Nguyễn Trọng Lưu
Khi còn ở Việt nam có lẽ chúng ta không nghe biết nhiều về đạo Hồi, nhưng hiện nay sống bên Tây Âu này, có lẽ chúng ta nên tìm hiểu chính xác về Hồi Giáo, để có thể kính trọng và đón nhận.
Tiên tri Muhammad
Theo những nhà sử học chuyên nghiên cứu về Hồi Giáo, thì tiên tri Muhammad chào đời ngày 12. 03 năm âm lịch Ả Rập – tức khoảng năm 570 sau công nguyên, tại thành Makkah và mất ngày 08.06.632 tại Madinah. Hai thành phố Makkah và Mahdina nay thuộc về miền tây của nước Saudi Arabia.
Danh xưng Muhammad trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “người được ca ngợi”.
Tín đồ Hồi Giáo trên khắp thế giới thường gọi tiên tri Muhammad bằng các danh từ tiếng Ả Rập như Nabi (al-nabi,النبي) có nghĩa là “Sứ Giả của Thượng Đế“, hay Rasul-Allah (رسول الله) có nghĩa là “Khâm Sai của Thượng Đế“ – hoặc ngắn gọn là Rasul.
Những tín đồ sùng đạo khi nhắc đến tên của tiên tri Muhammad thường kèm theo câu chúc tụng “Sall-Allahu alayhi wa salam – cầu xin Allah ban ân phước và sự bình an cho ngài” – thường được dịch sang tiếnq Anh là “Peace and Benediction Upon Him”, viết tắt là PBUH, hoặc tiếng Pháp là “Paix et Bénédiction Sur Lui”, viết tắt là PBSL.
Tiên tri Muhammad là con đầu lòng của đức ông Abd-Allah – thường viết là Abdullah – và đức bà Aminah. Nhưng Ngài không được biết mặt cha – vì trên một chuyến đi buôn xa, cha ngài lâm bệnh và từ trần – chỉ một vài tuần trước khi Muhammed chào đời. Mẹ con ông từ đó được ông nội ông cấp dưỡng.
Mẹ ông là người có học vấn và đã sáng tác một số bài thơ, vẫn còn giữ được đến ngày nay. Tiếc thay, bà qua đời một cách đột ngột lúc Muhammad lên sáu. Ngài được ông nội rước về nuôi. Nhưng tuổi cũng đã cao, nên ông nội cũng chỉ ở được với Ngài hai năm. Kế đó, Ngài được người bác là Abu Talib nuôi nấng và dạy dỗ. Ông Abu Talib cũng là người thừa kế chức quản lý đền Al Haram.
Giống như nhiều người dân Makkah, tiên tri Muhammad theo nghề buôn bán. Và cũng như phần đông người Makkah thời bấy giờ, Ngài không biết đọc và viết. Gặp năm đói kém, kinh tế thành Makkah bị suy thoái – nên bác Ngài, ông Abu Talib – mới đề nghị Ngài làm việc cho một goá phụ giàu có – bà Khadija, để quản lý cho bà các chuyến buôn hàng đường xa. Sau một thời gian làm việc cho bà, tiên tri Muhammad đã thành hôn với bà. Phần nhiều các tài liệu nói rằng lúc ấy bà Khadija tuổi đã 40, nhưng theo sách của Baladhuri, thì lúc ấy bà chỉ mới 28. Tất cả tài liệu đều nói rằng sau đó hai người sống với nhau hạnh phúc đến lúc bà Khadija qua đời, khoảng 24 năm sau.
Trong khoảng 10 năm tiếp theo, bà Khadija sinh cho Muhammad 7 người con, 3 trai 4 gái. Đầu tiên là một bé trai, tên là Qasim, nhưng chỉ sống được đến lúc vừa mới biết đi. Chỉ những người con gái mới nuôi được đến lúc trưởng thành – nổi tiếng nhất là người con gái út, tên là Fatima.
