Nguyễn Trọng Lưu
Chết lúc chết…
Sinh lão bệnh tử là quy luật tất yếu của tự nhiên: cái chết không loại trừ bất cứ ai. Trong mỗi con người luôn tồn tại hai mặt: sự sống và cái chết. Khi con người sinh ra và lớn lên, thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc tiến dần tới cái chết. Từng ngày trôi qua sẽ làm cho con người già đi và chuỗi ngày sống sẽ ngắn lại. Nếu ”sự sống”của con người được thể hiện qua lao động, thì con người phải biết tận dụng nó để làm lợi cho bản thân và xã hội. Còn đối với “cái chết”, con người cần phải xác định trước để không quá đau buồn vì điều này, bởi đó chỉ là một quá trình tất yếu của hữu thể người, phù hợp với quy luật khách quan. Mà nếu ai cũng hiểu được sinh tử là quy luật tự nhiên thì chắc họ sẽ sống tích cực hơn và ra sức đóng góp cho đời nhiều hơn.
Từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến khi trở thành một người già “gần đất xa trời” là một quá trình dài – mà theo bản năng, con người thường ý thức trước được cái chết của mình. Khi ý thức được cái chết sẽ đến với mình thì con người sẽ ra đi thật thanh thản. Đứng trước cái chết, có lẽ không nên dùng từ “lo lắng” để diễn tả mà nên thay bằng từ “nhận thức” có lẽ phù hợp hơn: cần nhận thức được sự tồn tại của đặc tính “sống” và “chết” trong bản thân và làm cân bằng mối quan hệ giữa này.
”Con người là hữu thể hướng đến cái chết” (Martin Heidegger)
Hầu hết các triết gia đều có một cái nhìn lạc quan và thanh thản trước cái chết. Socrate (469-399) đã từng nói: “Chúng ta chiến đấu cho cái gì trong cuộc đời? Đó là để thoát ra khỏi thân xác và những xấu xa do đời sống thân xác mang lại. Vậy thì tại sao ta lại không hân hoan khi cái chết tới gần?” Còn đối với Platon (427-347): “Triết học là môn học dạy cho người ta biết sống và biết chết cho hợp đạo làm người”. Martin Heidegger (1889-1976) lại định nghĩa “con người là một hữu thể hướng đến cái chết”. Hữu thể người lúc nào cũng lo âu về những dự phóng của đời mình, luôn xao xuyến về việc thực hiện bản thân của mình cho thấy một sự mong manh, dang dở, đe dọa căn bản nào đó.
Mặt khác, cuộc đời lúc nào cũng ngập tràn với những dự phóng liên tục của hữu thể người. Khi dự phóng này hoàn thành thì lại sẽ mở ra một dự phóng mới: điều ấy hé mở cho chúng ta thấy tính cách phù du, tính cách tạm bợ của chính bản thân mình. Hoặc nói một cách sâu xa hơn, điều đó biểu lộ mầm mống của hư vô trong chính hữu thể người. Hư vô tỏ hiện trong thực tế cuộc sống con người không là gì khác hơn “cái chết”. Hữu thể người dù có loay hoay đến đâu đi nữa thì rồi cũng đi đến cái chết: cái chết là điều con người phải đón nhận, không phải chỉ ở cuối cuộc đời, nhưng là dấu ấn in đậm trong tất cả những ưu tư, những dự phóng và trong tự do của con người. Trước cái chết, hữu thể người thực sự là mình với tất cả sự độc đáo của mình, bởi vì con người chết một mình và tự mình phải tự nhận lấy nó. Cái chết là điều tuyệt đối riêng tư: con người là hữu thể hướng đến cái chết. Cái chết hoàn thành cuộc đời con người, nhưng là hoàn thành trong sự dở dang. Đó một yếu tố tích cực của Heidegger vì đã đưa ra được một qui luật con người “vừa là hiện tại, vừa là tương lai” mà con người chỉ biết hiện tại mà không biết tương lai, nên hãy vui sống đầy đủ trong giây phút hiện tại “hãy làm tất cả mọi sự như tôi chỉ còn có ngày hôm nay để sống và để hiện hữu”.
