”Đất nước mình ngộ quá, phải không anh?”
Nguyễn Trọng Lưu
Từ ”ngộ”
Năm 2011, nhạc sĩ Việt Khang – tên thật là Võ Minh Trí (1978) sáng tác bài hát “Anh là ai?” – mà nội dung là một lời độc thoại, chất vấn của một người với một người khác về việc tại sao mình bị ngăn cản, bị đánh và bị bắt khi xuống đường để tỏ bày tình yêu quê hương, dân tộc và chống giặc Trung cộng ngoại xâm. Tác giả cũng đã khẳng định ông không thể ngồi yên khi dân tộc Việt Nam có nguy cơ bị bắc thuộc lần nữa. Trong bài hát này, đối tượng bị chất vấn “anh là ai?” không được nhạc sĩ chỉ đích danh là người nào hoặc tổ chức nào, nhưng bị tòa án Việt Nam cho rằng “tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Bài hát được phổ biến rộng rãi và mọi người đều hát như để đồng cảm với nỗi đau của một người trẻ yêu nước bị hành hạ bất công. Tôi nghĩ rằng Việt Khang không trách móc, không oán hận bọn côn đồ, vì chúng chỉ là thuộc hạ sai đâu đánh đó. Bài hát ẩn tàng một ý sâu xa hơn – là đặt vấn đề trách nhiệm cho thế hệ cha ông, bởi vì tất cả những chuyện gì xảy ra trong đời đều có nguyên nhân của nó. Vậy, tình trạng xã hội Việt Nam ngày nay sa sút về mọi mặt là phải có nguyên nhân. Nguyên nhân đó do đảng cộng sản gây nên. Tội ác của đảng cộng sản do Hồ Chí Minh (1) gieo rắc là quá rõ ràng, không cách gì bào chữa hay che dấu được. Cho nên, bài hát “Anh là ai?” là nhằm hỏi tại sao các anh là trí thức, là khối óc của dân tộc mà ngu quá vậy, để cho thế hệ trẻ chúng tôi phải chịu quỷ sứ đọa đày?
Và gần đây, chắc không người Việt nào lại không biết đến bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh đăng trên Facebook ngày 25.04.2016 đã gây chấn động trên mạng lưới toàn cầu và có tiềm năng làm rung chuyển chế độ cộng sản tại Việt Nam. Công an đảng cộng sản đã câu lưu và thẩm vấn cô, nhưng chưa dám truy tố hình sự vì sợ phản ứng của nhân dân và công luận thế giới.
Đất nước mình ngộ quá phải không anh?
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…
Đất nước mình lạ quá phải không anh?
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…
Đất nước mình buồn quá phải không anh?
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…
Đất nước mình thương quá phải không anh?
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu…
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh?
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…
Từ ”ngộ” thường dùng để chỉ một sự kiện lạ lùng, vừa gây ngạc nhiên vừa mang ý nghĩa hoặc khen hoặc chê. Nhưng từ “ngộ” mà cô giáo Trần thị Lam dùng trong bài thơ này – theo thiển ý của tôi – có lẽ không ám chỉ bọn cầm quyền ngu dốt, độc ác, vô liêm sỉ mà cô muốn hỏi những người mang danh làm cách mạng ”tại sao lại nhút nhát, ươn hèn, sợ bị liên lụy” và những người mang danh trí thức – ”tại sao không nhìn thấy bọn cầm quyền này đang công khai làm tay sai cho Trung Cộng tiêu diệt chủng tộc Việt một cách tiệm tiến”.
Cô giáo Trần Thị Lam chỉ nhẹ nhàng viết chữ “ngộ” để đặt câu hỏi: “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” – mà đúng ra phải dùng chữ “quái đản” mới bộc lộ được trọn lòng căm phẫn. Chữ “anh” được cô giáo dùng ở đây là để chỉ thế hệ đàn anh, vừa có ý nghĩa trìu mến thân thương, vừa trách móc, vì dù sao cô giáo cũng là thành phần trí thức thì không thể dùng lời khiếm nhã.
