Nguyễn Trọng Lưu
Dưới ánh sáng của Công Đồng Chung Vatican 2, thì việc đối thoại với các tôn giáo khác ngoài công giáo – không những là việc đáng khích lệ mà còn là một điều cần thiết. Bởi việc đối thoại này sẽ giúp người công giáo nhìn ra những giá trị tích cực của những tôn giáo khác, để có thể xóa bỏ những thành kiến sai lầm, đôi khi dẫn đến những tranh chấp, xung đột – đồng thời cũng là dịp để người công giáo duyệt xét lại những cách thế sống đạo của mình – để có thể thực sự lột xác thành những dấu chỉ về ơn mạc khải của Tình Yêu Thiên Chúa (Mt. 12, 25-27).
Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ tìm hiểu những đạo thân quen với người công giáo Việt Nam.
Đạo ông bà
Có lẽ một số đông người Việt vẫn còn lẫn lộn ”đạo ông bà” với ”đạo Phật” – nên khi hỏi ”Ông/Bà, Anh/Chị theo đạo nào?”- thì câu trả lời sẽ là: ”Tôi theo đạo Phật” mà thực ra họ chỉ giữ đạo ông bà mà thôi.
Bởi thế – đi tìm ý nghĩa và giá trị đích thực của ”đạo ông bà” có lẽ là một điều lợi ích – nhất là cho anh em công giáo Việt Nam chúng ta – những người đã bị mang tiếng trong quá khứ là bỏ tổ tiên để đi theo tà đạo.
- Quan niệm ”hồn” của người Việt Nam thời xưa
Có lẽ không thể nào hiểu được ”đạo ông bà” nếu không tìm hiểu tường tận về quan niệm ”hồn”.
Khác với Âu Châu, thường quan niệm ”hồn” là một hữu thể duy nhất, thiêng liêng và bất tử, nhập với xác để tạo thành một con người – quan niệm ”hồn” của người Việt Nam khá đa tạp và dị biệt, tổng hợp cả ba quan điểm của Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo.
Đối với Khổng giáo, mỗi người đều có hai hồn: một ”hồn cảm thụ – l’âme sensitive”, phát sinh từ nguyên lý âm (nên thụ động, bất toàn) nhập vào xác ngay từ lúc thụ thai và một ”hồn trí năng – l’âme rationnelle”, phát sinh từ nguyên lý dương (nên hoạt động, toàn thiện) lại nhập ngay vào người khi bắt đầu sinh ra. Lúc hai hồn này tách bỏ nhau, thì con người sẽ chết. Khi đó hồn trí năng sẽ đi về cõi tiên, còn hồn cảm thụ sẽ tiêu tan trong đất.
Lão Giáo lại quan niệm rằng trong con người có hai nhóm hồn: ”một nhóm hồn trí năng – âmes rationnelles” gồm có ba hồn và ”một nhóm hồn giác thụ – âmes végétatives” gồm bảy hồn. Hai nhóm hồn này được ”ĐẠO” kết lại với nhau và sự sống của con người là kết quả điều hợp giữa hai nhóm hồn này. Khi chết, thì nhóm hồn trí năng sẽ được hưởng cực lạc hay bị đọa đày – tùy theo khi còn sống đã làm lành hay làm ác. Còn nhóm hồn giác thụ sẽ bị giam trong một khu tăm tối nhưng không bị đọa đày.
Khác hẳn với hai quan niệm của Khổng Giáo và Lão Giáo, Phật Giáo lại quan niệm ”hồn là một tổng hợp các Skhandra” – tức một tổng hợp của các hình dạng bên ngoài, của các cảm xúc, của các nhận thức, của các sự học hỏi và của lương tâm. Năm yếu tố này – dù khi con người chết đi rồi cũng vẫn con tồn tại – để lại nhập vào một kiếp khác theo thuyết luân hồi nghiệp báo.
