Nguyễn Trọng Lưu
”Vạn sự tùy duyên!”
Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã biết câu:
“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ,
Vô duyên đối diện bất tương phùng!”
Câu này có nghĩa là: ”nếu có duyên, thì dù có cách xa nhau ngàn dặm, vẫn đồng cảm được với nhau; còn nếu đã không có duyên, thì dù có đối mặt nhau, vẫn không cảm thông với nhau được”. Ngôn từ của triết học hiện sinh lại diễn ta cái ”hữu duyên” này một cách rất hiện thực: ”tôi hiện hữu trong tha nhân và tha nhân hiện hữu trong tôi!“ Nếu người ta yêu thương nhau thì dù cho có xa cách nghìn trùng vẫn cảm thấy luôn ở trong nhau, luôn gần kề bên nhau, luôn hướng về nhau; ngược lại, những người vốn không hợp nhau hay không ưa nhau, thì dù cho có đứng ngay trước mặt nhau cũng cảm thấy xa cách. Trong cuộc sống ngày thường, đôi khi có những người xuất hiện trong cuộc sống – nhưng chỉ thoáng qua: ”có duyên gặp gỡ nhưng lại không có nợ” – nên không thể ở lại bên nhau.
Người đời thường hay nói, một khi có ”duyên” mà không có ”nợ”, thì đừng nên quá cưỡng ép, mà hãy để mọi thứ thuận theo lẽ tự nhiên: “vạn sự tùy duyên!” Tùy duyên hoàn toàn không phải là phó mặc cho định mệnh, mà là biết từ bỏ trước những việc không thể thay đổi được. Sống tùy duyên, biết hài lòng với những gì đang có, giống như một dòng sông không ngừng chảy, bất kể có bao nhiêu khúc rẽ, thì vẫn đổ ra biển rộng. Hãy biết quý trọng những ai ta có duyên gặp gỡ, còn những ai không có duyên mà rời xa mình, thì cứ bình thản buông tay. Những thứ đã qua đi thì hãy nên học cách buông bỏ. Hãy biết trân trọng hiện tại và hướng về tương lai, đừng nên cố níu kéo những thứ không thuộc về mình, có như vậy tâm hồn mới có thể thư thái, thanh thản.
Mặc dầu xa cách về không gian, môi trường sống, văn hóa, ngôn ngữ… nhưng trong địa hạt tinh thần, chắc chẳng có ranh giới, ngoại lực hay khoảng cách nào có thể ngăn cản, chia cắt tình liên đới của con người.
Tình cảnh: ”Quân tại Tương giang đầu,
thiếp tại Tương giang vĩ,
tương tư bất tương kiến,
đồng ẩm Tương giang thủy”
không còn là vấn đề nữa trong thời đại ”Internet” và ”Facebook” hiện nay: dù người ở chân trời, người ở góc biển, hai người thương nhớ nhau lúc nào cũng vẫn có thể tìm đến nhau được. ”Phải chăng mọi thứ đến và đi đều do duyên số sắp đặt”?
Đời người không những chỉ có thuận duyên mà còn có khắc duyên nữa. Nhưng cho dù là thuận duyên hay khắc duyên thì tất cả đều là cơ hội để chúng ta học hỏi. Trong cuộc sống không chỉ có niềm vui mà chắc hẳn cũng sẽ có những khó khăn. Nếu luôn giữ cho lòng hướng thiện thì dù bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu cũng đều là nơi mình tu tâm dưỡng tính.
”Duyên”
Theo nguyên ngữ, ”Duyên” – từ gốc chữ Hán, có nghĩa là nguyên nhân phát sinh ra sự việc nói chung – chứ không chỉ dành riêng để nói về phần trời định cho mỗi người – đặc biệt trong quan hệ
tình cảm nam nữ, vợ chồng, hòa hợp, gắn bó với nhau trong cuộc đời. Trong bài viết này, chúng tôi cũng muốn dành riêng để nói về ”duyên vợ chồng”.
Một số khác lại cho rằng ”duyên” là sự hài hoà của một số nét tế nhị đáng yêu ở con người, tạo nên vẻ hấp dẫn, lôi cuốn. Cụm từ “có duyên” có nghĩa là có những nét hấp dẫn tự nhiên trong hình dáng, hành động: ”Không đẹp nhưng có duyên”; ”Ăn nói có duyên”; ”Duyên thầm”; ”Nụ cười có duyên”.
