GIÁNG SINH VÀ BÌNH AN
Nguyễn Trọng Lưu
Khái niệm “bình an”
Chắc không phải là một chuyện một tình cờ mà cũng không phải là một khái niệm suông – mà ngay khi Đức Yêsu được sinh ra, các thiên thần đã chúc tụng:
“Vinh danh Chúa cả trên trời
Bình an dưới thế cho người lòng ngay” (Luca 2, 14)
và cho đến khi sống lại và ngay cả trước lúc lên trời, Đức Kitô cũng vẫn chúc: “Bình an cho các con!” (Yn 20, 19 và 26). Như thế “bình an” phải là một phạm trù rất quan trọng – mà chúng ta có thể nói rằng, sứ điệp khởi đầu và kết thúc cuộc đời trần gian của Đức Kitô được tóm gọn trong hai chữ “bình an”.
Cũng rất nhiều lần đi dâng lễ chúng ta đã đọc, đã hát kinh ”Lạy Chiên Thiên Chúa” mà phần cuối của lần thứ ba được kết thúc: ”Xin ban bình an cho chúng con!”. Ngay sau đó, Linh Mục lại cầu nguyện tiếp: ”Lạy Đức Kitô, Chúa đã phán rằng, Thày để lại bình an cho các con, Thày ban bình an của Thày cho các con!”. Rồi trước khi ra về, Linh Mục còn cầu chúc: ”Lễ xong, chúc anh chị em về bằng an!”.
Khi Giám Mục cử hành Thánh Lễ với cộng đoàn dân Chúa, Ngài bắt đầu với lời chào: ”Bình an của chúa hằng ở cùng anh chị em!”.
Thuật ngữ latinh “Pax” trong hai câu “et in terra pax hominibus – bình an dưới thế cho người thiện tâm” và ”dona nobis pacem – xin ban bình an cho chúng con” được chuyển dịch sang tiếng Việt trong kinh nguyện là “bình an”, nhưng thông điệp “Pacem in terris” của Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan 23 công bố ngày 11.04.1963 – lại được dịch là “hòa bình”. Như thế ở nơi từng người có bình an nội tâm – còn ở ngoài xã hội, có thứ an bình ổn định, không chiến tranh, không xung đột giữa các phe nhóm hay các quốc gia mà chúng ta gọi là “hòa bình”.
Có lẽ chưa có lúc nào người ta lại nói đến ”bình an, hòa bình” nhiều như ngày nay và có lẽ cũng chẳng khi nào lại có nhiều thương thuyết, nhiều hiệp hội và dẫy đầy những nỗ lực tìm kiếm và thực thi ”hòa bình” nhiều như hiện nay – nhưng dường như lại chẳng có lúc nào lại nhiều hận thù, chém giết, chia rẽ như bây giờ!
Có lẽ cũng tại vì chúng ta đã quên bẵng rằng ”bình an là ơn ban của Thiên Chúa”. Bình an thực sự và trường cửu phải dựa vào Thiên Chúa. Bình an phải đến từ ”hiến chương hạnh phúc” – mà chúng ta hay gọi là ”tám mối phúc”.
Từ “hạnh phúc” đến “bình an”
Khi cảm nghiệm được thoải mái, chúng ta mới nhận thức được trạng thái an tâm. Điều đó có nghĩa là hạnh phúc là dấu chỉ của bình an. Mà khát vọng hạnh phúc là một khát vọng nột tại trong mỗi người ai cũng mong ước – mà có lẽ do vậy người Việt Nam chúng ta thường chúc cho cô dâu chú rể “trăm năm hạnh phúc” trong ngày cưới. Hiểu thấu khát vọng thầm kín và căn bản nội tại nhất trong con người – là khát vọng hạnh phúc – nên khi bắt đầu cuộc đời công khai rao giảng, Đức Yêsu đã bằt đầu bằng “hiến chương hạnh phúc” – tức bài giảng trên một ngọn núi thành Capharnaum vùng Galiêa – còn được gọi là ”Hiến Chương Nước Trời” hay “Tám Mối Phúc” được ghi lại trong Mt. 5, 1-10:
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ!
Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được đất!
Phúc thay ai than khóc vì họ sẽ được ủi an!
Phúc thay ai đói khát sự công chính vì họ sẽ được no đủ!
Phúc thay ai xót thương vì họ sẽ được thương xót!
