Nguyễn Trọng Lưu

 

Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Đan Mạch đã được chính thức thành lập vào phiên họp cuối tuần từ ngày 23-25.04.1982 tại phòng họp giáo xứ Århus do Đức Cố Viện Phụ Bảo Tịnh Trần văn Bảo – cùng với tám ban chấp hành địa phương từ Sjælland, Århus, Esbjerg, Åbenrå, Haderslev, Odense, Horsens và Viborg. Cố Linh Mục Yuse Chu Huy Châu lúc đó cũng được mời về tham dự, nhưng vào phút chót, vì phải dự lễ an táng Đức Ông Knud Berlin – ở København – nên ngài đã không có mặt.  Đại diện các ban chấp hành cũng đã thành lập Ủy Ban Mục Vụ Công Giáo Việt Nam tại Đan Mạch – gồm có các ủy viên báo chí, phụng vụ, giáo lý, thanh thiếu niên và tài chánh – để cộng tác với Linh Mục Tuyên Úy điều hành các công việc mục vụ cho giáo dân Việt Nam. Chúng tôi – khi đó đang là chủ bút tờ báo Mục Vụ, số ra mắt tháng 10.1981 – cũng được mời tham dự. Và tất cả các đại biểu đã đồng thuận bầu chúng tôi làm Tổng Thư Ký Ủy Ban Mục Vụ.

Đến năm 1985, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Đan Mạch đã đổi Ủy Ban Mục Vụ thành ban chấp hành cộng đồng với ba chức vụ chủ tịch, thư ký và thủ quỹ.

Cho đến hôm nay, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Đan Mạch đã vượt qua một ”hành trình 40” – với những thăng trầm, thích ứng và phát triển trong Tình Yêu Chúa Quan Phòng – mà tôi muốn ghi lại nơi đây trước hết như một bài ca tạ ơn Đức Chúa – bởi chính Người đã khởi sự và hoàn thành công việc Ngài muốn nơi chúng ta.

Kế đó là một tấm lòng tri ơn đầy chân tình xin gởi đến quý ông bà, anh chị em – tôi đã được hân hạnh quen biết và được cùng làm việc – và đặc biệt một lời cám ơn đầy trìu mến gởi đến những anh chị em trẻ mà tôi đã được mời đến thuyết trình trong nhiều năm.

Và bên cạnh tâm tình nhớ về quá khứ với lòng biết ơn, chúng tôi cũng mong muốn nêu lên một vài cảm nghĩ về hiện tại để từ đó hướng tới tương lai với lòng tín thác và tự tin.

 

”Con số 40”

Tựa đề ”Hành trình 40” làm chúng ta liên tưởng ngay đến ý nghĩa của con số 40. Một điểm khá thú vị là có một sự trùng phùng về ý nghĩa con số 40 trong văn hóa từ đông sang tây.

 Ý nghĩa số 40 trong văn hóa đông tây

Theo Kinh Dịch, số 40 có thượng quẻ là Chấn (Lôi), hạ quẻ là Khôn (Địa) – như vậy số 40 tương ứng với quẻ dịch là “Lôi Địa Dự, là quẻ số 16 trong số 64 quẻ. Qua lối phân tích chiết tự này, chúng ta thấy số 40 này trên là sấm sét, dưới là đất – nghĩa là sấm động, đất chuyển. Quẻ dịch cho biết thời thế đang lúc cực thịnh, nên mọi việc đều thuận lợi như ý. Còn xét theo ngũ hành tương sinh, số 40 thuộc hành thổ, mà thổ tương sinh với kim, nên số 40 sẽ mang lại đại cát, đại lợi và luôn có quý nhân phù trợ.

Trong văn hóa tây phương, số 40 tượng trưng cho sự phát triển lớn mạnh, sự mở rộng không ngừng nghỉ và những nỗ lực vươn lên. Và người phương tây còn “tôn sùng” con số này với câu tục ngữ: “Cuộc đời thực sự bắt đầu ở tuổi 40!”

 Ý nghĩa số 40 trong Kinh Thánh

 Con số 40 cũng được nhắc đến rất nhiều lần trong Kinh Thánh.

