Nguyễn Trọng Lưu
Tôi không đồng ý với Linh mục Piero Gheddo – trong phần kết cuốn ”Catholici e Buddhisti nel Vietnam” (1968) đã cho rằng tại Việt Nam, ảnh hưởng của Phật Giáo lớn hơn của Khổng Giáo. Linh mục Piero Gheddo đã đến Saigon năm 1967 theo lời yêu cầu của Đức Tổng Giám Mục P. Nguyễn Văn Bình để báo cáo tình hình Giáo Hội Việt Nam lên Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin.
Đồng ý là đa số người Việt Nam – nếu không theo đạo công giáo hay một vài đạo khác như đạo Cao Đài, Tin Lành hay B’hai – khi được hỏi về tôn giáo của mình, thì họ sẽ trả lời rằng họ theo đạo Phật – nhưng trong thực tế họ chỉ thờ cúng ông bà. Thế nhưng bất cứ người Việt Nam nào – cũng một cách minh nhiên hoặc mặc nhiên – đều đề cao và thực hiện những lý tưởng đạo đức như tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), tứ đức (công, dung ngôn, hạnh), tam cương ngũ thường (quân, phu, phụ và nhân, lễ, nghĩa, trí, tín). Những lý tưởng đạo đức này đều phát sinh từ Khổng Giáo – thế nên theo thiển ý của chúng tôi phải kết luận rằng – đối với người Việt Nam ảnh hưởng của Khổng Giáo lớn hơn Phật Giáo rất nhiều. Ấy là chưa kể đến ảnh hưởng của Khổng Giáo trong việc tổ chức hành chánh và văn hóa. Cứ xem cách tổ chức các khóa thi hương, thi hội, thi đình của nước ta thời xưa – thì sẽ thấy rõ.
1. Chân dung Đức Khổng Tử
Đức Khổng Phu Tử hoặc Đức Khổng Tử là danh hiệu tôn kính của hậu thế dành cho Khổng Khâu hay Khổng Khưu – tự là Trọng Ni – sanh ngày 27.08. 551 và mất ngày 11.04.479 trước tây lịch, vào cuối thời Xuân Thu – tại làng Xương Bình, ấp Trâu, thôn Xương Bình, nước Lỗ – nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Hoa. Ông là giảng sư và là triết gia lỗi lạc nhất vùng Á Đông.
Mồ côi cha từ lúc lên 3 và mồ côi mẹ vào lúc 25 tuổi, nên Khổng Tử rất tháo vát và đảm đang. Từ năm 30 đến năm 50 tuổi, Ngài đi chu du nhiều nước để học hỏi về lễ nhạc, phong tục. Sau đó Ngài bắt đầu giảng dạy và sáng tác trong vòng 20 năm, cho đến khi tạ thế và được các đồ đệ an táng ở Khổng Lâm.
Điểm nổi bật nhất nơi Đức Khổng là lòng ham mộ chân lý và tin vào mệnh trời. Ngài không bao giờ nhận mình là ”sinh nhi tri chi – sinh ra là đã biết” mà lúc nào Ngài cũng nói ”Học nhi tri chi – nhờ học hỏi mới biết”. Ngài đã từng du học tại nước Tề, nước Vệ, nước Bồ, sang Tống về Tào và làm việc tại nước Lỗ. Ngài cũng đã theo học với Lão Đam – tức Lão Tử – trong hai năm.
Cái học đó đã dẫn Đức Khổng tới chỗ ”tri thiên mệnh” – tức ”biết được mệnh trời”. Mà ”biết được mệnh trời” tức là:
- Biết rằng trong tận sâu thẳm của tâm mình có Trời làm căn cơ, chủ chốt: ”Thiên mệnh chi vị tính”
- Biết rằng con người sinh ra là cốt để thực hiện một định mệnh cao cả, là sống một cuộc đời phối hợp với Trời, thuận theo thiên ý: ”Suất tinh chi vị đạo”
- Và biết rằng mình phải làm sáng cái thiên tính đã tiềm ẩn trong tâm mình, bằng cách tu luyện cho đến chỗ chí ư chí thiện: ”đại học chi đạo, tại minh minh đức”.
Ngay từ năm 201, tư tưởng của Đức Khổng đã được quan Thứ Sử Sĩ Nhiếp – vốn là người Tàu mà dòng họ đã ba bốn đời sinh trưởng ở Việt Nam, lúc đó đang còn được gọi là Giao Chỉ – truyền bá. Chính ông đã gởi một số văn nhân Việt Nam sang du học tại Trung Hoa và sau này, chính ông cũng đã khởi xướng việc phiên dịch các sách tứ thư (Luận ngữ, Đại Học, Trung Dung, Mạnh Tử) và ngũ kinh (Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu) sang tiếng Việt. Nhưng xin quý độc giả nhớ cho rằng, tiếng Việt thời đó không phải là tiếng Việt dùng mẫu tự la-tinh như bây giờ, mà chỉ là chữ Hán được biến đổi và được đọc theo cách riêng của người nước ta – mà sau này được hệ thống hóa thành chữ nôm. Còn chữ quốc ngữ – tức chữ mà chúng ta có và dùng bây giờ – là do các vị thừa sai ngọai quốc – đặc biệt với cha Đắc Lộ – Alexandre de Rhodes – vào thế kỷ 17 lập thành.
