Nguyễn Trọng Lưu
”Ngày hòa bình thế giới” của Giáo Hội Công Giáo
Ngày 04.10.1965, trong bài diễn văn lịch sử đọc trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của tổ chức, Đức Thánh Cha Phaolô 6 đã long trọng nhắc lại sứ vụ khó khăn – nhưng là sứ mệnh cao quý nhất tổ chức này: “…hành động để nối kết các quốc gia, để liên kết nước này với nước khác, là nhịp cầu, là mạng lưới tương giao giữa các dân tộc, là kiến tạo tình huynh đệ không phải chỉ cho một số, mà cho tất cả các dân tộc…” – và ngài tha thiết kêu gọi: “Đừng bao giờ có chiến tranh! Hòa bình phải hướng dẫn vận mệnh các dân tộc và của toàn thể nhân loại!”.
Và để biểu lộ quyết tâm của Giáo Hội đối với vấn đề công lý và hòa bình, năm 1967 Ngài cũng đã thiết lập Hội Đồng Giáo Hoàng “Công lý và Hòa bình” và từ năm 1968, ngài còn thiết lập thêm ”ngày hòa bình thế giới”.
Từ đó, hằng năm cứ vào ngày 01.01, các vị Giáo Hoàng sẽ công bố một sứ điệp hòa bình với một chủ đề rõ ràng.
”Ngày hòa bình thế giới” của Liên Hiệp Quốc
Sau đó, các quốc gia trên thế giới cũng đã chọn ngày 21.09 hàng năm để làm ”ngày hòa bình thế giới – International Day of Peace” – được tổ chức lần đầu vào năm 1981. Ngày này được dành để tôn vinh nền hòa bình thế giới, và kêu gọi chấm dứt chiến tranh, bạo lực và là dịp để tổ chức các lệnh ngừng bắn tạm thời trong vùng chiến sự để các lực lượng cứu trợ nhân đạo thi hành sứ mệnh của mình.
Để khai mạc ngày này, “chuông hòa bình” ở Trụ sở Liên Hiệp Quốc – tại New York, Hoa Kỳ – bắt đầu ngân vang báo hiệu. Chuông này được đúc từ các đồng tiền kim loại quyên góp của các trẻ em từ khắp các châu lục. Trên chuông đó có khắc hàng chữ: “Vạn tuế hòa bình tuyệt đối trên thế giới!”
Chủ đề ngày hòa bình thế giới năm 2019
Ngày 06.11.2018, Tòa Thánh đã chọn chủ đề “Nền chính trị tốt phải phục vụ cho hòa bình” cho ngày hòa bình thế giới năm 2019. Chủ đề này đã được công bố chỉ vài ngày trước ngày kỷ niệm một trăm năm chấm dứt thế chiến tranh thứ nhất 1914-1918.
Với chủ đề này, Tòa Thánh nhấn mạnh đến trách nhiệm của mọi người về chính trị: “Mọi công dân đều có nghĩa vụ chính trị, đặc biệt là những ai gánh trách nhiệm bảo vệ và lãnh đạo” – cũng như “trách nhiệm trong việc bảo vệ luật pháp và khuyến khích đối thoại giữa mọi người trong xã hội, giữa các thế hệ và giữa các nền văn hoá”.
Nhưng để hiểu rõ chủ đề này của Tòa Thánh, trước hết chúng ta cần hiểu hai ý niệm căn bản ”chính trị” và ”hòa bình”.
”Nhân đạo, chính vĩ đại”
Từ ”chính trị – politik; politic; politique” phát sinh từ căn ngữ Hy lạp ”polis” – có nghĩa là ”thành phố, đô thị”. Người Hy Lạp ngày xưa quan niệm rằng, các triết gia – là những người đi tìm sự khôn ngoan – ”triết học – philosophie”, ghép từ hai căn ngữ ”philo – lòng yêu mến” và ”sophia – sự khôn ngoan” và là những nhà lãnh đạo của toàn dân – lúc nào cũng tư duy và tra vấn về ý nghĩa cuộc sống, nên phải dùng những tư duy đó để lo cho nhân dân trong thành phố của mình, chẳng những chỉ về phương diện kinh tế, – tức an cư lạc nghiệp, mà còn cả về phương diện tinh thần nữa, – tức học hỏi về khoa học kỹ thuật, cũng như về vấn đề tôn giáo – tức cuộc sống mai hậu.