Ở đây chúng ta thấy tư tưởng của Heidegger rất gần với tư duy của triết gia Pháp Gabriel Marcel (1889-1973): “Con người là một huyền nhiệm”. Sự huyền nhiệm trong hiện hữu và đang trên hành trình đi đến hiện hữu. Vì thế con người một mặt vừa khẳng định chính mình, xây dựng cuộc sống cho mình – nhưng mặt khác cũng cảm thấy âu lo xao xuyến bất ổn. Sự huyền nhiệm đó làm cho con người biết rất rõ về mình nhưng rồi lại không biết gì cả.
Cái nhìn của Heidegger về cái chết này rất gần với lời dạy của Đức Phật: ”Tất cả chúng ta đều đã dành cả cuộc đời mình để chuẩn bị cho cái chết; và cái chết chỉ là sự khởi đầu của một chương tiến hóa mới. Mặt khác nó như một tấm gương phản chiếu toàn vẹn ý nghĩa của đời người”.
Trong khi quan niệm “vô ngã” của Phật giáo đem lại một thái độ triết học thản nhiên trước cái chết, thì Jean Paul Sartre (1905-1980) lại bày tỏ lập trường “chấp ngã” cố hữu của mình trước cái chết. Sartre đã phê phán quan điểm của Heidegger xem cái chết là tận cùng của đời người, là cái đích của hữu thể. Theo Sartre, “cái chết nằm ngoài cuộc hiện sinh của con người: chết là hết sống, như vậy còn đâu “cái tôi” để nói “tôi chết” được. Sự chết là thất bại lớn nhất của con người!” Sartre lập luận rằng:”Cái chết là một hiện tượng xảy ra trong vũ trụ để những “người khác tôi” chứng kiến. Tôi thấy người khác chết và những người khác sau này thấy tôi chết. Còn tôi, tôi không thấy tôi chết, nên cái chết không thuộc cơ cấu hiện sinh của tôi”. Thực ra ở đây, Sartre chỉ đơn thuần lặp lại những gì mà Epicure (341-270) từng nói về cái chết. nhưng khi nói vậy, Epicure chỉ muốn thể hiện một thái độ triết học bàng quan trước cái chết, còn Sartre thì lại dùng nó để biện minh cho những quan điểm hiện sinh phi lý của mình.
Cái nhìn triết học về sự sống sau cái chết
Mỗi trường phái triết học nhìn cái chết một cách khác do đó có những lý giải khác nhau – mà tựu trung có thể chia thành hai nhóm: nhóm phủ nhận sự sống sau cái chết và nhóm tin có sự sống sau cái chết.
Nhóm phủ nhận sự sống sau cái chết
Epicure (341-270) – một triết gia duy khoái lạc đã mở đầu cho khuynh hướng này. Để giải thoát con người khỏi mọi sợ hãi, nhất là sợ chết, cho họ có một cuộc sống thanh thản, bình an, ông đã chủ trương: “Chết chẳng là gì cả! Ta không phải sợ chết, nó chẳng là gì đối với ta cả! Con người chẳng bao giờ giáp mặt cái chết, bởi khi ta muốn gặp nó thì nó chưa tới, và khi nó tới thì đâu còn có ta. Vậy hãy xem như nó ở ngoài ta, nên chẳng cần quan tâm đến nó”. Ông còn viết: ”Linh hồn chỉ là vật chất tinh vi mà thôi và sẽ rã tan khi ta chết, vậy nó đâu còn để chịu nỗi đau khổ của cái chết nữa!”