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa!
Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa!
Phúc thay ai bị bách hại vì sự công chính vì Nước Trời là của họ!”
Điều chúng ta thấy ngay được qua đoạn Mt. 5, 1-10 này là hạnh phúc đến từ bên trong và do vậy hòa bình cũng phải đến từ “tâm” của con người. Mà một khi đến từ “tâm”, thì hạnh phúc này không phải là một thứ sẵn có mà mỗi người phải tự tạo.Thứ hạnh phúc đến từ con tim này mới trường tồn và sung mãn như Tenzin Gyatso tức Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói rất nhiều lần: “Hạnh phúc không phải là thứ có sẵn. Nó đến từ hành động của bạn”.
Hạnh phúc theo quan điểm của Phật giáo
Hạnh phúc trong Đạo Phật luôn luôn đòi hỏi sự hành trì thâm hậu ở mỗi con người. Con người phải luôn ý thức và làm chủ ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) và những vật chất hữu vi chỉ là phương tiện sống. Mục đích chính là con người phải biết quay về đời sống tinh thần tu tập diệt trừ mọi phiền não để tâm hồn thanh tịnh, an lạc ngay trong kiếp sống hiện tại.
Đạo Phật không quan niệm vàng bạc, ngọc ngà châu báu là hạnh phúc. Hạnh phúc lại càng không phải là đặt chân vào lâu đài tình ái vì nhữngthứ này chỉ làm cho tâm con người quay cuồng trong vòng xoay sinh tử, khôngbiết bao giờ ngưng nghỉ, và tạo thêm khổ đau.
Hạnh phúc là những ai biết quay về với đời sống tâm linh cao cả – là phần tinh ba cao quý nhất của con người, sống quay về với chính mình và giây phút hiện tại. Nếu chúng ta rời khỏi mình mà chạy tìm cầu ở ngoài thì làm mất đi cái gì quý giá nhất, mà một khi lạc vào tà kiến, thì ta đã quên đi cái sáng suốt vốn có của mình, tức Phật Tính. Đức Phật đã dạy rằng: “Giải thoát an lạc, giác ngộ và tịnh độ đều ở ngay trong tâm của chúng ta. Ta đến đây không phải cứu độ cácngươi, Ta đến đây cốt là để chỉ đường đi sáng suốt cho các ngươi. Các ngươi hãy noi theo đó mà tiến hóa giác ngộ để tự độ lấy mình.”
Hạnh phúc mà Đức Phật muốn dạy chúng ta đạt đến là cảnh giới Niết bàn tại tâm. Niết Bàn chính là hạnh phúc.
“Tâm” của bình an
Như thế “hạnh phúc” và “bình an” đều đến từ “tâm” – dù với Đức Phật hay Đức Yêsu.
“Tâm” – vừa có thể được hiểu là một phần nhỏ bé nhưng vô cùng quan trọng trong con người – tức trái tim, mà cũng có thể được hiểu là tình yêu, là tấm lòng, là nơi ẩn chứa nguồn sinh lực khi hành động.
Nếu “tâm lệch lạc”, cuộc sống sẽ nghiêng ngả, đảo điên.
Nếu “tâm gian dối”, cuộc sống lúc nào cũng bất an
Nếu “tâm ghen ghét”, cuộc sống sẽ đầy thù hận
Nếu “tâm đố kỵ”, cuộc sống sẽ mất vui
Nếu “tâm tham lam” : cuộc sống sẽ dối trá
Mang “tâm” của mình trên ngực không những chỉ để yêu thương mà còn phải
Đặt “tâm” trên tay, để giúp đỡ người khác
Đặt “tâm” trên mắt, để nhìn thấy nỗi khổ của tha nhân
Đặt “tâm” trên chân, để mau mắn chạy đến với người cùng khổ
Đặt “tâm” trên miệng, để nói lời ủi an với người gặp cảnh khổ
Đặt “tâm” trên tai, để biết nghe lời than trách, góp ý của người khác
Đặt “tâm” trên vai, để biết gánh trách nhiệm và chia sẻ trách nhiệm với anh em
Thân xác không “tim” thì thân xác chết, mà làm người không có “tâm” thì cuộc sống chỉ có hận thù và là mối nguy hiểm cho hết mọi người.
Và đó là nền tảng của bình an thực sự, đến từ Thiên Chúa.