Quan niệm này không khác gì với chủ trương của Đức Khổng. Chính quyền theo cái nhìn của Đức Khổng phải bao gồm những người thông minh, đức độ, hiểu được thiên mệnh, và phải biết tự tu thân để rồi hoàn thiện hóa nhân dân. Tôn chỉ của chính trị là yêu dân và kính dân: ”ái dữ kinh, kỳ chính chi bản dã”. Ngoài ra chính trị gia còn phải biết áp dụng ”lễ, nhạc, hình, chính” để đưa dân đến ngũ phúc: sống thọ, thịnh vượng, hạnh phúc, đạo đức và chết an bình theo thiên mệnh. Vì thế ngày xưa Đức Khổng mới nói rằng, làm chính trị là bổn phận cao quý nhất của con người: ”Nhân đạo, chính vĩ đại” (Lễ Ký, Ai Công vấn, tiết 6).
Quan niệm ”chính trị” ngày nay
Ngày nay, chúng ta thường hiểu chính trị là hoạt động trong lĩnh vực quan hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc và các quốc gia để tổ chức, sử dụng quyền lực và bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền quốc gia cũng như việc tham gia của dân chúng vào công việc của nhà nước và xã hội.
Nhưng trong thực tế, nhiều người đã giới hạn quan điểm chính trị này vào các đảng phái chính trị – có khi còn độc đảng nữa, như trường hợp Việt Nam. Mục tiêu của chính trị khi đó là đấu tranh để tham gia vào việc thể hiện các quan điểm của phe nhóm, để giành quyền đại diện cho người dân trong quốc hội, hoặc để đạt được một quyền lực chính trị nhất định trong chính quyền, thường là bằng cách tham gia các chiến dịch bầu cử. Các đảng thường có một hệ tư tưởng hay một đường lối nhất định, nhưng cũng có thể đại diện cho một liên minh giữa các lợi ích riêng rẽ. Các đảng thường có mục tiêu thực hiện nhiệm vụ, lý tưởng của tầng lớp, giai cấp, quốc gia để bảo vệ quyền lợi của tầng lớp, giai cấp hay quốc gia đó.
Nếu đảng hay các đảng phái chính trị thực sự biết phục vụ quyền lợi của dân chúng – ”dân vi quý”; ”vox populi, vox Dei” – thì mới thực là chính trị tốt – nếu không chỉ là phục vụ quyền lợi của một nhóm lẻ tẻ và như vậy là thứ chính trị lừa đảo, chết chóc, què quặt.
Hòa bình
Nguyên ngữ của từ ”hòa bình”
Khi nói đến ”hòa bình”, thì từ ”hòa – 和”có nghĩa là êm ái, yên ổn, thuận hòa hay kết thúc chiến tranh, không còn tranh chấp nữa hoặc làm lành với nhau (hòa hảo như sơ – làm lành như trước).
Còn từ ”bình – 平” – có nghĩa là bằng: bằng phẳng, bằng nhau, ngang đều, công bằng, yên ổn, thái bình.
Có khi chúng ta lại dùng từ ”bình an”. Chữ ”an ”安” có nghĩa là yên ổn, an ninh (an cư lạc nghiệp -ở yên vui với việc làm) hay an thần, an vị.
Khi nói về hòa bình, tiếng La Tinh dùng chữ “pax” (tiếng Anh: ”peace”; tiếng Pháp: ”paix”) – có nghĩa là được giải thoát khỏi xáo trộn giữa người với nhau. Từ năm 1300, từ này thường được dùng để chào hỏi nhau theo nghĩa ”shalom” của Do Thái – mang ý nghĩa an toàn, phúc lợi, thịnh vượng, an ninh, thân thiện. Thuật ngữ này cũng mô tả mối quan hệ tôn trọng, công bằng và thiện chí với người khác và mang cả ý nghĩa bình an trong tâm hồn nữa.