Phái khắc kỷ (stoicisme) – đặc biệt là Senèque (4-65) và Epitète (50-120), lại có một lý luận khác để chiến thắng nỗi sợ chết. Họ coi sự chết là một tất yếu của thiên nhiên. Con người là một phần của thiên nhiên. Thiên nhiên có lý tính và con người tham dự vào lý tính ấy. Với cái chết, cá nhân sẽ tan biến, nhưng thiên nhiên là cái toàn thể vẫn tồn tại. Vì thế ta hãy chấp nhận cái chết như một “tất yếu theo định luật thiên nhiên”.
Albert Camus (1913-1960) cho rằng cuộc đời là vô nghĩa và phi lý vì chẳng đi đến đâu. Cuộc sống con người đầy mâu thuẫn và mâu thuẫn ngay cả trong chính bản thân mình. Cuộc sống vô nghĩa như thế, thì chỉ có tự tử là điều hợp lý và đúng đắn nhất. Nhưng trong thực tế Camus lại không giải quyết theo cách đó mà chủ trương phải sống, phải chiến đấu, phải ra sức mang lại một chút ý nghĩa, một chút ánh sáng cho cái thế giới vô nghĩa này. Thái độ của ông trước cái chết tuy anh hùng nhưng vẫn là tuyệt vọng.
Heidegger và J.P Sartre lại cho rằng, con người hiện sinh phải sống trong ý thức về sự chết và chính ý thức này làm cho cuộc sống mang tính chân thực. Thái độ này thật sáng suốt nhưng cũng vẫn là vô vọng.
Nhóm tin có sự sống sau cái chết
Mở đầu cho khuynh hướng này ta có thể nhắc tới Socrate (469-399). Khi phải uống thuốc độc kết liễu cuộc đời mình, ông vẫn bình thản; bởi ông coi việc đón nhận cái chết chỉ như một cuộc mạo hiểm đẹp. Ông cho rằng cái chết không có gì đáng sợ vì linh hồn con người là bạn của các thực tại thường hằng, bất biến, siêu việt. Với ông, chết là linh hồn con người được trở về với thế giới vĩnh cửu, chân thật, nơi nó đã phát xuất ra.
Platon (427-347) – một đồ đệ của Socrate – còn đi xa hơn cả thầy mình trong vấn đề này. Với ông chỉ có một thế giới đích thực là thế giới linh tượng. Thân xác chỉ là tù ngục giam hãm linh hồn. Chết là một sự giải thoát, linh hồn con người sẽ trở về với thế giới thực của mình, thế giới linh tượng.
Triết học đã cố gắng chiếu rọi chút ánh sáng vào bí ẩn sự chết nhưng nó vẫn chưa thỏa mãn được tâm trí con người. Với các nhà hiện sinh vô thần thì cuộc đời con người là phi lý, bế tắc – còn với các nhà hiện sinh hữu thần cuộc đời cũng không sáng sủa gì mấy. Cuộc sống con người là một chuỗi đau khổ và cuối cùng là cái chết. Trong cuộc hiện sinh này, con người khát khao sống, sống
mãi, sống dồi dào nhưng sự chết luôn luôn thắng cuộc. Các nhà hiện sinh Kitô giáo không chối bỏ tính bi đát của cái chết. Với họ, đau khổ và sự chết vẫn là dấu chỉ về sự bất toàn tận căn. Nhưng vì tin vào sự sống đời sau nên họ có cái nhìn về sự chết tích cực hơn. Con người không tự ban cho mình sự sống và con người cũng không thể tự mình mà sống mãi nên sự chết có tác dụng thúc đẩy con người vươn lên đón nhận sung mãn từ một Hữu-Thể -Siêu-Việt-Vô-Biên.
Tôn giáo và sự sống sau cái chết
Ấn giáo, Phật giáo, Thiền học và Kitô giáo
Từ trong sâu thẳm, con người hằng khao khát được sống mãi, được giải thoát và vươn lên với Đấng-Tối-Cao – đặc biệt qua Ấn giáo,Phật giáo và Kitô giáo.