”Duyên tình”
Mỗi người đều có một cái ”duyên” để đến, để gặp gỡ, trao đổi với nhau, yêu thương nhau và có thể đi đến chỗ kết hợp với nhau mà chúng ta hay gọi đó là ”duyên tình”. Người Á Đông thường cho rằng sự gặp gỡ, kết hợp tốt lành giữa con người trong cuộc đời này là có nguyên nhân vô hình sâu xa ràng buộc.
Triết lý này được thể hiện rõ ràng trong truyện trầu cau. Phải chăng đó là cái duyên của sự chuyển hoá, của sự biến điệu. Trầu, cau, vôi, vỏ… tất cả – nếu đứng riêng rẽ, thì mỗi thứ chỉ là cây, là đá, là lá… Nhưng khi chúng hợp lại, hoà quyện, được ủ trong môi miệng của con người, thì tất cả đều biến đổi, trở nên đằm thắm, trở nên rực rỡ.
Để mô tả sự hợp duyên “gắn bó keo sơn” và lỗi duyên không ăn khớp với nhau trong quan hệ vợ chồng, người ta mô tả bằng hình ảnh cụ thể:
”Phải duyên thì gắn như keo,
trái duyên đuểnh đoảng như kèo đục vênh”
”Duyên nợ”
Khi thấy vợ chồng nào chia tay “đường ai nấy đi”, chấm dứt một đoạn đường mà họ đã vai kề vai sánh bước bên nhau sau những năm chồng vợ, người đời hay nói rằng: “duyên nợ họ đã hết”! Và người trong cuộc thì ai cũng muốn dựa vào định kiến “duyên nợ” ấy để an ủi mình, hoặc để tự bào chữa cho mình sau những đổ vỡ ấy.
Nhưng thực tế, khi hai người sau một thời gian tìm hiểu nhau, yêu nhau tha thiết, và kết hôn với nhau, đã sinh con đẻ cái, rồi vì một lý do nào đó bỏ nhau, chia tay nhau – mà đôi khi lại còn coi nhau như kẻ thù – thì đâu là “duyên”, đâu là “tình” và đâu là “nợ”?
Một thiếu nữ kia đã cứu giúp một chàng trai nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn, lo cho ăn học đến khi thành tài, rồi hai người lấy nhau, chung sức dựng xây một gia đình hạnh phúc. Nhưng sau một thời gian, chàng trai kia đã phản bội vợ bằng những cuộc tình khác: thế thì người thiếu nữ này “nợ” người chồng phản bội kia cái gì? Kết luận sau cùng thường cho rằng: những món nợ ấy bắt nguồn từ kiếp trước. Những suy nghĩ như vậy dựa vào triết lý của nhà Phật vì tin rằng cái duyên –
đặc biệt là duyên chồng vợ là “một ràng buộc đã định sẵn trong đời người” (Từ điển tiếng Việt, nhà xuất bản Hồng Đức, 2009).
Chúng tôi không hoàn toàn đồng thuận với chủ trương coi hôn nhân như một món ”nợ – duyên nợ” – nhưng cần hiểu đúng về chữ ”nợ” thì mới hiểu được ”duyên”, ”duyên nợ” và ”duyên phận”
Chúng ta phải suy nghĩ thế nào trước những đổ vỡ ngày càng nhiều của đời sống hôn nhân? Chúng ta có cần đề cập tới thời gian tìm hiểu, lý do bước vào hôn nhân, nhất là chúng ta đã suy nghĩ, đã sống, đã hành động như thế nào trong hôn nhân không? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có câu hát ”Tình yêu như trái phá, con tim mù loà”; cộng thêm quan niệm “yêu cuồng, sống vội” – nên nhiều bạn trẻ đã lao vào tình yêu một cách mãnh liệt, mù quáng như con thiêu thân trước ánh đèn. Họ tỏ ra thiếu trưởng thành, ngay cả thiếu suy nghĩ chín chắn trong yêu thương.
Những mối tình này nếu có dẫn đến đổ vỡ sau kết hôn mà đổ tại duyên số thì là một lối cắt
nghĩa gượng gạo, tội nghiệp cho cụm từ ”tình nghĩa”!
”Duyên” và ”duyên nợ”
Có lẽ chẳng thể nào tìm ra câu trả lời chính xác vế hai chữ ”duyên” và ”nợ” trong tình yêu. Người ta thường nói rằng gặp gỡ được nhau, yêu thương rồi lấy nhau là do ”duyên nợ”.