Những ngày cuối cùng
Mặc dù là lãnh tụ của một quốc gia rộng lớn, nhưng tiên tri Muhammad vẫn sống giản dị, ở nhà cửa sơ sài. Ngài không đòi hỏi sự phục dịch, tự tay xách nước giếng khi cần tắm rửa. Ngài thường nhịn chay, và tránh ăn hai thứ thịt trong một bữa. Trong thời gian bà Khadija còn sinh tiền, Ngài sống chỉ một vợ một chồng. Sau khi bà Khadija qua đời khoảng một năm thì Ngài tục huyền với một góa phụ, và sau đó thành hôn với mấy người nữa, đều là góa phụ hay đã ly dị chồng – ngoại trừ với cô Aisha con ông Abu Bakar.
Đầu năm 11 Hijri, sức khỏe Ngài kém hẳn. Vài lần thấy mình không đủ sức dẫn lễ cầu nguyện một ngày 5 lần ở thánh đường, nên Ngài nhờ ông Abu Bakar dẫn lễ thay. Ngài kiểm lại tài sản, thấy có chút ít đất đai thì Ngài để lấy huê lợi cho gia đình, còn 7 đồng dinar thì bố thí cho người nghèo. Ngài cũng còn thanh gươm trị giá mấy đồng tiền vàng gởi cho người rể út là Ali, và một chiếc áo giáp nằm ở một hiệu cầm đồ người Do Thái ở Medina.
Ngài qua đời ngày 12 tháng 3 âm lịch Ả Rập, cũng là sinh nhật của Ngài. Thi hài Ngài được an táng trong khuôn viên thánh đường gần nhà, nay gọi là thánh đường Al-Nabawi – Thánh Đường Thiên Sứ. Khi thánh đường được mở rộng, phần mộ Ngài nay nằm trong tòa đại điện.
Thời kỳ truyền đạo ở Makkah
Tuổi gần 40, với cuộc sống tạm an ổn, Ngài thường có vẻ trầm tư mặc tưởng, và hay đi đến núi Nur – núi “Ánh Sáng” – ở ngoại ô Makkah và hay vào động Hira tham thiền nhập định theo lối tu khổ hạnh. Có khi Ngài ở đấy hằng mấy ngày liền, bà Khadija phải cho người mang thức ăn nước uống đến cho Ngài.
Mặc dù mỗi nơi tự cai trị lấy, nhưng thành Makkah lại có một địa vị đặc biệt, là trung tâm tôn giáo của phần lớn bán đảo Ả Rập, vì có đền Al-Haram và tòa nhà vuông Ka’aba. Tương truyền Ka’aba là một ngôi đền do tổ phụ Abraham và con trai là Ishmael dựng lên để thờ Thiên Chúa.
Chính Ngài kể lại rằng, năm được 40 tuổi, vào một đêm cuối tháng 9 âm lịch Ả Rập (tháng Ramadan), tại động Hira, một nhân vật bằng ánh sáng đã hiện ra và nói với Ngài rằng:
”Ta là Thiên Sứ Gabriel, được Thiên Chúa phái đến đây để báo cho anh được biết, anh được chọn làm sứ giả của Ngài. Thiên Sứ dạy ông tẩy rửa theo nghi thức, và sau đó đưa một tấm lụa dài có thêu chữ bảo Ngài đọc. Nhưng Ngài trả lời rằng: ”Tôi không biết đọc!”. Thiên Sứ mới ôm siết lấy Ngài và nói: ”Hãy đọc, nhân danh Chúa của ngươi, Đấng đã tạo ngươi từ một hòn máu đặc!” Tức khắc Ngài liền đọc được.
Động Hira là nơi – theo các học giả Islam – tiên tri Muhammad nhận được mặc khải lần đầu tiên. Sau nhiều tháng hoang mang tự hỏi xem sức khỏe và tâm trí mình có bình thường hoặc có bị tà ma ám ảnh không, và sau khi kiểm điểm điều đó với những người thân cận nhất, Ngài mới dần dần tin rằng mình được Thiên Chúa trao sứ mệnh cứu độ một phần nhân loại. Ngài còn thấy Thiên Sứ Gabriel tiếp tục đến nhiều lần và dạy những lời kinh bảo Ngài học thuộc.
Kinh Koran, các lời Hadith và câu truyện Sunnah
Những tài liệu căn bản về cuộc đời tiên tri Muhammad gồm có kinh Koran, các lời Hadith và các câu truyện Sunnah.