Phật giáo phát sinh trong môi trường Ấn giáo nên phần nào chịu ảnh hưởng của Ấn giáo. Hai tôn giáo lớn này có những quan niệm chung và một vài điểm tương đồng như thuyết luân hồi và niết bàn.
Thuyết luân hồi: thuyết luân hồi minh chứng phần nào cho ước mơ của con người muốn tiếp tục sống nơi thế giới bên kia.Thuyết luân hồi quả quyết có cuộc sống mới sau khi chết, bởi sự đầu thai vào cơ thể khác của kiếp sống kế tiếp. Nhưng cái gì được đầu thai, được luân chuyển qua các kiếp thì quan niệm của Ấn giáo và Phật giáo lại khác nhau.
Ấn giáo quan niệm về tạo dựng theo thuyết lưu xuất. Theo thuyết đó thì linh hồn cá nhân của con người gọi là Âtman (tiểu ngã) đã lưu xuất từ Brâhman (đại ngã) – là nguyên lý của mọi sự. Khi con người chết, thân xác này sẽ dần bị tiêu tan; còn Âtman, hồn cá nhân sẽ được lưu chuyển để đầu
thai vào một cơ thể khác. Và quá trình cứ thế tiếp diễn từ kiếp này qua kiếp khác cho tới khi Âtman đồng hóa được với Brâhman là con người đã đến đích, được giải thoát, chấm dứt vòng luân hồi.
Còn theo Phật giáo, con người là tập hợp của ngũ uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn). Khi con người chết thì chỉ chết sắc uẩn mà thôi; bốn uẩn còn lại thu gọn trong thức uẩn, tạo thành nghiệp lực chuyển sinh. Nghiệp thức này khi hợp với danh sắc mới thì tạo thành thân mới. Và vòng luân hồi cứ thế tiếp diễn cho tới khi con người thực hiện được vô ngã tức là tiêu diệt hoàn toàn được ái dục và được giải thoát.
Với quan niệm luân hồi, thân xác chỉ là cái gì tạm bợ, không hơn gì một nơi tạm trú. Thân xác sau khi chết sẽ bị hủy diệt mãi mãi. Theo thiển ý của chúng tôi, quan niệm như thế gán cho thân xác một vai trò tùy phụ. Khi sống thì cả con người hoạt động còn khi nhận thành quả thì chỉ có một
phần của con người. Cách giải quyết như thế cũng thiếu đi tính trọn vẹn vì chỉ có một phần của con người được sống trong khi ước vọng của con người là được sống mãi, sống dồi dào, sống trọn vẹn cả thể xác lẫn tinh thần.
Ấn giáo và Phật giáo với quan niệm luân hồi đã gián tiếp phủ nhận hình phạt đời đời. Con người cứ đầu thai kiếp này sang kiếp khác rồi cũng tới lúc được giải thoát. Giải thoát như thế là một tiến trình tự nhiên, con người hữu hạn chẳng cần đến sự trợ giúp bên ngoài của một “Đấng Vô Biên” nào cả. Mỗi người đến một lúc nào đó sẽ tự giải thoát mình.
Cái chết và sự giải thoát theo Thiền Học
Thiền Học được hình thành từ thế kỷ thứ 6 và kể từ đó đã có không biết bao nhiêu vị thầy lỗi lạc kế tiếp nhau xuất hiện để triển khai học phái này, thế nhưng phải chờ đến thế kỷ 13 mới thấy xuất hiện một vị thiền sư khác thường và ngoại hạng là Dôgen (Đạo Nguyên -1200-1253). Ông là một triết gia lớn của nước Nhật và cũng là một trong số những nhà tư tưởng lỗi lạc nhất trong lịch sử Phật Giáo. Thiết nghĩ có thể xem ông ngang hàng với ”Nagarjuna – Long Thụ” ở thế kỷ thứ 2 và Vô Trước ở thế kỷ thứ 4. Đấy là ba cột trụ to lớn và vững chắc nhất của triết học Phật Giáo.