2. Học thuyết Khổng Giáo
Tôi không trình bày những quan điểm triết học và chính trị của Đức Khổng Tử, mà chỉ muốn trình bày tóm lược những quan niệm đạo đức chính yếu.
Hai điểm nổi bật nhất trong những quan điểm đạo đức của Đức Khổng Tử là Đạo Trung Dung và Đạo Vụ Bản.
- Đạo Trung Dung
Rất nhiều người thường hiểu trung dung là một sống vừa phải, khéo léo, không thái quá, không bất cập. Nhưng hiểu như thế thì hiểu quá tầm thường và đã hiểu sai ý của Đức Khổng.
Thật vậy, Trung Dung là một đức hạnh tuyệt vời, rất ít người được: ”Trung Dung chi vi đức kỳ chí hỹ hồ! Dân tiển năng cửu hỹ – Trung Dung là đức hạnh cực điểm tuyệt vời, đã lâu nay ít người đạt được!” (Sách Luận Ngữ, VI, 27). Đó là thứ ”Triêu văn Đạo, tịch tử khả hỹ – sáng nghe được, chiều chết cũng cam” (Luận Ngữ, IV, 8). Mà để đạt được đạo Trung Dung này, con người cần phải có một tinh thần hoàn toàn an bình, thư thái, để có thể nhận ra rằng Trời chẳng ở đâu xa, mà Trời luôn tiềm ẩn trong lòng người. Hễ biết kính sợ và tuân theo lời nói của Trời, được biểu hiện qua những luật vĩnh cửu của lương tâm, là con người đã biết Đạo Trung Dung vậy: ”Trời sinh ra mỗi người và vạn vật và Trời cũng đặt để những luật lệ rõ ràng. Tại tâm của mỗi người có chứa căn nguyên của Trời, nên hãy theo những định luật này – Thiên sinh chư dân, hữu vật hữu tắc, dân chi bỉnh di, hão thị ý đức” (Kinh Thi, Chưng dân). Đó chính là điều mà Đức Khổng gọi là ”tri Thiên Mệnh” – như chúng ta vừa nói ở trên.
- Đạo Vụ Bản
Một khi đã biết được Trời là nguồn gốc và là căn cơ của con người và vạn vật, thì con người phải biết sống phối hợp với Trời. Đó là điều mà các nhà chú giải Khổng Tử thường gọi là ”Đạo vụ bản”.
”Đạo vụ bản” là gì? Vụ bản là trọng gốc, là lưu tâm đến căn bản vũ trụ quần sinh, là đặt trọng tâm về bản tính và chỗ đứng của con người để có thể sống chính danh.
Đạo vụ bản này có ba chiều kích khác biệt, nhưng chỉ quy về một mối là ĐẠO: ”Ngô đạo nhất dĩ quán chi” (Luận Ngữ IV,15: Kinh Xuân Thu, 2). Đó là vật đạo, nhân đạo và thiên đạo.
Vật đạo là lo cho mọi người trong vũ trụ có đầy đủ cơm no áo mặc, có đầy đủ môi trường và phương tiện phát triển nhân tính.
Nhân đạo là dạy cho con người biết sống xứng đáng với phẩm giá con người, biết ”hiếu, trung, tiết liệt, nhân hậu, tín trung”, biết sống quân tử, thanh cao.
Thiên đạo là biết rằng mình có nguồn mạch chí thành chí thiện ngay trong tâm khảm mình, tức biết làm phát huy thiên tính ở sẵn trong mình. Để đạt được thiên đạo, phải tu tâm tích đức, phải tự hoàn thiện mỗi ngày để trở thành bậc hiền đức.
Trong ba đạo này, thì Thiên đạo là căn bản. Trời là gốc của con người, là nguyên lý chi phối mọi loài. Vậy phải tuân theo mệnh trời (tri thiên mệnh) – đúng theo như chỗ đứng và địa vị của mình trong liên quan với xã hội, nhân loại. Sống như vậy là sống chính danh.
