Nguyễn Trọng Lưu
Khởi đầu của kinh Mân Côi
Tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi được dùng để chỉ về Đức Mẹ Fatima – là một trong số nhiều tước hiệu người công giáo dành cho Đức Maria. Tước hiệu này phát xuất từ việc Đức Mẹ hiện ra 6 lần với 3 em bé chăn cừu làng Fatima – Bồ Đào Nha, là Lúcia dos Santos, Francisco Marto và Jacinta Marto từ ngày 13.5 tới ngày 13.10.1917. Ba em này đã kể rằng Đức Maria đã đích thân xưng mình là “Đức Mẹ Mân Côi”.
Sau này Giáo Hội dành riêng tháng 10 để kính Đức Mẹ Mân Côi. Cụm từ ”kinh mân côi” xuất phát từ tiếng La tinh – ”rosarium” – nghĩa là khu vườn hoa hồng. Trong tiếng Việt, Kinh Mân Côi còn được gọi bằng các tên như ”Văn Côi”, ”Môi Côi”, ”Môi Khôi”, ”Mai Khôi”.
Có nhiều chi tiết khác nhau về lịch sử của Kinh Mân Côi – nhưng truyền thống của Giáo Hội công giáo, công nhận rằng chính Đức Mẹ đã hiện ra trao tràng hạt cho thánh Đa Minh (1170-1221) vào năm 1208, tại Prouille, miền Nam nước Pháp. Lúc ấy thánh Đa Minh đang giảng đạo chống lại lạc giáo Albigeois.
Thực tế, việc cầu nguyện với một tràng hạt đã có nguồn gốc rất xa xưa. Vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, các tu sĩ trong vùng sa mạc Ai Cập có thói quen dùng những hạt cây hay những hòn sỏi nhỏ để đếm kinh – kinh này là Kinh Lạy Cha. Tùy mức độ sùng đạo, mỗi buổi sáng, họ quyết định số kinh sẽ đọc trong ngày tương ứng với số lượng hạt này rồi cho vào túi, đọc xong một kinh thì họ vứt đi mỗi hạt. Đến thời Trung Cổ, các tu sĩ có thói quen đọc 150 bài thánh vịnh mỗi ngày trong giờ Kinh Phụng vụ. Nhưng cũng có nhiều tu sĩ không biết đọc và viết tiếng La tinh, nên họ đọc 150 kinh Lạy Cha để thay thế. Để đếm các kinh ấy, người ta dùng những hạt gỗ xâu vào nhau nhờ một sợi dây và gọi đây là tràng hạt kinh Lạy Cha. Sau này, người ta dùng thêm Kinh Kính Mừng bên cạnh Kinh Lạy Cha.
Thế kỷ thứ 7, là thế kỷ làm triển nở lòng sùng kính Maria: giáo dân bắt đầu phổ biến việc đọc 150 Kinh Kính Mừng thay cho 150 kinh Lạy Cha và gọi cách đọc kinh này là “đọc sách thánh vịnh của Đức Mẹ”.
Từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20, cấu trúc cơ bản của Kinh Mân Côi vẫn không thay đổi. Kinh Mân Côi là một phương pháp cầu nguyện phổ biến và quan trọng của Giáo Hội Công giáo Rôma. Khi đọc kinh, người công giáo đọc thành tiếng, đọc thầm hay đọc bằng ý nghĩ theo thứ tự: một kinh Lạy Cha, sau đó là mười kinh Kính Mừng và kết thúc bằng một kinh Sáng Danh. Mỗi chục kinh này được suy niệm và cầu nguyện theo một mầu nhiệm – tương ứng với một sự kiện về cuộc đời Chúa Yêsu và Mẹ Maria.
Cho tới trước thế kỷ 21, Kinh Mân Côi bao gồm 15 mầu nhiệm, được chia làm ba nhóm: mầu nhiệm năm sự vui, mầu nhiệm năm sự thương và mầu nhiệm năm sự mừng. Tất cả hầu như không có gì thay đổi – mãi cho đến năm 2002, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố thêm năm mầu nhiệm mới: đó là mầu nhiệm năm sự sáng.
Đức Giáo Hoàng Piô V đã đưa Lễ Đức Mẹ Mân Côi vào lịch phụng vụ công giáo, được định vào ngày 7 tháng 10 hằng năm.
Như vậy, Kinh Mân Côi ngày nay có 20 mầu nhiệm.
