Nguyễn Trọng Lưu
Ngày nay chúng ta không còn xa lạ gì với “Lễ tạ ơn – Thanksgiving” – một ngày lễ hàng năm được tổ chức chính yếu tại Hoa Kỳ, Canada, một số đảo ở Caribe và Liberia. Ý nghĩa khởi đầu là một lễ tạ ơn Đức Chúa đã ban cho một mùa thu hoạch tốt, một cuộc sống no đủ và an lành. Đây cũng là ngày nghỉ lễ chính thức cho tất cả người dân tại Mỹ và Canada.
“Lễ tạ ơn” có từ bao giờ?
Các nhà khảo cứu vẫn chưa hoàn toàn đồng ý về ngày đầu tiên dân chúng Mỹ cử hành “lễ tạ ơn” – mặc dù nhà sử học Mỹ, Michael Ganna có ghi chú rằng “lễ tạ ơn” đầu tiên đã được cử hành ngày 08.09.1565 tại khu vực ngày nay là St. Augustine, Florida. Tại Bắc Mỹ, lễ hội này đầu tiên được tổ chức tại Newfoundland với Martin Frobisher vào năm 1578. Nhóm thám hiểm Frobisher đến từ Anh, đã tổ chức lễ tạ ơn Đức Chúa đã cho sống sót qua cuộc hành trình dài lâu trên biển cả. Một lễ hội khác lại được tổ chức vào ngày 04.12.1619 khi 38 người khai hoang từ giáo khu Berkeley xuống thuyền tại Virginia. Nhưng nhiều người lại cho rằng “lễ tạ ơn đầu tiên” theo truyền thống đã được cử hành tại khu vực thuộc thuộc địa Plymouth vào năm 1621.
Ngày nay, tại Hoa Kỳ, “lễ Tạ ơn được tổ chức vào ngày thứ năm lần thứ tư của tháng 11” – vì thế ngày có thể không phải là ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11 như nhiều người lầm tưởng – ví dụ năm 2012, tháng 11 có đến 5 ngày thứ năm. Tại Canada, nơi có cuộc thu hoạch sớm hơn, ngày lễ này thường được tổ chức vào ngày thứ hai lần thứ hai của tháng 10.
“Lễ tạ ơn” cũng được gắn liền với các lễ hội ngày mùa được tổ chức ở châu Âu ngay từ xa xưa.
Lễ tạ ơn tai Mỹ
“Lễ Tạ Ơn – Thanksgiving” đã được người Mỹ đón mừng bằng một thời gian nghỉ cuối tuần dài ngày, với những bữa tiệc xum họp với nhiều món ăn truyền thống. Gia đình, bạn bè tụ họp, tặng quà, chúc tụng nhau, để kỷ niệm một ngày – mà ngay từ thời lập quốc, tổ tiên họ đã dành để bầy tỏ sự lòng cảm tạ và tri ơn Thượng Ðế đã ban cho mùa màng tốt tươi và đời sống ấm no hạnh phúc.
Ý nghĩa lịch sử của “lễ tạ ơn”
Ngược dòng thời gian, những di dân đầu tiên đến vùng đất mới sống ở thành phố Plymount Colony – lúc bấy giờ là một thuộc địa của đế quốc Anh (nay là một thành phố thuộc tiểu bang Massachusetts) – đã quây quần tổ chức lễ tạ ơn Thượng Đế đã ban cho một mùa gặt hái hoa mầu tốt tươi, sau một mùa đông lạnh giá.
Sau cuộc cách mạng chống lại chế độ thuộc địa của đế quốc Anh thành công, ngày quốc lễ Thanksgiving đầu tiên đã được Tổng Thống George Washington công bố là ngày 26.11.1789. Đến thời Tổng Thống Abraham Lincoln, vào năm 1863 thì định ngày Thanksgiving là vào ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11. Nhưng dưới thời Tổng Thống Roosevelt, trong các năm từ 1939 đến 1941, “Thanksgiving Day” được định vào ngày thứ năm tuần lễ thứ ba của tháng 11. Nhưng trên thực tế vẫn chưa có sự thống nhất – vì một số tiểu bang vẫn tổ chức lễ Thanksgiving vào các ngày khác nhau.
