Nguyễn Trọng Lưu
Những học biết đầu tiên về Mẹ Maria
Từ khi nào và bằng cách nào chúng ta đã học biết Đức Maria, thân mẫu tuyệt vời – một thân mẫu không phải chỉ để chúng ta tôn kính, mà còn là để sống theo?
Thực sự chúng ta đã được học biết về Đức Mẹ rất sớm – ngay từ lúc lên năm, lên ba – qua chuỗi kinh mân côi đọc với cha mẹ trong các giờ kinh sáng tối trong gia đình. Cũng chính cha mẹ đã kể lại cho chúng ta việc Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Lộ Đức, La Vang, Trà Kiệu, Tà Pao. Và chúng ta cũng đã rất quen thuộc với hình ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (qua các cha dòng Chúa Cứu Thế), Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu (với các cha dòng Salesien Don Bosco). Đó là một Đức Mẹ tinh tuyền, thánh thiện, trinh khiết, luôn hiểu thấu nỗi đau và luôn gần kề con người. Đó là một người Mẹ lúc nào chúng ta cũng có thể chạy đến kêu cầu, thở than, tìm an ủi, đỡ nâng. Khi đọc kinh cầu Đức Mẹ Loretto, chúng ta lại càng cảm nghiệm được sự gần kề và tình thương vô bờ đó – mà mới đây, vào ngày 20.06.2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thêm ba lời kêu cầu mới vào kinh cầu đó: “Đức Mẹ hay thương xót”, ”Đức Mẹ là lẽ cậy trông” và ”Đức Bà nâng đỡ dân di cư“.
Ngày nay – khi sống ở hải ngoại, chúng ta lại có rất nhiều cơ may đi hành hương tại những linh địa – nơi xưa kia Mẹ đã hiện ra: Fatima bên Bồ Đào Nha, Lộ Đức ở Pháp, Međugorje (người Việt hay gọi là Mễ Du) thuộc vùng tây Bosnien-Hercegovina, Loretto ở Ý…
Hình ảnh Đức Mẹ gây ấn tượng nhiều nhất nơi tôi – là Đức Mẹ của người nghèo. Thần học gia người Đức, cha Karl Rahner s.j. (1904-1984) cũng đã từng nêu lên rằng mọi lần Đức Mẹ hiện ra được Giáo Hội công nhận, thì Đức Mẹ luôn hiện ra với người nghèo, một em bé, một nông dân, một nhóm trẻ em, một người không có địa vị xã hội. Đức Mẹ không bao giờ hiện ra với một thần học gia đang nghiên cứu, một giáo hoàng hay một triệu phú: Mẹ luôn luôn nhìn đến người nghèo.
Chúng ta thấy rất rõ điều này trong lần Đức Mẹ hiện ra năm 1474 – tại một vùng đất thuộc Mỹ Châu, mà ngày nay là Mễ Tây Cơ – với anh Quauahtatoatzi, thuộc nhóm người Aztec, một trong những nhóm người da đỏ có nền văn minh nổi tiếng, đã xây nhiều kim tự tháp vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Sau này anh được đổi tên thành Juan Diego. Đức Mẹ muốn mọi người biết đến Mẹ với danh hiệu Đức Mẹ Maria Guadalupe. Danh xưng Guadalupe trong tiếng thổ dân có nghĩa là “người nữ chiến thắng con rắn”.(Xem bài ”Đức Mẹ Guadalupe”, Nguyễn Trọng Lưu, nguyentrongluu.blogspot.com)
Nhưng nhiều khi, chúng ta lại quá chú trọng đến Đức Mẹ được học biết qua lòng sùng kính mà lãng quên hình ảnh Đức Mẹ qua Thánh Kinh và vai trò mà các Tin Mừng khác nhau đã nói đến.