Hòa bình thực sự
Từ những tra cứu nguyên ngữ trên chúng ta mới thấy rằng – ý niệm ”hòa bình” bao gồm không những việc không tranh chấp bên ngoài mà còn gói ghém cả tâm trạng thư thái, tâm an nữa.
Thường chúng ta chỉ hiểu ”hòa bình” là trạng thái xã hội không có chiến tranh, không dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc, các nhóm chính trị xã hội bên ngoài: hòa bình đối ngược với chiến tranh.
Nhưng có phải khi không còn bom đạn trút xuống trên mảnh đất quê hương là người ta có hòa bình thực sự không?
Không hẳn là như thế! Tại quê hương chúng ta, sau ngày 30.04.1975, khi bom đạn đã tạm ngưng, thì chúng ta có cái gọi là ”hòa- bình-dưới-chế-độ-cộng-sản”, đã làm cho hàng trệu người – dám liều cả mạng sống trên sóng biển mênh mông, bất chấp cả nguy cơ của hải tặc, để ra đi vượt biên, vì thấy rằng ”cái-hòa- bình-dưới-chế-độ-cộng-sản” chỉ là thứ hòa bình giả dối, thứ hòa bình ngoài miệng để che đậy cái dã tâm cướp mất tự do, không muốn tôn trọng nhân phẩm con người của một tập đoàn nhân danh một thứ ảo vọng để thống trị con dân bằng bạo lực, bằng tham nhũng, bằng bất công.
Thế nào mới là một nền hòa bình đích thực?
Phải thành thực nhận rằng, không một thời đại nào bằng thời đại này, người ta ca tụng tự do, công bằng, hòa bình, nhưng cũng có lẽ không một thời đại nào, những giá trị đó bị đe dọa hay có khi bị tiêu diệt bằng chính những chủ nghĩa rỗng tuếch, bằng chính những bạo động phi nhân. Người ta
nhân danh tất cả nói là để phục vụ con người, nhưng lại làm cho người chia rẽ với người, làm cho người hận thù với người – đúng như ngày xưa đã có câu ngạn ngữ ”homo homini lupus – người là chó sói với người”. Mà có lẽ cũng chẳng có gì bi đát hơn khi con người sống với nhau và sống bên nhau – mà lúc nào trong thâm tâm cũng nhìn người khác bằng con mắt hận thù – như triết gia Jean-Paul-Sartre (1905-1980) đã viết: ”L´enfers, c´est les autres! – Tha nhân là hỏa ngục!”
Thế nên, nền hòa bình đích thực không chỉ có nghĩa đơn thuần là không xử dụng bom đạn, không dùng vũ khí để bắn giết lẫn nhau, mà còn phải đi xa hơn đến chỗ tôn trọng cá nhân và tôn trọng chủ quyền quốc gia, đồng thời làm phát triển tối đa khả năng của mỗi người, để đi đến việc cùng cộng tác dựng xây một xã hội khang an, thịnh vượng.
Nền hòa bình thực sự phải là nơi trẻ em được sống yêu thương, được đi ăn đi học, để trở thành con người hữu dụng cho chính mình, cho gia đình, cho tố quốc – và cho toàn thế giới. Nền hòa bình thực sự sẽ không còn cảnh người lợi dụng người, cũng như không còn hiện tượng một nhóm người nhân danh những ý thức hệ – kể cả cộng sản lẫn tư bản – được tô son bằng lớp vỏ nhân bản ngụy trang, để đè ép những tầng lớp đói khổ, bắt họ phải quy hàng lớp thống trị – mà các nhà xã hội học ngày nay gọi là hiện trạng ”thực dân mới”.
Nền hòa bình thực sự phải khởi từ con người để tôn trọng và phục vụ con người trong một tình yêu thương chân thành, không giả dối, không lừa bịp – như Thánh Augustinô đã viết: “Hoà bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh và không chỉ giới hạn ở việc giữ thế quân bình giữa các lực lượng đối lập. Thế giới chỉ có hoà bình khi tài sản của con người được bảo vệ, con người được tự do giao lưu, phẩm giá của con người và của các dân tộc được tôn trọng, tình huynh đệ được thực thi. Hoà bình là ‘ổn định trong trật tự” (Civ. 19,13); là công trình của công lý (Is 32,17); là hoa quả của đức ái (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 2304).