Từ “ngộ” trong bài thơ này còn mang ý nghĩa nhận thức, giống như Đức Thích Ca tọa thiền dưới gốc cây bồ đề một thời gian thì ”ngộ” ra chân lý, rồi đem cái ”giác ngộ”của mình để hoằng đương đạo pháp dạy dỗ nhân loại. Bởi vì sau câu hỏi “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” là những câu “Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn, Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm”. Cho nên chữ ”ngộ” ở đây còn có nghĩa là nhận thức, là ”giác ngộ”. Và một khi đã ”ngộ” ra rồi thì phải sám hối tội lỗi mình đã gây ra mà cô giáo Trần Thị Lam đã chuyển đi từ ”ngộ” đến ”lạ”, đến ”buồn” và đến ”thương”. Im lặng là vô trách nhiệm và hèn nhát.
Những dòng nhạc của thế hệ trẻ như Việt Khang và nhất là bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cô giáo Trần Thị Lam chứng minh hùng hồn rằng, nền văn hóa ngàn đời của dân tộc vẫn luân lưu mạnh mẽ trong tâm thức của toàn dân và khi mùa xuân dân chủ khởi động, thì tất cả sẽ vươn lên như những đóa hoa sen, từ chốn bùn nhơ nhớp xã hội chủ nghĩa, đem lại hương thơm và tô điểm sắc màu cho tiến trình dân chủ hóa đất nước.
”Ai trả lời giùm đất nước sẽ về đâu?”
Bài thơ đầy cảm xúc này không những chỉ khẳng định tình trạng tồn vong mong manh và nghiêm trọng của đất nước mà còn nêu ra những vấn nạn cần giải đáp. Triệt cuối cùng của bài thơ chỉ có bốn câu nhưng lại ẩn chứa một ý nghĩa mặc thị ”Lý do vì đâu đất nước nên nông nỗi này” và lời kêu gọi “Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu?”
Để trả lời câu hỏi này, thiết nghĩ trước hết chúng ta phải tìm hiểu cặn kẽ chủ thuyết giáo điều của đảng cộng sản.
Chủ thuyết cộng sản
Karl Marx (1818-1883) đã kết hợp cái nhìn duy vật của Ludwig Feuerbach (1804-1872) với phương pháp suy luận biện chứng của Friedrich Engels (1820-1895) để hình thành chủ nghĩa duy vật biện chứng (matérialisme dialectique), đồng thời ông cũng đã dùng chủ thuyết duy vật biện chứng này để giải thích về quá trình phát triển của xã hội loài người trong chiều hướng lịch sử, để đưa đến kết luận về các nhân tố phát triển của xã hội loài người và dự báo các xu hướng phát triển kế tiếp của xã hội trong tương lai, được trình bày qua chủ nghĩa duy vật lịch sử (matérialisme historique) – mà lại chỉ giản lược vào vấn đề tôn giáo mà thôi.
Ngay từ khi còn làm chủ bút tờ “Rheinische Zeitung” vào những năm 1842-1843, khởi từ những trạng huống cụ thể của giới công nhân thời đó, K. Marx đã khẳng quyết rằng giai cấp thợ thuyền do chính công việc làm của mình đã bị “vong thân”. “Vong thân” (aliénation) là ngôn từ triết học để mô tả tâm trạng của một con người khi cảm thấy mình bị mất đi căn tính (identité) của mình, để rồi “mình” không còn là “mình” nữa mà đã trở thành xa lạ với “chính mình”.
