Nguyễn Trọng Lưu
4. Các giáo phái và giáo huấn của Giáo Hội
Sau khi đã tìm hiểu – dù là rất giản lược, những giáo phái lớn hiện nay trên thế giới – tới đây chúng ta hãy nhìn tổng quát lại những đặc tính của các giáo phái này và đem so sánh với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo.
1. Những đặc tính chung của các giáo phái
Có thể nêu lên 7 đặc tính chung của các giáo phái như sau:
Tất cả các giáo phái đều độc đoán và đe dọa. Quả thế, tất cả mọi giáo phái đều đe dọa con người: nào là những hiểm họa chiến tranh, nào là những cuộc thanh trừng, những tai nạn khi Thiên Chúa lại đến phán xét – mà giáo phái nào cũng nhấn mạnh rằng ”ơn cứu rỗi chỉ được ban cho những người thuộc giáo phái đó mà thôi”.
Các giáo phái đều công bố một thiên đàng trần thế, chẳng hạn giáo phái ”Amis de l’homme” (xem phần 1, mục 12) chủ trương thiên đàng ở vùng Val Saint Germain; giáo phái Famille d’amour (xem phần 2, mục 23) mô tả thiên đàng với những khu nhà hình cầu có lối đi dát bằng ngôi sao. Còn các giáo phái phát sinh từ Á Châu lại nhấn mạnh đến ”ngôi vị” của các giáo chủ trong vườn địa đàng trần thế này.
Các giáo phái đều mạc khải một thứ mạc khải mới – điển hình là giáo phái Mormon. Có nhiều mạc khải lại đi ngược với tâm thức thời đại như J. Smith (giáo phái Mormon) chấp nhận chế độ đa thê – hay mới đây Jim Jones (thuộc phong trào hiện xuống) công bố rằng, chỉ cần nghe đầy đủ các bài giảng của phong trào trên radio hay TV là đương nhiên sẽ hết bệnh ung thư.
Thái độ trốn chạy. Vì tin rằng giáo phái của mình mang lại ơn thánh tẩy mới, nên các phong trào hay hô hào việc xa lánh những người khác đạo, hoặc tẩy chay những tổ chức trần thế như việc không được đến nhà thương (nhóm Science chrėtienne); không được tìm hiểu các tôn giáo bạn (nhóm Scientology).
Các giáo phái hay dùng thủ đoạn để chiêu mộ tín đồ, như trường hợp đề cập đến vai trò của lý trí của nhóm Scientology và việc tưởng niệm sự chết của Đức Kitô của nhóm chứng nhân Yéhovah. Nếu không tìm hiểu và phân tích kỹ càng, người ta dễ đi đến kết luận sai lầm rằng tín lý của Giáo Hội công giáo cũng không khác gì chủ trương của các giáo phái.
Các giáo phái chủ trương cuồng vọng, hiểu theo nghĩa là các giáo phái hay sáng chế kỳ quái, làm cho giáo phái của mình có vẻ ly kỳ, huyền bí – như trường hợp của Georges Roux, cắt nghĩa tên mình là do các chữ Air (R/khí), Eau (O/nước), Lux (UX/ ánh sáng) hay máy đo tâm linh của nhóm Scientology.
Và cuối cùng, các giáo phái đều chủ trương phải tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo. Đây là điểm vô cùng quan trọng – vì thực sự hiện nay, sau Công Đồng Vatican 2, và sau những Thượng Hội Đồng Giám Mục, Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội Tin Lành và Anh Giáo đang có những bước tiến đại kết và đang có những cộng tác để quay về hiệp nhất, thì các giáo phái lại nhất loạt lìa xa Giáo Hội, chống lại Giáo Hoàng La Mã cũng như chủ trương ngược lại với giáo lý truyền thông của Giáo Hội.
2. So sánh những đặc tính chung của các giáo phái này với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo
1. Đối chiếu với nét đặc trưng (1), Giáo Hội công giáo – chiếu theo lời giảng dạy của Đức Kitô, chỉ kêu gọi con người hãy tỉnh thức, vì không biết ngày giờ nào Thiên Chúa lại đến (Đệ Nhị Luật, 18, 21-22; Mt. 24,36: 2 Th. 2, 1-3)
2. Thiên đàng của Giáo Hội Công Giáo (2) không phải là một địa danh, một cõi thế – mà là đời sống vĩnh cửu (Yn. 17,1-3); là nước trời (Lc. 17,20-21); là cuộc sống trường sinh bên Thiên Chúa (Yn. chương 16-17).
3. Đối với người công giáo, mạc khải đã được Thiên Chúa trao ban cho Giáo Hội qua Đức Kitô. Giáo Hội có quyền và có bổn phận phải cắt nghĩa mạc khải. Bởi thế, phải coi chừng các ngôn sứ giả (Mt. 7,15; Mc. 13, 21-22); các người rao giảng những điều trái với Tin Mừng (Gal. 1,1-6) hay các tà thuyết (2Tim.4,3-4).
4. Giáo Hội Công Giáo không bao giở chủ trương trốn tránh xã hội, mà trái lại lúc nào cũng vào đời để đối thoại, để đồng hành. Chính Đức Kitô còn cầu xin Thiên Chúa Cha đừng đưa chúng ta ra khỏi
thế gian mà xin gìn giữ chúng ta trong cuộc đời này Yn. 17, 15-18). Thánh Phaolô còn nhắn nhủ chúng ta hãy đóng thuế và tuân giữ các lề luật của chính quyền (Rm. 13, 1-7).