Kinh Koran
Kinh Koran là những lời mặc khải từ Thượng Đế được Thiên Sứ Gabriel mang đến cho tiên tri Muhammad. Một số câu trong Koran phản ánh những biến cố, những tình huống trong đời tiên tri Muhammad. Mặc dù các câu không theo thứ tự thời gian, và không có ghi rõ năm, nhưng kinh Koran được coi là tài liệu tham khảo quan trọng nhất vì là tài liệu xưa nhất, mà ngày nay trên khắp thế giới – các ấn bản của kinh Koran đều giống y nhau từng chữ, nên kinh Koran cũng được các học giả trong và ngoài đạo coi là tài liệu ít bị sai lệch so với nguyên bản nhất.
Các lời Hadith
Lúc sinh tiền, tiên tri Muhammad ngăn cản không cho tín đồ chép lại lời nói của mình, mà chỉ khuyến khích mọi người cố gắng học thuộc kinh Koran. Nhưng sau khi Ngài qua đời, một số người vận dụng trí nhớ để chép lại những lời đó – một cách trực tiếp nếu đã từng gặp Ngài, hoặc một cách gián tiếp khi nghe những người thân cận Ngài nhắc lại. Những lời đó được gọi là lời Hadith.
Chưa đầy 200 năm sau khi ông từ trần, những lời được gọi là “lời Hadith” nhiều đến khoảng 700.000 lời. Một số học giả đã đi gom góp, gạn lọc và xuất bản lại một số ít những lời đó. Chẳng hạn Ahmed Ibn Hanbal (780 – 855), chép lại khoảng 40.000 lời hadith trong bộ sách “Musnad”. Ít lâu sau, học giả Al-Bukhary (810 – 870) đã sưu tầm được 750.000 “hadith” nhưng chỉ chấp nhận 7275 lời coi là “Sahih” (xác thực) trong bộ sách “Sahih Bukhary” của ông.
Câu truyện Sunnah
“Sunnah” tiếng Ả Rập có nghĩa là “truyền thống”. Đó là những mẩu truyện thuật lại những việc tiên tri Muhammad đã làm trong các tình huống cụ thể.
Những tín đồ đầu tiên
Và tiên tri Muhammad bắt đầu truyền đạo Islam. Những giáo điều căn bản của Islam trong buổi ban đầu gồm có: hãy noi gương các vị thánh đời trước (Adam, Noah, Abraham, Maisen, David, Chúa Yêsu); chỉ thờ phượng một Đấng Thượng Đế, và tránh xa việc cúng lạy các pho tượng, chỉ là tác phẩm của bàn tay con người; hãy giúp đỡ người nghèo khó, cô quả và tránh tích lũy tài sản, tránh cho vay nặng lãi; hãy kính trọng, hiếu thảo với cha mẹ; đừng giết con thơ, nhất là con gái vì lo rằng không đủ sức nuôi; hãy chăm lo làm điều thiện và giữ mình tránh tạo tội ác vì mọi hành động của mỗi cá nhân đều được thiên thần ghi chép và đến ngày phán xét cuối cùng sẽ được tổng kết, ai phần phước nhiều hơn phần tội sẽ được lên Thiên Đàng, và trái lại sẽ bị sa địa ngục.
Người tín đồ đầu tiên là bà Khadija, vợ Ngài. Kế đến là người nô lệ vừa được Ngài trả tự do tên là Zaid. Rồi Ngài làm một buổi tiệc mời thân bằng quyến thuộc đến nhà, và giới thiệu về Islam. Sau buổi tiệc đó, có anh họ của Ngài là Ali (con của ông Abu Talib) lúc ấy mới 12 tuổi, tuyên bố theo đạo. Kế đến là người bạn chí thân của Ngài – ông Abu Bakar, một doanh nhân giàu có. Ông Abu Bakar vừa theo đạo xong liền trả tự do cho 8 người nô lệ của ông. Ông cũng truyền đạo rất tích cực và ngay cả con rể của tiên tri Muhammad là ông Othman cũng theo đạo.
