Trong lòng tôi có một tổ quốc
Nguyễn Trọng Lưu
Quyền làm người dân Việt
Sau khi Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, kêu gọi tổ chức ngày bảo vệ môi trường vào chúa nhật ngày 07-08-2016 trong toàn giáo phận Vinh – là nơi có nhiều địa phương bị tác động nặng nề bởi thảm họa cá chết hằng loạt xảy ra hồi đầu tháng tư vừa rồi và đến nay hậu quả vẫn còn nặng nề đối với nhiều người dân trong khu vực – thì cộng đoàn giáo xứ Kẻ Đọng – trước khi chầu thánh thể cầu nguyện cho quốc thái dân an – đã cất vang bài hát “Trả lại cho dân” của nhạc sĩ Trúc Hồ và đã được chuyển lên Youtube cho toàn thếgiới biết
https://www.youtube.com/watch?v=dt7qloJxdr0
”Trả lại đây cho nhân dân tôi
Quyền tự do, quyền con người
Quyền được nhìn, được nghe, được nói
Quyền được chọn chân lý tự do
Quyền xóa bỏ độc tài độc tôn.
Trả lại đây cho anh quân nhân
Quyền được sống đời trai hùng
Quyền tự hào, tự tôn nòi giống
Là bảo vệ non nước Việt Nam
Là bảo vệ dân lành Việt Nam.
Trả lại đây quyền phúc quyết của toàn dân
Dân biết điều gì dân cần
Để tự do mưu cầu hạnh phúc.
Trả lại đây quyền chính đáng của người dân
Dân biết chọn gì cho mình
Cho thái bình non nước Việt Nam”.
Qua sự việc này, giáo dân Kẻ Đọng đã ngang nhiên thách thức chính quyền cộng sản để đòi “quyền làm người dân Việt”. Nhưng thật là trớ trêu – khi là người Việt đang sống trên quê hương mình – mà lại phải đòi “quyền làm người dân Việt”! Điều đó chỉ có nghĩa là dân Việt sống trên đất Việt đã bị tà quyền tước đoạt quyền làm người, nên mới phải đứng lên đòi lại “quyền làm người dân Việt” mà thôi!
Từ nhân quyền …
Nhân quyền là quyền được sống như một con người. Đây không phải là quyền mà mỗi người kiếm được hay được thừa kế từ người khác, mà là một quyền bẩm sinh, gắn liền trong bản tính người mà các tổ chức và cá nhân khác phải thừa nhận và tôn trọng. Khái niệm nhân quyền mặc thị bao gồm những quyền tự do căn bản khác cho phép mọi người triển nở đầy đủ và phát huy được hết bản tính người của mình. Đó là những quyền luân lý có tính phổ quát phải được tôn trọng – không phân biệt giới tính, màu da, tôn giáo, tuổi tác, sắc tộc, tầng lớp, quan điểm chính trị. Ý niệm cơ bản về những quyền như vậy bao giờ cũng tồn tại ở tất cả các nền văn hóa và xã hội.
Ngay cả khi luật pháp quốc gia không công nhận hay bảo vệ những quyền này, người dân của đất nước đó vẫn có những nhân quyền bất khả xâm phạm, và không ai có thể phủ nhận.
Vấn đề nhân quyền liên quan và có ảnh hưởng đến tất cả mọi người, không trừ một ai. Mặc dù có nhiều nỗ lực thúc đẩy nhân quyền trên thế giới, song ở nhiều nơi các chính phủ và các cá nhân vẫn tiếp tục có những hành động chà đạp nhân quyền như tra tấn, giam giữ, giết người.
Những cá nhân và chính phủ không tuân thủ các tiêu chuẩn về nhân quyền phải chịu trách nhiệm với người dân của đất nước mình cũng như với cộng đồng quốc tế.
