Three wise men,christmas,silhouette,sunset,sunrise - free image from needpix.com

 

Nguyễn Trọng Lưu

  

Từ Matthêu 2, 1-12 đến danh xưng “hiền sĩ”“ba vua”

 Ngôi sao là một biểu tượng rất thân thương và quen thuộc với hết mọi người trong mùa Giáng Sinh. Biểu tượng này chỉ được Thánh Matthêu ghi lại qua sự kiện “những hiền sĩ”  từ phương đông – khi “nhìn” ra ánh sao lạ xuất hiện trên nền trời – đã lên đường tìm đến bái lạy Đức Yêsu Hài Nhi mới sinh tại Bethlehem.

Matthêu đoạn 2, câu 1 – trong bản Vulgata bằng tiếng Latinh viết: “Cum autem natus est Iesus in Bethlehem Iudaeae in diebus Herodis regis, ecce magi ab oriente venerunt” (Mt 2, 1). Từ “magi” là số nhiều của “magus” – có nghĩa là “phù thủy”, “pháp sư” – nghĩa là người biết dùng các sức mạnh bí ẩn của tự nhiên để tạo ra những việc kỳ lạ. Từ này có nguồn từ tiếng Hy Lạp: “magoi” là số nhiều của “magos” – nghĩa là người thuộc hàng tư tế và có học thức- hay từ tiếng Ba Tư cổ, khoảng thế kỷ thứ 7 trước công nguyên: “magush”, “magh” có nghĩa là có khả năng, có quyền lực.  Sử gia người Hy Lạp Herodotus (thế kỷ thứ 5) lại ghi chú rằng “magoi”hay “magi” là tên một bộ tộc ở Ba Tư, một số trong họ là những người đoán điềm giải mộng và làm nhiệm vụ tư tế. Sách Đaniel trong Cựu Ước cũng viết rằng “magi” là những nhà thông thái, người giải mộng và giải thị kiến (Đn. 1,20; 2, 2; 4, 4; 5, 7).

Bản Det Nye Testamente, Det Danske Bibleselskab, dịch từ “magi” này là ”de tre vise mænd”, còn bản dịch của Nhóm Phụng Vụ các giờ kinh gọi là ”các nhà chiêm tinh”. Bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn, dòng Chúa Cứu Thế gọi là”các đạo sĩ”. Từ “đạo sĩ”dễ làm chúng ta liên tưởng tới những người có bùa phép trong chủ thuyết của Lão Tử – còn được gọi là “đạo giáo” hay “tiên giáo” – nên theo thiển ý của chúng tôi, từ “hiền sĩ” (賢士) có lẽ chỉnh hơn cả: “hiền”: người có tài đức; “sĩ”: người trí thức. “Hiền sĩ” là người có tài năng, tri thức và đức hạnh hơn người, được người đời kính trọng.

Có lẽ chúng ta cần phân biệt rõ ràng hai ngành “chiêm tinh học” (astrologie) ”thiên văn học” (astronomie). Ngành “chiêm tinh học” chuyên nghiên cứu vị trí các vì sao và sự vận động của các hành tinh với kỳ vọng tìm ra một tương quan với con người mà chúng ta hay gọi là “mệnh số”, còn ngành “thiên văn học” lại nghiên cứu về các ngôi sao, hành tinh, tinh vân và các hiện tượng có nguồn gốc bên ngoài bầu khí quyển của trái đất liên quan với sự tiến hoá, vật lý, hoá học, khí tượng cũng như sự hình thành và phát triển của vũ trụ. Những hiện tượng liên quan đến các tinh tú chỉ ảnh hưởng đến một khoảng không gian và thời gian nhất định nào đó mà thôi, trong khi những hiện tượng thiên văn đều giống nhau cho tất cả mọi nơi và mọi thời trên trái đất. Mặc dù cùng chia sẻ một nguồn gốc chung, nhưng ngày nay – hai ngành này hoàn toàn khác biệt.

Nhưng tại sao các“magi” lại được gọi là “ba vua”?

