Khẩu hiệu của Năm Thánh 2025 là “Những người hành hương của hy vọng" - Vatican News

Nguyễn Trọng Lưu

 

Tòa Thánh chuẩn bị năm thánh 2025

Theo thông cáo được đưa ra hôm chúa nhật 26.12.2023, Phòng báo chí Toà Thánh cho biết, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao việc chuẩn bị Năm Thánh thường lệ 2025 cho Hội đồng Toà Thánh về tái truyền giảng Tin Mừng. Hội đồng Toà Thánh tái Truyền giảng Tin Mừng đã được Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 thành lập vào năm 2010.

Theo nguyên gốc Latinh Annum Jubilaei – Năm Thánh” – được hiểu là ”Năm Hồng Ân” hay ”Năm Ðại Xá”. Theo Luật Môisê, cứ mỗi 7 năm, đất đai phải được nghỉ ngơi và nô lệ được trả tự do, nợ nần được tha, đồng thời dân chúng phải sống liên đới, yêu thương, hoà giải với anh chị em và kẻ thù. Chúa nói với Môisê: “Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với các ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình. Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa. Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng. Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình” (Lv 25,10-13 ; xt. Xh 23,10-11 ; Lv 25,1-28 ; Ðnl. 15,1-6).

Để thực hiện trách nhiệm điều phối các hoạt động chuẩn bị này, trong những ngày gần đây, Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh tái truyền giảng Tin Mừng đã gặp gỡ các vị đứng đầu của Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh, Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh (APSA) và Bộ Kinh tế để bàn luận về năm thánh sắp tới.

Theo truyền thống của Giáo Hội công giáo, năm thánh là một sự kiện tôn giáo lớn. Năm thánh đánh dấu một năm tha tội và hình phạt do tội gây ra, một năm hòa giải giữa những người đối lập nhau, một năm hoán cải và lãnh nhận bí tích hòa giải. Các chủ đề của năm này bao gồm: liên đới, hy vọng, công bằng, dấn thân phụng sự Chúa với niềm vui và bình an với anh chị em của chúng ta. Năm Thánh trên hết là năm của Chúa Kitô, Đấng mang lại sự sống và ân sủng cho nhân loại.

 

Năm thánh 2025 sẽ là năm thánh thường lệ thứ 27 trong lịch sử Giáo Hội. Năm thánh đầu tiên được Đức Giáo hoàng Bonifacio 8 công bố năm 1300.

Khai mạc năm thánh trên toàn thế giới ngày 29.12.2024

 Cửa Thánh ở đền thờ Thánh Phêrô sẽ được mở vào ngày 24.12.2024 để khai mạc năm thánh. Và ngày 29.12.2024, các Giám mục sẽ cử hành thánh lễ tại tất cả các nhà thờ chánh tòa trên thế giới để khai mạc trọng thể năm thánh.

Ngày 29.12.2024 sẽ mở Cửa Thánh tại đền thờ Thánh Gioan Latêranô. Tiếp đến, ngày 1.1.2025, đại lễ Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Ðức Thánh Cha sẽ mở Cửa Thánh tại đền thờ Ðức Bà Cả.

Và sau cùng, ngày 5.1.2025 sẽ mở Cửa Thánh tại đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành.

Ba Cửa Thánh được mở sau sẽ được đóng lại vào Chúa nhật 28.12.2025. Năm Thánh sẽ kết thúc với việc đóng Cửa Thánh đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 6.1.2026, ngày lễ Hiển Linh.

Theo sắc chỉ, Đức Phanxicô mong ước năm thánh 2025 là thời gian giúp mọi người hướng đến những điều như hòa bình, quan tâm hiện tượng suy giảm đáng báo động về tỷ lệ sinh sản, tôn trọng và tạo điều kiện sống xứng đáng cho tù nhân, bãi bỏ án tử hình, tạo niềm hy vọng cho bệnh nhân và nhiệt huyết cho người trẻ, không có thành kiến và khép kín đối với người di cư, quan tâm đến người nghèo, xóa nợ cho các nước nghèo, đề cao chứng tá của các vị tử đạo, hoán cải cá nhân và hành hương đến các đền thánh.

 

Khẩu hiệu của năm thánh 2025 là “Những người hành hương của hy vọng”

Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về tái truyền giảng Tin Mừng, cho biết, trong cuộc yết kiến Đức Thánh Cha hôm 3.1.2023, Đức Thánh Cha đã phê chuẩn khẩu hiệu của năm thánh 2025, được gói gọn trong cụm từ “Những người hành hương của hy vọng”.