Chỉ khi nào rõ về nhân quyền, chúng ta mới có thể ý thức trách nhiệm không chỉ trong hành động cá nhân, mà còn trong hành động tập thể nhằm bảo vệ và ủng hộ nhân quyền, cũng như mới dám đấu tranh cho những người bị vi phạm nhân quyền. Vấn đề vi phạm nhân quyền chỉ có thể được giải quyết nếu nọi người nhận ra các quyền căn bản của mình và sẵn sàng nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền của mình cũng như của người khác.
Chúng ta cũng chỉ có thể đạt được sự công bằng xã hội và tự do cho người khi tôn trọng và thực hiện nhân quyền.
Ngay từ khoảng năm 2350 trước công nguyên “Bộ luật cải cách” của Urukagina thành phố Lagash đã nói đến những khái niệm về quyền ở một mức độ nào đó, nhưng văn bản chính thức bộ luật đó vẫn chưa được tìm thấy.
Văn bản về bộ luật cổ nhất hiện còn lưu trữ được là “Luật Ur-Nammu” – khoảng năm 2050 trước công nguyên, kế đó là “Bộ luật Hammurabi” từ vùng Mésopotamie – khoảng năm 1780 trước công nguyên – trong đó đã nói đến các các luật và hình phạt nếu những luật này bị vi phạm ở nhiều khía cạnh khác nhau, kể cả nữ quyền, quyền trẻ em, và quyền của nô lệ.
Các tài liệu tôn giáo cũng đề cập đến vấn đề nhân quyền. Kinh Vệ Đà, Kinh Thánh Cựu và Tân Ước, Kinh Koran và sách Luận ngữ của Khổng Tử cũng đã nêu ra những vấn đề về nghĩa vụ, quyền lợi, và bổn phận của con người.
Nhưng bản văn Cyrus mới được coi là hiến chương đầu tiên của nhân quyền thế giới. Bản văn này có từ thời hoàng đế Cyrus II (năm 559-530 trước công nguyên) – là người lập ra đế quốc Ba Tư hùng mạnh. Cyrus luôn tôn trọng các vị thần trong các tôn giáo khác, phục hồi những ngôi đền ở kinh đô Babylon và giải phóng dân ngoại lai thoát khỏi ách nô lệ. Hoàng đế cũng đặt ra luật pháp trị vì muôn dân rất công bằng, chính trực.
Đến năm 1215, Hiến chương Magna Carta của người Anh được công bố năm. Hiến chương này là một trong những tài liệu pháp lý đầu tiên yêu cầu nhà nước để bảo vệ các quyền của công dân của mình – nổi tiếng với luật “habeas corpus – thân xác thuộc về người” và những luật tôn trọng tất cả các quyền hợp pháp của công dân.
Bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” (Déclaration des droits de l’Homme et du citoyen) là văn bản nền tảng của cách mạng Pháp công bố ngày 26.08.1789 – trong đó quy định các quyền cá nhân và quyền tập thể của tất cả các giai cấp dựa trên ý niệm bình đẳng.
Còn Các Công ước Genève – được viết ở Thụy Sĩ từ năm 1864 đến năm 1949 – lại đặt tiêu chuẩn luật pháp quốc tế về vấn đề nhân đạo.
Năm 1948, bà Eleanor Roosevelt, nguyên đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ đã đại diện Liên Hiệp Quốc tuyên đọc bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền này tại Paris. Đây là bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền về các quyền căn bản của con người được đã đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10.12.1948 tại Palais de Chaillot ở Paris, Pháp. Bản Tuyên ngôn đã được dịch ra 375 thứ tiếng.
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là một khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi quốc gia và mọi dân tộc. Tinh thần của bản Tuyên ngôn là dùng truyền đạt và giáo dục để nỗ lực thúc đẩy các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc tôn trọng các quyền căn bản của con người được đưa ra trong tuyên ngôn.
Cũng cần nêu lên Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (ASEAN Human Rights Declaration, viết tắt là AHRD) là văn bản tuyên bố chung về nhân quyền của các nước ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 được tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia vào ngày 18.11.2012 với sự chấp thuận và ký kết của lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN.