Bản văn Matthêu 2, 1 chỉ nói rằng: “Khi Đức Yêsu ra đời tại Bethlehem miền Yuđêa, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương đông đến Yêrusalem”. Bản văn chỉ nói đến các nhà “chiêm tinh” chứ không phải là “vua”, mà cũng không xác định con số là bao nhiêu vị. Nhiều bức hoạ ngày xưa đã vẽ hai, bốn, sáu, tám, và thậm chí có nơi tăng đến 12 vị – có lẽ cho cân xứng với 12 chi tộc Israel. Chính Matthêu đã không ghi chính xác là có “ba hiền sĩ”, nhưng khi mang lễ phẩm ra kính dâng, thì chúng ta thấy có vàng, nhũ hương và mộc dược – và do vậy người ta mới suy đoán rằng đã có “ba hiền sĩ”. Cũng có nhiều người nghĩ rằng vì trong Cựu Ước, đã có ba thiếu niên cương quyết không chịu bỏ đạo – mặc dù vua Nabucođônosor dọa bắt thiêu trong lò lửa – nên bây giờ cũng có “ba hiền sĩ” – can đảm và trung kiên đi tìm vua Do Thái, bất chấp những khó khăn của hành trình và kể cả nguy cơ bị vua Hêrôđê sát hại.

Khi viết từ phương đông,  chắc chắn là Matthêu đã không mường tượng đến những nước Trung Quốc và Việt Nam như bây giờ, mà chỉ là những nước nằm ở bên kia bờ sông Yordan, và các giáo phụ cho rằng có thể là từ Ba-tư hoặc Ả-rập. Và cứ như vậy, mãi cho tới thế kỷ thứ 8, mới phát sinh truyền thống nói đến “ba vua” tượng trưng cho ba châu Âu, Á, Phi, thuộc ba dòng dõi của ông Noe: Sem, Cam và Yaphet (Stk. 10, 1). Ba ông được đặt tên là Melchior vua Ba Tư (ông già, tóc trắng, râu dài – dâng vàng), Gaspar vua Ả-rập (trẻ nhất, không có râu, da hơi xạm, dâng nhũ hương)Balthasar vua Ấn độ (da đen, dâng mộc dược).

Tương truyền rằng ba ông trở về Ba Tư, sau được thánh Tôma Tông Đồ lúc đi truyền giáo, tấn phong giám mục cho họ, và cử họ đi loan báo Tin Mừng. Cả ba vị được phúc tử đạo và thi hài được tôn kính ở Ba tư, rồi sau đó chuyển về Milan (Ý), và từ cuối thế kỷ 7 được đem qua nhà thờ chánh tòa Köln (Đức).

Nhưng nhiều văn sĩ kitô giáo, ngay từ khoảng thế kỷ thứ 3, đã liên kết ba hiền sĩ này với thánh vịnh 72, câu 10: “Từ Tharsis và từ các hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẻ về triều cống. Cả những vua Ả-rập, Saba – cũng đều tới tiến dâng lễ vật. Mọi quân vương đều phủ phục trước bệ rồng” .Thực ra thánh vịnh 72 này muốn nói đến các vua Ả-rập và Saba đến yết kiến vua Salomonvì khâm phục tài trí khôn ngoan của ông – và từ đó, “ba hiền sĩ” đã trở thành “ba vua”.

Chúng tôi cũng theo thói quen được phổ biến tại khắp nơi trên thế giới mà gọi là “hành trình ba vua”.

 

Was the Magi's Mission History or Myth? | Ancient Origins

 

Vị vua thứ tư

Nhiều người lại thao thức về vấn đề: tại sao “tứ phương” thiên hạ về kính bái Chúa Yêsu Hài Nhi, mà lại chỉ có “ba vua” thôi – như vậy thiếu mất một vua hay sao? Do vậy nhiều văn sĩ đã tưởng tưởng ra một vị vua thứ tư, như Henry van Dyke (Mỹ), Bernard MarcotteMichel Tournier (Pháp) và nổi tiếng hơn cả là J. K. Jørgensen (Đan Mạch) đã viết ra những truyện giả tưởng kể rằng, ngoài ba vua Melchior, GasparBalthasar, còn có một vị vua thứ tư – tên là Artaban de Merdee từ tiểu quốc Mangalore cũng đến kính bái Chúa Yêsu Hài Nhi.