Đức Tổng giám mục Fisichella giải thích rằng giống như bất kỳ khẩu hiệu nào, trong trường hợp này, ý nghĩa của toàn bộ hành trình năm thánh cũng bắt đầu bằng những từ ngữ được chọn để cô đọng nó. Các từ ngữ của khẩu hiệu nêu bật chủ đề chính trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô.

Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về tái truyền giảng Tin Mừng, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức năm thánh, cho biết Hội đồng của ngài “có rất nhiều công việc phải thực hiện” trong hai năm này. Ngài nhấn mạnh, cần phải có một “tác động chuẩn bị vững chắc” và tạo ra một bộ máy tổ chức hiệu quả.

Đức tổng Fisichella nêu rõ rằng một trong những ưu tiên là việc đón tiếp những người hành hương và tín hữu. Nhiều người dự kiến sẽ đến Roma trong năm thánh, với hy vọng rằng trong hai năm tới, tình trạng khẩn cấp về sức khỏe sẽ không còn ảnh hưởng đến các hoạt động như hiện nay.

Ngài cũng xác nhận rằng “các mối liên hệ với chính quyền thành phố Roma, vùng Lazio và chính phủ Ý hiện đang diễn ra thường xuyên, để mọi thứ có thể diễn ra an toàn và phù hợp với khả năng tiếp nhận mà thành phố luôn đảm bảo”.

Spes non confundit», la Bolla d'indizione dell'Anno Santo 2025 - Diocesi di Torino

HUY HIỆU NĂM THÁNH 2025

 

 

Năm thánh

Năm Thánh 2025 sẽ bao gồm việc mở Cửa Thánh tại đền thờ thánh Phêrô. Những tín hữu hành hương đi qua Cửa Thánh – vốn chỉ được mở trong các năm thánh, thường là 25 năm một lần hoặc khi Đức Giáo Hoàng kêu gọi một năm thánh ngoại thường – có thể nhận được ơn toàn xá với các điều kiện thông thường.

Tiếp theo năm thánh Lòng Thương Xót ngoại lệ năm 2015 do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng, thì năm Thánh 2025 sẽ là Năm Thánh thường lệ đầu tiên của Giáo hội – kể từ khi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 cử hành Đại Năm Thánh 2000, khi thế giới và Giáo hội Công giáo chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ mới.

Năm thánh thường lệ và năm thánh ngoại lệ

Trước hết khi Đức Giáo Hoàng Celestinus từ chức, Đức Bonifaciô 8 đã được bầu lên kế vị. Vị tân Giáo Hoàng này đã công bố năm 1300 là năm thánh – và được coi là ”Năm thánh đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội”. Các bức tường cổ mang tên là Leonin đã phải bị tháo bỏ ở một số đoạn, và cây cầu duy nhất bắc qua con sông Tiber hồi đó, tức cầu Thiên Thần, đã được biến thành đường một chiều để cho đoàn người hành hương xử dụng.


Hồi đó, Đức Bonifaciô 8 đã muốn cử hành Năm Thánh giống hệt như điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô ngày nay muốn cử hành: ơn tha thứ và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Cho tới năm 1300, khả năng duy nhất để nhận được một ơn toàn xá trong thời trung cổ, đó là tham gia một cuộc thập tự chinh hoặc thực hiện một chuyến hành hương dài ngày, chẳng hạn như hành hương tới Santiago.  

Từ nguyên thủy, ”năm thánh” có nghĩa là ”năm kỷ niệm”, ”năm vui mừng” – đã được được ghi trong sách Lêvi chương 25, câu 8. Bản văn này quy định rằng, cứ 50 năm người ta phải giải phóng các nô lệ, phải xóa nợ và trả lại ruộng vườn cũng như đất đai cho chủ cũ. Điều này sẽ hỗ trợ truyền thống đang phát triển của Giáo hội theo sau cuộc canh tân tâm hồn của các tín hữu. Càng ngày, năm thánh càng được cử hành nhằm đề cao những nét đặc trưng, đề ra những trọng điểm trong đời sống Giáo Hội – chẳng hạn như sự tha thứ của Thiên Chúa, và trước hết là việc xin ơn toàn xá – như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã trình bày trong một buổi phụng vụ nhân dịp năm thánh 2000.

