”Đây là thịt xương tôi!” (Stk. 2, 23)

 

Nguyễn Trọng Lưu

 

 

Nếu chúng ta gạt sang một bên những ý nghĩa thần học và tôn giáo trong cái ”flash back” của những chương đầu sách Sáng thế ký, chúng ta mới thấy anh chàng Adam này thật là ”cắc ké!” ”Cắc ké” là ở chỗ khi nhìn thấy Eva, Adam đã chẳng khen em xinh đẹp, cũng chẳng tỏ tình hay ”fri” em gì cả, mà chỉ kêu lên rằng: ”Đây là thịt xương tôi!” (Stk. 2, 23) – và ngay sau câu nói đó của Adam, thì Sáng thế ký lại viết tiếp: ”Bởi thế,  người đàn ông sẽ rời bỏ cha mẹ mình để sống với vợ và trở nên một xác thân với nàng.” (Stk, 2, 24).

 

 

Từ ”Ihs” và ”Isha” đến  những hệ luận của tình yêu vợ chồng

 

Nhưng chính câu nói ”cắc ké” của Adam đó lại gói trọn ý nghĩa của tình yêu và đời sống vợ chồng. Từ ”đàn ông” – trong nguyên ngữ tiếng Do thái xưa – là ”ihs”, còn ”đàn bà””isha” – đã  nói lên sự gắn bó không thể tách rời của đôi vợ chồng: cùng một thân xác, cùng một cuộc đời, nhưng là một con người cặp đôi, như đã được diễn tả trong ca dao Việt nam:

 

”Mình với ta tuy hai, mà một,

  ta với mình tuy một, mà hai”.

 

Mà một khi ”thịt xương tôi” đã thành ”một xác thân” với vợ hay với chồng tôi, thì cũng từ đó nảy sinh ra hết những hệ luận của tình yêu vợ chồng.

 

Thật thế, tôi được vào đời với một xác thân từ trong lòng mẹ, và xác thân đó cứ triển nở mãi cho đến viên mãn – và ngay cả đến khi thân xác tôi đi vào một thế giới khác – thì thịt xương đó vẫn là thịt xương tôi, lúc nào tôi cũng yêu thương, săn sóc cho xác thân tôi, chứ chẳng khi nào tôi lại ghét bỏ hay đọa đày thân xác tôi. Cũng thế, nếu vợ hay chồng là thịt xương tôi, thì trọn đời thịt xương đó là tôi, lúc nào tôi cũng yêu thương, săn sóc thịt xương đó: đó chính là ý nghĩa của thủy chung trong hôn nhân. Tình thủy chung trong hôn nhân là một ràng buộc nội tại – nghĩa là tự bản chất của tình yêu vợ chồng đòi buộc như thế, chứ không phải do luật pháp hay do những nghi lễ bên ngoài – mà tiếng Việt đã diễn tả rất phong phú và đa diện: ”ăn đời ở kiếp”, ”yêu nhau cho đến khi đầu bạc răng long”.

 

Mà thịt xương tôi lại là một hiện hữu độc nhất vô nhị – có nghĩa là chỉ mình ”tôi” ”tôi” mà thôi. Ngay cả trong trường hợp anh em sanh đôi, cho dù cả hai có giống nhau như hai giọt nước đi chăng nữa, thì anh vẫn là anh và em vẫn là em. Nói một cách khác, thì ”tôi” lúc nào cũng vẫn là ”tôi duy nhất”. Cũng chính vì thế, khi lấy nhau, hai người đàn ông và đàn bà đã tự ghép thịt xương mình vào thịt xương người mình yêu, để trở thành một xác thân, một cặp đôi duy nhất: tình yêu vợ chồng là tình yêu độc chiếm – nghĩa là tình yêu vợ chồng tự nó đã đòi buộc hai vợ chồng chỉ được là của nhau, chỉ được dành trọn vẹn cho nhau, thành một con người một mà hai – như lời ca nào đó đã diễn tả rất mặn nồng: ”chỉ hai đứa mình thôi nhé!”.