Trong Tin mừng nhất lãm, Đức Mẹ được thể hiện như mẫu gương của người môn đệ. Nhưng dường như chúng ta lại không nhận ra mẫu gương này ngay lập tức – mà đôi khi chúng ta lại thấy ngược lại. Ví dụ như, trong nhiều dịp Đức Yêsu nói chuyện với đám đông, có người ngắt lời và báo rằng mẹ và người thân của Ngài đang chờ bên ngoài và muốn nói chuyện với Ngài. Và Đức Yêsu đã trả lời: “Ai là mẹ Ta và ai là anh chị em của Ta? Là người nghe và tuân giữ lời Chúa.” Khi nói thế, Chúa Yêsu không có thái độ xa cách với mẹ mình, mà ngược lại thì đúng hơn. Và như thế, chính Chúa Yêsu nêu bật mẹ mình trên hết là vì đức tin của Mẹ, chứ không phải vì huyết thống: Mẹ là người đầu tiên nghe và tuân giữ lời Chúa.
Tin mừng thánh Yoan còn cho Mẹ một vai trò khác. Mẹ không phải là mẫu gương cho tinh thần môn đệ – nhưng được xem là Evà, mẹ của nhân loại, và là mẹ của mỗi người chúng ta. Điều thú vị là, thánh Yoan chưa từng nói ra tên của Đức Mẹ, ngài luôn luôn nói là “Mẹ của Chúa Yêsu”. Và với vai trò này, Đức Mẹ đã thực hiện hai điều.
Trước hết, Mẹ là tiếng nói cho sự hữu hạn của con người, như khi Mẹ lên tiếng trong tiệc cưới Cana “họ hết rượu rồi”. Trong Tin mừng theo thánh Yoan, đây không chỉ là cuộc nói chuyện giữa Đức Mẹ và Chúa Yêsu, nhưng còn là cuộc nói chuyện giữa Mẹ nhân loại và Thiên Chúa. Kế đến, là Evà, Mẹ chúng ta và Mẹ toàn thể nhân loại, Đức Mẹ cũng bất lực trong và trước nỗi đau của con người khi Mẹ đứng dưới chân thập giá. Trong biến cố này, Mẹ cho chúng ta thấy mình là Mẹ của toàn thể, nhưng Mẹ lại là mẫu gương về cách đương đầu với bất công: đối đầu với bất công, Mẹ đã không đòi đáp trả bằng hận thù và bạo lực, nhưng lại đáp trả bằng yêu thương.
”Đức Maria là thân mẫu tuyệt vời, một một thân mẫu không phải chỉ để chúng ta tôn kính, mà còn là để sống theo.”
Đức Mẹ tháo gỡ nút thắt
Tôi hay kêu cầu với Đức Mẹ tháo gỡ nút thắt – một tước hiệu của Đức Mẹ rất được sùng bái ở Châu Mỹ Latinh, nhưng có lẽ lại khá xa lạ với chúng ta. Tước hiệu này đến từ đâu và có ý nghĩa gì? Lòng sùng kính với ”Đức Mẹ tháo gỡ nút thắt” đã có nguồn gốc ngay từ thế kỷ 18, khởi từ bức danh họa có tên là ”Wallfahrtsbild” của hoạ sĩ Johann Georg Melchior Schmidtner. Bức tranh nguyên thủy này hiện được lưu giữ trong nhà thờ ”St. Peter am Perlach” – ở Augsburg, Bavaria, Đức.
Bức vẽ mô tả Đức Trinh Nữ Maria đang cầm một sợi băng dài và bình thản gỡ các nút thắt. Johann Georg Melchior Schmidtner khi ấy đã được gợi hứng bởi một câu viết trong tác phẩm của
Thánh Irênê ”Chống lại lạc giáo”: “Các nút thắt do sự không vâng lời của bà Eva đã được gỡ ra bởi đức vâng lời của Đức Maria. Bởi vì những gì mà bà Eva đã nhanh chóng thắt lại vì thiếu lòng tin, thì những nút ấy được Trinh Nữ Maria tháo ra bằng đức tin.” Với ý tưởng này, Đức Mẹ Maria được kêu cầu trong kinh Đức Mẹ tháo gỡ nút thắt để phù giúp cuộc sống bế tắc của chúng ta: “Trong tay Mẹ, chẳng có nút thắt nào là không gỡ được. Ôi lạy Mẹ rất thần thế, nhờ bởi ân sủng và quyền năng chuyển cầu cùng Đức Chúa Yêsu, là Con của Mẹ cùng là Đấng giải thoát chúng con, xin Mẹ hãy vui lòng nhận lấy những nút thắt ngày hôm nay chúng con phó vào tay Mẹ.”