Từ khi Đức Giáo Hoàng Bonifaciô 8 công bố năm thánh năm 1300 – sau đó, cứ khoảng 100 năm Giáo Hội lại cử hành Năm Thánh một lần. Nhưng dần dần về sau, thời hạn được rút bớt xuống chỉ còn 50 năm, 33 năm và sau cùng là 25 năm. Như vậy, Năm Thánh thông thường sau cùng đã diễn ra vào năm 2000. Nhưng càng ngày càng có những Năm Thánh ngoại thường – như năm thánh 1983 theo như ý của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2.

Năm thánh sẽ khai mạc với việc mở những cánh cổng thánh – việc mở cổng này có ý nghĩa tượng trưng như là mở ra những con đường mới dẫn tới ơn cứu độ – và kết thúc với việc đóng lại các cánh cổng đó. Những cánh cổng được nói tới ở đây chính là những cánh cổng của Đền Thờ Thánh Phêrô; Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô; Đền Thờ Đức Bà Cả và Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô ngoại Thành. Trong thời gian bình thường, những cánh cổng này đều bị đóng kín.

Kể từ lúc tuyên bố năm thánh, sự chuẩn bị cho những người hành hương cũng là một cơ hội để lên phương án kiến thiết thành phố. Thành phố Rôma được ghi đậm dấu ấn bởi những năm thánh, những người hành hương luôn mang theo của lễ, và những của lễ này đã trang hoàng rất nhiều cho các ngôi thánh đường trong thành phố. Một số cây cầu cũng được xây cho đoàn người hành hương. Chẳng hạn như Đức Giáo Hoàng Sixtus 4 (1471-1484) đã không cảm thấy an tâm với hệ thống một chiều trên cây cầu Thiên Thần, vì thế, vào năm 1473, Ngài đã cho phép xây một cây cầu thứ hai trên sông Tiber, gọi là cầu Ponte Sisto.

Tuy nhiên, ngoài những điều có tính cách hoàn toàn bên ngoài, năm thánh sắp tới đây sẽ là thời gian để tái khám phá ra nội dung của đức tin, và liên kết điều này với những hành động hoàn toàn cụ thể, chẳng hạn như đi hành hương về Rôma.

Sau đây là danh sách các năm thánh thông thường đã diễn ra trong lịch sử Giáo Hội:

Năm 1300: Đức Giáo Hoàng Bonifatius VIII.

Năm 1350: Đức Giáo Hoàng Clemens VI.

Năm 1390: Đức Giáo Hoàng Urban VI công bố; Đức Giáo Hoàng Bonifatius IX cử hành.

Năm 1400: Năm Thánh thứ hai do Đức Giáo hoàng Bonifatius IX công bố.

Năm 1423: Đức Giáo Hoàng Martin V.

Năm 1450: Đức Giáo Hoàng Nikolaus V.

Năm 1475: Đức Giáo Hoàng Paul II công bố, Đức Giáo Hoàng Sixtus IV cử hành.

Năm 1500: Đức Giáo Hoàng Alexander VI.

Năm 1525: Đức Giáo Hoàng Clemens VII.

Năm 1550: Đức Giáo Hoàng Paul III công bố, Đức Giáo Hoàng Julius III cử hành.

Năm 1575: Đức Giáo Hoàng Gregor XIII.

Năm 1600: Đức Giáo Hoàng Clemens VIII.

Năm 1625: Đức Giáo Hoàng Urban VIII.

Năm 1650: Đức Giáo Hoàng Innozenz X.

Năm 1675: Đức Giáo Hoàng Clemens X.

Năm 1700: Đức Giáo Hoàng Innozenz XII công bố, Clemens XI bế mạc.

Năm 1725: Đức Giáo Hoàng Benedikt XIII.

Năm 1750: Đức Giáo Hoàng Benedikt XIV.

Năm 1775: Đức Giáo Hoàng Clemens XIV công bố, Đức Giáo Hoàng Pius VI cử hành.

Năm 1825: Đức Giáo Hoàng Leo XII.

Năm 1875: Đức Giáo Hoàng Pius IX.

Năm 1900: Đức Giáo Hoàng Leo XIII.

Năm 1925: Đức Giáo Hoàng Pius XI.

Năm 1933: Năm Thánh thứ hai dưới thời Đức Giáo Hoàng Pius XI.

Năm 1950: Đức Giáo Hoàng Pius XII.

Năm 1975: Đức Giáo Hoàng Paul VI.

Năm 1983: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Năm 2000: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Năm 2015: Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Vì tình hình chính trị rối ren nên đã không có Năm Thánh nào được cử hành vào năm 1800 và năm 1850.