Tình yêu không chết và đó chính là dấu chỉ của sự sống lại 

 Nguyễn Trọng Lưu

 

Lễ hội Halloween

Những ngày vừa qua, chúng ta thấy tại khắp nơi trên thế giới nhất loạt cử hành lễ hội Halloween.

Tầm nguyên của từ “Halloween”“All Hallows’Eve” – có nghĩa là đêm trước ngày lễ các thánh. “Hallow” – trong tiếng Anh cổ – có nghĩa là “thánh”. Tên ngày lễ sau đó được cắt thành Hallowe’en và cuối cùng là Halloween như chúng ta biết ngày nay. Lễ hội Halloween ngày nay bắt nguồn từ dân tộc Celt – một dân tộc sống cách đây hơn 2.000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh Quốc, Ái Nhĩ Lan và miền Bắc nước Pháp. Dân tộc Celt bắt đầu năm mới vào ngày 01.11 dương lịch. Một lễ hội được cử hành vào đêm trước năm mới để vinh danh vị thủ lãnh đã quá cố là Samhain. Ngày lễ hội này báo hiệu mùa lạnh bắt đầu kéo theo những ngày tối tăm – thường được liên kết với sự tàn tạ và cái chết của loài người. Dân tộc Celt tin rằng Samhain cho phép những linh hồn người chết được trở về nhà trên trần gian vào đêm hôm đó.

Năm 43, người La Mã chinh phục vùng đất của dân tộc Celt và cai trị họ khoảng 400 năm. Chính vào thời điểm đó dân Celt có hai lễ hội lớn: một là lễ Felalia được cử hành vào cuối tháng mười để tưởng nhớ những ngưòi đã chết – còn lễ thứ hai để dâng kính thần Pomona, nữ thần La Mã coi về cây và quả. Có lẽ vì nữ thần Pomona mà quả táo đã được kết hợp vào lễ hội Halloween. Tại Anh Quốc, Halloween đôi khi được gọi là ”Nutcrack Night” hay ”Snap Apple Night” vì mọi người trong gia đình ngồi quanh lò sưởi vừa hàn huyên vừa ăn đậu phụng rang hoặc nhai táo.

Trong ngày lễ Felalia – có thể gọi là “Lễ Các Vong Hồn” – những người nghèo đi “khất thực cô hồn” (went-a-souling) và họ sẽ được bố thí bánh trái gọi là ”bánh vong hồn” (soul cakes) để họ hứa là sẽ cầu nguyện cho “các vong hồn.”

Những di dân đầu tiên đến Hoa Kỳ – đa số từ Anh Quốc và một số từ các vùng thuộc dân tộc Celt -đã mang theo lễ hội Halloween tới Mỹ với khá nhiều phong tục khác nhau. Nhưng vì lúc đầu các tôn giáo lớn đưa ra nhiều luật tương đối chặt chẽ, nên việc cử hành lễ Halloween chưa được quảng bá rộng rãi trong dân chúng. Mãi đến thập niên 1800, Halloween mới trở nên tục lệ được nhiều người hưởng ứng.

Vào giữa thế kỷ 19, tục lệ “trick or treat” (theo nguyên nghĩa: ”trick” (đánh lừa) còn ”treat” (tiếp đón) – tạm dịch là ”gõ cửa xin ăn”) chưa được phổ biến ở các thành phố lớn vì ở những nơi này nhiều người ở ngay bên cạnh nhau mà chẳng hề quen biết nhau – cho nên Halloween đôi khi gây ra những sự việc tai hại. Nhưng ngày nay, nhiều cộng đồng, nhiều tổ chức đã đứng ra bảo trợ các tục lệ vui chơi của ngày Halloween, nên nó đã trở thành một ngày lễ hội rất vui thú của trẻ em và một số thanh thiếu niên. Trong tuần lễ Halloween này, trẻ em tây phương mặc quần áo hóa trang và đeo mặt nạ rồi đi từ nhà này qua nhà khác, gõ cửa để gặp chủ nhà và nói câu “trick-or-treat”.

 

Nhưng tại sao trẻ em lại phải mặc quần áo hóa trang?

Dân Celt ngày xưa tin rằng biên giới giữa thế giới của người sống và của người chết rất cận kề bên nhau và do vậy những linh hồn – tốt và không tốt – đều dễ đi qua đi lại. Linh hồn của gia đình, ông bà tổ tiên sẽ được tôn vinh và được mời vào nhà, trong khi các linh hồn không tốt sẽ bị ngăn chặn ngay ngoài từ cửa. Và để phân biệt – người ta phải mặc trang phục và đeo mặt nạ hay có khi bôi đen lên mặt – để không bước vào nhà nào mà chỉ ở bên ngoài mà thôi. Cũng vào ngày Halloween này người chết sẽ quay về nhân gian tìm một cơ thể và nhập vào để được đầu thai vào năm sau. Đó là cách duy nhất để các linh hồn đó có thể được tái sinh.

 

Ý nghĩa nguyên thủy của lễ hội Halloween

Tại sao dưới ánh sáng khoa học và kỹ thuật tân tiến ngày nay mà các nước Âu Mỹ vẫn dành một ngày lễ hội cho người của cõi âm mà đại diện là chàng Jack?

