Nguyễn Trọng Lưu
Sau 21 tháng chuẩn bị – Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon đã được tổ chức tại Vatican từ ngày 06.10.2019 đến ngày 27.10. 2019. Thượng Hội Đồng đã quy tụ được 113 Giám Mục đến từ vùng Amazon, 13 vị thủ lãnh các cơ quan trung ương Tòa Thánh, 33 nghị phụ gồm các Hồng Y, Giám Mục và Linh Mục do Đức Thánh Cha bổ nhiệm và 15 linh Mục do Hiệp Hội các Bề Trên tổng quyền dòng nam bầu lên. Ngoài ra còn có các dự thính viên – gồm 10 nữ tu bề trên – cũng được hiệp hội các nữ bề trên tổng quyền bầu lên và 17 người thổ dân bản xứ, đại diện cho hàng trăm bộ tộc khác nhau từ miền Amazon.
Ấy thế mà cho đến nay – nhiều người vẫn còn không hay biết, còn một số khác đã hiểu sai và khẳng định những tin tức không đúng – thế nên tôi muốn trình bày chính xác những diễn tiến và hướng đi của Thượng Hội Đồng này.
Vùng Amazon
Vùng Amazon là một dải lụa xanh ngắt trải dài và rộng theo lưu vực sông Amazon – nằm trong 9 lãnh thổ quốc gia của khu vực Nam Mỹ – mà 60% thuộc lãnh thổ Brazil còn lại thuộc về Colombia, Peru, Ecuador, Venezuela, Guyana, Bolivia, Suriname và Guyana thuộc địa Pháp – với một diện tích khoảng 7 triệu km2 – nhưng chỉ có khoảng 35 triệu cư dân, thuộc 390 bộ lạc khác nhau với hơn 240 ngôn ngữ. Khí hậu vùng Amazon rất ẩm và nóng.
Người bản địa Amazon sống theo kiểu du mục: họ sống tại một nơi trồng trọt mùa màng tại đó tới khi đất hết màu thì họ sẽ chuyển đi nơi khác. Họ sống bằng việc canh tác, săn bắn và đánh cá.
Hiện nay diện tích của rừng Amazon đang bị thu hẹp bởi các chủ trang trại thường đốt và chặt rừng để mở rộng diện tích cho việc chăn nuôi gia súc và canh tác nông nghiệp. Việc chặt phá rừng Amazon đã và đang gây ra các hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho môi trường như: hàng nghìn động vật bị mất đi nơi sinh sống, cư dân toàn cầu sẽ phải đối mặt với tình trạng khí hậu bị tác động. Phần khí thải và khói của việc đốt rừng sẽ thâm nhập vào bầu khí quyển, làm dày tấm màn CO2 bao phủ trái đất khiến nhiệt độ không thoát khỏi trái đất làm cho toàn cầu bị nóng.
Việc khai thác mỏ là ngành đặc biệt quan trọng với nền kinh tế của Brazil. Khoáng sản tại khu vực rừng Amazon gồm: bauxite, kim cương, sắt, mangan, đồng, thiếc, vàng và chì. Tình trạng đào vàng và khai thác khoáng sản ở khu vực rừng Amazon đang đươc các công ty cạnh tranh mạnh mẽ.
Khoảng 10.000 tấn thủy ngân được sử dụng trong quá trình khai thác bị đổ xuống các dòng sông làm cho các loại động vật, cây cối và khu sinh sống tự nhiên tại khu vực này bị phá hủy trầm trọng.
Nhìn thấy những vấn đề đặc thù về đạo công giáo tại vùng này và nhìn thấy những nguy cơ sinh thái đang xảy ra cho vùng Amazon có ảnh hưởng đến toàn cầu, nên Đức Giáo Hoàng Phanxicô năm nay đã tổ chức Thượng Hội Đồng Giám Mục Amazon.
Thượng Hội Đồng Giám Mục là gì?
Ngay từ hồi Giáo Hội sơ khai đã có các Thượng Hội Đồng Giám Mục rồi, nhưng với nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, với hình thức hiện nay, thì Thượng Hội Đồng Giám Mục chính là kết quả của Công Đồng Vatican 2 (1962-1965). Đức Thánh Cha Phaolô 6 là người đã trực tiếp lập ra Thượng Hội Đồng Giám Mục. Công Đồng Vatican 2 cũng quyết định rằng, không phải tất cả mọi Giám Mục Công giáo đều phải tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục, nhưng chỉ có một số đại diện mà thôi.
