Nguyễn Trọng Lưu

 

Từ cảm nghiệm về chiến tranh …                                                   

Được sinh ra và lớn lên trong chiến tranh tại quê nhà – và sau hiệp định Genève năm 1954, khi còn bé xíu – tôi đã được cha mẹ đưa di cư từ miền bắc vào miền nam tự do. Thế mà mãi cho đến nay, tôi vẫn không thể hiểu được thế nào là ”chiến tranh”. Bởi khi nói đến chiến tranh là phải nói đến tuyên truyền và bạo động, mà cả hai đều chỉ muốn giản lược con người thành những công cụ phục vụ cho một quyền lực hay một ý thức hệ nào đó – như chúng ta đã thấy quá rõ trong cuộc chiến của miền bắc xâm chiếm miền nam – hay như Sergeï Stepanovich Tchakhotine (1883-1973) đã lột trần trong cuốn ”Le viol des foules par la propaganda politique” (Paris, Nrf., Gallimard 1939)

Ấy là chưa kể đến những người kiếm tiền tỷ bằng cách chế tạo và buôn bán bán vũ khí cho người giết chết người.

Ở đây tôi không bàn đến nguyên nhân của chiến tranh, mà chỉ nói đến hậu quả của chiến tranh mà thôi.

Hình ảnh của chiến tranh đã in sâu vào đầu óc tôi là hình ảnh của chết chóc, của súng đạn, của những đêm kinh hoàng sợ hãi phải nằm dưới hầm trú ẩn – để tránh những vụ oanh tạc hay pháo kích bất ngờ xảy đến. Những đau thương của cuộc tổng công kích tết mậu thân 1968, những kinh hãi của mùa hè đỏ lửa 1972 và những tao loạn của cuộc di tản năm 1975 vẫn không thể nào xóa khỏi ký ức của tôi. Chiến tranh chỉ làm cho tôi liên tưởng đến hận thù, chết chóc, ly tán, tàn phá: nào là cảnh đớn đau của người vợ hiền ôm con trông chồng đi chinh chiến miền xa, để rồi cuối cùng biến thành tượng đá trong ”hòn vọng phu”, cảnh những vành tang trắng cuốn trên đầu những trẻ em vô tội, hình ảnh của người thương binh què cụt lê thê sống cuộc đời vô vọng, và cái tang thương của cảnh người chết hai lần như Trịnh Công Sơn đã viết thành nhạc:

                 ”Một ngày mùa đông, hai bên là đồng,

                   Một chiếc xe tang, trái mìn nổ chậm,

                   Người chết hai lần, thịt da nát tan”

Nhưng ngoài cái thê thảm của chết chóc vì đạn bom, còn có một cái bi đát xoáy vào tận tâm lòng của con người, mà theo tôi, nó còn ghê sợ hơn cả bom đạn nữa – đó là cái thảm trạng tâm lý, làm cho con người lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, không còn chút hy vọng cho tương lai, mà kết cục là đi đến chỗ đánh mất niềm tin. Ngày mai của chiến tranh là vô vọng, là ngõ cụt, là buông xuôi, là đánh mất nìềm tin vào chính mình và niềm tin vào người khác.

 … đến quê hương và tình cảnh vong thân của khách tha hương

Từ ”đất nước” thường được hiểu là những miền đất có biên giới nhất định của một quốc gia chẳng hạn khi chúng ta nói ”bảo vệ đất nước” – trong khi từ ”nước” hay ”quốc gia” lại được dùng để nói đến một khoảng đất có biên giới, trong đó có một hay nhiều sắc dân cùng sống dưới một thể chế chính trị nào đó – thí dụ ”nước Việt Nam”. Nhưng khi nói đến ”quê hương” hay ”quê nhà”, là chúng ta nói đến nơi gốc rễ của dòng họ mình ở. Điều đó có nghĩa là ”quê hương” vừa là một nơi chốn được xác định theo quy ước địa lý, mà lại còn được ràng buộc bằng một tình yêu vô hình, linh thiêng của một gia đình, một giòng tộc dưới một mái nhà, trong giao tiếp với hàng xóm láng giềng – mà chúng ta thường gọi bằng một từ rất thân thương, đó là ”nơi chôn nhau cắt rốn”của mình, mà nếu phải ra đi, thì “Lòng quê đi một bước đường một đau ” (Kiều)

Chính vì thế tôi bỏ ”nước” ra đi, chứ không bỏ ”quê hương” và do vậy “đất nước thì xa, nhưng quê hương thật gần”.