Cho đến năm 1941, Quốc Hội Hoa Kỳ mới thông qua Đạo luật ấn định rằng “Thanksgiving Day” là ngày thứ năm của tuần lễ thứ tư của tháng 11 hàng năm (Congress passed a joint resolution in 1941 decreeing that Thanksgiving should fall on the fourth Thursday of November…)
Thống Đốc William Bradford đã công bố “A Day of Thanksgiving” và tổ chức tiệc ăn mừng, cùng chung vui với tất cả các sắc dân bản xứ cũng như nhập cư. Lúc đầu, việc tổ chức ăn mừng ngày Thanksgiving có tính địa phương, cá nhân riêng rẽ, không vào thời gian nhất định nào.
Ý nghĩa ngày lễ “Thanksgiving”
Mặc dầu “Thanksgiving – lễ tạ ơn” chính yếu là của người Hoa Kỳ, nhưng lễ này đã có ảnh hưởng lan rộng đến nhiều người ở các quốc gia khác trên thế giới – đặc biệt những người có cơ hội tiếp cận với và chịu ảnh hưởng nền văn hóa đa chủng tại Hoa Kỳ.
Vượt ra khỏi ý nghĩa tôn giáo lúc khởi đầu là để tạ ơn Thượng Đế đã ban cho mùa màng tốt tươi trong năm qua – và qua đó người dân Hoa Kỳ cũng muốn bầy tỏ niềm tin vào sự quan phòng của Thượng Ðế, đã giúp cho đất nước Hoa Kỳ được giầu có và chiếm được địa vị một siêu cường như hiện nay. Rồi dần dà qua thời gian, ý nghĩa đó dường như đã thấm nhuần vào đời sống xã hội, để hình thành lễ hội “làm ơn” và “biết ơn”.
“Việc làm ơn” dường như đã thấm nhuần khá sâu vào tâm tư người Hoa Kỳ được thể hiện qua hành động thực tế, là sẵn sàng chia sẻ cơm áo cho người khác – trong nước cũng như ngoài nước trên trái đất. Mỗi dịp “Lễ Thanksgiving” người Hoa Kỳ thường có những việc làm cụ thể, không chỉ đối với người làm ơn cho mình mà với cả những người khốn cùng, xa lạ như những người “homeless – sống vô gia cư, chết vô địa táng’’. Dường như người dân Hoa Kỳ luôn dẫn đầu về công việc bác ái, từ thiện, như lạc quyên cứu trợ nạn nhân chiến tranh, thiên tai bão lút xẩy ra bất cứ ở đâu trên thế giới.
“Lòng biết ơn” được thể hiện qua những lời “cám ơn – thank you” phổ quát; đã trở thành câu nói đầu môi trong giao tế của mọi người, chứ không riêng của người Hoa Kỳ. Từ một việc nhỏ đến lớn làm cho ai điều gì tốt đều được “cám ơn”. Chẳng hạn mở cửa nhường cho một người vào trước một cửa hàng hay một nơi công cộng, hoặc chỉ dẫn giúp một người lạc đường… luôn được người ấy cảm ơn một cách chân thành, tự nhiên như một phản xạ – hay thay cảm ơn bằng một lời khen tặng “Ông bà tử tế quá” hay “mất công anh quá” (you’re appreciate). Những người được cảm ơn thường bày tỏ sự khiêm tốn bằng câu “you’re welcome” (ông hay bà xứng đáng được giúp đỡ như vậy) giống như lời đáp câu “cám ơn” của một người Việt Nam thường dùng là “dạ, không dám”.
Sau ngày “Thanksgiving Day” là một ngày mua sắm quà tặng của người dân Hoa Kỳ – gọi là “black friday”. Trong ngày “thứ sáu đen” này, nhiều người có thói quen đổ xô đứng xếp hàng mua quần áo hay hàng hóa. Vì ngày này là ngày “big sale” với nhiều mặt hàng được giảm giá nhiều so với giá gốc… Tất nhiên đây cũng là một trong những ngày các doanh nhân Hoa Kỳ hốt được nhiều tiền – giống như vào các dịp lễ lớn như mùa Giáng Sinh và đầu năm dương lịch.
Lễ tạ ơn ở một vài nơi trên thế giới
Tại Hy lạp thời thượng cổ, hàng năm có tổ chức lễ hội cúng thần Demeter – là một trong mười hai vị thần trên đỉnh Olympus và là nữ thần của nông nghiệp, thiên nhiên, mùa màng và sự sung túc. Người La Mã cổ đại mỗi năm cũng thường tổ chức một kỳ lễ hội lớn sau mùa gặt – gọi là Cerilla để thờ lạy thần Ceres – là một nữ thần nông nghiệp, sinh sản và tình mẫu tử.
