Nguyễn Trọng Lưu
Từ những lo sợ rải rác trong đời đến lo sợ về cái chết
Đến một lúc nào đó trong cuộc đời, chúng ta mới nhận thấy rằng chúng ta đã trải qua quá nhiều lo sợ rải rác trong những tháng năm của cuộc đời thường. Ngay từ khi mới được mở mắt chào đời, thì cha mẹ đã lo sợ phải bao bọc cho chúng ta khỏi những ốm đau bệnh tật, khỏi những ám ảnh của ác thần. Khi lớn lên một vài tuổi, cha mẹ lại lo sợ không đủ cơm ăn áo mặc nuôi con. Rồi lo sợ không kiếm đủ tiền để cho con đi ăn đi học. Đến khi con học thành tài, lại lo đến công ăn việc làm – sau đó là lo dựng vợ gả chồng cho con. Rồi lại lo cho cháu nội cháu ngoại.
Nhưng cái lo sợ lớn nhất mà chính mỗi người sẽ tự trải nghiệm – đó là lo sợ về chính cái chết của mình: không biết khi nào mình chết? Chết như thế nào? Chết rồi sẽ ra sao? Làm sao vợ con hay chồng con, cháu chắt của mình có thể sống được khi mình chết?
”Con người là hữu thể hướng đến cái chết” (Martin Heidegger)
Từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến khi trở thành một người già “gần đất xa trời” là một quá trình dài – mà theo bản năng, con người thường ý thức trước được cái chết của mình. Khi ý thức được cái chết sẽ đến với mình thì con người sẽ ra đi thật thanh thản. Đứng trước cái chết, có lẽ không nên dùng từ “lo lắng” để diễn tả mà nên thay bằng từ “nhận thức” có lẽ phù hợp hơn: cần nhận thức được sự tồn tại của đặc tính “sống” và “chết” trong bản thân và làm cân bằng mối quan hệ giữa này.
Các triết gia luôn có một cái nhìn lạc quan và thanh thản trước cái chết. Socrate (469-399) đã từng nói: “Chúng ta chiến đấu cho cái gì trong cuộc đời? Đó là để thoát ra khỏi thân xác và những xấu xa do đời sống thân xác mang lại. Vậy thì tại sao ta lại không hân hoan khi cái chết tới gần?” Còn đối với Platon (427-347): “Triết học là môn học dạy cho người ta biết sống và biết chết cho hợp đạo làm người”. Martin Heidegger (1889-1976) lại định nghĩa “con người là một hữu thể hướng đến cái chết”. Hữu thể người lúc nào cũng lo âu về những dự phóng của đời mình, luôn xao xuyến về việc thực hiện bản thân của mình cho thấy một sự mong manh, dang dở, đe dọa căn bản nào đó.
Trong những bài thuyết trình và khảo cứu về văn học và triết học, tôi luôn khởi từ nhận định rằng triết lý là chính cuộc sống, là những suy tư về cuộc đời, để sống cho khôn ngoan, sáng suốt và hạnh phúc. Triết lý là một nỗ lực không ngừng của con người đi tìm chân lý và hạnh phúc trong đời – nhưng tuyệt cùng của đời người lại là cái chết – nên con người phải có những giây phút tư duy về cái chết. Những tư duy đó luôn bàng bạc trong các bài viết của tôi về sự sống và cái chết: “Sống, chết và sống lại”; “Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời”; “Tình yêu không chết và đó là dấu chỉ của sự sống lại” và “Chết lúc chết và chết lúc đang sống”.
Triết học có mục đích tra vấn về mục đích cuộc đời còn tôn giáo là để giải quyết vấn đề do triết học đề ra. Triết học có ba câu hỏi lớn: “Nhân sinh hà tại: con người bởi đâu mà sinh ra?”– “Tại thế hà như: sống trên đời để làm gì?” và “Hậu thế như hà: chết rồi đi đâu?”. Trong ba câu hỏi này đều có mối liên hệ khăng khít với nhau. Hễ biết được sinh thì sẽ biết được tử ngược lại biết được tử sẽ biết được sinh. Một khi đã biết được cái lẽ tử sinh sinh tử này thì sẽ biết sống trên đời để làm gì.
