Nguyễn Trọng Lưu
Đã hơn 2000 năm nay rồi, mà vẫn còn nhiều người nghĩ rằng lễ Giáng Sinh của người công giáo chỉ là ”một huyền thoại”. ”Huyền thoại – legend; myth” – là một câu chuyện không có thật, mang vẻ thần bí, kỳ lạ, hoàn toàn do tưởng tượng.
Phải chăng ý nghĩ này từ phát sinh từ những việc thường ngày xảy ra trong đường phố vào mùa Noël?
1.Những việc thường ngày xảy ra trong đường phố vào mùa Noël
Hiện tượng gần gũi nhất, cụ thể nhất đập vào mắt chúng ta ngay từ khoảng giữa tháng 11 – là ánh sáng. Từ nhà ở đến các cửa tiệm và đường phố, chỗ nào người ta cũng chưng nến hay điện đèn sáng chói, với muôn màu rực rỡ, lập lòe trong bóng tối của đêm đen. Từ đèn ngôi sao đến những đèn bảy ngọn, cho đến hình ảnh ông già Noël mặc quần áo đỏ, râu trắng bạc, vai đeo những túi quà nặng trĩu ngồi trên xe gỗ được các con linh dương kéo đi trên tuyết để phát quà cho trẻ em. Tất cả đều đẹp, đều diệu vợi, đều mời gọi con người đi vào thế giới của linh thiêng, thế giới nồng ấm của lễ Giáng Sinh.
Kèm theo những ánh sáng lập lòe này là âm điệu của những bài hát Noël – mà ai cũng biết và thuộc, như ”Holy Night”, ”Jingle Bells”, ”Cao cung lên” …, dẫn đưa con người vào tận sâu thẳm của những cảm nghiệm an bình, hoan lạc của niềm vui Giáng Sinh.
Rồi ai ai cũng nô nức đi mua quà tặng cho người mình thương. Việc tặng quà cho người mình thương trong dịp lễ hội này là một cử chỉ gói trọn tấm lòng thương nhớ và muốn chia sẻ, muốn đến với nhau.
Và do vậy, dù không phải tín đồ Công Giáo nhưng vẫn đón Noël, vì lầm tưởng đây là lễ hội văn hóa truyền thống.
Quốc gia sản xuất đồ trang trí Noël lớn nhất thế giới: Trung Quốc
Theo thống kê năm 2015, 73,56% người Trung Quốc không có tôn giáo hoặc vô thần; 15,87% theo Phật Giáo; 7,6% theo tín ngưỡng dân gian; Kitô Giáo được 2,53%; và Hồi Giáo 0,45%.
Thế nhưng, cứ đến mùa Noël, một “ngôi làng Giáng sinh” tại thành phố Nghĩa Ô, Trung Quốc, với dân số 1,2 triệu người – lại có khoảng 600 công xưởng và nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm Giáng Sinh – chiếm tới 2/3 tổng sản phẩm trang trí cho dịp lễ này trên toàn thế giới. Ấy thế mà hầu hết dân chúng ở đây không biết rõ về nguồn gốc và ý nghĩa lễ Giáng Sinh là gì!
Cũng thế, Noël là ngày lễ tôn giáo thế nhưng nhiều cửa hàng, doanh nghiệp lại xem đây là cơ hội để làm ăn buôn bán, để kiếm tiền hơn là tôn trọng nghi lễ tôn giáo.
Nhiều ông chủ xem đây là dịp để kích thích thị hiếu của người tiêu dùng. Thị trường thời trang, các doanh nghiệp sản xuất quần áo, giày dép, túi xách … quảng cáo và bán sản phẩm. Rất nhiều cửa hàng bán thời trang nổi tiếng như nước hoa Immortel, mỹ phẩm Yves-St. Laurent, quần áo hiệu Burberry, Lacoste, Tiger, Armani đều quảng cáo giảm giá từ 25% đến 50% – nhân dịp Noël – mà mục đích là chỉ để kiếm được nhiều tiền, chứ chẳng liên quan gì tới đại lễ cả.
Có những người nghĩ rằng – những hàng chữ “Merry Christmas” được trang hoàng lộng lẫy với bóng điện đủ màu ngoài đường phố – xét theo một góc cạnh là một xúc phạm niềm tin của những người tin thờ Đức Yêsu.