Như vậy, người Việt thường quan niệm ”hồn” gồm hai phần khác nhau gọi là ”hồn” và ”phách” (hay vía). Mỗi người đều có ”ba hồn (sảng linh, thai quang, và u tinh) nhưng ”bảy vía” (thi cẩu, phục thỉ, tước âm, thôn tặc, phi độc, trừ uế và xú phế) – mà trong Chu Tử toàn thư nói: “Hồn thuộc Mộc, Phách thuộc Kim – cho nên nói ”tam hồn thất phách” là vì đó là độ số của Mộc và Kim”. ”Đàn ông có bảy vía” như chúng ta vừa thấy – còn tại sao ”đàn bà có chín vía” – thì chúng tôi chưa tìm thấy sách nào viết ra rõ ràng, chính xác. Có người cho rằng nam giới và các em gái chưa lập gia đình sẽ có bảy vía còn phụ nữ đã có gia đình có thêm hai vía nữa để thực hiện thiên chức làm vợ và làm mẹ. Khi chết, thì ”phách” (hay vía) sẽ tiêu tan đi, nhưng ”hồn” vẫn còn tiếp tục sống phảng phất trong gia đình, gia tộc. Nhưng ”hồn” và ”phách” này lại hội nhập với nhau để tạo thành sự sống nơi con người. Vì vậy trong dân gian mới có hiện tượng lên đồng gọi hồn, cầu hồn người chết chứ không gọi phách người chết bao giờ.
- Việc thờ cúng ông bà
Chính vì quan niệm ”hồn” không tan biến đi mà vẫn luôn phảng phất trong gia đình, gia tộc mà ”đạo ông bà” đã được hình thành nơi người Việt Nam.
Khi quan niệm ”hồn” của người quá cố – nhất là của ông bà cha mẹ – vẫn còn sống trong gia đình, thì đương nhiên chúng ta phải có bổn phận phải đối xử với người chết như đối xử với người sống. Đây là ý nghĩa đích thực của câu ”sự tử như sự sinh”. Điều đó cũng có nghĩa là người quá cố cũng phải có một ”nơi” để ”hồn” sống và nghỉ ngơi – tức phải có một bàn thờ, phải được ăn uống, tức phải được cúng bái bằng hoa trái, cơm, rượu và nhang nến, và phải được đi lại thăm nom con cháu, nhờ vào ”tiền mã” – tức các giấy bạc mà người còn sống đốt cho tổ tiên (1).
Như thế việc thờ cúng ông bà đặt trên căn bản chữ ”hiếu” – một đức tính thực hữu mà bất cứ người nào cũng đều phải có. Tuy nhiên đối với người Á Đông – và đặc biệt đối với người Việt Nam chúng ta – chữ ”hiếu” này được biểu lộ một cách vô cùng phong phú và ý nghĩa, vượt trên giới hạn
các phạm trù không gian và thời gian – nghĩa là dù cha mẹ, ông bà đã đi vào một thế giới khác, chúng ta vẫn bằng những cách thế của con người tại thế để tỏ lòng hiếu thảo.
Nhưng có lẽ vì bị ảnh hưởng do những quan niệm Âu Tây thời đó – và có lẽ vì không hiểu ý nghĩa đích thực của việc thờ cúng ông bà này – mà vào thế kỷ 17-18 – đã có một cuộc tranh luận giữa các linh mục truyền giáo tại Việt nam và tại Trung Hoa – mà kết quả là người công giáo Việt nam đã bi mang tiếng là bỏ mất tổ tiên để đi theo tà đạo.
Các linh mục thuộc Hội Truyền Giáo Thừa Sai Paris (Missions Étrangėres de Paris – viết tắt là M.E.P.) và các linh mục dòng Đa Minh cũng như dòng Phanxicô đã cho rằng việc thờ cúng tổ tiên đã thực sự đi ngược lại giáo lý của Giáo Hội Công Giáo – bởi lẽ việc thờ cúng ”hồn” của tổ tiên vừa lỗi phạm giới răn thứ nhất (là thờ phượng duy chỉ một mình Thiên Chúa) vừa dung túng những mê tín dị đoan (tức chấp nhận việc người chết còn biết ăn uống, ngủ nghỉ, đi lại…). Trái lại các cha dòng tên (Jėsuite) lại cho rằng việc thờ cúng tổ tiên chỉ là một cách bày tỏ lòng hiếu thảo, hoàn toàn phù hợp với giới răn thứ tư: ”thảo kính cha mẹ”. Việc đặt bàn thờ gia tiên hay việc cúng giỗ chỉ là những lễ nghi mang tính chất nhân linh, không có gì là mê tín dị đoan cả. Vì thế, người công giáo vẫn có quyền và có thể đặt bàn thờ cúng ông bà cha mẹ trong gia đình.