Buổi giảng trên đồi Safa
Khoảng năm 613, một hôm, theo tập quán cổ truyền khi có việc hệ trọng, tiên tri Muhammad kêu gọi mọi người quy tụ trên đồi Safa, trong phạm vi Makkah. Ngài bắt đầu bằng câu hỏi:
“Mọi người có tin không nếu tôi nói rằng phía sau ngọn đồi này đang có một đoàn quân đang hạ trại để chuẩn bị tấn công chúng ta? Người ta trả lời rằng: Ngài chưa hề nói dối, dĩ nhiên Ngài nói gì ai cũng sẽ tin.Và tiên tri Muhammad mới nói rằng rằng:”Thiên Chúa đã sai phái tôi đến cảnh cáo mọi người, và ai không nghe tôi hãy coi chừng cơn thịnh nộ của Ngài”.
Từ đó, Ngài thường xuyên ra giảng đạo trước công chúng.
Đêm Miraj
Tranh vẽ của Ba Tư vào thế kỷ 16 thuật lại việc thánh Muhammad cưỡi thiên mã lên trời (Miraj).
Một ngày trong năm 620, tiên tri Muhammad kể lại với tín đồ và công chúng rằng đêm qua thiên thần Gabriel đã rước Ngài đi Yêrusalem. Tại Yêrusalem Ngài đã cầu nguyện tại nơi ngôi đền mà xưa kia thánh vương Solomon đã dựng lên lần đầu tiên. Sau đó Ngài cưỡi con thiên mã Al Buraq lên các tầng trời, được gặp các thánh đời trước như tổ phụ Adam, Chúa Yêsu, thánh Maisen và thánh Abraham rồi được vào bái kiến Thiên Chúa. Dịp này, tiên tri Muhamad đã nhận được lệnh là các tín đồ Islam phải cầu nguyện 5 lần mỗi ngày.
Từ đó việc cầu nguyện mỗi ngày 5 lần trở thành giáo điều căn bản của Islam. Ngày nay, tại các xứ Islam, mỗi năm ngày 27 tháng 7 âm lịch Ả Rập là ngày nghỉ lễ kỷ niệm chuyến đi lên thượng giới của tiên tri Muhammad, gọi là chuyến đi Miraj.
Năm cột trụ của Hồi Giáo
Người theo đạo Hồi lập nền tảng cho cuộc sống của họ trên 5 trụ cột sau:
- Lời chứng của đức tin: “Không có thần thánh nào thực thụ ngoại trừ Thiên Chúa (Allah), và Muhammad là Tiên Tri của Thiên Chúa.”
- Cầu nguyện: mỗi ngày phải cầu nguyện năm lần.
- Ban tặng: hãy ban cho người nghèo khó, vì tất cả đều đến từ Allah.
- Ăn chay: Tất cả người Hồi Giáo phải ăn chay một tháng trong lễ kỷ niệm Ramadan (vào tháng 9 của Lịch Hồi Giáo).
- Hajj: mỗi tín đồ Hồi Giáo phải hành hương tới Makkah ít nhất một lần trong đời (vào tháng 12 của Lịch Hồi Giáo).
Năm giáo lý này phải được thực hiện hết sức nghiêm chỉnh theo đúng nghĩa đen của nó. Lối vào thiên đường của người Hồi Giáo dựa trên việc tuân phục 5 trụ cột này.
Những điểm dị biệt giữa giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo
Hồi Giáo tôn thờ Thiên Chúa duy nhất, nhưng lại chối bỏ khái niệm về Thiên Chúa Ba Ngôi và chỉ chấp nhận vài phần trong Kinh Thánh, như sách Luật và Phúc Âm. Các văn bản cổ xưa ở bán đảo Ả rập dường như cho thấy rằng Kitô hữu vùng Arabia trước thời tiên tri Muhammad đã gọi Thiên Chúa là Đấng Allah. Từ ngữ Allah có nghĩa là Thiên Chúa, tương đương với từ ngữ “Theos” của Hy Lạp – được dùng trong Tân ước để gọi tên Thiên Chúa. Hồi Giáo cho rằng Chúa Yêsu chỉ là một nhà tiên tri, mà không phải là con của Chúa Cha. Mặc dù được sinh ra bởi trinh nữ, nhưng Chúa Yêsu lại được tạo ra từ cát bụi của thế gian giống như Adam – nhưng Đức Yêsu lại không chết trên Thập Giá.