Đối với K.Marx, thì chính khi lao động kiếm miếng cơm manh áo, con người đã bị vong thân với chính mình, bởi công việc của ngưòi thợ đã bị giản lược thành một thứ công cụ làm giàu cho bọn tài phiệt chủ của thế giới tư bản – vì người thợ chẳng bao giờ là chủ của sản phẩm do chính mình làm ra. Thêm vào đó, sống trong một xã hội bao bọc bởi những người chung quanh nên ai cũng chỉ bo bo lo giữ nồi cơm manh áo của mình, nên con nguời nhìn và đối xử với những nhau bằng cặp mắt “chó sói” – và từ đó mình cũng trở thành vong thân với hết mọi người chung quanh.
Cũng chính trong não trạng đó, con người đã tự trói mình vào một thứ hy vọng hão huyền do chính mình vẽ ra – mà trong cuốn “Das Kapital” – K. Marx gọi là vong thân tôn giáo (aliénation religieuse). Vì không thể nào thoát khỏi được vòng luẩn quẩn của việc bị bóc lột sức lao động trong xã hội khi còn giai cấp “chủ-thợ”, nên con người đã tự đánh lừa mình vào một thứ ảo tưởng tôn giáo, và cố tìm trong đó một thứ đền trả tương xứng hay một thứ phần thưởng vô hình từ một Đức Chúa nào đó. Tôn giáo – theo K. Marx – là hành vi đánh mất chính mình, là thứ vong thân cùng khốn nhất của con người: tôn giáo là thuốc phiện mê hoặc nhân dân, mà do vậy phải bằng mọi cách diệt bỏ hết mọi thứ ảo tưởng vô hình tôn giáo vừa thừa thãi vừa nguy hiểm đó.
Thực ra không phải chỉ có K. Marx mới nói đến thứ vong thân đó, nhưng vào khoảng những năm 1830-1850, nhiều tư tưởng gia cả bên Anh lẫn bên Pháp, cũng đã bàn về vấn đề giới chủ bóc lột thợ thuyền để khai mở cho ý niệm còn lờ mờ về giai cấp vô sản. Nhưng cái mới của K. Marx là ở chỗ dám kêu gọi giai cấp thợ thuyền, giai cấp vô sản hãy ngồi lại với nhau để làm cách mạng, để đòi lại quyền làm chủ của tập thể của mình, để thiết lập một xã hội phi nhà nước, không giai cấp, không áp bức, hoàn toàn bình đẳng, cho phép mọi thành viên của xã hội tham gia vào quá trình quyết định ở cả hai mặt chính trị và kinh tế một cách dân chủ dựa trên quyền sở hữu và điều khiển tập thể đối với các phương tiện sản xuất và tài sản nói chung. Đó chính là tuyệt đỉnh của “chủ nghĩa cộng sản thuần túy” theo K. Marx.
Những chủ thuyết cộng sản khác sau này – của Vladimir Iljitj Uljanov Lenin (1870-1924) và của Josif Vissarionovitj Stalin (1879-1953) – với lý thuyết về nhà nước chuyên chính vô sản – cũng dựa trên giai cấp công nhân thợ thuyền giống như của K. Marx, còn chủ trương của Mao Trạch Đông (1893-1976) – cũng chỉ là một sáng tạo uyển chuyển của chủ nghĩa Marxisme-Leninisme trong điều kiện Châu Á – nghĩa là lấy giai cấp nông dân làm lực luợng cách mạng căn bản mà thôi.
Sai lầm của K. Marx
Cái nhìn của K. Marx, trong bối cảnh lịch sử thời đó là một cái nhìn khá táo bạo và đầy tham vọng, nhưng không phải vì thế mà K. Marx đã không vấp phải nhưng sai lầm căn bản ngay từ khởi điểm.
Cái sai lầm lớn nhất của K. Marx là đã trộn chung và đã giản luợc kinh tế, chính trị và tôn giáo vào thành một ý thức hệ duy nhất. K. Marx muốn cải tổ đời sống của thợ thuyền và muốn trao cho giới thợ thuyền này quyền tự do làm chủ tập thể, – nhưng việc cải tổ đó bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau, không thể đưa giải pháp chính trị vào tôn giáo mà cũng không thể lấy tôn giáo để giải quyết vấn đề kinh tế. Kiểu nói “làm chủ tập thể” trong ngôn từ của K. Marx chỉ là một kiểu nói “mập mờ đánh lận con đen”, nghe thì rất kêu, rất đẹp, nhưng trong thực tế chỉ là một từ rỗng tuếch: ai trong chúng ta lại không có những kinh nghiệm đau thương về quyền “làm chủ tập thể”này dưới chệ độ cộng sản Việt Nam?