Đức Thánh Cha sẽ là người triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng như sẽ ấn định đề tài cho Thượng Hội Đồng do Ngài triệu tập. Hiện tại, cứ khoảng ba năm thì Thượng Hội Đồng Giám Mục thường niên sẽ diễn ra một lần. Cũng có những Thượng Hội Đồng ngoại thường – và lẽ dĩ nhiên – những thượng Hội Đồng này cũng phải do Đức Thánh Cha triệu tập. Sau khi kết thúc mỗi Thượng Hội Đồng Giám Mục, Đức Thánh Cha sẽ công bố một Tông Huấn, gọi là Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục. Tông Huấn này được biên soạn dựa trên những ý kiến của Thượng Hội Đồng vừa mới kết thúc.
Tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục không phải chỉ có các Giám Mục, nhưng các Ngài chiếm phần lớn. Các Hội Đồng Giám Mục trên khắp thế giới sẽ cử các Giám Mục đại diện của mình tới Rôma. Đức Thánh Cha cũng đích thân bổ nhiệm thêm các tham dự viên. Các vị lãnh đạo của các cơ quan trong Giáo Triều Rôma và một số Thượng Phụ Giáo Chủ cũng sẽ tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục. Ngoài ra còn có các đại diện của các Dòng Tu, nhưng những vị này không nhất thiết phải là Giám Mục. Bên cạnh đó còn có các đại biểu đến từ các Giáo Hội khác, chẳng hạn như Giáo Hội Chính Thống hay Tin Lành, họ tham dự với tư cách là quan sát viên và có tính đại kết. Tuy nhiên, những vị này không được bỏ phiếu, nhưng cũng được phát biểu giống hệt như các Nghị Phụ chính thức. Các chuyên viên cũng được mời, và họ sẽ đưa ra những lời tư vấn trong các buổi thảo luận nhóm, nhưng không được phép phát biểu trước phiên họp toàn thể.
Tài liệu làm việc về Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt về vùng Amazon
Vào ngày 17.06.2019, Toà Thánh Vatican đã giới thiệu ”Tài liệu làm việc về Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt về vùng Amazon mở rộng”, có tựa đề ”Amazonia, những nẻo đường mới cho Giáo Hội và vì một hệ sinh thái toàn diện”.
Vấn đề về thiếu nhân sự Giáo hội
Hiện nay, tại các cộng đoàn địa phương trong vùng Amazon, việc thiếu linh mục là một vấn đề lớn dẫn đến việc thiếu Thánh Lễ, ngay cả lễ Chúa Nhật cũng không có, và thiếu các bí tích khác. Việc tham gia cử hành Thánh Thể, ít nhất là Chúa nhật, là nền tảng cho sự phát triển toàn diện và đầy đủ của các cộng đồng Kitô giáo. Nó là điều cần thiết để xác định con đường mới cho tương lai. Trong giai đoạn lắng nghe, các cộng đồng bản địa đã hỏi rằng, trong khi vẫn chân nhận giá trị to lớn của luật độc thân trong Giáo hội, trước nhu cầu cấp thiết của hầu hết các cộng đồng công giáo ở Amazon, có thể mở ra con đường cho việc phong chức linh mục cho những người nam đã kết hôn đang sống trong cộng đồng cư dân không. Đồng thời, trước một số lượng lớn các phụ
nữ ngày nay đang điều hành các cộng đoàn ở Amazon và điều này đang được chân nhận, cần tìm cách củng cố nó bằng một sứ vụ để nó phù hợp với các nhà lãnh đạo nữ trong những cộng đoàn.
Càng gần tới ngày khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon, vấn đề phong chức linh mục cho những người đàn ông có gia đình được cộng đồng coi là có phẩm hạnh (viri probati) càng trở thành vấn đề gây tranh cãi số một. Nhưng vấn đề phong chức linh mục cho họ không hẳn là vấn đề ưu tiên của Đức Phanxicô khi cho triệu tập Thượng Hội Đồng này. Nó cũng không nằm ở tâm điểm tài liệu làm việc mà nằm trong ”phần gợi ý để thảo luận” mà thôi.
Nếu chỉ xét nguyên trong bối cảnh Amazon thì vấn đề ấy phải được coi là chính đáng và nên được đem ra thảo luận rộng rãi và chính thức nhất là tại một Thượng Hội Đồng Giám Mục bàn về nhu cầu mục vụ của một khu vực rõ ràng cần được giải quyết về nhu cầu này. Nhưng sở dĩ nó trở thành vấn đế gây tranh cãi số một là vì mưu toan “sông Rhine chẩy vào Amazon” của một số trào lưu Đức muốn nhân dịp này khai mở phương thức “liên bang” cho Giáo Hội Công Giáo nói chung – qua sự việc đã xảy ra vào tháng 3 năm nay – là nhiều Giám Mục của giáo hội Đức đã thành lập một tiến trình “công đồng” có tính cách bắt buộc, để đối phó với vấn đề xâm phạm tính dục của một số giáo sĩ, luật độc thân của Linh Mục, và phụ nữ trong sứ vụ của Giáo Hội – mà nhiều người đã đật câu hỏi: ”Phải chăng trong tương lai sẽ phát sinh Đức Giáo?”
