Cái bi đát tận cùng của thân phận làm người
NGUYỄN TRỌNG LƯU
Ngay từ thời cổ đại La Mã, triết gia Seneca – thuộc trường phái khắc kỷ – đã từng nói: ”Không có gì chắc chắn hơn là cái chết” (Epist. 99,9) và ông kêu mời mọi người hãy suy tư về cái chết. “Có lẽ bạn cho rằng chúng ta mất thời gian để nghĩ về cái chết, vì chúng ta chỉ trải nghiệm nó có một lần mà thôi! Nhưng chính vì thế, ta lại càng phải suy nghĩ về nó. “Nghĩ về cái chết!”: người nào nói thế tức là biết cách tìm kiếm sự tự do cho bản thân. Vì khi một người thực sự biết về cái chết – và không sợ nó, anh ta sẽ vượt qua được lệ thuộc, vì cái chết cao hơn tất cả quyền lực và những xiềng xích khác. Khi cái chết đến liệu bạn còn nghĩ về tù ngục, kham khổ? Cái chết sẽ mở cánh cửa cho tự do. Chỉ có một thứ trói buộc chúng ta: tình yêu cuộc sống. Điều đó, ta không thể chối bỏ, nhưng ta có thể làm giảm ảnh hưởng của nó, để khi phải đối mặt với cái chết, nó sẽ không khiến ta mất đi nhuệ khí của mình. Để ta có thể đón nhận cái kết quả – cái chết, mà đằng nào cũng sẽ đến với ta mà thôi.”
Cũng có một bài thánh ca thời trung cổ – được coi là của Thánh Notker III (950-1022)- trong đó có câu: “Media vita in morte sumus – ngay giữa cuộc đời, chúng ta đã đối diện với cái chết!”. Thánh Notker III, cũng được gọi là Notker Teutonicus – là một tu sĩ Dòng Thánh Biển Đức, hiệu trưởng trường học của tu viện tại St. Gallen, ngày nay là một tỉnh thuộc bắc Thụy Sĩ. Ông là một nhà dịch thuật nổi tiếng vào thời trung cổ. Chính Notker là người đầu tiên đã dịch những bình luận của đại triết gia Aristote và các tuyệt tác thời cổ đại ra tiếng Latinh.
Nếu Thánh Notker III đã nhận định: “Ngay giữa cuộc đời, chúng ta đã đối diện với cái chết”, thì sau này triết gia hiện sinh người Đức – Martin Heidegger (1889-1976) – trong “Sein und Zeit – Hữu thể và thời gian”, lại mô tả sự chết như là điều đã được tiên báo ngày hôm nay. Ông định nghĩa con người như là một “Zum-Tode-Sein – hiện hữu để chết”. Vì thế ông mời gọi con người hãy đón nhận cái chết cách tự do và ý thức. Khi làm như thế, “thì con người trở thành “tự do để chết” – và như vậy con người chứng tỏ mình chủ động tự do chấp nhận chết mà không sợ hãi”. Cái chết đưa con người đến chỗ thành tựu đời mình.
Cái chết là điều chắc chắn nhất, nội tại trong mỗi người, nhưng lại không có gì khó hiểu và khó nói hơn là cái chết – bởi khi còn sống thì chúng ta chưa chết, mà khi đã chết chúng ta không còn sống nữa, không còn cảm nhận cũng như không còn truyền đạt lại được gì nữa. Đúng như triết gia Epicure đã nói: “Đối với tôi, cái chết chẳng là gì hết, bởi vì khi tôi còn sống thì chưa có nó; đến khi có nó – thì tôi không còn nữa!”
Cái bi thảm tột cùng của thân phận làm người nằm ở chỗ đó: chúng ta chỉ có thể nói về cái chết của người khác mà thôi còn chính cái chết của chúng ta, chúng ta không thể cảm nghiệm được!
Cái chết nằm giữa cuộc đời
Gần đây, Paul O’Callaghan – (sinh ngày 10.05. 1979, người Ireland) – giáo sư đại học Santa Croce (Roma), đã nghiên cứu vấn đề chết và bất tử dưới khía cạnh triết học. Tác giả đã đặt vấn đề về cái chết qua lăng kính triết học: đó là một hiện tượng bình thường hay trái ngược bản tính con người?