5. Đức Kitô không bắt buộc ai cũng phải tin theo giáo lý của Ngài, mà đức tin công giáo cũng không phải là một sự cưỡng ép. Lòng tin Kitô giáo là sự tự do tin thờ Thiên Chúa, chứ không bao giờ là một thứ ”mập mờ đánh lận con đen” hay cưỡng bách (Mt. 11, 28-30; Tđcv 10, 34-35)
6. Theo giáo lý công giáo, Đức Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không một giáo thuyết nào có thể tách rời chúng ta ra khỏi Đức Kitô được. Bởi thế Giáo Hội luôn cảnh báo các con cái tránh những mê hoặc, những đam mê hay những phù phiếm bên ngoài (Mt. chương 10, 11 và 19; Tđcv 20, 29-30; 1Cor.10,25-31; 1Yn. 4,1-6).
7. Cuối cùng người công giáo không bao giờ tách rời khỏi Giáo Hội vì Giáo Hội hằng có Đức Kitô ở cùng (Mt. 28,20). Nếu cành nho không bao giờ lìa khỏi thân, thì người công giáo cũng không bao giờ được tách rời khỏi Giáo Hội (Heb. 13,7-9; 2Pet.2,1-2; 1Yn.22,18-19 và 24).
Bởi thế cứ so sánh 7 điểm này, chúng ta có thể tự đánh giá được giá trị của các giáo phái.
Sống niềm tin giữa lòng thời đại hôm nay
Để kết thúc loạt bài ”Tìm hiểu những giáo phái” này, thiết nghĩ chúng ta phải nêu lên hai câu hỏi sau đây: Có thể rút ra những giá trị tích cực nào từ hiện tượng những giáo phài này không? Và làm sao để sốn đức tin giữa lòng thời đại hôm nay?
Giá trị tích cực
Xin nhấn mạnh – tôi dùng cụm từ ”giá trị tích cực từ hiện tượng các giáo phái”. Điều này có nghĩa là tôi hoàn toàn không chấp nhận giá trị tín lý của các giáo phái, mà chỉ muốn từ những hiện tượng các giáo phái – xét như là các biến cố lịch sử – để rút ra một giá trị tích cực mà thôi.
Phải thành thật nhận rằng, hiện tượng các giáo phái chứng tỏ cho chúng ta thấy lúc nào con người cũng mang trong mình một khát vọng tuyệt đối, một âm vang làm chúng ta phải khắc khoải đi tìm một giá trị vĩnh cửu. Đó chính là điều mà tôi gọi là ”căn thiện”nội tại trong mỗi người qua các bài ”Cây rừng còn xanh lá” và ”Thiên căn ở tại lòng ta” – còn thánh Augustinô trong cuốn ”Confessions” – khi tra vấn về câu hỏi nền tảng ”con người là ai?” đã diễn tả rất chính xác: ”Ngài đã dựng nên chúng con để hướng về Ngài nên tâm hồn chúng con không thể nghỉ yên cho đến khi được yên nghỉ trong Ngài”. Mà nếu thế, thì quả thực, việc rao truyền Phúc Âm, việc công bố Thiên Chúa cho những người khác vẫn còn là điều cần thiết và cấp bách.
Thứ đến, việc thể hiện một tình thương – cho dù độc đoán, khép kín đối với các người cùng giáo phái – cũng là một dấu chỉ đòi buộc chúng ta phải xét lại lòng bác ái của chúng ta đối với những người đồng đạo và đối với hết mọi người. Quả thế, biết bao lần chúng ta đã thực sự bỏ quên, hay tệ hơn, còn cố tình không tỏ mộ thái độ yêu thương, đón nhận tha nhân, là anh em con cùng một Thiên Chúa với chúng ta. Đó là cảm nghiệm của tôi khi viết bài ”Phá tan những ngục tù vô hình”.
Chính vì thế, theo thiển ý của tôi, ít nhất các giáo phái cũng là một thách đố mời gọi chúng ta hãy xét lại niềm tin và lòng bác ái của chúng ta.
Sống niềm tin
Nhưng làm thế nào để sống niềm tin giữa lòng thời đại hôm nay?
Trước hết, phải tìm hiểu Kinh Thánh và giáo lý công giáo, đến độ thấm nhuần và thông hiểu. Bởi nếu chúng ta không biết rõ về Thiên Chúa và về giáo lý mà chúng ta tin nhận, thì làm sao có thể đối thoại với những người thuộc các tôn giáo khác? Làm sao có thể thích ứng được với những não trạng khoa học của thời đại này?
Thứ đến, phải sống ý nghĩa đích thực của lòng bác ái. Một tình bác ái chân thật, không vụ hình thức, không ngoài môi miệng, không chỉ thuần túy bằng việc đóng góp tiền bạc vào các công việc từ thiện – mà phải thực lòng đón nhận, cảm thông và tha thứ cho nhau.
Quả thế, nếu đem cân bằng phương trình:
Thiên Chúa = tình yêu
mà con người = hình ảnh của Thiên Chúa
thế thì tại sao chúng ta lại không yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta?
Đó cũng chính là ý nghĩa tôi muốn nhắm tới khi viết loại bài này. Phải chăng chính vì những thiếu sót – hay tệ hơn – vì những tội lỗi đức bác ái mà trong lịch sử đã làm phát sinh những giáo phái?
Mà nếu quả thật như thế, thì đây là lúc thuận tiện để chúng ta sửa lại thái độ để thực sự sống đúng và sống trọn vẹn niềm tin Kitô giáo vậy.