Lịch sử phát triển kinh Mân Côi
Từ các chuỗi đọc kinh …
Trong lịch sử các tôn giáo, việc sử dụng xâu chuỗi để đọc kinh không phải là cái độc đáo của Kitô giáo. Phật Giáo cũng có tràng chuỗi, với nhiều loại khác nhau, từ 16,18 cho đến 108 hạt. Trong bài thơ “Hương Sơn phong cảnh ca” của Chu Mạnh Trinh có câu:“Lần tràng hạt, niệm Nam mô Phật”. Các tín đồ đạo Hồi cũng có tràng chuỗi 99 hạt kính các danh hiệu của Thượng Đế. Các đan sĩ thuộc Kitô giáo đông phương cũng sử dụng các xâu chuỗi khi nguyện cầu danh thánh Chúa Yêsu: ”Lạy Chúa Yêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” và nguyện cầu cả ngàn lần mỗi ngày. Không hiểu tục lệ này là sáng kiến của các đan sĩ, hay là chịu ảnh hưởng của Ấn Giáo và Phật Giáo. Cần nói thêm là bởi vì các đan sĩ nghèo cho nên họ không chế ra những chuỗi hạt đắt tiền, mà chỉ dùng những sợi dây thắt nút. Các tràng chuỗi được làm bằng nhiều chất liệu khác như xương, đá, ngà voi, thủy tinh v.v…
… đến tràng chuỗi 150 kinh Kính Mừng
Như vừa nói, tràng chuỗi chỉ là một dụng cụ để đếm và do đó có nhiều loại chuỗi khác nhau, tùy theo chúng được sử dụng để đọc kinh gì. Đến đây, chúng ta hãy tìm hiểu về tràng chuỗi 150 hạt của đạo công giáo. Khởi đầu, tràng chuỗi 150 hạt dùng để đọc 150 thánh vịnh. Cho đến công đồng Vaticanô II, các tu sĩ mỗi tuần phải đọc trọn bộ thánh vịnh. Các tu sĩ nào không đọc tiếng La-tinh thì thay thế 150 thánh vịnh bằng 150 kinh Lạy Cha. Tục lệ này được ghi nhận nơi các tu sĩ Cluny – dòng Biển Đức, vào thế kỷ X.
Sang thế kỷ 11, nhờ việc cổ động lòng kính mến Đức Mẹ của thánh Bernado (1090-1153) – ngoài tràng chuỗi 150 kinh Lạy Cha – các đan sĩ Xitô còn thêm tràng chuỗi 150 hạt để đọc kinh Kinh Mừng. Tràng chuỗi này được gọi là bộ thánh vịnh kính Đức Mẹ. Nên lưu ý là đang khi kinh “Lạy Cha” đã có hình thức cố định trong Tân Ước, thì kinh “Kính Mừng” phải chờ ròng rã 16 thế kỷ mới mang hình thức cố định. Trong thiên niên kỷ thứ nhất, có người đã sử dụng lời chào của sứ thần và của bà Elizabeth để chào Đức Maria (Lc 1,28 và 42), nhưng mãi đến thế kỷ 11, người ta mới dùng như lời cầu nguyện, và kết thúc tại đó: ”Kính mừng Maria, đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Yêsu con lòng bà gồm phúc lạ”. Thánh danh “Yêsu” được thêm vào giữa thế kỷ 12. Phần thứ hai của kinh Kính Mừng xuất hiện từ thế kỷ 14, lúc đầu ngắn gọn: ”Thánh Maria, cầu cho chúng con”, rồi dần dần, mỗi nơi mỗi thời kèm thêm một vài lời cầu khẩn – như: “xin Mẹ cầu cho chúng con là kẻ tội lỗi”. Mãi đến khi Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V công bố sách nguyện cải tổ theo ý định công đồng Trentô (năm 1568), kinh Kính Mừng mới mang một hình thức cố định trong toàn thể giáo hội như bây giờ.
Việc đọc kinh Kính Mừng gắn liền với cuộc đời Chúa Cứu thế
Việc đọc bộ thánh vịnh kính Đức Mẹ chưa đủ để tạo nên căn tính của Kinh Mân Côi. Cần phải đi thêm một bước nữa – đó là gắn liền kinh Kính Mừng với các mầu nhiệm của Chúa Cứu Thế. Giai
đoạn này diễn ra vào thế kỷ 15 với nhiều sáng kiến khác nhau và trở thành nguyên nhân cho nhiều cuộc tranh luận giữa các sử gia. Có hai sáng kiến nổi bật nhất, một của Dòng Chartreux, một của Dòng Đa Minh.