Paul O’Callaghan thấy cái chết hiện diện giữa cuộc đời. Con người không phải là một hữu thể một ngày kia sẽ chết, nhưng nó đang chết dần trong cuộc đời. Con người biết rõ điều đó. Con người ý thức rằng cái chết chấm dứt cuộc đời dương thế, kết thúc kiếp sống, cắt đứt các mối tương quan với tha nhân, với bản thân, với các dự án của mình. Karl Jaspers (1883-1969) – triết gia và là một nhà tâm lý học người Đức – cũng đã nói tương tự: “Tất cả mọi người đều chết cô độc. Cảnh cô độc trước cái chết xem ra đạt đến tột đỉnh, đối với người ra đi cũng như đối với người ở lại. Việc chung sống được biểu lộ bao lâu còn có ý thức; nỗi đau buồn vì chia ly là lần cuối cùng diễn tả mối hiệp thông”.
Tuy nhiên, cảnh tan nát ấy đã hiện diện liên lỉ trong đời sống. Trong quyển “Cái chết và sự tồn tại” Max Scheler (1874-1928) – triết gia người Đức – đã diễn tả “cuộc đời như là một cuộc tiến bước đến cái chết; cái chết được nhận thức như một trong những khả thể nằm trong tay của ta. Con người nhận biết cái chết đang chờ đón mình; cái chết là một thành phần của cuộc sống”.
Các triết gia thuộc trường phái khắc kỷ Hy lạp cũng như các nhà khổ hạnh Kitô giáo đều coi cuộc đời như là “memento mori – hãy nhớ rằng ta sẽ chết. Sống là để dọn mình chết, học cho biết nghệ thuật chết (ars moriendi). Triết gia Epictetus (sinh ra ở ThổNhĩ Kỳ, chết ở Hy Lạp) lại kêu gọi: “Bạn hãy để cho người khác miệt mài nghiên cứu luật pháp, văn chương, triết học; còn bạn, hãy học cho biết cách chết” (Colloquia II, 1, 36). Nhà hùng biện Cicerón cũng nói tương tự như vậy: “Triết học chẳng qua cũng chỉ là suy tư về cái chết – commentatio mortis” (Tusculanae Disputationes I, 75).
Cái chết trái ngược với cuộc đời
Ấy thế mà con người không những chống lại tiến trình tiệm tiến dẫn đến cái chết, mà còn muốn chống luôn cả cái chết nữa. Con người muốn sống và muốn sống mãi. Vì thế, con người coi cái chết như là sự dữ độc ác nhất, biểu tượng của tất cả mọi sự dữ.
Con người thời nay không muốn nói đến cái chết: họ không muốn nghĩ đến cái chết mà còn muốn khai trừ cái chết ra khỏi ý thức của mình. Nhà nhân chủng học Pháp Louis-Vicent Thomas (1922-1994) đã nhận xét rằng giữa con người thời nay có một thỏa thuận ngầm là không nói, không viết, không nghĩ đến cái chết nữa: ”ai cũng nghĩ rằng tất cả mọi người đều chết, ngoại trừ bản thân mình”. Thật vậy, con người muốn xem cái chết như là một hiện tượng liên quan đến nhân loại nói chung, chứ không liên quan đến cá nhân mình. Tương tự như thế, M. Heidegger cũng cảm nhận rằng: ”Khi nói ”người ta chết”, thì chúng ta hiểu về người ta nói trống, chứ không phải về một cá nhân”.
Nhưng cái nhìn của Kitô giáo không phải như vậy, bởi vì cái chết là điều đáng ước mong. Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Philipphe rằng: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (1,21). Trong sách Khải Huyền, chúng ta đọc thấy câu: “Phúc cho những ai chết trong Chúa” (14, 13). Publio Siro, thuộc phái khắc kỷ cũng có cái nhìn tích cực về cái chết: ”Đối với con người, cái chết là điều tốt bởi vì nó dẹp tan hết mọi sự dữ của cuộc đời”. Nhiều tác giả của thuyết duy tâm lãng mạn – như Moses Mendelssohn, Goethe, Hölderlin, và Schopenhauer – cũng coi cái chết như là điều rất đáng mong ước, như là sự thành tựu của con người. ”Đừng sợ! Với cái chết, bạn bỏ được điều mà lẽ ra bạn không nên bắt đầu … Nói cho cùng, chúng ta đã trở thành điều mà lẽ ra chúng ta không nên khoác vào; vì thế đến một ngày nào đó, chúng ta phải chấm dứt tình trạng ấy”.