Một trong những biểu tượng của sự tạ ơn, là cái sừng dê biểu hiệu sự phồn thịnh. Cái sừng tượng trưng mùa màng tốt, đến từ truyện thần thoại Hy Lạp: Zeus tặng cho Amalthea cái tù và bằng sừng dê như một cử chỉ biết ơn vì bà đã nuôi ông bằng sữa dê lúc ông còn nhỏ: rằng sừng này sẽ mang lại sự phồn thịnh cho những ai bà muốn ban phước.
Người Do Thái có ”Lễ Lều Tạm– Sukkot”- tưởng nhớ con cái Israel phải mất 40 năm đi qua sa mạc để trở về miền Đất Hứa. Lễ này kỷ niệm việc dựng các lều tạm (sukkot) khi dân Israel lưu đày trên đất Ai Cập. Lễ này trùng với mùa thu hoạch hoa quả và đánh dấu sự kết thúc một chu kỳ trồng cấy. Người Do Thái từ tất cả các nơi trên đất nước sẽ hành hương tới đất thánh Jerusalem. “Lễ Lều Tạm” kết thúc bằng lễ Shemini Atzeret – שמיני עצרת; lễ người Do Thái cầu mưa và “Lễ Ăn Mừng Kinh Thánh Torah – שמחת תורה”, là lễ đánh dấu sự kết thúc của sách Torah và bắt đầu một chu kỳ sách mới.
Trong nhiều thế kỷ, đã có 8 quốc gia trên thế giới chính thức tổ chức “lễ tạ ơn”: Argentina, Brazil, Canada, Nhật, Đại Hàn, Liberia, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ. Truyền thống lấy một ngày để tạ ơn này đã có từ thời xa xưa mà các bậc tổ tiên muốn chứng tỏ lòng biết ơn của họ – vì các vị thần bớt nóng giận, hoặc ăn mừng thắng trận, ăn mừng mùa gặt hái thành công lớn.
Lễ tạ ơn trong văn hóa Việt Nam
Trong văn hóa Việt Nam, chúng ta cũng thấy có “lễ tạ ơn”. Người Việt thường tổ chức “lễ tạ ơn” vào dịp cuối năm với thật nhiều ý nghĩa sâu sắc. Đây là dịp quan trọng để các gia đình bày tỏ lòng thành kính chư vị thần linh, tổ tiên, những người đã khuất – đã phù hộ cho gia đình an bình trong suốt một năm qua và cầu xin một năm mới an bình, hạnh phúc. Điều này cũng dễ hiểu – vì nếu đầu năm đã đi xin lễ cầu may mắn bình an, thì cuối năm phải trở lại để tạ ơn.
Đây không chỉ đơn thuần là một nghi lễ tôn giáo mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc:
- Tạ ơn thần linh và tổ tiên: đây là ý nghĩa chính yếu của lễ tạ. Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với chư vị thần linh và những người đã khuất – đã phù hộ, độ trì cho gia đình trong suốt năm qua.
- Cầu mong bình an, may mắn: qua nghi thức lễ tạ, chúng ta cầu xin thần linh ban cho gia đình một năm mới an lành, hạnh phúc, thành công.
- Đạo lý uống nước nhớ nguồn: “lễ tạ ơn” giúp con người luôn ghi nhớ công ơn của tổ tiên, những người đã tạo dựng nên cuộc sống hôm nay.
- Đoàn kết gia đình: đây là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, cùng nhau chuẩn bị và thực hiện nghi lễ. Điều này giúp tăng cường tình cảm gia đình và gắn kết các thế hệ.
- Giữ gìn bản sắc văn hóa: “lễ tạ ơn” là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Việc duy trì lễ tạ ơn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Lễ tạ ơn cuối năm thường không có một ngày cố định cụ thể mà thay đổi tùy theo từng vùng miền và phong tục tập quán của mỗi gia đình. Tuy nhiên, thông thường, lễ tạ được thực hiện vào khoảng thời gian từ 23 tháng chạp đến 30 tháng chạp âm lịch. Đây là giai đoạn cuối năm, khi mọi người đã hoàn tất công việc đồng áng và chuẩn bị đón “Tết Nguyên Đán”. Thường người ta hay chọn những ngày:
- 23 tháng chạp: ngày này thường được chọn để tiễn ông Công ông Táo về trời – để kết hợp với lễ tạ ơn.