Nhưng triết học chỉ biết đưa ra câu hỏi mà không bao giờ có thể có câu trả lời. Lý do là vì triết học đã đặt nền móng tư duy dựa trên khái niệm. Với câu hỏi “Con người sinh ra bởi đâu?” thì danh từ “con người”đơn thuần chỉ là khái niệm – mà nếu chỉ là một khái niệm, thì làm sao biết được con người sinh bởi đâu? Mà bởi đã đặt nền trên khái niệm thế nên triết học dù là Đông hay Tây cũng không thể giải quyết được vấn đề do nó đặt ra. Có người hỏi Đức Khổng Tử:”Chết là thế nào?” thì ngài đáp: “Chưa biết sống thì biết thế nào việc chết? – Vị tri sinh, an tri tử?”(Luận Ngữ)
Một khi triết học không thể có câu trả lời thỏa đáng về vấn nạn đặt ra, thì chúng ta phải đi tìm giải đáp ở những chỗ khác.
”Tám quan điểm về cái chết
Thiền Sư Buddhaghosa – ngay từ thế kỷ thứ năm, đã dạy môn sinh suy ngẫm về cái chết theo tám quan điểm sau đây – được ghi lại trong cuốn “Thanh Tịnh Đạo”.
- Sự chết có hình dạng như một đao phủ, tức là như có một kẻ sát nhân đứng ở trước mặt sẵn sàng giết mình.
- Sự chết là sự hủy diệt của mọi thành tựu.
- Sự chết là sự chấm dứt không thể tránh của tất cả mọi người, người nổi tiếng cũng như người bình thường.
- Sự chết là kết quả của sự chia xẻ thể xác với nhiều thứ. Suy ngẫm về vô số nhân tố, nội tại cũng như ngoại tại, có thể gây ra cái chết.
- Sự chết đang ở gần bên.
- Sự chết vô hình, tức là không thể biết trước về nó.
- Sự chết là sự kết thúc tất yếu của một cuộc đời vốn ngắn ngủi.
8. Sự chết là một hiện tượng thường trực, xảy ra bất cứ lúc nào.
Bất cứ lúc nào – trong khi đi, đứng, hay ngồi, khi đi xe hơi, máy bay hay xe lửa – chúng ta đều có thể suy ngẫm về tám điểm này và hãy suy nghĩ rằng mình rất may mắn được sinh ra làm người và có thể hiểu ý nghĩa của sinh và tử – là mục đích sâu xa nhất của kiếp làm người.
Điểm thứ ba xem sự chết là dứt điểm cho mọi người, vì không ai có thể thoát khỏi cái chết. Nhưng biết bằng lý trí là một chuyện, còn biết bằng chứng nghiệm là một chuyện khác. Người mạnh cũng như người yếu, người khôn cũng như người dại, người rộng rãi cũng như kẻ keo kiệt, người được tôn vinh nhiều nhất cũng như người ăn mày khốn khổ nhất, tất cả đều có cùng một định mạng, đó là cái chết: trong huyệt mộ chúng ta đều bình đẳng.
Cái chết qua dụ ngôn người gieo giống
Dụ ngôn về người gieo giống đã cho chúng ta xác định được hai vấn đề. Một là con người sau khi chết sẽ không sống lại bằng cái xác thân trước đó (hạt đã gieo) và hai là gieo loại hạt giống nào thì sẽ mọc lên loại cây đó. Gieo hạt lúa sẽ mọc lên cây lúa. Gieo hạt đậu sẽ mọc lên cây đậu. Con người sống lại sẽ có hình thể tương ứng với những gì mình đã tạo trong kiếp sống trước. Gieo nhân ác dữ sẽ mang hình thể đen đủi xấu xa. Gieo nhân thiện lành sẽ được mang thân thể sáng láng tốt đẹp.
