời: “Có phải lễ Giáng Sinh là để kỷ niệm ngày ông già Noël ra đời không, thưa ông?”

Có thể chúng ta nghĩ rằng ai cũng biết lễ Giáng Sinh là để kỷ niệm việc ra đời của Chúa Giêsu. Thế nhưng thực tế có rất nhiều người xung quanh chúng ta chưa bao giờ đến nhà thờ, và cũng có nhiều người chưa bao giờ được nghe về Chúa Giêsu. Đối với họ, lễ Giáng Sinh đồng nghĩa với ông già Noël, những cây thông, những con linh dương mũi đỏ và người tuyết.

Cầu mong Lễ Giáng Sinh năm nay được tràn đầy lời tạ ơn

Lễ Giáng Sinh thường là dịp mọi người tặng quà cho nhau. Mặc dù đây là truyền thống tốt đẹp, nhưng việc quá bận rộn với những món quà Giáng Sinh sẽ khiến chúng ta không còn tập trung tâm lòng vào việc tạ ơn Đức Chúa nữa.

Lễ Giáng Sinh có ý nghĩa tốt đẹp vì đó là ngày mà Đức Chúa đã ban cho chúng ta món quà tuyệt vời nhất – là chính Con Ngài. Việc giáng sinh của Đức Kitô là minh chứng cho tình yêu lớn lao mà Đức Chúa dành cho chúng ta: chúng ta là ai mà Đức Chúa đã đến thế giới này để cứu chuộc và ban cho chúng ta sự sống mới?

Chỉ khi nào chúng ta nhận thức rằng Đức Giêsu là Đấng duy nhất ban cho chúng ta cuộc sống ý nghĩa tròn đầy, thì lúc ấy lòng chúng ta mới tuôn tràn lòng cảm mến tri ân.

 

Mong ước mọi người sẽ làm những điều đẹp lòng Đức Chúa và ngày càng giống Ngài

Lễ Giáng Sinh được xem là khoảng thời gian để vui chơi, quây quần bên gia đình và bạn bè, và làm cho mọi người hài lòng. Nhưng nếu trọng tâm của lễ Giáng Sinh là Đức Giêsu thì chẳng phải chúng ta nên suy nghĩ và làm những điều đẹp lòng Ngài sao? Đức Giêsu đã đến trong thế gian để cứu chúng ta khỏi hình phạt của tội lỗi, và để dạy chúng ta làm những điều đẹp lòng và tôn vinh Thiên Chúa.

 Chính khi làm như thế, chúng ta đã làm cho Đức Giêsu được sinh ra trong lòng chúng ta. Bởi nếu Đức Giêsu không sinh ra trong lòng chúng ta, thì dù Ngài có sinh ra trăm ngàn lần ở Bethlehem đi nữa, thì những chuẩn bị cho ngày lễ Giáng Sinh cũng chỉ vuột trôi như làn gió nhẹ bay đi trong khoảng không vô vọng mà thôi.

 

                                                             Chúc mừng Giáng Sinh!

God Jul!

Merry Christmas!

Joyeux Noël!

Frohe Weihnachten!

Buon Natale!

Zalig Kerstmis!