- Giá trị của Khổng Giáo trong tương quan với giáo lý công giáo
- Một vài quan điểm
Điều cần lưu ý ở đây là khi nói đến Khổng Giáo, cũng như khi nói đến Phật Giáo và Lão Giáo, thì từ ”giáo” không được hiểu theo nghĩa hẹp của một tôn giáo – trong nghĩa phải thờ phượng đấng sáng lập với những lễ nghi cúng bái mà đứng đầu là một hàng giáo sĩ, cũng như với một quan niệm hồn thiêng bất tử. Phải hiểu tam giáo – Phật, Lão và Khổng – như những lối sống, những đường hướng tu đức, những”đạo” làm người.
Bởi thế có nhiều người nại vào lý do này để không nhận Khổng Giáo như một tôn giáo đúng nghĩa. Nhất nữa, nhiều lần Đức Khổng Tử lại nói rằng ”phục vụ con người chưa xong, tại sao lại còn lo việc phụng thờ thần linh? (Luận Ngữ XI,11) hoặc ”chưa biết sống thì làm sao lại phải lo việc chết? (Luận Ngữ XII, 12). Điều đó có nghĩa là Đức Khổng Tử không quan tâm đến sự trường tồn của hồn thiêng, cũng như Ngài không có một quan niệm rõ ràng về một thế giới thần linh. Và do vậy nhiều triết gia, nhiều nhà xã hội học và ngay cả một số giám mục và linh mục – chẳng hạn Phan Khôi, Hồ Thích, Quách Mạt Nhược, Linh mục Wieger, Giám Mục Jean-François Aleonissa – đã ”kết án” Đức Khổng là một người vô thần, không đáng được gọi là ”thánh nhân” hay ”hiền nhân”.
- Giá trị tích cực
Những nhận định như thế là đã vô tình phán xét Đức Khổng Tử chỉ trong khía cạnh chính trị và xã hội – chứ không trong khía cạnh tôn giáo.
Quả vậy, phải đạt học thuyết của Đức Khổng Tử trong bối cảnh lịch sử của thời đó. Thời của Đức Khổng Tử là thời mạt Chu, nên chủ thuyết của Ngài chú trọng nhiều đến vấn đề phục hưng xã hội, hầu tạo được một nếp sống khang an cho dân chúng, đem lại an bình cho quốc gia, xã hội.
Những quan điểm chính trị này không bao giờ nên tách rời khỏi những quan điểm đạo giáo. Chẳng vậy mà Đức Khổng Tử lại đề cao trời là một Thực Thể Siêu Việt, Tuyệt Đối – mà con người cũng được thông phần bản tính. Hơn thế, Đức Khổng Tử còn biên soạn cả một cuốn sách – cuốn Kinh Lễ – để nói về việc cúng bái Trời. Đồng ý là Đức Khổng Tử không khai triển một hệ thống tư tưởng siêu hình về Thần cũng như về sự bất tử của hồn, nhưng điều đó không có nghĩa là Đức Khổng Tử vô thần hay không phải là một thánh nhân.
Hơn thế, quan niệm Trời ngự giữa lòng người của Khổng Giáo cũng rất gần với quan niệm bên công giáo về thân xác là đền thờ Thiên Chúa qua Chúa Thánh Thần (Eph. 2,22). Thân xác con người đã được Thiên Chúa thần hóa – tuy không cùng một bản tính với Thiên Chúa – qua Ngôi Lời nhập thể và nhập thế và qua bí tích rửa tội – và do vậy con người phải suốt đời phải làm bùng cháy, làm sáng lên cái thần tính đó – hay nói một cách ”công giáo” hơn nữa – phải Kitô hóa chính mình và thế giới bên ngoài. Đó chính là điều mà Đức Khổng Tử gọi là ”minh minh đức – làm sáng cái đức sáng trong ta”. Quan niệm này cũng không khác gì quan niệm về ”Brahman” và ”Atmân” trong kinh Upanishad của Ấn Giáo.
Ngoài ra những giá trị nhân bản mà Khổng Giáo đề ra – thực không khác gì những nhân đức bên công giáo hằng ca tụng. Có thể đặt ngang hàng chữ ”nhân” của Khổng Giáo với đức ái của công giáo; việc ”tri thiên mệnh” với ”chu toàn lề luật; chữ ”trung hiếu” với giới răn thứ bốn; ”thuyết chính danh” với đức công chính; ”Đạo Trung Dung” với giới răn thứ nhất”.
Nói khác đi, nếu tất cả những giá trị – đặc biệt những giá trị nhân bản và luân lý đều là những phản chiếu của Giá-Trị-Tuyệt-Đối – mà bên công giáo gọi là Thiên Chúa – thì phải nói rằng những giá trị nhân bản và luân lý mà Khổng Giáo đề cao cũng một cách nào đó đều là những ”mạc khải” của Thiên Chúa dành cho con người.
Mà do vậy hãy dâng lòng cảm tạ Thiên Chúa, bởi chúng ta – những người công giáo Việt Nam, vừa được thừa hưởng ánh sáng của Khổng Giáo lại vừa được nâng cao trong ân đức siêu nhiên nữa.