Nguyễn Trọng Lưu
Năm 2001, khi Laura Doyle (sanh năm 1967) – một nhà tâm lý học và là thành viên của nhóm bênh vực quyền phụ nữ ở Nam California, USA – (gọi là “feminist”, có chủ trương gần giống như nhóm Rødstrømper ở Đan Mạch), tung ra cuốn “The Surrendered Wife – Người vợ thuận tòng” – được dịch sang Pháp ngữ với tựa đề là ”Femmes Soumises” – thì người ta đã tự hỏi – phải chăng cuộc chiến nam nữ bình quyền dây dưa từ mấy chục năm qua đã tới một khúc quanh mới, một thời kỳ hưu chiến tại Hoa Kỳ và từ đó lan ra các quốc gia khác như Canada, Anh, Úc Châu, Na Uy, Phần Lan, Singapore, Nhật Bản?
Thực sự Laura Doyle không phải là người đầu tiên xử dụng chữ “surrender”. Marian Williamson, Sister Wendy Beckett, Carl Jung và rất nhiều tác giả khác cũng đã từng xử dụng chữ “surrender” này rồi.
Nhưng cái độc đáo của Laura Doyle là trình bày những việc làm cụ thể để bảo vệ hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng, mà khởi điểm là từ chính mình. Đọc xong cuốn này, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: ”Liệu người vợ tuyệt vời có ở trên thế gian này không?”. Mẫu gương của người vợ tài đức đã được sách Châm Ngôn 31, 10-31 mô tả một cách tổng quan – nhưng ở đây, Laura Doyle còn đi sâu vào những tình huống rất cụ thể của ngày thường giữa hai vợ chồng nữa.
Tác phẩm “The Surrendered Wife – Người vợ thuận tòng” đã trở thành “cuốn sách bán chạy nhất – bestseller” – với số bán 100. 000 quyển chỉ trong tháng đầu tiên. Laura Doyle còn viết những cuốn “The surrendered single”; “The empowered wife”; “Bordering on the body”; “First kill all the marriage counselors” – tất cả đều xoay quanh chủ đề tìm những phương cách làm cho vợ chồng hạnh phúc.
Trong thời buổi nam nữ bình quyền, âm thịnh dương suy, những ý tưởng quay về nguồn khá táo bạo của tác giả đã làm nhiều người bàng hoàng và sửng sốt – kể cả giới phụ nữ nữa.
Báo chí và các đài truyền hình lớn của Hoa Kỳ đều hết lời ca tụng tác phẩm của Laura Doyle.
Nhưng cũng có rất nhiều người, phần lớn là các bà – đặc biệt là nhóm “feminist” – thì đả kích và chống đối kịch liệt. Còn các ông thì sững sờ và tự hỏi: đây là mộng hay thực?
Laura Doyle có quay về nguồn không?
Sách Châm Ngôn, chương 31, 10-31 đã mô tả mẫu gương của một người đàn bà tài đức như sau:
“Một người nữ tài đức ai sẽ tìm được? Nàng quý giá hơn châu ngọc.
Chồng nàng luôn tin cậy nơi nàng, và có được nhiều lợi nhuận
Trọn đời nàng làm cho chồng được ích lợi, chớ chẳng hề tổn hại.
Nàng lo tìm lông chiên và gai sợi, và tự mình làm công việc.
Nàng giống như các chiếc tàu buôn bán, từ phương xa chở lương thực về.
Nàng thức dậy khi trời còn tối, phân phát lương thực cho người nhà mình,
và cắt đặt công việc cho các tớ gái mình.
Nàng tưởng đến một đồng ruộng, và mua được nó
Và chính với tay mình, nàng trồng một vườn nho.
Nàng thắt lưng làm việc và làm hai cánh tay mình ra mạnh mẽ.
Nàng cảm thấy công việc mình được ích lợi.
Ban đêm đèn nàng chẳng ngủ sớm
Nàng đặt tay vào con quay, và các ngón tay nàng cầm con cúi.
Nàng mở tay giúp kẻ khó khăn và đón tiếp người nghèo khổ.
Nàng không sợ người nhà mình bị giá tuyết, vì cả nhà đều mặc áo bằng lông chiên
Nàng làm lấy những chăn mền, áo nàng đều bằng vải gai mịn màu đỏ điều.
Chồng nàng được công chúng trọng vọng, khi ngồi chung với các trưởng lão
Nàng may áo lót và bán đi, và bán lại các dây lưng cho con buôn.
Nàng mặc lấy sức lực và oai phong, và mỉm cười khi nghĩ đến tương lai.