Cụm từ “ 40 ngày và 40 đêm” – trong Kinh Thánh hay dùng – chỉ có nghĩa là “một thời gian thực sự dài”  và đôi khi để nhấn mạnh đến khoảng thời gian dài với đầy khó khăn và gian khổ. Trong tường thuật về đại hồng thủy thời ông Noê, trời đã mưa ròng rã suốt 40 đêm ngày (Sách sáng thế, 7, 4, 12, 17 và  8;6). Ông Môisê sau khi lập giao ước với Yavê tại núi Sinai, đã ở lại với Ngài tại đó trọn 40 ngày (Xuất hành, 24,18). Tiên tri Êlia khi bị hoàng hậu Jezebel cho quân lính lùng bắt, đã phải trốn vào sa mạc và đi suốt 40 ngày đêm để tới núi Horeb (Sách các vua, quyển 1, 19). Tiên tri Yôna cho dân thành Ninivê thời hạn 40 ngày để ăn năn sám hối.

Đọc sách “Dân số”, chúng ta thấy khi Dân Do Thái về gần đến Đất Hứa, ông Môisê đã sai một toán người đi do thám để xem tình hình tại đó ra sao. Sau 40 ngày do thám và xem xét, họ trở về và tường thuật rất tỉ mỉ những gì đã thấy và còn mang theo cả những hoa trái của vùng đất mà họ gọi là tràn trề sữa và mật. Họ kể thêm rằng thành thị ở đó kiên cố và rộng lớn, dân chúng có vóc dáng to lớn khổng lồ, còn mình thì chỉ nhỏ bé như châu chấu. Nghe những gì họ tường thuật, dân Do Thái trở nên sợ hãi và nhất định không muốn vào miền đất ấy nữa mặc dù điều đó chứng tỏ họ không tin tưởng nơi lời hứa của Yavê. Vì thế họ đã bị phạt phải cực khổ đi trong sa mạc suốt 40 năm, mỗi năm bị phạt tương ứng với một ngày của toán đi do thám.

Trong Tân Ước, Chúa Giêsu chịu cám dỗ suốt 40 ngày đêm trong sa mạc; và Ngài lên trời 40 ngày sau khi phục sinh (Công vụ các tông đồ 1,3).

Tựu trung, “con số 40” muốn nói lên một khoảng thời gian dài – dù là 40 ngày hay 40 năm. Con số này cũng nói lên ý nghĩa sâu xa tàng ẩn bên trong: thời gian dài đó nói lên sự thử thách, sự phấn đấu và lòng kiên nhẫn – và là thời gian chuẩn bị để đón nhận ơn sủng của Đức Chúa.

 

 

Ngày công giáo Việt Nam

40 năm của Cộng Đồng Công Giáo Việt nam tại Đan Mạch đã đong đầy những khó khăn, thử thách, thay đổi và thích ứng tùy theo nhu cầu và sự phát triển.   

Khởi đầu là việc ấn hành nguyệt san “Mục Vụ” (tháng 10.1981), với các các khóa dự bị hôn nhân, các khóa đào tạo giảng viên giáo lý, Ủy Ban Mục Vụ đã tổ chức “Ngày công giáo Việt Nam” tại tu viện Dalum, Odense vào ngày 27.08.1983 và trong ngày đó, đã mừng kính các Á Thánh Tử Đạo Việt Nam. Cộng đồng đã dùng nguyên ngày để tĩnh tâm, cầu nguyện và kết thúc với Thánh Lễ tạ ơn do Đức Giám Mục giáo phận L. Hans Martensen chủ lễ.  Ngày đó đã quy tụ được khoảng 700 người.

Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan Phaolô 2 tới thăm Đan Mạch

Một trong những biến cố nổi bật cho Giáo Hội Đan Mạch nói chúng, cũng như cho cộng đồng công giáo Việt Nam chúng ta nói riêng – là việc Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan Phaolô 2 tới thăm Đan Mạch vào ngày 07.06.1989. Vào thời điểm đó, vì đang là thành viên trong hội đồng giáo xứ Århus, chúng tôi đã được đề cử đến nhà thờ chính tòa thánh Ansgar để chào kính Ngài. Khi đi ngang qua, Ngài hỏi chúng tôi từ đâu đến, chúng tôi mới trả lời Ngài: “I am a vietnamese boat people”. Ngài bắt tay chúng tôi và ban cho chúng tôi một cỗ tràng hạt bạc và bảo: ”Pray for your country”. Sau đó, Ngài lên trực thăng đến Øm chủ sự thánh lễ đại trào – có rất đông giáo dân Việt Nam tham dự. Chủ đề của bài giảng ngày hôm đó là “Evangiliets håb” – trong đó Ngài đặc biệt kêu gọi tinh thần dấn thân của các bạn trẻ.