Hồi Giáo dạy rằng con người lên đến thiên đường chỉ do những việc tốt và sự vâng phục vào kinh Koran. Nhưng Kinh Thánh, ngược lại, dạy rằng con người không thể nào tự đạt tới sự thánh khiết của Thiên Chúa, mà chỉ nhờ ân điển và tình yêu của Thiên Chúa, tội nhân mới có thể được cứu rỗi khi tin vào Đức Kitô (Êphêsô 2, 8-9).
Đối thoại với anh em Hồi Giáo
Ngay từ năm 1219, Thánh Phanxicô – Đấng sáng lập dòng anh em hèn mọn – và anh Illuminato Rireti đã sang Ai-cập, và đến Damieta để gặp quốc vương Hồi giáo, trong khi các đoàn quân Kitô hữu đang công phá thành này. Hai anh em đã bị một trận đòn tơi tả vì bị ngộ nhận là gián điệp. Vì hai anh cứ kêu tên quốc vương Hồi giáo, toán lính nghĩ là hai người đã đào ngũ khỏi đoàn quân Kitô hữu để sang nhập đạo Hồi, hoặc muốn thương lượng, nên họ đã đưa hai người đến gặp nhà vua. Cuộc gặp gỡ của Thánh Phanxicô và quốc vương Al Kamil, một người hành khất Kitô hữu và một vị quốc vương Hồi giáo có thể coi là cuộc đối thoại đầu tiên giữa Công Giáo và Hồi Giáo.
Trong thời gian ở trong thành Damieta, hai anh em lại khám phá ra là người Hồi giáo rất tha thiết cầu nguyện – mỗi ngày năm lần. Những con người này không chỉ là anh em vì là con cháu của Adam và vì Đức Yêsu đã đổ máu ra mà cứu chuộc họ – mà họ còn là anh em vì có sự hiệp thông do việc cầu nguyện với một vị Thiên Chúa duy nhất.
Hồi giáo quả là xa vời với chúng ta, nhưng chúng ta cũng cần nghĩ đến những người có tôn giáo – nhưng tôn giáo khác với chúng ta. Niềm tin chung vào Thiên Chúa hay Thượng Đế là một giá trị căn bản. Khi nhìn nhận mọi dân tộc là những tạo thành của Thiên Chúa, đức tin cũng đòi buộc chúng ta hiểu rằng chúng ta là thành phần của một huynh đệ đoàn vũ trụ: “tứ hải giai huynh đệ”. Chính Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan Phaolô 2 đã nói như thế trong bài nói chuyện của ngài ngày 28-9-1986. Chúng ta cần học gặp gỡ, tiếp đón, thông cảm và chia sẻ với hết mọi người.
Còn Đức Phanxicô – từ khi được bầu làm Giáo Hoàng năm 2013, Ngài liên tục đưa tay về phía người Hồi Giáo, đến nỗi đôi khi gây bất bình cho tín đồ Công Giáo. Ngài đã đến thăm các đền thờ đạo Hồi, rửa chân cho các di dân Hồi Giáo trong dịp lễ Phục Sinh, mang theo ba gia đình Syria theo đạo Hồi từ đảo Lesbos, Hy Lạp về Vatican cư ngụ.
Ngày 28.04.2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến Ai Cập với hy vọng tái lập đối thoại giữa Công Giáo và Hồi Giáo, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ các tín đồ Cơ Đốc vùng Cận Đông đang là nạn nhân những vụ tấn công liên tục của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, IS.
Bất chấp mọi nguy cơ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn yêu cầu di chuyển bằng xe bình thường không có kính chống đạn, trong chuyến thăm Cairo 27 tiếng đồng hồ ngắn ngủi. Ngoài Giáo Chủ Chính Thống Giáo Théodore II của Alexandria, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sissi và giáo chủ Hồi giáo Ahmed Al Tayeb, phụ trách đền thờ Al Azhar chuyên giảng dạy đạo Hồi Sunni.
Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và hoàn thành những nguyện ước này.