Nàng mở miệng ăn nói rất khôn ngoan, phép tắc nhân từ nơi lưỡi nàng.
Nàng coi sóc nhà mình, không hề biếng nhác.
Con cái nàng chổi dậy, chúc nàng được phước; chồng nàng cũng chổi dậy, và khen ngợi nàng rằng:
“Có nhiều người con gái làm lụng cách tài đức, nhưng nàng trổi hơn tất cả!”
Duyên là giả dối, sắc lại hư không.
chỉ người phụ nữ nào kính sợ Ðức Yahvê sẽ được khen ngợi.
Hãy ban cho nàng bông trái của tay nàng; để các công việc nàng ngợi khen nàng tại cửa thành”.
Phải chăng Laura Doyle đã đề cao sự quay về nguồn với những giá trị đạo đức ngày xưa trong đời sống lứa đôi – như trong sách Châm Ngôn chúng ta vừa mới trích dẫn? Phải chăng chồng là người chỉ huy và vợ là người tuân hành?
Từ vai trò một người phụ nữ cấp tiến, quậy phá, hét ra lửa (bà chằn lửa), chỉ huy, kiểm soát, khống chế, thống trị, sai khiến chồng thẳng tay, xem chồng như tấm thảm chùi chân ngoài cửa, nay thì Laura Doyle đã trở thành một người biết ăn năn hối cải như chính bà đã tự nhìn nhận.
Tác giả đã hồi tâm và đã “ngộ” là chính mình cần phải thay đổi cách cư xử với chồng mới khỏi đi đến chỗ đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
Bà thú nhận là từ khi lấy chồng lúc 22 tuổi, bà không ngớt ra lệnh, chỉ trích, gắt gỏng, nói xỏ xiên, bươi móc chuyện nhỏ nhặt, hạ nhục chồng về bất cứ mọi sự sơ xuất nào, xem chồng như một đứa con nít nếu ông ta làm không đúng như ý bà muốn.
Nhưng than ôi! càng ngày chồng bà lại càng có khuynh hướng tách rời bà. Vợ chồng mất dần đi sự đồng cảm của buổi ban đầu. Tình yêu phai nhạt. Cay đắng, chán chường chồng chất thêm lên mãi từ cả hai phía. Viễn ảnh ly dị đang ngấp nghé ngoài cửa…
Gương vỡ lại lành
Để cứu vãn hạnh phúc quá mong manh, bà cố tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ những cặp vợ chồng thật sự gắn bó yêu thương nhau và đang có cuộc sống hạnh phúc. Bà rút tỉa những kinh nghiệm quý báu của họ và đem áp dụng cho trường hợp của bà.
Lạ thay, sau một thời gian, ông xã càng ngày càng trở nên vui vẻ trở lại, tự tin hơn và bắt đầu quan tâm đến trách nhiệm gia đình. Phần bà, bà cũng cảm thấy thanh thản, hạnh phúc hơn xưa nhiều.
Tình yêu vợ chồng đã được hàn gắn trở lại nhờ bà đã biết thay đổi tư duy, thái độ và cách ứng xử với chồng.
Bà đã ngộ ra chân lý: phải tự mình thay đổi chính bản thân mình – chứ không phải chờ mong sự đổi thay từ phía người khác. Bà đã trở nên một người vợ thuận tòng và quyết định đem chia sẻ các kinh nghiệm của mình với chị em phụ nữ qua tác phẩm “The Surrendered Wife.”
Bảo vệ hạnh phúc bằng cách nào?
Laura Doyle đã liệt kê những việc phải làm để bảo vệ hạnh phúc gia đình như sau:
– Không kiểm soát, ăn hiếp, xài xễ, đì, cằn nhằn, chỉ trích cũng như hạ thấp chồng nữa.
– Ngoan ngoãn vâng lời chồng trong mọi việc, từ nhỏ đến việc lớn.
– Kính trọng chồng.
– Tất cả điều gì chồng đề nghị ra bà đều nghe theo cả.
– Không bao giờ ngắt lời, hay gắt gỏng với chồng.
– Không tìm cách kiểm soát chồng nữa.
– Đối xử với chồng như một người trưởng thành, không xem chồng như là một đứa con nít.
– Để cho chồng mình được tự do lựa chọn quần áo nào ông ta thích mặc, không ép buộc chồng phải ăn uống cái nầy cái nọ như ý mình.
– Đừng quan tâm nếu ông lái xe lộn đường. Không được tỏ vẻ bực bội, sửa lưng, chọc quê làm chạm tự ái của chồng.