Thêm vào đó, K. Marx đã hoàn toàn sai khi cho rằng tôn giáo là một sản phẩm do trí tưởng tượng con người bày ra để tự tạo cho mình một cảm giác an toản giả dối phát sinh từ những điều kiện kinh tế khi lao động kiếm cơm áo. Tôn giáo không phải là một “cảm giác an toàn” vì tôn giáo là một chiều kích nội tại làm phát triển trọn vẹn con người, là một thứ “căn thiện” tận trong sâu thẳm của lòng người không khi nào có thể xóa bỏ được. Hơn thế nếu chủ trương của K. Marx đúng, thì càng giàu có, càng phát triển, thì dân chúng sẽ lại càng xóa bỏ niềm tin tôn giáo – nhưng thưc tế đã chứng minh ngược lại: hãy nhìn những tu viện, chùa chiền ở các nơi trên thế giới, hãy nhìn từng đoàn lớp người đổ xô về các miền đất thánh để hành hương, hãy nhìn vào tâm lòng của những người khao khát muốn hiến dâng thân mình vì tôn giáo, chúng ta sẽ thấy không lúc nào con người lại xóa bỏ được khát vọng vươn lên tuyệt đối đó.
Và tệ hai hơn, chính khi K. Marx và những người cộng sản sau này muốn loại bỏ niềm tin tôn giáo đó, thì họ lại rơi vào chỗ tự tạo và thần thánh hóa một thứ thuốc phiện mê hoặc nhân dân khác, một thứ tôn giáo mới, đó là lòng tin mù quáng và tuyệt đối vào chủ nghĩa Marx, Lenin, Mao Trạch Đông hay Hồ Chí Minh, như một giáo điều độc nhất. Họ đã thay thế niềm tin tôn giáo bằng một ý thức hệ độc tài, độc đảng, lấy bạo lực để áp chế quần chúng. Cuộc di cư từ bắc vào nam năm 1954 ở Việt nam, những cuộc vượt biên của những thuyền nhân từ năm 1975 hay những bằng cớ trong “The Gulag Archipelago” của Alexandre Solzhenitsyn (1918-2008) được kể lại là những chứng từ sống đập vào cái vênh vang giả trá đầy xảo quyệt của lòng tin mù quáng vào ý thức hệ cộng sản.
Người cộng sản cũng còn mắc phải một lầm lỗi tai hại khi hành xử ý thức hệ của mình vào đời sống thường ngày, đó là “lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện”.
Thực ra K. Marx không bao giờ minh thị (explicite) đề ra nguyên tắc này trong lý thuyết đấu tranh của mình, nhưng trong hành động (praxis) các lãnh tụ cộng sản đã mặc thị (implicite) áp dụng nguyên tắc này. Họ dùng hết mọi cách, hết mọi phương tiện cốt để đạt được mục tiêu đề ra. Họ dám bóp méo lịch sử, dám vu khống, dám xâm phạm đến mọi quyền tự do của con người miễn là được việc cho họ. Hãy nhìn vào những tuyên bố tôn trọng tự do tôn giáo của đảng cộng sản việt nam và đem so sánh với những việc họ làm; hãy nhìn vào việc bổ nhiệm và thuyên chuyển các giám mục Việt Nam – phải có sự “cho phép“ của nhà nước ; hãy nhìn lại việc chủ tịch Nguyễn Minh Triết đi Vatican viếng thăm Đức Giáo Hoàng Benedictô 16, chúng ta sẽ thấy được những hành vi giả dối nhằm che đậy những lật lọng, những đảo điên bên trong của người cộng sản Việt Nam. Thật đúng như lời nhận xét của cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của nền đệ nhị cộng hoà: “Đừng nghe những gì việt cộng nói, mà hãy nhìn kỹ những gì việt cộng làm”.