“Tại nơi này và ở thời điểm này!” Đó là một câu có thể biểu trưng toàn bộ của tông phái Thiền học. “Tại nơi này và ở thời điểm này” là cách “cắt đứt” quá khứ và “chận đứng” vị lai – nói cách khác – là làm “dừng lại” mọi sự vận hành nhị nguyên của tâm thức. Nguyên tắc căn bản của Thiền học là không có bất cứ gì để nắm bắt, để tìm hiểu hay là để nhận thức mà chỉ cần “sống” thật đơn giản với những gì hiển hiện với mình, dù đấy là sự sinh tồn hay cái chết – nói một cách khác là phải hòa nhập với thực tại. Thiền sư Suzuki cũng nói “Cái chết không phải là điều kinh hoàng. Con người với cái chết là một cũng như con người với sự sống là một. Sở dĩ con người quá sợ hãi cái chết chẳng qua là vì họ đã tự tạo ra cho mình đủ mọi thứ tưởng tượng nhị nguyên và đối nghịch, khiến họ bị kéo ra bên ngoài hiện thực. Tìm đủ mọi phương cách để trực tiếp đối đầu với cái chết không phải là cách ứng phó hữu hiệu nhất với nó mà đúng hơn phải làm tan biến mọi sự tưởng tượng trong trí của chính mình”.
Quan điểm Kitô giáo về cái chết
Đối với người Kitô hữu, chết không phải là hết mà là bước vào một đời sống mới, đời sống vĩnh cửu trong Đức Kitô Phục Sinh – Đấng đã chết và sống lại và ban cho nhân loại sự sống vĩnh hằng, nơi con người không bao giờ phải chết nữa. Trong kinh tiền tụng cầu cho tín hữu đã qua đời, chúng ta đọc thấy: “Lạy Chúa, đối với những người tin kính Chúa, sự sống không bị hủy diệt, nhưng được biến đổi, và khi thời gian sống của họ trên trái đất này chấm dứt, họ có được một nơi cư ngụ vĩnh viễn trên quê trời”. Sách giáo lý công giáo viết: “Chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế, kết thúc thời gian Thiên Chúa gia ân và xót thương để mỗi người thực hiện cuộc sống theo ý định của Ngài.” Có lẽ trong một chiều kích nào đó – ông bà, tổ tiên chúng ta đã cảm nghiệm đươc điều này nên mới nói rằng chết là cuộc hành trình trở về quê hương đích thực: “sinh ký, tử quy – sống gởi thác về!”
… và chết lúc đang sống
Nhưng ngoài cái chết đến như một tiến trình tự nhiên, tôi muốn nói đến một cái chết con người tạo ra cho nhau – đến nỗi người đang sống cảm nghiệm như mình đã bị chết – mà ít khi chúng ta để ý tới:
Thấp thoáng mộ ai xếp từng hàng
Tôi về tìm tôi chốn nghĩa trang
Mộ bia ghi dấu nào đâu thấy
Chỉ thấy nhân gian quá bẽ bàng
Tôi thắp cho mình một nén nhang
Lạy tạ cao xanh tấm lòng vàng
Lạy tạ mẹ cha ơn sinh dưỡng
Lạy tạ anh em phúc mãn đường
Trong bài “Phá tan những ngục tù vô hình” – tôi đã nhận định rằng, không phải chỉ có “ngục tù” hiểu theo nghĩa đen mới thực sự là “ngục tù”, mà bất cứ chỗ nào để ở, để trú ngụ đều có thể trở thành “ngục tù”– khi ở đó thiếu những tương quan thành thật, yêu thương giữa người với người. Gia đình cũng có thể là “ngục tù” khi người trong nhà dối trá, dấu diếm, chia rẽ, ghen ghét nhau. Người lớn đi làm không muốn về, trẻ em bỏ nhà ra đi lang bạt: tất cả không muốn về nhà. Và khi bị ”bó buộc” phải về – thì đó là một cực hình và về nhà như thế chẳng khác gì vào “ngục tù”.