Tuyên bố Nhân quyền ASEAN gồm 40 điều khoản, khẳng định mọi công dân ASEAN có 4 nhóm quyền căn bản về dân sự và chính trị, về kinh tế, xã hội và văn hóa, quyền phát triển và quyền hưởng hòa bình. Các quyền này được xây dựng trên những nguyên tắc căn bản là bình đẳng, tôn trọng đặc thù khu vực và sự đa dạng của mỗi quốc gia.
… đến dân quyền
Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền cũng đề cấp đến các quyền dân sự và chính trị – theo đó mọi chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ quyền sống, quyền tự do, và quyền hưởng an toàn cho tất cả các công dân của mình. Các chính phủ cũng phải bảo đảm không ai bị biến thành nô lệ, không ai bị tra tấn, hay giam giữ bất hợp pháp. Mọi người đều được hưởng quyền được xét xử công bằng. Các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, quyền lựa chọn tín ngưỡng và tôn giáo cũng phải được bảo vệ. Tuyên ngôn này cũng khẳng định mọi người có quyền tự do tư tưởng, tiếp cận thông tin, tự do hành động và lựa chọn việc làm, quyền được xét xử công bằng cũng như quyền được tự do tham gia chính trị trong cộng đồng và xã hội của mình mà không bị bắt bớ, không bị cực hình, tra tấn, hay bất kỳ hình thức đối xử, hoặc trừng phạt bất nhân, hay có tính cách lăng nhục.
Quyền tự do – từ nguyên ngữ Hy Lạp ελευθερία – là một khái niệm dùng trong triết học chính trị mô tả tình trạng khi một cá nhân không bị ép buộc, có cơ hội để lựa chọn và hành động theo đúng với ý chí và nguyện vọng của mà không bất cứ một ép buộc nào từ bên ngoài. Quyền tự do này gắn chặt với ý niệm bình đẳng – vì vậy tự do và dân chủ được xem là cặp đôi gắn bó với nhau.
Triết gia John Stuart Mill (20.05.1806-08. 05.1873) – trong hai tác phẩm “On liberty, 1859 – bàn về tự do” và “Considerations on representative government, 1861 – Chính thể đại diện” đã nêu lên bản chất và giới hạn của quyền lực – để công quyền có thể thực thi một cách hợp pháp lên các cá nhân mà vẫn tôn trọng “dân quyền” hay “quyền công dân” để bảo vệ tự do của cá nhân khỏi sự xâm phạm của chính phủ. Quyền này đảm bảo khả năng của một người để được tiếp cận và tham gia vào đời sống dân sự và chính trị của xã hội và nhà nước không được đàn áp hay có phân biệt đối xử.
Quyền làm người dân Việt
Chúng tôi vừa nhận định ở trên – qua sự việc cộng đoàn giáo xứ Kẻ Đọng hát bài “Trả lại cho dân” trong nhà thờ – là giáo dân Kẻ Đọng đã ngang nhiên thách thức chính quyền cộng sản đòi “quyền làm người dân Việt”. Mà khi đòi “quyền làm người dân Việt” ngay khi đang sống trên đất nước của mình – thì chỉ có nghĩa là tà quyền đã vi phạm và đã tước đoạt quyền làm người dân Việt, nên dân Việt mới phải đứng lên đòi lại “quyền làm người dân Việt” của mình mà thôi!
Thực tế, đã có quá nhiều nấm mồ đang chôn vùi tương lai của chúng ta, cũng như của con cái chúng ta mà chúng ta đang phải đối diện. Đó là những chính sách xã hội sai lầm, không vì dân vì nước, nhưng chỉ vì lợi ích phe nhóm của giới cầm quyền. Có quá nhiều những thực tại đang đe dọa giống nòi, đang triệt tiêu sức mạnh của cả một dân tộc với 4000 năm lịch sử, mà có thể trong đó có lỗi của mỗi người chúng ta nữa. Đó là sự thờ ơ trong trách nhiệm công dân, thái độ dửng dưng đối với vận mệnh đất nước.
