Những khía cạnh của hiện tượng vô thần (phần 4)
Phê bình và lượng giá những quan điểm vô thần
Chúng ta vừa lược qua – dù một cách rất ngắn gọn – những khía cạnh của hiện tượng vô thần. Nhưng phải phê bình và lượng giá những quan điểm ấy như thế nào?
Luận lý triết học
Đứng trên phương diện luận lý triết học, thì cái ”không” phải đến từ cái ”có”. Như vậy, để có thể chối bỏ Thiên Chúa thì ít nhất – phải có khái niệm về Thiên Chúa hiện hữu trước đã. Mà làm sao có khái niệm về sự hiện hữu của Thiên Chúa nếu Thiên Chúa không hiện hữu? Điều đó cũng có nghĩa là để chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa phải hiện hữu đã – rồi mới có thể chối bỏ được. Thái độ chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa hoàn toàn mâu thuẫn, vì đi ngược lại với luận lý triết học.
Mọi tư duy triết học đều đồng quy tại một cảm nghiệm: ”cảm nghiệm về Thiên Chúa, khát vọng về Tuyệt Đối”. Hữu thể hạn giới – mà theo ngôn từ của M. Heidegger gọi là ”Dasein” này lúc nào cũng đòi vươn tới một Tuyệt Đối – không phải là một ý thức, một tư duy mà chính là một ”Hữu-Thể-Là”: “אהיה אשׁר אהיה – Ta-là-Đấng-Ta-Là” (Xh. 3, 13-14). Với cái nhìn triết học, thì danh xưng này là một danh xưng tuyệt hảo, danh xưng chỉ Thiên Chúa mới biết. Hãy nhìn vào con người chúng ta: chúng ta hiện hữu qua xác thân, qua sự sống, qua cái ta cá biệt độc nhất vô nhị, nhưng chúng ta chẳng biết khi nào chúng ta được sinh ra và cũng chẳng biết khi nào chúng ta phải chết và phải chết ở đâu, chết cách nào và sau đó đi về đâu. Mà do vậy hữu thể người lúc nào cũng khát vọng về Tuyệt Đối. Đó cũng chính là điều mà Thánh Augustinô (354-430) trong cuốn ”Confessions” – khi tra vấn về câu hỏi nền tảng ”con người là ai?” – đã tìm được câu trả lời cho triết lý cuộc đời trong câu: ”Ngài đã dựng nên chúng con để hướng về Ngài, nên tâm hồn chúng con không thể nghỉ yên cho đến khi được yên nghỉ trong Ngài”.
Quan điểm xã hội học
Đồng ý là xã hội càng ngày càng tiến bộ, văn minh kỹ thuật càng ngày càng phát triển. Nhưng sự phát triển đó chỉ loại bỏ những hình thái mê tín hay cuồng tín trong niềm tin mà thôi – chứ không loại bỏ chính niềm tin. Điều chứng minh cụ thể nhất là, ngay giữa lòng thời đại hôm nay, vẫn còn rất nhiều phong trào, những dòng tu, những trường khảo cứu Kinh Thánh, những nhà thờ, những nơi hành hương cầu nguyện.
Quan điểm tâm lý học
Ngành tâm lý học đã làm nổi bật vai trò của tình cảm trong sự phát triển con người toàn diện. Nhưng trong lãnh vực tôn giáo, ngoài tình cảm – con người còn phải dùng lý trí và ý chí để khắc phục những khó khăn. Chẳng hạn không phải chỉ lúc nào ”cảm thấy” sốt sắng, chúng ta mới sống đạo, mà bất cứ lúc nào cũng phải sống đạo, với lý trí và ý chí.
Còn nói rằng sống đạo là phải tự biến thành một con người sợ hãi, lo âu, thì điều đó không đúng. Bởi lẽ việc sống đạo, tin đạo là một hành vi của lý trí – chứ không phải của tình cảm, mà vui thì theo, chán thì bỏ. Giữa trần gian và thiên giới luôn có một khoảng cách mà con người phải kính trọng, nhưng không phải mù quáng và sợ hãi: Thiên Chúa đối xử với con người bằng tình yêu và Ngài muốn đón nhận lại tình yêu của con người. Thái độ yêu thương và tin tưởng của con cái đối với cha mẹ đâu phải là thái độ kinh hãi và sợ sệt?