Sau khi ba vua đến kính bái Chúa Yêsu Hài Nhi đã ra về, thì Đức Mẹ lại nghe tiếng lạch cạch bên ngoài. Đức Mẹ liền bước ra xem, và này lại có một vị vua thứ tư muốn đến kính bái Chúa Yêsu Hài Nhi. Ông ta rụt rè sợ hãi và bối rối kể lại cuộc hành trình của mình. Khi thấy sao lạ xuất hiện trên nền trời, ông ta liền lấy ba viên ngọc quý nhất lên đường đi tìm vị vua mới sinh ở Bethlehem. Nhưng dọc đường, người thứ nhất mà ông đã gặp là một cụ già rét run vì lạnh. Ðộng lòng trắc ẩn, ông đã tặng cho cụ viên ngọc thứ nhất để đi mua quần áo ấm và đồ ăn. Ði thêm một đoạn đường nữa, ông gặp một toán lính đang muốn hãm hiếp một cô gái. Ông đành mang viên ngọc thứ hai ra thương lượng với chúng để chuộc lại cô gái. Cuối cùng khi tiến vào địa hạt Bethlehem, ông gặp một người lính do vua Herôđê sai đi để tàn sát các hài nhi trong một ngôi làng lân cận. Vị vua thứ tư đành phải rút ra viên ngọc cuối cùng để tặng cho người lính và thuyết phục anh từ bỏ ý định gian ác đó. Bây giờ, khi tìm được Yêsu Hài Nhi, vị vua thứ tư này chỉ còn hai bàn tay trắng. Đức Mẹ nghe xong ngậm ngùi nước mắt, còn Đức Yêsu Hài Nhi lại mỉm cười đưa bàn tay bé nhỏ ra chúc lành cho ông. Lễ vật của vị vua thứ tư này không phải là vàng bạc châu báu, nhưng là tấm lòng vàng được dệt bằng những nghĩa cử đối với tha nhân, nhất là những người túng thiếu, đói khổ, những người cần giúp đỡ”.

 Điểm thú vị là hình ảnh của vị vua thứ tư đầy lòng bác ái này – dù chỉ là một vị vua trong trí vẽ – lại trùng hợp một cách tuyệt diệu với nội dung của Tông Huấn “Evangelii Gaudium – Niềm vui của Tin Mừng” – tông huấn đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô, được trình bày ngày 26.11.2013 tại Vatican nhân dịp kết thúc năm đức tin.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt ba câu hỏi gắn liền với nhau trong tông huấn này.

Thứ nhất, tại sao không nhìn sự việc từ một viễn ảnh mới? Thứ hai, tại sao không thực hiện sự việc theo lối mới? Và thứ ba, tại sao không có một viễn kiến mới về Giáo Hội? Nhưng viễn kiến của Đức Phanxicô về Giáo Hội là gì? Nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội trong thế giới ngày nay đích thực là nhiệm vụ của một “Giáo Hội nghèo cho người nghèo”. Đức Thánh Cha ca ngợi một Giáo Hội yêu thương, vui vẻ và mở rộng cho người nghèo. Chủ đề của Tông Huấn đầu tiên này – vừa sát với hướng đi của “Dòng Tên” (truyền giáo), lại vừa “gắn chặt với tâm tình Phanxicô ” (quan tâm đến người nghèo và đầy lòng thương xót) – rất cần thiết để trở về nguồn của Giáo Hội, của Tin Mừng, hay nói khác đi rất sát với giáo huấn của Chúa Kitô và đồng thời, chú trọng nhiều hơn đến nhu cầu của thời đại chúng ta.

Sau này đạo diễn Michael Ray Rhodes, người Mỹ, năm 1985 đã dùng những câu truyện này làm làm thành cuốn phim độc đáo “The Other Wise Man”, dài 72 phút, với diễn viên chính là Martin Sheen. Đến năm 2001, hai đạo diễn người Pháp là Bernard CampanDidier Bourdon lại làm một cuốn phim mới, mang tựa đề “Les Rois Mages”.

 

Hành trình ba vua


  1. “Thấy” và “nhìn”

Thường chúng ta hay nghĩ rằng, “thấy”“nhìn” cũng chỉ là một, chẳng có gì khác biệt. Nhưng thực ra, nếu phân tích kỹ, chúng ta sẽ thấy hai động từ đơn giản đó lại rất khác nhau, mà từ đó có thể dẫn chúng ta đến những thái độ hoàn toàn khác biệt.

“Thấy” là trông thoáng qua mà không để ý tới.  Tôi “thấy” chiếc xe vừa chạy qua. Tôi “thấy” cái nhà trước mặt. Tôi “thấy” người ta đi qua đi lại.  Trong cái “thấy”, chúng ta chỉ lãnh hội sự vật một cách hoàn toàn thụ động, lười lĩnh, ra như thể những đối tượng đó đập vào mắt chúng ta, bắt chúng ta “phải“ thấy, chứ thực tình chúng ta không “muốn” thấy. Mà cũng bởi vì chúng ta ”không muốn thấy”, nên những đối tượng ấy hoàn toàn vô nghĩa đối với chúng ta. Mà rồi những cái chúng ta “không muốn thấy” đó lại cũng sẽ vụt biến khỏi đầu óc chúng ta thật mau, như bóng vút qua của những chiếc xe lao vùn vụt trên mặt đuờng bất động kia.