Những ngày này của 41 năm trước, đất nước chúng ta bắt đầu bước vào một giai đoạn mới mà chúng ta trở thành nạn nhân của những chọn lựa sai lầm trong quá khứ của ý thức hệ cộng sản với những người cầm quyền vô trách nhiệm, đê tiện với những cách hành xử phi nhân và những chính sách xã hội sai lầm khiến đất nước loạn ly, người người ly tán làm suy yếu nội lực cả một dân tộc, biến đất nước chúng ta thành một đất nước lạc hậu và nghèo đói nhất thế giới.
Ấy là chưa kể đến việc Cộng Sản Hà Nội – theo tường trình của UB Đối Ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ – được coi là một chính thể lừng danh vi phạm nhân quyền nặng nề nhất tại Đông Nam Á. Các công ty gọi là tuyển nhân công của chính phủ do Cộng đảng kiểm soát – chuyên buôn bán cung cấp con người từ nam, nữ, trẻ em cho mọi thị trường từ tình dục cho đến lao động khổ sai- đem về một nguồn lợi quá lớn cho đảng.
Thống kê dữ liệu về việc xúc tiến buôn bán con người của Cộng Sản Hà Nội lên đến mức báo động và rõ như ban ngày nhưng đừng hòng tìm thấy từ nguồn tin xác thực từ chính phủ Hà Nội. Bộ Lao Động và Thuơng Binh Xã Hội của Cộng Sản Hà Nội miễn cưỡng đưa ra con số nhỏ bé 2935 nạn nhân từ năm 2004 đến năm 2009 – trong khi các tổ chức quốc tế đã có bản tường trình với con số hơn 400.000 người Việt Nam bị bán đi tính từ năm 1990 cho đến nay; và đó chỉ là con số của những trường hợp buôn bán con người đã bị bại lộ, còn con số những nạn nhân người Việt Nam bị (đảng) bán đi chưa bị bại lộ có thể lên đến thêm cả chục ngàn nạn nhân nữa.
Hình thức buôn bán còn người thông qua chiêu bài “xuất khẩu lao động” cũng không còn lạ gì đối với xã hội Việt Nam. Sau khi Cộng Sản thôn tính Việt Nam Cộng Hòa năm 1975- hàng trăm ngàn lao công đã được “xuất khẩu” sang Liên Xô và khối Đông Âu để trả nợ chiến tranh. Không biết bao nhiêu lao công Việt Nam tại Đông Âu lâm vào cảnh túng quẩn, thất nghiệp và mất khả năng tài chánh để hồi huơng. Cộng Sản Hà Nội cũng nhanh chóng trở thành một tổ chức buôn bán trẻ em, phụ nữ cho thị trường nô lệ tình dục kể từ đó.
Trong Thánh Lễ đêm vọng phục sinh 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chia sẻ rằng chúng ta không thể sống mầu nhiệm phục sinh nếu chúng ta không tiến thẳng vào trong nấm mồ nơi chôn giấu sự chết – là chính những thực tại đang chi phối cuộc đời chúng ta. Đó có thể là nấm mồ của sự tội, của hận thù, của bất công, của những toan tính nhân loại đang kìm kẹp sự tiến bộ của con người. Và, việc tiến vào mầu nhiệm này buộc chúng ta không được sợ hãi thực tại: ở chỗ chúng ta không được khóa kín bản thân mình. Chúng ta không được tẩu thoát khỏi những gì chúng ta không hiểu được. Chúng ta không được nhắm mắt lại trước những vấn đề hay chối bỏ chúng. Chúng ta không được gạt đi các vấn nạn của chúng ta.
Việc tiến vào mầu nhiệm này đòi chúng ta vượt ra khỏi những gì là thoải mái dễ chịu, ra khỏi những gì là lười biếng, dửng dưng, lạnh lùng, vô cảm đang kềm giữ chúng ta lại, và phải xông pha đi tìm chân, thiện, mỹ và tình yêu.