Trong giáo lý nhà Phật, cuộc sống của con người là một mắt xích trong vòng chảy luân hồi từ kiếp này đến kiếp khác, có nhân có quả, có thừa có hưởng và có nợ nhau. Chính bởi vậy mới có câu ”con người gặp nhau là bởi chữ duyên, nhưng có thể sống và trọn tình với nhau được lại là do chữ nợ.”
Như vậy thế nào là duyên nợ trong tình yêu?
”Duyên” là duyên cớ làm phát sinh ra một việc gì. ”Duyên” cũng hay được hiểu là phần trời sắp xếp cho con người gặp gỡ nhau, để rồi nảy sinh tình cảm, yêu thương nhau và nên vợ thành chồng. Chữ ”duyên” giúp các cặp đôi gắn kết lại với nhau – thế nhưng có gắn kết lại đuộc với nhau hay không lại còn dựa vào chữ ”nợ”. Như vậy phải chăng những cặp vợ chồng sống với nhau tới đầu bạc răng long chỉ bởi vì kiếp trước họ đã ”nợ” nhau quá nhiều nên kiếp này phải trả nợ lẫn nhau? Như vậy liệu họ có hạnh phúc với nhau không?
Thực sự chữ ”nợ” cũng có nhiều khía cạnh khác nhau: nợ tình, nợ ơn sẽ khác với nợ nần, nợ oán. Có những cái nợ vui vẻ mà trả, nhưng cũng có những cái nợ trả trong đau khổ. Người xưa có câu: “Bách thế tu lai đồng thuyền độ, thiên thế tu lai cộng chẩm miên: Tu trăm đời mới được đi chung thuyền, tu nghìn đời mới được ngủ chung gối”. Bởi vậy có được duyên gặp gỡ trong dòng chảy luân hồi của cuộc đời này hay không âu cũng là do duyên nghiệp. Theo thiển ý của chúng tôi, khi yêu nhau cần phải làm sao để ”duyên” kết thành ”nợ”- từ đó tạo dựng một hạnh phúc lâu bền. ”Duyên” chính là sự gặp gỡ, còn ”nợ” là sự gắn kết lâu bền.
Có lẽ chúng ta gặp không ít những cặp vợ chồng – khi đến với nhau là bởi tình yêu, thế nhưng sau một thời gian chung sống, họ lại chia tay nhau, không giữ được lời thề ước sống bên nhau đến đầu bạc răng long. Thực đáng buồn, nhưng có lẽ chẳng nên đổ lỗi cho ai, mà thường người ta hay nói
”duyên và nợ trong tình yêu của họ đã hết!” Nói một cách khác, duyên của họ chỉ có thế thôi bởi họ đã trả hết cho nhau từ kiếp trước và đã đến lúc họ phải rời nhau.
”Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người
tạ ơn đời, ta ơn ai đã đưa em về chốn này
tôi xây mãi cuộc vui.
Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người
tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi
còn thấy những ngày ngồi mơ ước cùng người…
Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người
tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi
còn những ngày quên kiếp sống lẻ loi.
Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người
tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi
tình sáng ngời như sao xuống từ trời”
(Trịnh Công Sơn)
Nỗi khổ đau lớn nhất con người là không hiểu biết, không nắm rõ được luật nhân quả vay trả, trả vay trong tiền kiếp và hậu kiếp của mình. Chính vì thế mà con người không làm thế nào để có thể thoát được khổ đau.
”Duyên”, ”nợ” và ”phận”
Có người cho rằng gặp gỡ nhờ ”duyên”, yêu nhau bởi ”nợ” và chia ly do ”phận”. Nếu đã là ”duyên”– thì có xa cách thế nào cũng tìm gặp lại được nhau. Nếu đã là ”nợ”, thì dù có trốn tránh tới đâu cũng không thể thoát khỏi. Và khi đã là ”phận”, thì không thể chống cự lại được.
Trong tình yêu hình như đâu đâu cũng đã được ông trời định duyên. Duyên đến, duyên ở hay duyên đi dường như cũng đều do “số phận” sắp đặt. Có những lương duyên khi bắt đầu – dù rất nhanh như trường hợp tiếng sét ái tình – đã chắc như “ván đã đóng thuyền”; còn có những duyên phận khi bắt đầu – dù có kéo dài thật lâu – cũng ẩn dấu mầm mống chia ly. Lại có những duyên phận chẳng bao giờ có kết quả tốt.