Như vậy chúng ta thấy tất cả đều hệ tại ở nơi việc gieo hạt – tức là tạo nghiệp. Tạo nghiệp nào sẽ có quả đó. Tạo nghiệp dữ sẽ có quả dữ. Tạo nghiệp lành sẽ có quả lành. “Người ta không hái trái vả nơi bụi gai cũng không hái trái nho nơi bụi rậm. Người thiện do lòng chứa thiện mà phát ra điều thiện. Người ác do lòng chứa ác mà phát ra điều ác. Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” (Lc 6, 44 -45).
Chứa cái gì sẽ có cái đó, chứa điều xấu sẽ có quả xấu – chứa điều lành sẽ có quả lành. Cái lẽ nhân quả báo ứng này không bao giờ sai suyễn. Tuy nhiên lãnh vực nhân quả rất ư sâu xa mịt mờ khó mà nhận ra và vì khó nhận ra thế nên người ta đã lầm gieo những nhân xấu ác để rồi lãnh nhận quả xấu ác mà không biết. Điều Chúa nói do lòng chứa ác mà phát ra việc ác, chứa lành sẽ phát ra việc lành, thì cái việc “chứa” ấy là chứa chấp ở nơi tư tưởng. Tư tưởng tuy vô hình nhưng chính cái vô hình đó mới là cái quyết định cho hành động
Bởi tư tưởng là cái quyết định cho hành động vì thế trong tất cả mọi việc dù là trong đời thường hay đời tâm linh cũng cần phải có sự tỉnh thức. Tại sao? Bởi vì chính cái sự tỉnh thức hay không tỉnh thức ấy sẽ quyết định cảnh giới của mỗi người trong đời sau. Chính Đức Kitô cũng nhắc nhở “Vậy hãy thức tỉnh vì các ngươi không biết Chúa đến lúc nào. Nhưng hãy biết điều này nếu chủ nhà biết được khi nào kẻ trộm đến, thì sẽ canh không để cho nó đào khoét nhà mình. Vậy nên các ngươi cũng hãy sẵn sàng vì Con Người đến trong giờ các ngươi không ngờ” (Mt. 24, 42-44).
Cái chết luôn đến cách bất ngờ chính vì thế mà những người khôn ngoan cần sửa soạn đón nó một cách tỉnh thức và đó cũng là cách để tạo cho mình một cảnh giới tốt đẹp cho đời sau. Các Thánh cũng là những con người như chúng ta nhưng sở dĩ các ngài nên Thánh và lập được vô vàn công đức là vì đã biết luôn suy niệm về cái chết của chính mình.
Mạc khải và niềm tin Kitô giáo
Mạc khải Kitô giáo đã cho biết rằng cái chết là ngưỡng cửa dẫn vào vào thánh điện an vui vĩnh hằng – như thánh Phaolô đã xác định: “vào ngày cuối cùng, cái hư hoại trong ta sẽ trở nên bất hoại, cái khả tử sẽ nên bất tử” (1 Cor. 15, 53). Người Kitô hữu tin rằng Đức Yêsu đã chiến thắng sự dữ là cái chết, nhưng Ngài không hủy diệt sự dữ gây ra trong ta. Do vậy, nhờ Đức Kitô, trong hy vọng thì tất cả đã thành đạt, nhưng trong thực tế, ta vẫn phải chịu đựng những bất hạnh. Niềm tin và hy vọng không diệt bản năng sinh tồn, nhưng nó đem lại một tâm tình đón nhận bình thản và an vui.