Như thế có nghĩa là Đức Giáo hoàng kêu gọi chúng ta bước chân mạnh mẽ vào giữa cuộc đời, giữa sóng biển trần gian đầy giông tố, trong ý thức trách nhiệm của một con người mang sứ mạng canh tân và làm sống lại những gì đã bị tội lỗi, sự sai lầm trong những chọn lựa chính trị, sự ác, sự bất công đã chôn vùi từng người chúng ta và rộng hơn là quê hương, đất nước chúng ta.
Đảng cộng sản Việt Nam lúc nào cũng tìm mọi cách trù diệt công giáo, phá nhà thờ, cướp đất nhà chung, cướp nhà Dòng Thiên An, đập phá các nhà thờ giáo phận Vinh và còn đánh đập các Linh mục, tu sĩ và xử tù các thanh niên công giáo.
Chế độ cộng sản Việt Nam trong thời chia hai đất nước, tại miền bắc dưới nanh vuốt của cộng sản vô thần, đạo công giáo bị cấm, nhà thờ bị đóng cửa. Nhưng cộng sản càng cấm thì đức tin công giáo càng nở rộ. Theo lệnh chỉ huy của trung ương đảng, tà quyền đã đến cướp phá, tấn công giáo xứ Thái Hà – nhưng đức tin của người công giáo vẫn không hề bị mai một.
Văn thân càng giết Đạo thì máu của người Công giáo càng đâm hoa kết trái mọc lên nhiều người Công giáo khác.
Từ sau khi Chúa Yêsu bị tử nạn, đã có không biết bao nhiêu vụ giết đạo, nơi nầy nơi khác trên khắp địa cầu. Vua Néron thời xưa tại Roma đã giết đạo và đốt cả thành Roma để ca hát vui chơi. Tại Việt Nam thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đã phát động phong trài Văn Thân bắt đạo. Người Công giáo dù già, trẻ đều bị chém giết tàn sát.
Ngày nay tại Trung Đông, bọn khủng bố quốc gia Hồi giáo cũng đặt ưu tiên hàng đầu là giết người theo Thiên Chúa giáo. Và ngày 20.07.2016, tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành sắc lệnh cấm người theo đạo thờ Đức Chúa không được truyền giáo, không được chia sẻ tín ngưỡng ở bất cứ nơi nào ngoài phạm vi thánh đường. Putin xem những người thờ Chúa như khủng bố và sẽ bị xử theo luật chống khủng bố (http://www.vietpressusa.com/2016/07/tt-putin-ra-luat-moi-xem-nguoi-tin-tho.html).
Trong lòng tôi có một tổ quốc
Chúng tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ lại chỉ “nói mãi để mình mình nghe”, nếu chúng ta tiếp tục vô cảm với vận mệnh đất nước, nếu chúng ta không một lòng, một ý, nếu chúng ta tiếp tục để cho những vết thương của quá khứ chia rẽ dân tộc này. Hãy xuống đường tháp sáng niểm tin cứu lấy đất nước và dân tộc Việt Nam sắp bị diệt vong.
Phải chăng đó cũng là điều mà cô Vương Khả Nhi, 17 tuổi, học sinh lớp 10 đã bộc lộ trong diễn văn của mình:
“Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó chính là một nơi công bằng, công chính và không có sự bất công nào cả; trong lòng tôi có một tổ quốc, đó chính là nơi để cho bạn chiến thắng, chiến thắng một cách đường đường chính chính. Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó là nơi lúc nào cũng có thể dang rộng đôi cánh che chở cho tôi; trong lòng tôi có một tổ quốc, bất luận cuộc sống của tôi vất vả gian khổ đến thế nào, thì tổ quốc cũng sẽ khiến cho lòng bạn tràn đầy hy vọng về một tương lai không xa!”