Nhưng trái lại “nhìn” là cố ý và chú ý thấy. “Cố ý” là biết và muốn thấy – mà cũng vì “muốn thấy” nên ta lại càng chú ý nhìn hơn nữa. Hãy quan sát một chàng trai len lỏi trong đám đông người để tìm người yêu. Chàng bước vội giữa đám đông người chen chúc, đảo mắt quanh nhìn tứ phía. Tất cả những màu sắc, thanh âm bên ngoài chẳng thu hút được chàng. Mà cũng chẳng có ai có ý nghĩa gì với chàng, bởi chàng chưa “nhìn” được người mà chàng “muốn” nhìn. Đúng như một thi sĩ người Pháp, Alphonse de Lamartine (1790-1869), đã diển tả thật tuyệt vời cái tâm trạng đó qua câu thơ ngắn gọn sau đây:

            “Un seul être vous manqué, tout est dépeuplé”

            (Chỉ một người bạn thiếu, thì tất cả đều chỉ là hoang vắng mà thôi)

 

Nhưng chợt khi “nhìn” thấy nàng, thì chàng lại cũng chẳng còn biết đến thế giới bên ngoài nữa.Thế giới bên ngoài bây giờ đối với chàng chỉ còn là một thứ bối cảnh để cho sự hiện diện của người chàng “nhìn” đong đầy ý nghĩa. Chàng đã ngụp lặn trong hạnh phúc, hạnh phúc của người đã “nhìn” được người mình “muốn nhìn”.

 Như thế “nhìn” là một thái độ đón nhận, một thứ thăng cấp (promotion), một thứ thăng hoa (sublimation) cho đối tượng mình muốn nhìn: người đó là một giá trị hiện sinh trong tương quan với hiện hữu mình. Khi nhìn là chúng ta đã một cách mặc thị hướng về vẻ một đẹp, một giá trị – mà điều đó cũng chính là một biểu lộ về bản tính của con người – như một ý hướng lúc nào cũng hướng về Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối. Mà vẻ đẹp gần kề nhất, giá trị gần kề nhất, tuyệt diệu nhất, hiện sinh nhất phản chiếu được cái tuyệt đối của Chân, Thiện, Mỹ trong cuộc đời mỗi người chính là tha nhân. (Có thể tìm hiểu sâu rộng hơn về “nhìn”“thấy” trong bài “Dù chỉ một lần trong đời, ta nhìn …”, Nguyễn Trọng Lưu)

  1. “Thấy” và “nhìn” qua khảo cứu thiên văn của Johannes Kepler

Năm 1603, Johannes Kepler (1571-1630) – nhà toán học và thiên văn học nổi tiếng người Đức – đã chứng minh được rằng, vào khoảng thời điểm lúc Chúa Yêsu sinh ra, cả ba hành tinh “Hỏa Tinh – Mars” – thần chiến tranh của Lamã , “Mộc Tinh – Jupiter” -, được xem như “ngôi sao của các vị vua” được nhân hoá bằng vị thần chính của vùng Babylone là Marduk và “Thổ Tinh – Saturn” –, được người Do Thái sùng bái và ngày Sabbat được lấy từ tên của ngôi sao này – tiến lại rất gần nhau, đồng thời xếp thẳng thành một hàng, nên xảy có một ngôi sao rất to và sáng vào các ngày 29.05, 29.09 và 04.12 trên bầu trời Babylon,  mà ai cũng có thể “thấy” được với mắt thường.

Các nhà thiên văn đã đưa ra giả thuyết sau đây: sau khi đã chấm tử vi về vị vua sẽ sinh ra, các hiền sĩ lên đường vào lần giao nhau thứ hai của Hỏa tinh, Thổ tinh và Mộc tinh vào ngày 29.09 để rồi đến Yêrusalem vào cuối tháng một và đầu tháng chạp. Từ sự kiện này, dựa vào lời tiên báo của Balaamngôn sứ Isaia, con đường đã được vạch sẵn cho các hiền sĩ.

Như vậy chắn chắn là đã có rất nhiều người đương thời “thấy” nhưng họ đã không “nhìn” ra ánh sao đó. Lạ lùng là khi trên trời cao có một ánh sao lạ rực sáng bỗng hiện ra dẫn đường chỉ lối cho ba hiền sĩ đông phương tới kính bái Chúa Yêsu Hài Nhi với những tặng vật quí, mà sao lạ đó lại không hề dẫn đường cho Hêrôđê và các quân lính của ông ta tới tìm giết Đức Yêsu.