Người ta nói rằng gặp được nhau giữa thế giới bảy tỷ người này là do ”duyên” nhưng đến được với nhau thì cần đến ”phận”. Con người hay vin vào hai chữ ”duyên phận” để cân đong, đo đếm độ dài và độ sâu của tình yêu. Mà đáng buồn thay, số người tin vào duyên phận lại chiếm đa số!
Chúng tôi nghĩ rằng trên đời này có chữ ”duyên”: phải có duyên thì hai người xa lạ mới có thể gặp nhau, yêu nhau và nên vợ thành chồng. Nhưng chúng tôi lại không tin mù quáng vào “duyên phận”.
Ông Tơ bà Nguyệt xe ”duyên” xong xuôi rồi – việc còn lại thì do người trong cuộc tự xây dựng và tự định đoạt. Nếu cứ đi cùng đường, đến khi yêu thương nhạt nhòa, hết hạnh phúc thì lại chép miệng: “âu cũng là duyên phận!”: đã hết yêu nhau rồi tại sao còn phải đổ cho ”duyên phận”!
Sở dĩ chúng tôi không tin vào ”duyên phận” là vì yếu tố ”tự do” trong đời sống hôn nhân. Hai người gặp nhau, quen nhau rồi yêu nhau và quyết định nên vợ thành chồng. Cả hai dùng tự do của chính mình để nối kết, để thành vợ thành chồng, để tạo lập một gia đình mới: không ai ép buộc ai, cũng chẳng ai kèo nài ai! Ấy vậy mà sau khi hai người lại dùng chính tự do của mình để buông bỏ nhau, thì chúng ta lại đổ lỗi vì ”duyên phận”: khi đổ lỗi cho ”duyên phận” – là chúng ta đã gạt bỏ và coi thường quyền tự do quyết định của hai người – lúc trước cũng như bây giờ – và như thế là tự mâu thuẫn.
Khi yêu nào có ai biết trước được ngày sau ra sao nên nhiều người cứ nói với nhau rằng: ”Thôi cứ để tự nhiên đi, cứ yêu đi, rồi tới đâu thì tới, duyên phận sắp đặt sẵn hết rồi!”. Thật là vô lý. Yêu thì phải cố gắng mà vun đắp chứ sao lại cứ tới đâu thì tới, thế chẳng phải đang lãng phí cái ”duyên” trời cho hay sao? Cứ hời hợt với tình yêu đi – đến khi nó chết yểu rồi lại trách than ”duyên phận”!
Và sau mỗi một chuyện tình kết thúc, vì chữ ”duyên” mà người ta lại tìm đến bên một người khác, rồi lại nói không có ”phận” mà dứt tình với nhau. Cứ như thế xoay trong vòng lẩn quẩn: ”yêu-chia tay-yêu” không có lối thoát!
Trong thực tế, nhiều người đi cùng nhau tới cuối con đường thường hay nói: ”chúng ta có duyên phận” – thậm chí là ”duyên nợ” – đã buộc cả hai ta vào với nhau!” – còn những người bỏ gánh giữa đường lại nói: ”có duyên mà không có phận thì sao mà đi tiếp được!”
Chúng tôi nghĩ rằng việc tiếp tục đồng hành cùng nhau hay không cũng là do mình mà ra, chẳng có “phận” nào quyết định giùm mình cả. Vì thế, nếu đã yêu thì hãy yêu hết mình. Và nếu yêu thương đủ sâu, đủ dài thì dù duyên phận có chặn lối đi chăng nữa, chắc chắn người ta sẽ tìm
được lối rẽ cho tình yêu của mình. Hạnh phúc chỉ đến với những người biết cố gắng và vun trồng cho tình yêu thôi. Đó cũng là cách tư duy của chúng tôi qua bài ”Hình như là định mệnh” (Nguyễn Trọng Lưu, blogpsot.com)
Cái nhìn của người công giáo về ”duyên” và ”nợ” rất khác biệt với triết lý nhà Phật.
Trong Tin Mừng Matthêu – chúng ta đọc thấy những dòng sau: ”Những người Pharisiêu đến gần Chúa Giêsu để thử Người. Họ nói: ”Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” Người đáp: ”Các ông không đọc thấy điều gì sao: thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: ”Vì thế, người đàn ông ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Họ thưa với Người: ”Thế sao ông Maisen lại cho rẫy vợ?” Người bảo họ: ”Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Maisen đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. Tôi nói cho các ông biết:
ngoại trừ hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 19, 3-9).