1- Sáng kiến của Dòng Chartreux – do cha Henricus Egher Kalcar (1328-1408) ở Koln, chia bộ thánh vịnh Đức Mẹ ra thành 15 chục (có lẽ để dễ đếm trên các ngón tay), và đầu mỗi chục thì thêm một kinh Lạy Cha và cha Dominicus Prussia (1384-1460): vào cuối mỗi kinh Kính Mừng (lúc đó chỉ có phần thứ nhất, sau thánh danh Yêsu, thêm một câu ngắn liên quan đến cuộc đời Chúa Cứu thế. Tất cả là 50 câu: 14 câu về thời thơ ấu, 6 câu về thời hoạt động công khai, 23 câu về cuộc tử nạn, 7 câu về cuộc khải hoàn.
- b) Sáng kiến của Dòng Đa Minh, do cha Alain de la Roche O.P.quảng bá. Cha đã phân chia bộ thánh vịnh Đức Mẹ ra làm ba phần để kính nhớ cuộc nhập thể, tử nạn, vinh hiển của Chúa Kitô. Vào mỗi kinh Kính Mừng, cha thêm một tư tưởng suy niệm các chân lý đức tin. Như vậy ngoài việc lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng, cha Alain còn thêm việc suy ngắm các mầu nhiệm về cuộc đời Chúa Kitô. Cha đã xuất bản nhiều tác phẩm để giải thích ý nghĩa của kinh Mân Côi. Từ nay, “thánh vịnh đức Mẹ” được đổi tên thành “vòng hoa hường trinh nữ Maria”.
Kinh Mân Côi – từ thời Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V đã được ấn định là 150 kinh Kính Mừng được phân ra làm 15 chục. Cầu trúc này được duy trì cho đến ngày này. Và với tông thư Rosarium Virginis Mariae, ngày 16.10.2002, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thêm 50 chục kinh mầu nhiệm sáng. Như vậy, tràng chuỗi Mân Côi ngày nay gồm 200 hạt, nhưng có lẽ ít người theo được bởi vì dài quá! Thường chúng ta chỉ mang chuỗi 50 kinh mà thôi.
Các thánh ca tụng kinh Mân Côi
Thánh Đaminh quả quyết: “Không có cách cầu nguyện nào đẹp lòng Chúa Yêsu và Mẹ Maria bằng đọc kinh Mân Côi sốt sắng”.
Thánh Bernado nói: “Kinh Mân Côi có sức xua đuổi ma quỷ và làm cho hỏa ngục kinh hoàng khi nghe danh thánh Maria”.
Thánh Grignion de Monfort quả quyết: “Chúng tôi nhận thấy những người hư thân, mất nết, lạc đạo, kiêu căng, thường tỏ thái độ khinh chê kinh Mân Côi. Trái lại những người có dấu tiền định nên thánh, hoặc được rỗi linh hồn thì thường tôn kính kinh Mân Côi và kính mến Đức Mẹ”.Đối với những linh hồn đã lâu ngày chìm đắm trong vực tối tăm, chỉ còn một thứ xiềng xích êm ái ngọt ngào có thể lôi kéo họ thoát khỏi cảnh bi thảm kia, là chuỗi Mân Côi. Kinh Mân Côi là chiếc cầu nối liền trời với đất.
Thánh Phanxicô de Sale nói: “Cách cầu nguyện tốt nhất chính là đọc kinh Mân Côi”.
Thánh Anphongsô: “Hãy luôn chạy đến cùng Đức Mẹ”. Đó là câu tóm kết tất cả khoa thần học của vị tiến sĩ Hội thánh hiển danh Anphongsô, đấy là trung tâm điểm học thuyết tu đức của Người vậy.
Phần rỗi đời đời của tôi là nhờ ở tràng hạt Mân Côi.” Đó là sự thật tỏ rõ như ban ngày: Nếu ta luôn luôn chạy đến cùng Đức Mẹ, chắc chắn thế nào ta cũng rỗi linh hồn và nên thánh.
Chúng ta biết Đức Mẹ đã hiện ra tại hang đá Lộ Đức với cô Bernadette Soubirous:
Em chỉ là một thiếu nữ thấp bé, quê mùa, gia đình nghèo khó, nhiều bữa không có ăn, em không được đi học nên nhiều tuổi rồi mà chưa biết đọc, biết viết, không được xưng tội lần đầu như các em khác. Em ốm yếu hay ho lặt vặt vì bệnh phổi. Nhưng gia đình em, ba má và anh em là người Công giáo tốt lành, có thói quen đọc kinh Mân Côi mỗi buổi tối, nên Bernadette biết đọc kinh Tin Kính, Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh. Lúc nào trong túi áo Bernadette cũng có tràng hạt, và em đọc kinh Mân Côi thường xuyên.