  1. “Nhìn” và lên đường tìm kiếm

 Matthêu 2, 2 đã viết rất rõ “chúng tôi đã nhìn ra ngôi sao của Ngài bên trời đông và chúng tôi muốn đến triều bái Ngài”: ba hiền sĩ đã “nhìn” ra sao lạ và “muốn ra đi” triều bái. 

Được rửa tội từ nhỏ, chúng ta có thể có thái độ tự mãn, giữ đạo theo thói quen hình thức mà không biết nhìn ra những dấu chỉ trong đời để tiếp tục ra đi tìm Chúa. Cũng như ngôi sao lạ là dấu chỉ của Chúa Yêsu mới sinh, thì những kỳ công trong vũ trụ như núi rừng, biển cả, sông ngòi, mặt trăng, mặt trời, tinh tú, cỏ cây, hoa lá đều là những dấu chỉ cho thấy Đức Chúa hiện diện. Những biến cố thiên nhiên trong vũ trụ như sóng gió, bão táp, lụt lội, động đất cũng là những dấu chỉ về

quyền năng của Ngài. Những biến cố trong đời sống như sinh tử, là những dấu chỉ về Đức Chúa. Nhưng để có thể khám phá và cảm nghiệm được sự hiện diện của Đức Chúa, chúng ta phải biết loại bỏ những chướng ngại vật trong tâm hồn để tâm hồn được bình an và thanh thản mà nói theo kiểu của Thánh Yoan Tiền Hô là phá đi những ngục tù vô hình: quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt xuống (Yn. 3, 4-6)

Mùa Giáng Sinh là mùa của bất ngờ, mà cái bất ngờ lớn nhất có lẽ không bao giờ con người có thể nghĩ ra: Ðấng Thiên Chúa hóa thân làm người lại tự đồng hóa với mỗi một con người sinh ra trên cõi đời này, nhất là những con người bé mọn nhất trong xã hội, để tất cả những gì con người làm cho một trong những kẻ nghèo hèn nhất là các người đã làm cho chính Đức Chúa. Từ đây, người ta chỉ có thể gặp gỡ được Đức Chúa qua tha nhân. Tất cả những gì ta làm cho tha nhân là làm cho chính Ngài. Lễ dâng làm đẹp lòng Ngài nhất chính là những gì người ta trao tặng cho tha nhân, nhất là những người nghèo hèn túng thiếu hay bất cứ ai cần sự giúp đỡ.

”Dấu chỉ thời đại”

Cuộc “hành trình ba vua”còn là mẫu mực cho cuộc hành trình đức tin của mỗi người. Bởi đêm ấy biết bao nhiêu người đã ngó lên trời, đã “thấy” những ngôi sao sáng đó, nhưng đã không “nhìn” được Đấng Cứu Thế như ba nhà chiêm tinh bởi vì họ không chủ tâm tìm kiếm.

Chúng ta đang sống trong con đường của đức tin, tức là bước đi theo các dấu chỉ. Sống đức tin là bước đi theo các dấu chỉ. Lời Chúa là dấu chỉ, các nhiệm tích là dấu chỉ, Giáo Hội là dấu chỉ – ngay cả các biến cố dù vui hay buồn – và đặc biệt là tha nhân đều là dấu chỉ của Đức Chúa. Chỉ khi nào ta được “chiêm ngắm Đức Chúa mặt giáp mặt” thì ta mới hết lòng tin và lòng cậy để chỉ còn an nghỉ trong lòng mến.

Đức Chúa đã tỏ mình, nhưng tự bản chất, Ngài là một huyền nhiệm, nên để nhận ra sự tỏ mình của Đức Chúa, mãi mãi vẫn cần một điều kiện. Điều kiện đó là lòng thao thức tìm kiếm Đức Chúa và sống đức tin trung thành. Có như thế, chúng ta mới có thể nhận ra Đức Chúa hiện diện trong cuộc đời ta dẫu là sướng vui hay sầu buồn.

Và dù chỉ một lần trong đời, ta “nhìn” ra ta, ta “nhìn” ra người, ta “nhìn” ra dấu ấn của tình yêu tha nhân và nhất là dấu ấn của Tình-Yêu-Tuyệt-Đối – đặc biệt trong dịp lễ Giáng Sinh này, là lễ giao điểm của cái nhìn yêu thương diệu vợi của Đức Chúa đối với con người, cái nhìn của EMMANUEL, của một Đức-Chúa-Nhập-Thể-Và-Nhập-Thế – thì cũng đã quá đủ để chúng ta sống trọn nghĩa kiếp hiện sinh này rồi.