Đoạn Tin Mừng này thuật lại việc những người biệt phái chất vấn Đức Yêsu về vấn đề ly dị. Theo luật Maisen thì được phép ly dị (Đệ nhị luật 24,1-4) – nhưng không xác định rõ lý do ly dị – vì thế có sự bất đồng giữa những người theo phái phóng khoáng (nghĩa là chỉ với một lý do rất đơn giản) và phái nghiêm khắc (chỉ khi người vợ ngoại tình, người chồng mới được phép ly dị). Mà cũng nên nhớ rằng luật pháp Do Thái thời đó chỉ nhìn nhận sáng kiến ly dị của người chồng mà thôi.
Đức Yêsu đã dựa vào ”Sách Sáng thế, 1,27 và 2,24” mà khẳng định rằng: không được ly dị. Theo đó, Đức Yêsu muốn nói với chúng ta rằng sự liên kết hôn nhân bắt nguồn từ thánh ý của Thiên Chúa, vì thế sự ràng buộc của hôn nhân còn vượt qua sự ràng buộc gia đình, bởi vì khi kết hôn, người ta “sẽ phải rời bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ mình”. Đây là sự kết hợp của con người – nghĩa là “cả hai sẽ trở nên một xương thịt” (Mt. 19,5).
Cốt lõi của cái “duyên” – tức sự kết liên mà Thượng Đế muốn có nơi hai người là “tình yêu thủy chung”. Sự chọn lựa của hai người mang tính chất độc chiếm, vĩnh viễn, dựa trên nền tảng vững bền là tình yêu. Nó cũng nói lên sự quyết định rõ ràng, mạnh mẽ, và trưởng thành của hai người khi tiến tới hôn nhân, vừa có tính chất đơn hôn và vĩnh viễn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau, cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly.
Những đôi vợ chồng trẻ ngày nay khi chia tay nhau, thì gọi là ”ly dị”. Bởi vì ”ly dị” theo định nghĩa là một kết thúc đời hôn nhân một cách hợp pháp, được luật pháp công nhận. Nếu coi hôn nhân là một định chế của xã hội, thì việc chấm dứt hôn nhân một cách hợp pháp theo định chế ấy là đúng, nhưng hôn nhân không chỉ là một khế ước, một lời hứa trước mặt quan toà hay người chứng giám. Hơn thế, cần lưu ý rằng – có thể có những việc ”hợp pháp” về mặt xã hội, nhưng không đúng về phương diện luân lý và luật Giáo Hội – như việc ly dị, làm gái bán thân, trợ tử – chẳng hạn.
Hôn nhân còn mang một ý nghĩa cao hơn tiềm ẩn trong tâm linh, trong định luật tự nhiên mà Thượng Đế đã ghi tạc vào lòng mỗi người. Mọi nền văn hoá, và qua mọi thời đại việc cử hành hôn nhân luôn pha lẫn giữa những truyền thống xã hội và các nghi lễ tâm linh. Hơn hai nghìn năm trước, khi trả lời về vấn đề ly dị, Đức Kitô đã nói với những người chủ trương ly dị những lời chúng ta vừa mới đọc ở trên:
“Các ông hẳn chưa đọc rằng Ngài đã tạo dựng họ từ ban đầu có nam và nữ. Bởi thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình và kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Vì thế, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương thịt. Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, con người không được phân ly” (Mt.19,4-6).
Cần hiểu rằng mệnh đề ”sự gì Thiên Chúa đã liên kết, con người không được phân ly” đến từ bản tính của tình yêu – chứ không phải đến qua bí tích hôn phối. Chúng tôi thấy nhiều cặp hôn phối sau thánh lễ thường nói ”cám ơn cha đã ban phép hôn phối cho chúng con!” – mà theo ý chúng tôi là không đúng – bởi linh mục – trong thánh lễ hôn phối, chỉ là người đại diện Giáo Hội chứng hôn và chúc lành cho đôi vợ chồng nhân danh Thiên Chúa mà thôi. Còn tính chất thành sự của bí tich hôn phối là do hai người nam-nữ tự do thực hiện với nhau – chứ không phải do linh mục ”ban”!
Qua câu trả lời của Đức Yêsu, chúng ta cũng cần hiểu rằng Thiên Chúa không ép buộc hai người lại với nhau, rồi bắt người này phải trả món nợ tiền kiếp của người kia. ”Duyên tình” hay ”duyên phận” ở đây chỉ là những hoàn cảnh, những điều kiện thuận lợi sẵn có mà hai người có thể đến với nhau, để tìm hiểu, để yêu thương và tự ý nên vợ thành chồng vợ