Nhưng những “ngục tù” này vẫn chưa đáng sợ bằng thứ “ngục tù vô hình” – mà rất nhiều khi trong cuộc đời con người dựng xây cho nhau.
“Ngục tù vô hình” được dựng xây khi nói về người khác mà không biết rõ hoặc thêm thắt câu kia chữ nọ – có khi không cố tình làm hại người khác, nhưng lại vô tình đã dựng nên những tường vách, cách ngăn. “Ngục tù vô hình” được dựng xây khi tâng bốc nhau, khi nịnh bợ nhau, đưa nhau lên một ngôi vị đè bẹp những người khác, gạt bỏ những người khác ra khỏi phe nhóm của mình, làm cho người khác không còn cảm nhận được nhân vị của mình nữa và như thế là bắt họ phải kéo dài cuộc sống trong một vỏ ốc bưng biền. “Ngục tù vô hình” được dựng xây khi lòng ghen ghét hận thù hằn sâu trong tâm khảm để rồi chỉ còn biết “nhìn” và “lên án” người khác qua lăng kính chủ quan tự vẽ ra. Đó chính là chiếu lên người khác những gì mình đang có trong não trạng của mình: mình trở thành một tên khủng bố – phá hoại đời mình và đời người.
Những ngục tù vô hình này dần dà đưa đến cái chết cho tha nhân ngay khi họ đang sống – mà không cần đến khi chết và được chốn cất trong nghĩa trang mới là chết thực. Chính khi muốn loại trừ, muốn xóa bỏ người khác khỏi tâm trí mình, khỏi gia đình mình, khỏi cộng đoàn, cộng đồng và khỏi xã hội đang sống, thì chình lúc đó chúng ta đang giết người và đem chôn sống họ:
Tôi để tang tôi một cuộc đời
Tưởng rằng chôn sống được người đang sống là một thành công của đố kỵ, ghét ghen – nhưng không! Cho dù:
Nỗi sầu nhân thế lúc đầy vơi
thì người “bị chôn sống” vẫn “sống” trong an bình, trong thanh thản, trong tin yêu vào Thiên Chúa:
Vẫn luôn thanh thản tìm nương bóng
Ánh sáng tin yêu dưới mặt trời
Dẫu rằng nhân thế chẳng còn thương
Ấp áp trong tôi mãi vấn vương
Hành trình dương thế xin đi trọn
Mộ đã ghi tên kẻ đoạn trường
(Cát Bụi)
Tôi đã nghe câu này trong một bài giảng trên Youtube – nhưng rất tiếc là không nhớ rõ của vị nào: “Ai cũng có chỗ và phận vụ trong đoàn chiên Chúa, không ai được loại trừ ai!” Như vậy, khi chúng ta “loại trừ người khác” ra khỏi sinh hoạt của gia đình, của công đoàn hay của cộng đồng – thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã chôn sống người đang sống bên cạnh ta. Ý nghĩa của giới luật thứ năm “chớ giết người” có lẽ cần phải được hiểu trọn vẹn cả về phương diện thể xác lẫn tinh thần nữa.
Nói đến cái chết – dù là cái chết lúc chết hay cái chết lúc đang còn sống – là để mỗi người chúng ta có dịp suy tư, có cái nhìn tích cực hơn về cùng đích của đời người trong tương quan với tha nhân. Suy tư về cái chết của phận người và về cái chết của chính mình sẽ nhận ra giới hạn của kiếp người, của bản thân, tính bất định của sự sống – và qua đó, con người có thể sống tốt hơn, yêu thương và quý trọng người khác như một nhân vị với đầy đủ ý thức và tự do, chứ không phải coi tha nhân như một món hàng hay bàn đạp để tiến thân – ngay cả khi làm việc đạo đức trong cộng đoàn, cộng đồng.