Chính trong hy vọng được chia sẻ hạnh phúc đời sống vĩnh hằng, mà mỗi Kitô hữu đáp trả lời mời gọi nên thánh ngay trong cuộc sống hiện tại: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng Toàn Thiện” (Mt 5, 48). Chỉ Thiên Chúa mới là nguồn mọi sự thánh thiện và Ngài mời chúng ta chia sẻ sự thánh thiện của Ngài. Nên thánh là đáp trả lời mời đó. Nên thánh là để cho tình yêu chi phối toàn bộ cuộc sống, là ra khỏi cái tôi hẹp hòi của mình để sống hết tình cho Thiên Chúa và tha nhân. Nên thánh là luôn lắng nghe tiếng Ngài và trung thành đáp lại trong giây phút hiện tại. Nên thánh là yêu mến cuộc sống mà Ngài tặng trao, là để cho Ngài yêu mình, nắm tay mình, dắt mình vào thế giới riêng tư của Ngài.
Niềm tin Kitô giáo giúp chúng ta tránh đam mê những hạnh phúc giả tạo ở đời này và thúc đẩy chúng ta hãy can đảm chịu đựng những đau khổ để kết hợp những khổ đau đó với Đức Kitô, và biết đến ích lợi của cuộc đời, phải đi qua đau khổ để vào vinh quang với Ngài. Chúng ta biết khi chết là lúc chúng ta về với Chúa và sẽ được sống lại với Ngài trong vinh quang thì chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận cái chết hơn.
Con đường nên thánh thoát khỏi cái chết phi lý chính là “Bát Phúc”, thể hiện đời sống trong các mối tương quan: bản thân – Thiên Chúa – tha nhân. Con đường này chính Đức Yêsu đã đi và mời ta cùng đi: Thầy mời ta có tâm hồn nghèo khó, hiền lành để hoàn toàn tín thác vào một mình Thiên Chúa; có lòng khát khao sự công chính chỉ mong làm trọn ý Ngài trong tương quan với tha nhân; Thầy mời ta có lòng thương xót, biết và chia sẻ nỗi đau của người khác; có tâm hồn trong sạch, nghĩa là sống ngay thẳng, chân thành; có tinh thần xây dựng hòa bình và công bằng xã hội là chăm lo phát triển toàn diện từng người và mọi người; lội ngược dòng đời vô thần duy vật là chấp nhận mối phúc bị bách hại.
Sống “Bát Phúc” không là áp dụng cách máy móc, cứng ngắc – nhưng trong tình yêu:
Tình yêu kiên nhẫn, biết đón nhận người khác như họ là;
Tình yêu phục vụ, không chỉ bằng tình cảm hay lời nói nhưng bằng hành động cụ thể;
Tình yêu không ghen tị, nhưng trân trọng thành quả của người khác;
Tình yêu không khoe tự phụ, không coi mình hơn người khác;
Tình yêu dịu dàng không cứng cỏi;
Tình yêu quảng đại, cho đi mà không tính toán;
Tình yêu tha thứ, biết tìm hiểu người khác để thông cảm và tha thứ hơn là soi mói;
Tình yêu vui với niềm vui của người khác, chứ không vui vì sự thất bại của họ;
Tình yêu chịu đựng, gìn giữ miệng lưỡi, tránh xét đoán và nói xấu;
Tình yêu tin tưởng tất cả nên không tìm cách thống trị nhưng tôn trọng người khác;
Tình yêu hy vọng tất cả vì Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng bằng những nét cong;
Tình yêu chịu đựng tất cả với thái độ tích cực (HĐGM.VN, Tâm thư gửi Gia đình công giáo 2017)
Cũng thế, trong một cái nhìn khác, Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan Phaolô 2 mới kêu gọi chúng ta “đừng sợ”:
Đừng sợ thế gian – vì thế gian có thể giết chết thân xác nhưng không giết được linh hồn.
Đừng sợ phải đau khổ, vì chính Chúa Yêsu cũng đã từng bị đánh đập, bị khạc nhổ, bị khinh khi.
Đừng sợ bệnh tật, vì chính ngài đã chữa lành những tật nguyền và bệnh hoạn của ta.
Đừng sợ vì Thày đã thắng thế gian.
Đừng sợ, vì tình yêu chiến thằng mọi sự dữ.
Đừng sợ vì chúng ta là con Chúa, là tạo vật được ngài yêu thương!
Chính vì thế: ngay cả cái chết, cũng đừng sợ!