Chấp nhận cái chết và sống cái chết
Cái nhìn này cũng được tìm thấy trong lối tư duy của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng cái chết là một phần tự nhiên của cuộc sống và chúng ta không nên sợ hãi hay lo lắng về nó. Thay vào đó, chúng ta nên chấp nhận cái chết và tìm cách sống thật trọn vẹn trong từng khoảnh khắc của cuộc đời.
Sự tồn tại của chúng ta không chỉ dừng lại ở thân thể, mà còn bao gồm cả tâm hồn và tinh thần. Khi chúng ta chết đi, thân thể chỉ là một phần của sự tồn tại của chúng ta mà thôi, trong khi tâm hồn và tinh thần của chúng ta vẫn tiếp tục tồn tại và được đón nhận bởi vũ trụ. Thích Nhất Hạnh cũng cho rằng việc chuẩn bị cho cái chết là cách để chúng ta có thể sống cuộc đời của mình một cách trọn vẹn nhất.
Trong tư tưởng của Thích Nhất Hạnh, chúng ta không nên sợ hãi hay lo lắng về cái chết, mà nên tập trung vào cách sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, tình yêu và đồng cảm. Chúng ta nên tìm kiếm sự trân trọng, tôn kính và yêu thương chính bản thân mình, những người thân thuộc và mọi người xung quanh. Việc đó sẽ giúp chúng ta có thể sống một cuộc đời đáng sống và chấp nhận cái chết một cách bình thản.
Thích Nhất Hạnh cũng cho rằng, khi chúng ta chấp nhận cái chết, chúng ta sẽ có được sự tự do và bình an trong cuộc sống. Nếu chúng ta sợ hãi và lo lắng về cái chết, chúng ta sẽ không thể sống thật với chính mình và sẽ bị giữ lại bởi những lo lắng vô ích. Nhưng khi chúng ta chấp nhận cái chết và biết rằng nó là một phần của cuộc sống, chúng ta có thể tập trung vào những điều quan trọng trong cuộc đời của mình và sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.
Ông cũng đưa ra lời khuyên cho những người có người thân qua đời, rằng họ nên nhìn nhận cái chết như một phần của quá trình sống. Thay vì tràn đầy nỗi đau và hối tiếc, chúng ta nên tìm kiếm những kỷ niệm và hình ảnh đẹp về người đã mất, và để họ tiếp tục sống trong trái tim của chúng ta.
Chúng ta cũng nên tìm cách giúp đỡ và chia sẻ với những người sống bên cạnh chúng ta đang phải trải qua nỗi đau này. Việc cùng nhau chia sẻ nỗi đau đó không những chỉ giúp chúng ta cảm thấy bớt nặng lòng, mà còn tạo nên một sự đoàn kết thân thương giúp tất cả vượt qua nỗi khổ đau và khó khăn trong cuộc sống. Hãy giữ tâm lý thoải mái và luôn tìm cách sống đẹp để vinh danh tình yêu của những người thân đã mất.
Việc chuẩn bị cho cái chết cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi người trong cuộc sống. Thế nên, chúng ta nên tìm cách để hiểu rõ hơn về quá trình của cái chết và chuẩn bị tinh thần để đối diện với nó một cách bình thản.
Để chuẩn bị cho cái chết, Thích Nhất Hạnh khuyến khích chúng ta tập trung vào các hành động đúng đắn trong cuộc sống, chăm sóc cho sức khỏe tinh thần và thể chất của mình và tìm kiếm những hoạt động và giá trị có ý nghĩa đối với cuộc sống của mình.
Ngoài ra, Thích Nhất Hạnh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống đúng với giá trị của mình trong cuộc sống. Theo ông, chúng ta nên sống với tình yêu, đồng cảm và tôn trọng đối với mọi người xung quanh và đối với môi trường tự nhiên. Điều này sẽ giúp chúng ta tìm thấy sự an bình và hạnh phúc trong cuộc sống và chuẩn bị tốt hơn cho cái chết.
Như thế, chúng ta không nên sợ hãi hay lo lắng về cái chết, mà hãy chấp nhận nó và tìm cách sống cuộc đời của mình một cách trọn vẹn và đầy ý nghĩa. Việc chuẩn bị cho cái chết bằng cách sống đúng với giá trị của mình là một thành tố quan trọng giúp chúng ta đối diện với nó một cách bình thản.