Đâu là nền tảng của hòa bình thật?
Đức Phật ngày xưa đã dạy chúng sinh phải diệt ”tham, sân, si” – vì ”tham, sân, si” là nguyên nhân làm cho lòng người bất ổn, là mầm mống gây nên hận thù, ghen ghét, khiến con người không thể định tâm. Mà một khi tâm đã không định thì không thể nào có an bình trong tâm hồn mà đi vào giác ngộ, là nơi an bình cực lạc.
Đọc Trung Dung, chúng ta thấy Đức Khổng đưa ra chín tôn chỉ, gọi là ”cửu kinh” – để các nhà chính trị dùng làm cho quốc thái dân an – trong đó, cái quan trọng nhát là tu thân, rồi sau đó mới có thể hoàn thiện hóa người khác: ”quân tử thành nhân chi mỹ”. Phải ”tu thân” theo chủ thuyết ”chính danh” – nghĩa là phải sống đúng theo địa vị của mình. Điều đó có nghĩa là từ vua tôi, thày trò, cha mẹ, vợ chồng, anh em bạn bè đều có những bổn phận và những nguyên tắc sống phù hợp với luân thường đạo lý. Một khi biết sống chính danh, thì con người sẽ tạo nên trật tự hòa bình từ bản thân, đến gia đình và cho đến xã hội.
Mà để có một nền hòa bình chân thật như thế không phải là dễ – thiết tưởng cần phải chuẩn bị lâu dài, cho dù có thể phải kéo dài từ năm này qua năm khác. Hãy gieo vào lòng người một tình yêu chân thật, một trái tim biết nhìn người khác như là chính mình, như đan sĩ Thomas Merton (1915-1968) đã viết trong cuốn ”No body is an island”: “Chỉ có hạt mầm của yêu thương mới đưa con người lại gần với nhau, để sống bên nhau và cho nhau. Bao lâu chúng ta còn nhìn tha nhân bằng con mắt nửa sống nửa chết thì cuộc đời chỉ là chết chóc”.
Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận cũng đã đề ra ”những mối phúc của nhà chính trị”:
Phúc cho nhà chính trị nào coi trọng và ý thức sâu rộng về vai trò của mình.
Phúc cho nhà chính trị nào có nhân cách phản ánh sự đáng tín nhiệm.
Phúc cho nhà chính trị nào làm việc cho công ích chứ không vì tư lợi.
Phúc cho nhà chính trị nào luôn có lời nói đi đôi với việc làm.
Phúc cho nhà chính trị nào thực thi sự hiệp nhất.
Phúc cho nhà chính trị nào dấn thân thực hiện một sự thay đổi quyết liệt.
Phúc cho nhà chính trị nào biết lắng nghe.
Phúc cho nhà chính trị nào không sợ hãi.
Đó cũng là điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về hòa bình chân thật: hòa bình chân thật là một sự hoán cải tâm hồn, với ba chiều kích không thể tách rời nhau: hòa bình với chính mình, hòa bình với tha nhân và hòa bình với thiên nhiên.
Ngài kêu gọi mọi người hãy tham gia chính trị, nhất là những Kitô hữu, hãy “dũng cảm” vì chính trị là một cách “tử đạo hằng ngày: mưu cầu công ích nhưng không để cho mình bị hư hỏng”; “Làm chính trị là điều quan trọng” và “chúng ta có thể nên thánh khi làm chính trị”. Đức Giáo Hoàng giải thích: “Điều đó có nghĩa là vác lấy thập giá của mọi thất bại và của nhiều tội lỗi. Bởi vì trên thế gian, thật khó làm điều tốt trong xã hội mà không bị nhiễm bẩn đôi tay hoặc cõi lòng mình chút nào; vì thế, hãy xin tha thứ, xin tha thứ và tiếp tục hành động – nhưng điều đó không được khiến cho bạn nản chí trong cuộc chiến vì một xã hội công bằng và liên đới hơn”.
Ước mong mỗi người và nhất là các hội đoàn hãy làm chính trị để kiến tạo hòa bình và phát triển thế giới.