– Không đóng vai trò tài xế phụ băng sau để chỉ trích, chê bai, phê phán cách lái xe – cũng như bất cứ chuyện gì khác trong lúc chồng đang lái xe. Ông sẽ đổ quạu, mất tinh thần, dễ gây tai nạn lắm.
– Phải có lòng tin nơi ông xã về bất cứ chuyên gì, từ vụ sex đến việc quản lý tài chánh gia đình.
– Vĩnh viễn ngưng tranh chấp, cãi cọ, gây lộn, cằn nhằn, về ba cái vụ tiền bạc.
– Hãy chiều ý ông xã, mời ông vui vẻ với mình ít nhất một lần trong tuần mặc dù máy mình không được nóng cho lắm.
– Vẫn tiếp tục hẹn hò tình tứ với chồng suốt đời.
– Và chia sẻ với chồng nhiệm vụ làm cha mẹ dạy dỗ con cái.
Tác phẩm The Surrendered Wife đã tạo một chấn động mạnh mẽ trong xã hội Hoa Kỳ và đã đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng. Tác giả đã đi khắp nước Mỹ để quảng bá những ý kiến mới, tổ chức những nhóm học tập “workshop”, “seminar”, những buổi hội thảo, những hội đoàn các người vợ thuận tòng để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau về cách bảo vệ hạnh phúc gia đình.
“Trong tầm tay, hạnh phúc”
Tôi khâm phục bà Laura Doyle đã dám khởi đầu từ chính mình để đổi thay, để tìm lại hạnh phúc lứa đôi lúc gần bị vỡ tan. Bà không đòi hỏi, không yêu sách chồng điều này điều kia – mà chỉ một thân mình vòi või khai phóng một con đường rất cụ thể trong đời sống ngày thường – để cho chồng tự cảm nhận và đáp trả.
Con đường đem lại hạnh phúc gia đình có lẽ không quá xa vời và không phải là không có thể. Đó cũng là điều mà chính tôi đã cảm nghiệm và chia sẻ trong những bài viết ”Nhà tôi”; ”Đây là thịt xương tôi” và “Trong tầm tay, hạnh phúc”.
Cái nhìn của tôi hơi khác với bà Laura Doyle – vì làm cho nhau hạnh phúc là một nỗ lực từ cả hai vợ chồng – trước hết trong cảm nghiệm với Đức-Chúa-Tình- Yêu: “Nếu Chúa không xây nhà, thì thợ nề chỉ uổng công xây cất!” (Tv. 127, 1)
Hạnh phúc không phải là một món hàng vô cầu, tự nhiên phải đến trong đời sống vợ chồng. Hạnh phúc lứa đôi giống như một hạt mầm yêu thương hai vợ chồng phải trồng xuống, phải tưới nước, phải trông nom, săn sóc từ ngày này qua tháng nọ. Hạnh phúc lứa đôi cũng đòi những điều kiện ”sine qua non” – nghĩa là không có những điều kiện đó, thì không thể có hạnh phúc được. Hãy đón nhận nhau trọn vẹn, vì ”nhân vô thập toàn”. Hãy đỡ nâng, đùm bọc và tha thứ cho nhau, đến từ những khác biệt cá tính, giáo dục gia đình. Hãy trao ban cho nhau tin yêu đừng gian dối. Vì những dối trá, dấu diếm là những trái mìn nổ chậm che lấp bên vệ đường một ngày kia sẽ nổ tung và làm biến tan đi hạnh phúc. Cũng đừng bao giờ đánh bóng tô màu con người thật của mình, vì đó chỉ là những lớp phấn son trát ở bên ngoài sẽ bị bay đi khi va chạm với gió sương và mưa nắng trong thời gian.
Hạnh phúc mà hai vợ chồng gặt hái được sẽ tùy vào từng những cái nhỏ bé của đời sống ngày thường mà cả hai làm cho nhau. Hạnh phúc là bằng lòng với chính mình, đón nhận và sống hết mọi phút giây hiện tại với người mình yêu, gói trọn tâm lòng chân thành tri ơn của một con người giòn mỏng nhưng lúc nào cũng được ấp ủ trong Tình-Yêu-Đức-Chúa. Trong tầm tay, hạnh phúc lúc nào cũng như một thứ trái cây chín mọng, luôn quyến rũ và mời gọi hai vợ chồng đón hưởng. Nhưng có đón hưởng được hay không đều tùy thuộc vào tâm và việc làm của vợ cũng như của chồng.