 

Sự thu hút, gắn bó giữa hai người nam và người nữ trong đời sống lứa đôi là một thu hút, một gắn bó lạ lùng, diệu vợi – đôi khi thật khó hiểu – đến nỗi người ta cảm thấy trống vắng, đơn độc khi không có ”nửa kia” của mình, đúng như thi sĩ người Pháp – Alphonse de Lamartine (1790-1869) – đã viết:

 

”Un seul être vous manque, tout est dépeuplé”

 (Chỉ một người bạn thiếu, thì tất cả đều chỉ là hoang vắng mà thôi)

 

Đó cũng chính là tâm lý của tình yêu vợ chồng, một thứ tình yêu lúc nào cũng chen lẫn những lo lắng, ghen tuông , giận dỗi, gần như là ích kỷ – mà Søren Kierkegaard (1813-1855), một triết gia nổi tiếng của Đan Mạch và là cha đẻ của triết học hiện sinh – sau cuộc tình tan vỡ với Régine Olsen, đã mô tả trong “Vie et règne de l´amour”, (1847): tình yêu vợ chồng lúc nào cũng phải là duy nhất và thường hằng.

 

Nhưng nếu vì một lý do nào đó, mà tình yêu không được trọn vẹn, thì thà người ta đi tìm cái chết – trong hy vọng là được trọn đời của nhau trong một thế giới khác, còn hơn là sống lây lất, khổ đau trong thế giới này – như chúng ta đã thấy quá rõ trong những chuyện tình nổi tiếng, như chuyện tình “Roméo – Juliette” – hay chuyện tình của “Đồi thông hai mộ” tại hồ Than Thở, Đàlạt.

 

 

Những ảo vọng giết chết tình yêu vợ chồng

 

Nhưng hạnh phúc của tình yêu đôi lứa không phải là một cái gì nhưng không, có đó, mà hạnh phúc đó giống như một hạt mầm đòi buộc cả cả hai vợ chồng phải suốt đời vun trồng, chăm sóc, cho dù có phải qua những truân chuyên, cơ cực, như người ta thường nói rất ví von, gợi hình: “hồng nào mà chẳng có gai”.

 

Trong bài “Nhà tôi”, tôi đã phân tích một vài khía cạnh phân tâm học trong cuộc sống lứa đôi, dễ làm cho hạnh phúc vợ chồng bị tan vỡ. Ở đây, tôi chỉ muốn nêu lên một vài ảo vọng trong chính cuộc sống của hai vợ chồng, mà hầu như chỉ làm chết hạnh phúc lứa đôi mà thôi.

 

Trước hết, đàn ông  – ngay từ sự cấu tạo thân xác của mình, thường hay có tính đèo bồng, tham lam :

“Đàn ông năm bảy lá gan,

                        Lá đang cùng vợ, lá toan cùng người”

 

mà đôi khi lại được xã hội dung thứ, bao che:

 

“Trai làm nên, năm thê bảy thiếp

                        Gái chính chuyên, thủ tiết thờ chồng”

 

đến độ người đàn bà trong dồn nén đã phải trả đũa lại :

 

“Có chồng càng dễ chơi ngang,

                        Đẻ ra con thiếp, con chàng, con ai”

 

Tất cả những hành vi đó đều đi ngược lại bản chất của tình yêu vợ chồng – mà một khi đi đã ngược lại bản chất của tình yêu vợ chồng – thì chỉ là sai trái và chỉ làm cho “thịt xương” của mình đau khổ, chết lây chết lất mà thôi:

 

“Duyên đôi ta đã trót cùng nhau,

                        Trăm năm thề những bạc đầu,

                        Chớ tham phú quý, đi cầu trăng hoa”

 

Cũng đừng để mình bị lừa dối bằng một thứ ảo vọng rất “cải lương”:

 

“Tình chỉ đẹp khi còn giang dở,

                        đời hết vui khi đã vẹn câu thề”

 

Trước khi tìm được “thịt xương” của mình, cả chàng và nàng đều quen biết và có thể có những tình cảm đặc biệt với những người khác phái  – theo như tâm lý phát triển của tình yêu. Nhưng một khi đã tìm ra “nửa kia” của mình và một khi đã thề non hẹn biển với nhau, thì cả hai phải làm cho nhau thấy rằng thịt xương kia của mình lúc nào cũng duy nhất thuộc về mình trọn vẹn, và đó mới chính là tuyệt đỉnh của hạnh phúc lứa đôi khi: “Vào đời bằng âu yếm khi mình thành thịt xương, vào đời bằng mái ấm thiên đường của tình yêu”. Nếu “tình chỉ đẹp khi còn giang dở”, tại sao người ta lại phải tự tử để hy vọng được “trọn vẹn câu thề” trong một thế giới khác?

 

 

“Đừng lừa dối nhau khi ta gần nhau!”

 

Tôi không nhớ rõ câu hát này từ bài hát nào, nhưng có lẽ một trong những đòi buộc lớn nhất của tình yêu vợ chồng là lòng chân thành – hay nói một cách khác, mình phải là mình, chứ đừng tô son

vẽ phấn, đừng đeo cho mình một mặt nạ giả dối trong đời sống lứa đôi. Những giấu diếm, những che đậy, những liên lạc tư riêng với những người khác phái ngoài vợ và chồng mình, dưới chiêu bài coi nhau như “anh trai”, “em gái” chỉ là những ảo ảnh giăng thành những cạm bẫy vô hình, dần dà đưa hai người chỗ đến phá tan hạnh phúc đang xây đắp. Những hình ảnh mời mọc được phơi bày trong nhiều loạt phim như “Beverly Hill”, “Sex in the city”– hay những ngôn từ bóng bẩy mà một số nhà tâm lý mô tả qua chiêu bài phát triển hòa hợp tâm lý với những người tình không phải là vợ hay chồng mình, chỉ là những ngụy biện làm chầt dần chết mòn tình yêu đích thực mà thôi. Hơn thế, một khi một trong hai người vẫn còn cần đi tìm những người khác phái để lén lút trao đổi tâm tình, thì điều đó chứng tỏ rằng, vợ hay chồng mình đâu còn là tất cả cho mình nữa đâu?

 

 

“… và để xem trời giải nghĩa yêu”

 

Như tôi mới viết ở trên, sự thu hút, gắn bó giữa hai người nam và người nữ trong đời sống lứa đôi là một thu hút, gắn bó lạ lùng, huyền diệu. Triết gia người Pháp Gabriel Marcel (1889-1973) –  khi suy tư về cuộc sống lứa đôi, đã thấy rằng – tình yêu là một huyền nhiệm không thể giải nghĩa được – nhưng lúc nào con người cũng phải sống ngụp lặn trong tình yêu, vì tình yêu là đôi lứa chỉ là một thông phần vào Tình-Yêu-Tuyệt-Đối – là chính Đức Chúa. Phải chăng đó cũng là ý nghĩa trong bài hợp ca “Đàlạt trăng mờ” mà nhạc sĩ Hải Linh đã viết:

“Ai hãy làm thinh, chớ nói nhiều,

                        để nghe dưới đáy nước hồ reo

                        để nghe tơ liễu run trong gió

                        và để xem trời giải nghĩa yêu”

 

Tôi chân thành cầu chúc cho những ai đang sống trong hạnh phúc lứa đôi, hãy lặng im để trọn hưởng hạnh phúc đó, còn những ai đang đi tìm “thịt xương” của mình, hãy chuẩn bị đón nhận tình yêu đích thực của mình, được suốt đời hạnh phúc, sung sướng bên nhau.