Đó là một lòng sùng kính tốt đẹp khi đặt các nút thắt của cuộc sống chúng ta vào bàn tay Mẹ rất thánh của chúng ta, phó thác cho Mẹ mọi sự với lòng tin tưởng chắc chắn rằng Mẹ dư sức tháo gỡ mọi vấn đề mà chúng ta nghĩ đã vô phương giải quyết. Đó cũng là điều mà các thánh hằng xác định – như thánh Denis: “Đức Mẹ là nơi nương náu của những người đã hòng hư mất, là hy vọng của những người không còn hy vọng”; thánh Ðamianô: “Ðược sống dưới sự che chở của Đức Mẹ là một hạnh phúc lớn lao”; hay như thánh François de Sales:“Hãy chạy đến với Đức Maria, ngã vào vòng tay Mẹ với lòng tin tưởng hoàn toàn”: Mẹ là thân mẫu tuyệt vời!
Maria ôi thân mẫu tuyệt vời
Danh thanh Mẹ lan tỏa khắp nơi nơi
Đoàn con cái cõi trầm luân khổ ải
Mẹ che chở gìn giữ giữa ngàn khơi
Fatima năm xưa ấy Mẹ chọn
Tỏ nỗi lòng đau đớn với đoàn con
Cứu nhân thế con ơi, mau xám hối
Tôn sùng Mẹ, cầu nguyện chuỗi mân côi
Muốn hòa bình, con ơi con hãy sống
Trung thành như huấn lệnh Mẹ đợi trông
Phường cộng sản sẽ tan tảnh sụp đổ
Bọn vô thần phải sáng mắt cậy trông
Fatima sứ điệp của an bình
Mẹ mở đường dẫn lối đến trường sinh
Nơi phép mầu thánh thể suối ân tình
Con ngụp lặn vào trái tim chí thánh
Fatima sứ điệp tình diệu vợi
Mang âm hưởng yêu thương đến từ trời
Mang ánh sáng tỏ soi tròn sinh lộ
Cứu nguy đoàn con cái Mẹ nơi nơi
Fatima trăm năm rồi ghi nhớ
Thánh tượng Mẹ dong duổi khắp bến bờ
Mang mệnh lệnh năm xưa Mẹ đã ngỏ
Xin các con sống trọn chớ thờ ơ
Nơi trần thế hôm nay đoàn con Mẹ
Thấm ngợp lòng ân đức Mẹ chở che
Say tiếng hát tôn vinh Mẹ muôn thuở
Con biết rằng nơi ấy Mẹ đang nghe
Cung nghinh Mẹ tim con vui rộn rã
Nguyện Mẹ thương chúc phúc hết mọi nhà
Khắp phố thị ngân vang lời chúc tụng
Tiến dâng Mẹ lòng mến với ngàn hoa
Trăm năm rồi hay ngàn muôn năm nữa
Tình yêu Mẹ tươi đẹp mãi như xưa
Vẫn luôn chăm sóc đoàn con Mẹ
Ơn lành Mẹ tuôn xuống tựa cơn mưa
Fatima linh địa con hướng đến
Tạ ơn Mẹ đời con ước đáp đền
Tim con đây Mẹ ơi xin hãy thắp
Ngọn lửa tình sáng mãi sáng niềm tin
Tháng 10 là tháng được dành riêng tôn kính Mẹ Mân Côi, hãy thành tâm suy ngẫm và cầu nguyện theo những ý sau đây: “Nhờ Mẹ Đến Với Chúa Yêsu”; “Con hoàn toàn thuộc về Mẹ, mọi sự của con đều là của Mẹ. Con xin dâng Mẹ tất cả mọi sự của con. Lạy Mẹ Maria, xin ban cho con trái tim của Mẹ” và sau đó, lần một chuỗi mân côi tôn kính Mẹ, đặc biệt xin Mẹ cứu nhân loại khỏi nạn dịch Covit 19 tai ác này.