- các ngày cuối tháng chạp: nhiều gia đình chọn những ngày cuối tháng chạp để làm lễ tạ ơn, tùy theo ngày lành tháng tốt.
- trước đêm giao thừa: một số gia đình lại chọn làm lễ tạ vào đêm 30 Tết – để chuẩn bị đón mừng năm mới.
Cái nhìn của Phật Giáo về lễ tạ ơn
Cái nhìn của Phật giáo về lễ tạ ơn không có tiệc tùng với những món ăn ngon – mà chỉ là chiêm ngắm để tạ ơn Đức Phật.
Cuối một khóa thiền dài một tuần lễ, Thiền Sư Tuyên Hóa (1918-1995) đã kết luận: “Bây giờ, chúng ta đã hoàn mãn. Mời mọi người đứng dậy, chúng ta sẽ lạy Phật ba lần để tạ ơn Ngài. Chúng ta tạ ơn Đức Phật bởi vì, ngay cả nếu chúng ta chưa có chứng ngộ lớn, chúng ta đã có được chứng ngộ nhỏ. Và nếu chúng ta không có chứng ngộ nhỏ nào, ít nhất chúng ta đã không bệnh tật. Vâng, và nếu chúng ta bệnh, ít nhất chúng ta đã không chết. Do vậy, hãy cùng nhau tạ ơn Đức Phật.”
Cũng nói về giấc mơ và lòng biết ơn, một nhà thơ Phật tử Hoa Kỳ thời đương đại không nói gì về những tháng ngày tuyết rơi gió thổi, nhưng nói về ngày hè khi tư duy về lời Đức Phật dạy. Nhà văn Mary Oliver (sinh năm 1935) đã có những tác phẩm đoạt giải thưởng về sách hay National Book Award và giải Pulitzer Prize. Bài thơ sau đây của bà có nhan đề là “Dreams – Những giấc mơ” – và chỉ để bày tỏ lòng biết ơn Đức Phật.
NHỮNG GIẤC MƠ
“Lòng biết ơn
Tôi muốn viết một điều gì rất mực đơn sơ
Những dòng được viết trong những ngày bóng tối lan ra
Có thể là tỉnh thức
Đêm và dòng sông
Ngày hè
Lời dạy cuối của Đức Phật
Chim cú trắng bay vào và ra cánh đồng
Ngỗng trời.”
Trong Kinh Tăng Chi Bộ, bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu (Aṅguttara Nikāya, XI. Các Hy Vọng – 1–12), có ghi lời Đức Phật dạy về lòng biết ơn như sau:
“Có hai hạng người này, này các Tỳ-kheo, khó tìm được ở đời. Là những ai? Người thi ân trước và người biết ơn kẻ đã thi ân. Hai hạng người này, này các Tỳ-kheo, khó tìm được ở đời…”
“Này các Tỳ-kheo, thế nào là địa vị bậc không phải chân nhân? Người không phải chân nhân, này các Tỳ-kheo, không biết ơn, không nhớ ơn. Còn bậc chân nhân, này các Tỳ-kheo, thì biết ơn, biết nhớ ơn. Đối với những thiện nhân, đây là đặc tánh của họ được biết đến, tức là biết ơn, nhớ ơn. Đây là các bậc chân nhân, này các Tỳ-kheo, là những người biết ơn, nhớ ơn.”
Còn một điểm độc đáo nữa trong Phật Giáo là lòng biết ơn thiên nhiên.
Trong sách “Hành Hương Xứ Phật”- tác giả Phạm Kim Khánh kể rằng Đức Phật bày tỏ lòng biết ơn cây bồ đề đã che mưa đỡ nắng cho Ngài suốt thời gian chiến đấu để thành đạo. Ngài đứng cách một khoảng xa để chăm chú nhìn cây bồ đề trọn một tuần không nháy mắt. Nơi Đức Phật đứng trọn tuần lễ để nhìn cây bồ đề – sau này được Vua Asoka dựng lên một bảo tháp kỷ niệm, gọi là Animisalocana Cetiya.
Cái nhìn của Phật Giáo về lễ tạ ơn thật hiện sinh, gần gũi và thân thương.