Jack là nhân vật tưởng tượng nhưng đã thực sự hiện diện trong cuộc đời, trong thân phận làm người – mà lại là một người cô đơn. Jack là người nổi tiếng vì nghiện rượu nhưng lại rất thông minh. Anh đã lừa con quỷ Satan trèo lên ngọn cây, sau đó khắc hình một chữ thập lên gốc cây và trói con quỷ trên đó. Jack thỏa thuận với con quỷ nếu nó không trêu chọc anh nữa thì anh sẽ thả nó xuống. Vì phạm quá nhiều tội ác nên khi chết, Jack trở thành cô hồn, không chỗ dung thân: cả thiên đàng lẫn địa ngục đều từ chối chàng! Do vậy, Jack phải đi lang thang nhiều nơi tìm kiếm một chỗ trú chân mà hơi ấm duy nhất sưởi ấm cho chàng trong giá lạnh là ngọn nến leo lét trong trái bí ngô (græskar) thối. Trẻ em thường đục khoét quả bí ngô và khắc hình thù những khuôn mặt lên đó, đặt nến vào bên trong để thắp sáng. Những chiếc lồng đèn này được gọi là “Jack O’Lantern”. Truyền thống lễ hội Âu Mỹ đã dành cho Jack một ngày – một ngày duy nhất được trở lại với cõi dương. Trong ngày đó, Jack có thể sống vui chơi thoải mái, vì người sống đã hóa trang thành ma quỷ để linh hồn Jack có chỗ trà trộn vào cho đỡ cô đơn.

Hành động và cuộc đời của Jack đã trở thành những kinh nghiệm để chúng ta rút ra một bài học làm người: sống không nên tham lam, bủn xỉn, keo kiệt mà phải có lòng bác ái, từ bi, biết giúp đỡ người nghèo đói và không nên chơi đùa với ma quỷ – hiểu theo nghĩa chơi những trò lừa lọc, đe dọa, làm cho người khác sợ hãi và có khi lại làm hại đến người khác và đến cả xã hội nữa.

Ý nghĩa nguyên thủy của lễ hội Halloween là ngày hội ngộ của hai cõi âm dương trong niềm thương cảm bao la. Theo thiển ý của chúng tôi, có thể so sánh ý nghĩa của lễ hội Halloween này với ”lễ xá tội vong nhân” vào ngày rằm tháng bảy âm lịch của nước. Quý độc giả có thể đào sâu ý nghĩa này trong bài ”Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời” (Nguyễn Trọng Lưu, www.cdcgvn.dk).

 

Việc sống lại của người đã chết

 Đến đây chúng ta mới thấy rằng sống – chết thực sự chỉ là hai bề mặt của cùng một cuộc hiện hữu và biên giới giữa sống và chết rất gần kề, nếu không muốn nói hai biên giới này cũng chỉ là một trong cùng một phạm trù – phạm trù của yêu thương. Mà tình yêu thì không hề chết và đó chính là dấu chỉ của sự sống lại. Người chết ra đi mang theo những tình cảm luyến lưu của những người thân còn người sống lúc nào cũng tưởng nhớ và cầu nguyện cho người chết – mà trong văn hóa Á Đông, người chết còn độ trì cho người sống nữa. Để hiểu chính xác ý nghĩa về sự sống lại, xin quý vị hãy đọc bài “Sống, chết và sống lại”, Nguyễn Trọng Lưuwww.cdcgvn.dk

Kinh thánh khẳng định rất nhiều về sự sống lại – như trong Cựu Ước: 1 Các Vua 17, 17-24; 2 Các Vua 4, 32-37 và 13, 20-21 và trong Tân Ước: Luca 7, 11-15; Luca 8, 41-42 và 49-56, Yoan 11,38-44; Công Vụ các TôngĐồ 9, 36-42 và 20, 7-12.

 

Nhưng có người sẽ tự hỏi: “làm sao có thể tin chắc vào việc sống lại?”

Trên bình diện triết học, phạm trù “Chân, Thiện, Mỹ” phải tuyệt đối nơi Thiên Chúa – mà nếu chúng ta làm một tam đoạn luận đơn sơ như thế này chúng ta sẽ thấy.

Nếu nơi Thiên Chúa chân lý phải tuyệt đối, mà Đức Kitô là người đầu tiên Thiên Chúa đã cho sống lại từ cõi chết, thì điều hợp lý là sẽ có những người khác được sống lại – là chúng ta – như lời Ngài đã hứa.

Tình yêu không hề chết và đó chính là dấu chỉ của sự sống lại. Chúng ta sống trong yêu thương trọn vẹn với những người thân yêu đã quá cố (sự tử như sự sinh) và người quá cố cũng độ trì cho chúng ta (ông bà tổ tiên vẫn thường xuyên đi về thăm nom, phù hộ cho cháu con là căn bản hình thành đạo ông bà của người Việt chúng ta) và đó cũng chính là tuyệt đỉnh giao cảm của mầu nhiệm các thánh cùng thông công.

Chính vì thế – nhân lễ hội Halloween này – chúng ta hãy suy nghĩ, hãy sống trọn yêu thương và hãy nguyện cầu cho nhau, nguyện cầu cho hết mọi người quá cố và xác tín lại niềm tin vào Thiên Chúa Phục Sinh – mà ngay trong Job đã viết:  “Nếu một người chết đi, người ấy sẽ sống lại được chăng? Ngài sẽ gọi và con sẽ thưa lại: Ngài mong chờ công trình do tay Ngài tạo dựng” (Job, 14, 14-15).