Khi Đức Mẹ hiện ra với em tại hang đá Lộ Đức, việc đầu tiên, em thò tay vào túi lấy tràng hạt ra, em quỳ xuống, rồi giơ tay làm dấu Thánh giá, nhưng làm không nổi, em run quá. Tới khi Đức Mẹ làm dấu Thánh giá, em mới làm được, rồi em đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng – và Đức Mẹ cùng đọc với em kinh Sáng Danh…Đức Mẹ dạy em đọc kinh Mân Côi cầu cho kẻ có tội được “thống hối, thống hối” ăn năn cải thiện trở về đường lành.
Em luôn nhớ lời Đức Mẹ dạy cầu cho kẻ có tội, nên em luôn luôn đọc “Cầu cho chúng con là kẻ có tội”. Lời cầu này giúp em nên khiêm tốn nhớ đến phận nghèo và sẵn sàng chịu đau khổ, khó thở vì bệnh xuyễn để cầu nguyện cho các tội nhân.
Khi đã là nữ tu, chị cũng chỉ luôn nắm cỗ tràng hạt ngày đêm để ca ngợi Mẹ Maria, liên kết với Mẹ, cầu xin Mẹ làm cho nên thánh, đem về thiên đàng, nơi Đức Mẹ đã hứa: “Mẹ không cho con sung sướng ở đời này, nhưng ở đời sau”.
Sau bao nhiêu ngày tháng bệnh nạn, đau đớn, liệt giường. Giờ chết đến, chị đọc “Kính mừng Maria … Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho con, là kẻ tội lỗi khốn khó”và chị tắt thở trong tay Đức Nữ Đồng Trinh.
Mẹ Têrêsa Calcutta: “Hãy lần hạt Mân Côi, để Mẹ Maria luôn ở với bạn, hướng dẫn bạn, che chở, gìn giữ bạn như người mẹ. Kinh Mân Côi phải là lời cầu nguyện trong gia đình bạn. Gia đình cầu nguyện với nhau là gia đình tồn tại với nhau”.
Ơn ban của kinh Mân Côi
1- Những ai trung thành phụng sự Mẹ bằng cách đọc kinh Mân Côi sẽ được những ơn cao cả.
2- Mẹ hứa sẽ phù trợ đặc biệt và ban nhiều đặc ân, cho những ai đọc kinh Mân Côi.
3- Kinh Mân Côi sẽ là áo mã giáp chống lại hỏa ngục, tiêu diệt thói xấu, giảm thiểu tội lỗi.
4- Kinh Mân Côi giúp nhân đức và các việc lành triển nở, kéo nhiều tình thương của Chúa xuống trên các linh hồn.
5- Linh hồn đến với Mẹ bằng kinh Mân Côi sẽ không hư mất.
6- Những ai đọc kinh Mân Côi sốt sáng và áp dụng những mầu nhiệm của kinh Mân Côi vào đời sống mình sẽ không sợ rủi ro, Chúa sẽ nhân từ với họ và họ sẽ không phải chết bất tử.
7- Những ai thực sự tôn sùng mầu nhiệm Mân Côi sẽ được ơn chịu các phép bí tích trước giờ chết.
8- Những ai trung thành lần hạt Mân Côi, khi sống và nhất là trong giờ chết, sẽ được ánh sáng Chúa soi dẫn, cùng với những ân huệ của Ngài.
9- Mẹ sẽ cứu khỏi luyện tội những ai tôn sùng pháp lần hạt Mân Côi.
10- Những con cái trung thành lần hạt Mân Côi, sẽ được thừa hưởng vinh quang lớn lao trên trời.
11- Nhờ lần hạt Mân Côi, các con sẽ được hết những gì mình xin.
12- Những ai truyền bá Kinh mân Côi sẽ được Mẹ giúp đỡ trong lúc gian truân khốn khó.
13- Mẹ đã xin Con Chí Thánh Mẹ ơn này cho những ai truyền bá phép lần hạt Mân Côi – là họ sẽ được cả triều đình Thiên Quốc cầu bầu cho khi sống và trong giờ lâm tử.
14- Những ai đọc kinh Mân Côi đều là con cái Mẹ và là anh em với Con Một Mẹ là Chúa Yêsu Kitô.
15- Tôn sùng phép lần hạt Mân Côi là dấu chắc chắn được ơn cứu rỗi.
Ước mong quý độc giả sẽ kết thúc bài này với một tràng chuỗi Mân Côi dâng kính Mẹ.