Giả thuyết của S. Freud cũng không có nền tảng vững chắc. Những định chế xã hội, những điều cấm kỵ mà lương tâm con người tự nhận thấy, chẳng những không phải là những điều cản trở bản ngã con người – mà trái lại là những bảng chỉ đường, giúp con người sống tốt đẹp với chính mình và với tha nhân. Còn việc quả quyết rằng ý niệm Thiên Chúa, sự bất tử của linh hồn … là những dồn nén trá hình chỉ là những giả định S. Freud đặt ra để giải thích lý thuyết của mình mà thôi, không có gì chứng minh cụ thể.
Quan điểm khoa học
Cái sai lầm lớn nhất của quan điểm khoa học trong vấn đề tôn giáo là độc đoán khẳng quyết những kết quả thuộc lãnh vực vật chất lên lãnh vực tinh thần. Tại sao khoa học vật lý lại quả quyết chỉ có vật chất là nguyên nhân duy nhất giải đáp mọi vấn đề? Vây làm sao cắt nghĩa được hiện tượng thần giao cách cảm hay những phép lạ? Khoa sinh vật học cũng không cắt nghĩa dược tại sao các nhiễm thể chỉ tự cấu thành với nhau theo những chu trình nhất định nào đó. Điều đó có nghĩa là phải có một Đấng Tạo Hóa dựng nên các chu trình cấu tạo đó mà khoa học chỉ biết khám phá và cắt nghĩa ”làm sao” hay ”bằng cách nào” – chứ không giải thích được ”tại sao”, ”tự đâu”, ”do đâu” mà hiện tượng đó xảy ra được.
Quan điểm văn học
Các tác phẩm văn chương nổi tiếng trên thế gới đã rất khéo léo mô tả những trạng huống bi thê của con người thời nay. Nhưng từ chỗ bi thế đó, tại sao các tác giả lại chỉ đưa ra một kết luận bi quan mà không tìm ra một ý nghĩa nào khác? Chẳng hạn, tìm cho sự đau khổ một ý nghĩa. Tại sao
không từ những bất công của xã hội đi khai sáng một con đường hướng sống, mà chỉ từ đó kết án Thượng Đế hay cho rằng không có Thượng Đế?
Thế giới của Thiên Chúa khác với thế giới của con người, nên không thể phóng chiếu cách đối xử của con người lên Thiên Chúa để đòi buộc Thiên Chúa phải hành động như con người tại thế được.
Quan điểm triết học
- Marx đã hoàn toàn lầm lẫn khi cho rằng vì bị mê hoặc vào thiên đàng mà người công giáo không thể làm chủ được cuộc sống tại thế. Khát vọng tâm linh là một khát vọng nội tại, nên chỉ khi nào được định hướng, con người mới thanh thản để sống làm ăn. Do vậy niềm tin vào Thiên Chúa chẳng những không làm hại cho sinh hoạt trần thế, mà trái lại còn giúp ích rất nhiều. Thêm vào đó, K. Marx đã khéo thay thế lòng tin vào Thiên Chúa bằng một lòng tin ”cuồng tín” vào ý thức hệ cộng sản.Điều đó cho thấy lý thuyết của K. Marx về tôn giáo không có giá trị vững chắc.
- P. Sartre và M. Heidegger đã cố tình gạt bỏ cái ý nghĩa hiện sinh nhất của con người. Cái chết, cái hạn hữu của kiếp người – hé mở cho chúng ta thấy một ánh sáng của tuyệt đối. Bởi lẽ nếu con người hạn hữu lúc nào cũng mang trong mình một khát vọng vô hạn, thì ít nhất trên phương diện triết học, đã phải có một khát vọng vô biên để con người hướng tới. Sự từ chối hay xóa bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa sẽ trở thành một mâu thuẫn nội tại và sẽ đưa con người đi vào một ngõ cụt, một sự phi lý đúng như J. P. Sartre và M. Heidegger đã cảm nghiệm được.