Vấn đề khí hậu
Thượng Hội đồng cũng diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng nghiêm trọng về khí hậu và sinh thái liên quan đến toàn bộ hành tinh của chúng ta. Sự nóng lên toàn cầu của hành tinh do hiệu ứng nhà kính đã tạo ra sự mất cân bằng khí hậu chưa từng thấy, nghiêm trọng và khẩn cấp. Đồng thời, hành tinh này đang bị tàn phá, hủy hoại và làm suy thoái tài nguyên trái đất do mô hình công nghệ toàn cầu hóa, khai thác tàn phá và kiệt quệ như được đề cập trong thông điệp ”Laudato Sì”. Trái đất không thể chịu đựng được nữa.
Vấn đề nước
Một đề tài quan trọng khác là vấn đề nước, “bởi vì nó không thể thiếu đối với cuộc sống con người cũng như các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước” (Laudato Sì 28). Sự khan hiếm nước uống an toàn là mối đe dọa ngày càng tăng trên khắp hành tinh. Mỗi người đều có quyền tiếp cận nước uống sạch và an toàn. Chỉ riêng sông Amazon đổ vào đại dương 15% tổng lượng nước ngọt của cả hành tinh. Đây là lý do tại sao Amazon đóng vai trò trọng yếu trong việc phân phối lượng mưa cho các vùng xa xôi khác của Nam Mỹ và góp phần vào quá trình chuyển động của không khí trên khắp hành tinh.
Với sự chấp thuận tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng cho vùng Amazon, Đức Thánh Cha Phanxicô, vào ngày 26 tháng 10 năm 2019, đã kết thúc việc làm của cuộc hội nghị.
Nhu cầu cải tổ
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục nhận định rằng, trong Thượng hội đồng, một số điều xuất hiện cần được cải tổ. Ngài nói “Giáo hội luôn luôn cần được cải tổ”. Bắt đầu với việc đào tạo linh mục, Đức Giáo Hoàng xác nhận đây là trách nhiệm của các hội đồng giám mục và kêu gọi nhiều nhiệt tình hơn nơi giới tu sĩ trẻ. Ơn gọi của họ hiện vững chắc, nhưng họ cần được đào tạo về lòng nhiệt thành tông đồ để có thể đi ra các vùng ngoại vi.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng sẽ là một ý tưởng tốt cho các nhà ngoại giao đang được huấn luyện của Vatican sống một hoặc hai năm ở một khu vực đầy thách thức trên thế giới, để phục vụ một giám mục trong lãnh thổ truyền giáo. Theo ngài, một cải tổ tốt đẹp khác, sẽ là việc tái phân phối các linh mục bên trong một quốc gia.
Đức Giáo Hoàng sau đó đã nói về phần trong tài liệu liên quan đến vai trò của phụ nữ. Ngài nói phần này hơi ngắn. “Tôi chỉ muốn nhấn mạnh điều này: chúng ta vẫn chưa nhận ra người phụ nữ có nghĩa gì trong Giáo hội. Chúng ta chỉ nghĩ về điều đó từ quan điểm chức năng. Vai trò của phụ nữ trong Giáo hội vượt xa tính chức năng nhiều”.
Tính chất tư vấn của văn kiện chung kết
Văn kiện chung kết trên đây – với những đề nghị cải tổ – của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon chỉ mang tính chất tư vấn và không có giá trị pháp lý hoặc bó buộc với Giáo Hội – trừ khi được Đức Thánh Cha đón nhận và áp dụng cho Giáo Hội.
Thế nên khẳng quyết rằng Đức Phanxicô đã quyết định truyền chức linh mục cho đàn ông đã có gia đình và cho phụ nữ làm phó tế là điều không đúng với hướng đi và tính chất pháp lý của Thượng Hội Đồng.
Từ đó, cũng có những người đã dựa vào một vài bài trên internet để tuyên truyền rằng Đức Phanxicô là ngụy giáo hoàng: điều này hoàn toàn vô căn cứ và hoàn toàn sai lạc – mà cũng có lần tôi đã viết bài ”22.12.2017” – khi có tin đồn là ngày tận thế sẽ là ngày 22.12.2017 (Xin xem trong ”cdcgvn.dk”; ”vinanet.dk” và ”nguyentrongluu.blogspot.com”.
Bởi vậy – câu nói của thày Mạnh Tử ”tận tín ư thư, bất như vô thư – tin hoàn toàn vào sách, thì thà đừng có sách còn hơn” – vẫn là một nguyên tắc vàng khi đọc và khi thông truyền các nguồn tin trên internet cho nhau.