Nguyễn Trọng Lưu
Phật Giáo Hòa Hảo là một tôn giáo mới, bắt nguồn từ Đạo Phật với những cải tiến, thích ứng và phù hợp hơn cho các tín đồ. Đạo được sáng lập năm 1939 – do Đức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ. Đức Giáo Chủ truyền bá giáo lý Phật Giáo và mượn tên làng mình sinh trưởng – làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (Nam Việt Nam) ghép lại làm danh xưng. Ngoài ra, từ ”hòa hảo” cũng còn tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết khắp nhân loại, đại đồng trên nền tảng hiếu hòa, giao hảo.
1. Đức Huỳnh Giáo Chủ
Đức Huỳnh Giáo Chủ tên là Huỳnh Phú Sổ – sinh năm 1919 tại làng Hòa Hảo, con của ông Huỳnh Công Bộ và bà Lê Thị Nhâm.
Thuở nhỏ, Ngài không thích đàn ca, hát xướng mà chỉ thích tịch mịch, suy tư. Ngài không được khỏe cho lắm, mà lúc còn thanh niên lại còn mang nhiều chứng bệnh kỳ lạ, không một danh y nào thời đó có thể chữa trị. Trong lúc bệnh tật, Ngài thường xin ơn trên cứu chữa và thề nguyền sẽ hy sinh cả đời để phục vụ ơn trên đó.
Năm 20 tuổi, Đức Giáo Chủ tự nhiên được ơn thông biết, có thể nói nhiều thứ tiếng khác nhau như Pháp, Nhật, Miên, Tàu … mặc dù lúc còn nhỏ Ngài không bao giờ được học. Sau đó, Ngài sáng lập một đạo mới – gọi là ”Phật Giáo Hòa Hảo”. Hôm đó là ngày 18.05 năm Kỷ Mão – tức năm 1939. Làng Hòa Hảo trở thành thánh địa của Phật Giáo Hòa Hảo.
2. Giáo lý của Phật Giáo Hòa Hảo
Phật Giáo Hòa Hảo lấy Pháp Môn Tịnh Độ làm căn bản. Pháp môn này đã có từ xưa – bắt đầu từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa, Nhật Bản, Nam Dương rồi tới Việt Nam.
Đây là một trong 84.000 pháp môn của Đức Thích Ca Mâu Ni thuyết ra để cho những tín đồ tu tại gia biết con đường giải thoát.
Nền tảng của Phật Giáo Hòa Hảo là lý tưởng từ bi hỷ xả, bác ái đại đồng và luật nhân quả của Phật Giáo.
Tuy nhiên Phật Giáo Hòa Hảo loại bỏ sự cúng tế Đức Phật bằng các thức ăn, hoa trái, đồng thời nghiêm cấm việc đốt tiền mã cho các vong hồn.
Thêm vào đó, Đức Giáo Chủ nhấn mạnh đến bổn phận hy sinh để dựng xây đất nước. Mỗi người phải đóng góp để bảo vệ và làm phát triển quê hương – tùy theo địa vị và khả năng của mình. Làm như thế tức là đã báo đáp lại ”Tứ Ân – bốn nguồn ân”: ân tổ tiên, cha mẹ; ân đất nước; ân tam bảo và ân đồng bào nhân loại.
Nói tóm lại, Phật Giáo Hòa Hảo chủ trương ”Phật tức tâm” – nên cúng Phật chỉ với nước lạnh (tượng trưng sự trong trắng); bông hoa (tượng trưng cho sự thành đạt) và nhang (tượng trưng cho việc khu trừ tội lỗi). Một khi đã thấm nhuần được ý nghĩa đó, tín đồ phải làm phát sinh trong thực tế qua lòng yêu nước thương nòi.
3. Giá trị của Phật Giáo Hòa Hảo
Vì lý tưởng đề cao lòng yêu nước thương nòi này mà một số người đã cho rằng Đức Giáo Chủ chỉ lợi dụng chiêu bài tôn giáo để thành lập một lực lượng chống Pháp (vào năm 1941) và chống lại nền đệ nhất cộng hòa (vào những năm 1958-1960).
Nhưng những xác quyết này không đúng. Bởi lẽ Phât Giáo Hòa Hảo bao giờ cũng đặt hai chiều kích thần linh và nhân bản tương quan và bổ túc cho nhau. Lý tưởng của Phât Giáo Hòa Hảo là thờ Phật và thực hiện phật tính ngay tự trong lòng mình, để từ đó đi đến với anh em đồng loại và xã hội bên ngoài. Việc xây dựng xã hội phải đặt trên nền tảng ”thờ Phật” – tức dựa trên sự tu đức với Đấng Cao Cả để từ lòng kính yêu Đấng Cao Cả đó đi đến với anh em.
Bởi thế, nếu không bàn đến sự khác biệt về giáo thuyết – thiết nghĩ, Phật Giáo Hòa Hảo xét theo một khía cạnh cũng rất gần với công giáo.
Người công giáo bao giờ cũng yêu thương và kính mến Thiên Chúa hết lòng – và từ nền tảng yêu thương đó, yêu thương tha nhân và dựng xây xã hội.
Nói theo ngôn từ của Linh Mục dòng tên Teihard de Chardin – là một nhà cổ sinh vật học nổi tiếng – đã sống rất nhiều năm tại trung Hoa – thì chiều kích thần linh là nguyên nhân và cứu cánh cho việc phát triển xã hội. Và ngược lại, việc dựng xây xã hội chỉ là một kết quả do tình yêu Thiên Chúa, đồng thời là một tiến trình để đi đến việc thực hiện viên mãn của thời cánh chung (eschatologie) – tức tận điểm Omega của Đức Kitô.
Duy chỉ một điểm đó cũng đáng cho chúng ta quý mến và kính trọng tinh thần của Phật Giáo Hòa Hảo rồi.