Nhưng do báo cáo và do lời yêu cầu của Đức Cha Maignot, Giám Mục hiệu tòa tại Phúc Kiến (Trung Hoa), Đức Giáo Hoàng Clément 11, qua tông thơ EX-ILLA ngày 17.03.1715 – đã cấm người công giáo không được đặt bàn thờ gia tiên và không được thờ cúng, làm lễ bái tổ tại nhà riêng cũng như tại các đình đám, đồng thời cũng cấm không cho các cha dòng tên được truyền giáo tại Á Châu nữa. Cũng chính vì vâng lời vị Đại Diện Chúa Kitô mà người công giáo Việt Nam thời đã bị mang tiếng là quên mất ông bà cha mẹ để đi theo tà đạo.
- Giá trị đích thực của ”đạo ông bà”
Hơn 200 năm sau, Đức Giáo Hoàng Piô 12, trong thông điệp công bố ngày 08.12.1939 – đã chính thức cho phép người công giáo Á Đông được đặt bàn thờ gia tiên, được cúng bái ông bà cha mẹ -không phải như thờ phượng các thần thánh – mà là những dấu chỉ tỏ lòng hiếu thảo của con cái đối với những bậc sinh thành.
Quả thực phải nhìn nhận những giá trị vô cùng quý báu của việc thờ cúng ông bà. ”Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu”. Việc thờ cúng tổ tiên không những là một bổn phận của hết mọi người, mà hơn thế – nó còn đưa con người lên đến chỗ nhận thức được nguồn gốc cao sâu nhất của mọi tổ tiên, dòng tộc – mà người công giáo chúng ta gọi là Thiên Chúa, là nguyên do và là cứu cánh của mọi thụ tạo. Đó cũng chính là ý nghĩa mà trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước đã nhắc tới: Sách Xuất Hành 20,12; Sách Lêvi 20,19; Sách Cách Ngôn 19,26 và 20,20; Matthêu 15,3-6; Luca 2,51; Ephêsô 6,1-3.
Có một điểm chúng ta cần lưu ý ở đây về quan niệm hồn của ông bà vẫn còn sống trong gia đình, gia tộc. Đây là một quan niệm thuộc về triết học – thuộc lãnh vực siêu hình học (métaphysique) trong triết học cổ điển và triết học kinh viện – nên chúng tôi không bàn đến ở đây. Điều chúng tôi muốn nói đến là ý nghĩa tôn giáo của sự kiện. Cách cắt nghĩa về sự hiện diện của ”hồn” có thể rất khác nhau – nhưng ý nghĩa chính yếu vẫn ở chỗ nhận sự bất tử của ”hồn” và những liên hệ của ”hồn” này với những người còn sống. Cũng chính ở điểm này mà chúng ta lại càng thấy một giá trị tích cực khác nữa của việc thờ cúng ông bà – mà trong công giáo chúng ta biểu lộ qua việc cầu nguyện cho người đã chết. Chúng ta cầu nguyện cho những người đã chết bởi vì ”linh hồn bất tử” và chúng ta ”hiệp thông với các linh hồn” bằng kinh nguyện và những việc lành phúc đức. Việc thờ cúng ông bà tổ tiên sẽ đưa chúng ta đến chỗ cảm nghiệm được tín điều các thánh cùng thông công giữa ba giáo hội trên trời, tại thế và luyện ngục.
Cũng chính trong ý nghĩa đó – hãy thành tâm thông hiệp với những anh em đang theo đạo ông bà, để cầu xin Thiên Chúa đón nhận những tấm lòng thành kính.
Nguyễn Trọng Lưu
- Cũng nên ghi nhận ở đây – vào ngày 22 tháng 02 vừa qua, Trung Ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam vừa ra công văn số 31, đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo nhằm loại bỏ mê tín dị đoan. Dư luận trong và ngoài nước đón nhận thông tin này thế nào? Nên giữ hay nên bỏ tục lệ này? (xin xem vinanet.dk)