Đường cùng của ý thức hệ cộng sản ở Việt Nam
Vì mù quáng đi theo ý thức hệ giáo điều của chủ nghĩa duy vật lịch sử, nên đảng cộng sản Việt Nam đã đi vào đường cùng.
Từ ngày 30. 04. 1975 đến nay, miền bắc Xã hội chủ nghĩa rõ ràng đã thiết lập một nền đô hộ miền Nam – khắc nghiệt, tinh vi hơn cả thời Pháp thuộc, đã “giải phóng” dân Sàigòn ra khỏi đất đai, nhà cửa của họ. Họ phải rút vô hẻm, ra ngoại ô hay về quê bằng nhiều chánh sách khác nhau. “Giải phóng” miền đông đã đưa sông Cửu Long ra khỏi sự trù phú do thiên nhiên ưu đãi từ nhiều thế kỷ. “Giải phóng” quân nhân, viên chức chế độ cũ ra khỏi nhà, để đưa họ vào các trại tù cải tạo hoặc đẩy họ ra biển. “Giải phóng” phụ nữ miền Tây, để họ được tự do đi làm “vợ nô lệ”, đi làm điếm ở Kampuchia, Thái Lan.
Người ta thấy Việt Nam trở lại thời kỳ mua bán nô lệ như thời Trung cổ. Phụ nữ Việt Nam bị bán đấu giá trên E-bay Taiwan (2010) – bị trưng bày trong lồng kính, cũng để bán đấu giá như một con súc vật ở Singapour (2011). Chỉ trong năm 2011 – có khoảng 400.000 phụ nữ và trẻ em bị bán ra ngoại quốc.
“Người ta không thể cho qua một cách im lặng những Khờ me đỏ, những trại tập trung ở Cambodia và những cuộc tàn sát man rợ ở đó. Và Việt Nam không được biết đến như là một chế độ nhân đạo hơn. Dưới cái cớ là dân tộc can đảm nầy đã chiến thắng các siêu cường quốc – người ta đi đến chỗ quên đi một nền độc tài đẫm máu đang thực thi trên xứ sở” (Claude Allegre, báo L’expresse, 29-8-2011)
Và điều quan trọng trên hết là Việt Nam đang đứng trước hiểm họa mất nước. Mất cả đất đai, sông núi và dân tộc. Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh lẻ của Tàu.
(Một học giả người Đài Loan – Hồ Tuấn Hùng – viết cuốn ”Sinh Bình Khảo”- tố giác người bà con của ông ta tên Hồ Tập Chương đóng vai Hồ Chí Minh là do âm mưu của Mao Trạch Đông. Tài liệu cộng sản do Tổng Bí thư Hà Huy Tập viết cũng xác nhận Hồ Chí Minh (thật) đã chết từ năm 1932. Báo Trung Cộng cũng viết Hồ Chí Minh là Hồ Quang mang cấp bậc Thiếu tá trong Đệ Bát Lộ Quân. Chắc chắn những Trường Chinh, Phạm văn Đồng, Võ Nguyên Giáp … đều là những tay có học vấn, sống cận kề nhiều năm bên lãnh tụ, họ phải biết Hồ Chí Minh không phải là người Việt Nam. Những người có học vấn ấy đi làm cách mạng để giành độc lập – ta hãy tạm coi họ là trí thức – đã toa rập với thằng tàu giả danh Hồ Chí Minh đánh lừa đồng bào để bán nước cho kẻ thù truyền kiếp. Tai họa mà dân ta ngày nay phải hứng chịu là do cái ngu, sự phản quốc của thành phần trí thức đó, chứ ai vào đây?)