Những cuộc hành hương

Tháng 10.1997, chúng tôi đã tổ chức một cuộc hành hương cho 60 người đến thánh đô Vatican. Tạ ơn Chúa đã cho chúng tôi được dự buổi đọc kinh Truyền Tin tại  quảng trường Thánh Phêrô và sau đó, chúng tôi được nhóm vệ binh Thụy Sĩ dẫn lên trước cửa Đại Vương Cung Thánh Đường – ở đó, chúng tôi được chào đón và bắt tay thăm hỏi Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan Phaolô 2.

Vào tháng 10. 2000, chúng tôi cũng đã tổ chức một cuộc hành hương 10 ngày viếng thánh địa Do Thái cho 55 người – dưới sự hướng dẫn của Linh Mục P. Nguyễn Chí Thiết – lúc đó ngài đang còn là tuyên úy cho các nữ tu dòng kín tại St. Germain-en-Laye, Pháp. Ngài là chuyên viên hướng dẫn hành hương thánh địa. Ngài nói được tiếng Do Thái và đã hướng dẫn hơn 40 đoàn hành hương Việt Nam, Pháp, Canada. Hiện nay ngài đã về Việt Nam và làm việc cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Sau này, ông Trần Viết Khoái – cũng đã tổ chức hành hương Đức Mẹ Banneux (Bỉ) – và hành hương Lộ Đức (Pháp) nhân dịp kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại đây. Linh Mục Nguyễn Minh Quang cũng đã tổ chức hành hương Balan, đến tu viện thánh nữ Faustina Kowalska tại Cracovia và cách đó không xa, đến kính viếng nhà nguyện có giữ máu của Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan Phaolô 2. Ngài cũng  đã tổ chức hành hương Fatima (Bồ Đào Nha)kính viếng viếng mộ Thánh Yacobê tông đồ tại đền thánh Santiago de Compostela (Tây Ban Nha).

 

 

Các cuộc thuyết giảng

Có một số linh mục đã đến thuyết giảng tại Århus, như linh mục Nguyễn Tầm Thường (dòng tên)   linh mục Nguyễn Đức Mầu (dòng Chúa Cứu Thế). Linh Mục Đỗ Bá Long (dòng Thánh Thể), cũng đã đến làm cuối tuần huấn luyện “Come and see” và sau này có sư huynh Phong – dòng Taberds Lasan – cũng đến giảng thuyết đặc biệt cho các anh chị em giới trẻ.

Gần đây có Giám Mục Trần Đình Tứ và cha Nguyễn Thế Thoại từ Việt nam sang giảng thuyết tại Øm. Đức Ông Hoàng Minh Thắng từ Roma cũng nhiều lần đến làm thường huấn cho cộng đồng.

Một ước mong nhỏ bé

Có những cuộc hành hương và những bài giảng huấn cho cộng đồng là một ân ban của Đức Chúa và là một điều đáng quý.

Thế nhưng, theo thiển ý của chúng tôi, chúng tôi vẫn ước mong có những nhiều đổi mới phù hợp hơn với tinh thần vào đời của Giáo Hội.

Thánh Công Đồng Chung Vatican 2 đã kết thúc hơn 60 năm nay – mà đặc biệt qua sắc lệnh về việc tông đồ giáo dân “Apostolicam Actuositatem” –  đã kêu gọi giáo dân cộng tác với những anh chị em khác tôn giáo trong những sinh hoạt văn hóa, xã hội. Chúng tôi đã kêu gọi việc cộng tác này trong dịp tố chức tết nguyên đán, nhưng đã không được lưu ý.

Giáo dân cũng cần một khai phóng liên tục để hâm nóng và làm phát triển lòng tin. Chúng tôi còn nhớ, vào dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, cộng đồng đã không phát động một phong trào đền tạ Trái Tim Mẹ qua tràng chuỗi Mân Côi – đó là một điều đáng tiếc.

Chúng tôi cũng cảm thấy giáo dân trong cộng đồng cần được hướng dẫn để sống sát với giáo hội hơn nữa. Chẳng hạn hiện nay Giáo Hội đang khai triển và phát động ”tinh thần Synodos – tinh thần hiệp hành” – mà chưa thấy cộng đồng nhắc đến và đề ra những hành động cụ thể.

Dĩ nhiên chúng ta tin tưởng và phó thác vào Tình Yêu Chúa, nhưng có lẽ chúng ta cần sáng tạo và dùng hết khả năng cũng như mọi phương tiện tốt, để hoàn thành công việc Ngài đã khởi sự nơi chúng ta.