Để dễ hiểu, chúng ta hãy hình dung – như khi chúng ta thờ tổ tiên ở một nơi trang trọng theo truyền thống văn hóa Việt Nam – “bàn thờ gia tiên ở gia đình”, nhưng bỗng một ngày nào đó, vì lý do thương mại, sự trang trọng mà chúng ta thờ kính lại được treo nhan nhản khắp nơi, làm mất đi tính chất thiêng liêng, liệu chúng ta có vui mừng không? Đó là điều mà Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm – tổng thơ ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong bài “Lễ hội thánh nhân và lễ hội ma quỷ” đã nói đến: “Nhắc lại nguồn gốc ngày lễ như thế để thấy rõ hơn xu hướng tục hóa trong thời hiện đại, tước đoạt nội dung tôn giáo và thay vào đó bằng nội dung phản tôn giáo.” Ngày đại lễ đó đó đang bị thế tục hóa bởi một lớp người không hiểu biết, họ đang lạm dụng yếu tố tôn giáo hơn là tôn trọng ngày lễ tâm linh của những tín hữu Công giáo.
Ngay từ đầu thế kỷ 20, thi sĩ Anh giáo Sir John Betjeman còn làm bài thơ “Christmas” – nêu lên những nghi hoặc của con người về niềm tin truyền thống này:
“And is it true? And is it true?
This most tremendous tale of all
Seen in a stained – glass window’s hue
A baby in an ox’s stall
The Maker of stars and sea
Become a child on earth for me?” (The Oxford Book of prayer)
(Có thật không? Có thật không?
Đây là chuyện đáng sợ vô cùng
Tôi thấy hình trên kính cửa nhà chung
Một em bé trong chuồng bò máng cỏ
Là người sinh ra sao trên trời và biển cả mênh mông
Lại trở thành một chú nhóc trên cõi đời này cho tôi sao?)
2. Từ lịch sử tính của Đức Yêsu đến Yoan 1, 1: “Tự khởi đầu đã có Ngôi Lời …. và Ngôi Lời là Thiên Chúa”
21. Lịch sử tính của Đức Yêsu-Ngôi-Lời
Để xóa tan ý nghĩ lễ Giáng Sinh của người công giáo chỉ là ”một huyền thoại”, trước hết chúng ta phải tìm ra được những chứng tích khoa học thực nghiệm – để có bằng cớ chính xác rằng Đức Yêsu thực sự đã hiện hữu trên mặt đất này – chứ không phải là huyền thoại. Đó là điều mà các khoa học gia và triết gia gọi là “chứng cớ về lịch sử tính của Đức-Yêsu-Ngôi-Lời”.
Ngay từ năm 1947, khi Roland de Vaux tìm ra những ”papyrus – các cuộn giấy chép Kinh Thánh Do Thái” tại các hang động Khirbet Qûmran ở gần Biển Chết, ông cũng đã mở đường cho André Lemaire – chuyên viên về cổ tự của đại học Sorbonne, Paris cùng với một nhóm các nhà khảo cổ về kinh thánh – tìm ra những ”fossiles – những vật hóa thạch” xác nhận được sự hiện hữu của con người Yêsu tại Nazareth cũng như nơi chôn táng Người. Các nhà khảo cổ cũng đã tìm ra những dấu vết của vườn địa đàng rất sát với những chi tiết đã được viết trong Sách Sáng Thế.
Thế nên ngày nay chẳng còn ai hồ nghi về lịch sử tính của Đức-Yêsu-Ngôi-Lời nữa.
Các triết gia hiện đại như Gilles Deleuze, Michel Faucault, Lucien Lévy Bruhl và André Gluksmann – đều nhấn mạnh đến phạm trù “lịch sử tính” – gây ảnh hưởng rất sâu đặm lên não trạng con người thiên về kiểm chứng thực nghiệm trong xã hội ngày nay – mà lịch sử tính của con người Yêsu đã được kiểm chứng rất minh thị qua nghành khảo cổ và ngành khảo sát cổ tự.
22. “Tự khởi đầu đã có Ngôi Lời …. và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Yoan 1,1)
Mà một khi đã chứng thực được lịch sử tính của con người Yêsu, chúng ta còn cần phải trở về nguồn để tìm hiểu câu Kinh Thánh rất quen thuộc với người công giáo: “Tự khởi đầu đã có Ngôi Lời … và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Yoan 1,1) – mà đôi khi, vì quá quen thuộc, nên chẳng bao giờ chúng ta suy tư về hai chữ “ngôi” và “lời” trong tiếng Việt.
“Ngôi Lời là Thiên Chúa”
“Ngôi” là từ diễn tả lòng kính trọng dành cho những bậc đáng tôn kính, nói lên sự tôn vinh đến các người có tước cao quyền trọng – như chúng ta nói: ”ngài lên ngôi vua”.