Nhóm triết gia đã hiểu rất đúng khi đòi hỏi ”quyền tự do theo đạo” cũng như ”quyền tự do không theo đạo” phải được tôn trọng. Những các triết gia này đã quên rằng – việc truyền bá hay rao giảng tin mừng là một việc – đúng như trong trường hợp các triết gia in sách báo để quảng bá triết thuyết của mình – còn việc đón nhận và tin theo là một việc khác.
Hơn thế, theo quan điểm của thần học công giáo, đức tin trước hết và trên hết là một ân ban của Thiên Chúa cho con người, nên không thể nói đến việc vi phạm quyền tự do cá nhân. Một chứng cớ rất cụ thể là từ hơn 2000 năm nay, tại sao cũng vẫn còn rất nhiều người không tin và không sống đạo?
Đối thoại với những anh em tự nhận là vô thần
Đến đây – dưới ánh sáng của Công Đồng Chung Vatican 2 – chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có thể đối thoại với những anh em tự nhận là vô thần không?
Như chúng ta vừa thấy qua những bài trên – một trong những khía cạnh nổi bật nhất của những quan điểm vô thần – vì không thể gạt bỏ hay từ chối được ý niệm về sự hiện hữu của Thiên Chúa được, nên tất cả các quan điểm đều muốn hướng đối tượng – tức niềm tin – vào một lý tưởng hay một ý thức hệ khác.
Ngành xã hội học, nhân chủng học cũng như chính trị học đưa niềm tin này vào khát vọng cải tổ một thế giới công bằng, bình đẳng. Bên khoa học đặt trọn niềm tin này vào những kết quả của kỹ thuật, cơ khí. Còn ngành tâm lý học lại hướng niềm tin này vào việc đề cao con người. Và cuối cùng, quan điểm triết học – tệ hại hơn cả – muốn giết chết niềm tin ấy trong chán chường, vô vọng.
Hiểu như thế, chúng ta mới thấy được giá trị tích cực của quan điểm vô thần trong việc thanh lọc đức tin. Phải thành thực nhận rằng – rất nhiều lần và rất nhiều khi – tuy là người công giáo, nhưng chúng ta đã hành động như những người vô thần. Chúng ta thiếu lòng bác ái vị tha. Chúng ta không giữ phép công bằng, ham mê tiền tài, danh vọng, quyền lực, sắc dục. Chính những lúc đó, chúng ta đã hướng niềm tin – thay vì vào Thiên Chúa – mà đi vào những ngẫu tượng khác. Mà nếu thế, những quan điểm vô thần này thực sự là những thách đố giúp chúng ta nhìn nhận ra những điều lầm lẫn, thiếu sót.
Cũng chính ở những thách đố này mà chúng ta – một phần nào đó và dưới một khía cạnh nào đó -có thể đối thoại với những anh em tự nhận là vô thần.
Dĩ nhiên, chúng ta không thể đồng ý trên lý thuyết với các quan điểm vô thần được. Nhưng trên phương diện thực hành, chúng ta có thể dễ dàng đối thoại được. Chẳng hạn, chúng ta đều có bổn phận xây dựng một xã hội bình đẳng, một thế giới yêu thương đại đồng. Chúng ta phải phát triển con người toàn diện, như là một đóng góp vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Và hơn khi nào hết, chúng ta cần tìm hiểu và chia sẻ những đau khổ, bi đát của trạng huống con người thời nay. Niềm tin Kitô giáo đòi buộc chúng ta phải có một trách nhiệm liên đới về sự cứu thoát đời đời mà Thiên Chúa dành để cho hết mọi người, không phân biệt ý thức hệ, màu da, tuổi tác.
Chính trong tín điều hiệp thông của Giáo Hội mà theo thiển ý của tôi – việc đối thoại với những anh em tự nhận là vô thần, mới có thể mang lại kết quả tốt đẹp, cho chính mình và cho cả người anh em mình đang đối thoại nữa.
Nguyễn Trọng Lưu