Chữ “Lời” – theo chiết tự từ chữ Hán, được ghép do 3 bộ lại với nhau. Đó là bộ “khẩu”, bộ “thiên” và bộ “thượng”. “Khẩu” có nghĩa là “lời nói, tiếng nói”; “thiên” có nghĩa là “trời”; “thượng” có nghĩa là “cao”. Như vậy chúng ta có thể hiểu được rằng; “Lời” là “Lời nói của Đấng từ trời cao” – hay đơn giản hơn – “Lời” là “tiếng nói của Trời”. Người Công Giáo Việt Nam đã dùng chữ “Lời” này để diễn tả “Lời nói của Đức Chúa” – cũng đồng nghĩa với “Lời là Ngôi Hai Con Thiên Chúa”.
Ngôi Lời là Ngôi Hai, và qua Ngôi Lời, Thiên Chúa đã diễn tả về chính mình. Nói cách khác, Ngôi Lời là một biểu lộ tuyệt diệu về Thiên Chúa. Là một phản ảnh tuyệt vời về Chúa Cha.
Và khi đọc câu “Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành” trong kinh Tin Kính, chúng ta mới hiểu được rằng: Thiên Chúa là nguồn phát sinh của vạn vật. “Tạo thành” có nghĩa là tạo dựng, làm nên “sự sống”, và sự sống này được phát sinh từ Thiên Chúa. “Sự sống” này là một phản ảnh hữu hình và vô hình của Thiên Chúa. Điều này cũng có nghĩa là “Ngôi Lời là Ngôi Con của chính mình” – hay nói một cách khác: “Ngôi Lời là Thiên Chúa”.
Lời của Chúa Yêsu cũng chính là Lời của Thiên Chúa. Mà Lời của Thiên Chúa là Lời Hằng Sống, chúng ta gặp được qua chính Đức Yêsu. “Ngôi Con – Ngôi Lời” đã làm người, nhưng Người là Thiên Chúa cũng như Chúa Cha. Phúc Âm Thánh Yoan 1, 14 viết rằng “Ngôi Lời thần linh đã trở nên người phàm”. Đây là nền tảng của mầu nhiệm nhập thể làm người, là ý nghĩa sâu thẳm của đại lễ Giáng Sinh.
Ngôi Lời đã nhập thể làm người không phải chỉ để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi mà thôi, mà quan trọng nhất qua sự nhập thể và nhập thế này, Ngôi Lời đã cho chúng ta quyền cùng với Người trở nên con cái Thiên Chúa.
Làm cho Lễ Giáng Sinh trở thành tiệc mừng của lòng tin
Giáng Sinh là niềm vui. Vui vì Thiên Chúa làm người, vui vì Thiên Chúa đã ở cùng chúng ta – “Emmanuël”, vui vì kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã bắt đầu cách âm thầm qua việc truyền tin và khởi đầu cách công khai qua việc Chúa Giáng Sinh. Nhưng niềm vui này chỉ có thể đón nhận với lòng tin vào Thiên Chúa, tin vào Hài Nhi Yêsu. Do đó chúng tôi muốn gọi Giáng Sinh là lễ hội của lòng tin. Nói cách khác, chỉ với đức tin chúng ta mới có thể đón nhận được niềm vui đó.
Đức tin tìm được nơi máng cỏ của ăn cho linh hồn chúng ta là Mình và Máu Đức Kitô, tức là Thánh Thể. Thánh Thể này được được khởi đầu nơi cung lòng của Đức Maria – sau đó qua một trẻ thơ và cuối cùng được hiến tế thên Thập Giá và bây giờ trong Thánh Lễ.
Đức tin cũng còn tìm được Lời của Thiên Chúa. Hài Nhi Yêsu chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, một “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Yn. 1,14)
Đức tin sẽ tìm thấy nơi hài Nhi Yêsu trong chuồng bò giá lạnh những mẫu gương tuyệt vời: mẫu gương thi ân, mẫu gương giáng phúc, mẫu gương của việc quên mình, trong khó nghèo tuyệt đối và hoàn toàn vâng theo ý Cha: “Này con đây, con đến để thi hành thánh ý Cha” (DoThái, 10, 9).
Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày 23.12.2017 còn nói: “Đức tin chỉ trở thành thật sự khi đức tin ấy đụng chạm đến trái tim chúng ta, đến linh hồn chúng ta, đến tâm trí chúng ta và cả cuộc sống của chúng ta nữa”. Một đức tin mà đụng đến trái tim, đến linh hồn, đến tâm trí và đụng đến cuộc sống của chúng ta thì đó mới là đức tin thật và chính đức tin thật đó mới mang lại ơn cứu độ cho chúng ta. Đức tin này luôn bắt ta phải suy nghĩ, phải suy niệm, phải tìm hiểu những chân lý đức tin, những điều mình tin. Không phải là nghi ngờ mà là muốn đào sâu dưới nhiều khía cạnh để chúng ta ngày càng xác tín hơn.
Chỉ khi trải nghiệm với lòng tin, thì lễ hội Giáng Sinh này mới trở thành tiệc mừng của lòng tin.