 

 Thế nào là tình cảnh vong thân của khách tha hương?

Sống lâu trên đất khách quê người, chúng ta mới cảm nghiệm được tình cảnh mà các triết gia gọi là ”vong thân – aliénation”. Ý niệm ”vong thân” được hiểu dưới khá nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng ở đây, tôi chỉ muốn nói đến cái ”vong thân” trong tình cảnh của một người tha hương. Đó là một nhận thức về chính mình, khi thấy rằng mình đã trở nên xa lạ với những anh em đồng bào của mình. Khi sống ở nước ngoài, cho dù có đỗ đạt với những bằng cấp này kia kia nọ, cho dù có thành công trong công ăn việc làm hàng ngày và cho dù tôi có quốc tịch của quốc gia nơi tôi sinh sống, thì tôi vẫn không phải là người Đan Mạch, người Anh, người Pháp… mà tôi vẫn là người Việt – ấy thế mà khi trở về với đất nước, tôi lại là một người Việt khác với những người Việt trong nước.

Các nhà tâm lý học lại nhận thấy nơi những người tỵ nạn ai cũng mang một căn bệnh trong người, gọi là ”trauma”. ”Trauma” là một hiện trạng tâm lý làm cho khách tha hương lúc nào cũng cảm thấy ngay từ thẳm sâu trong tiềm thức của mình lúc nào cũng có một cái gì đó luôn ray rứt, luôn khắc khoải, đẩy đưa mình đi vào thế giới của một tình yêu linh thiêng đặc thù, không thể tìm thấy nơi đất lạ quê người – chẳng thể nào có thể chữa trị, mà cũng chẳng ai có thể hiểu nổi được, ngoài những người đồng hương sống trong cùng một hoàn cảnh như mình:

”Một người ngồi hai mươi năm,

  Cuộc buồn vui ly rượu đắng.

 Người Việt nào da không vàng,

 Mẹ Việt nào nhớ xác con.”

Đó cũng chính là ý nghĩa của từ ”nostalgie” – tạm dịch là “nhớ nhà” – từ căn ngữ Hy-lạp ”notos” (trở về)”algos” (bệnh). Người tha hương lúc nào cũng cảm thấy xa lạ với ngoại giới, và sâu ẩn trong tiềm thức lúc nào cũng nào cũng có một tình cảm nhớ thương đòi buộc về với ”quê nhà”. ”Nhà” không phải là một thực tại khách quan vô ngã, nhưng thiết yếu gắn liền với những dự phóng của con người. ”Nhà” là một không gian yêu thương làm cho chúng ta an tâm, hạnh phúc – vì ”nhà” vừa là chỗ trú ẩn che chở cho con người khỏi những đe dọa từ bên ngoài, mà ”nhà” lại còn là một tổ ấm nơi chúng ta đựoc sinh ra và lớn lên trong tình mẹ cha và tình anh em ruột thịt.

Hoài niệm về ”quê nhà” vừa mang lại cho chúng ta hạnh phúc – vì gợi lại cho chúng ta mọi kỷ niệm êm đềm sung sướng đầu tiên trong đời, nhưng lại trộn lẫn với đau thương vì thời ấu thơ đó đã qua không bao giờ lấy lại được:

”Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

 Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều”

Sometimes wars are required to ensure peace – Bodhee Prep-Online CAT Coaching | Online CAT Preparation | CAT Online Courses

 

Nguyên ngữ của từ ”hòa bình”

Trong cụm từ ”hòa bình”, thì ”hòa – có nghĩa là êm ái, yên ổn, thuận hòa hay kết thúc chiến tranh, không còn tranh chấp nữa hoặc làm lành với nhau (hòa hảo như sơ: làm lành như trước).

Còn ”bình – – có nghĩa là bằng: bằng phẳng, bằng nhau, ngang đều, công bằng, yên ổn, thái bình.

Có khi chúng ta lại dùng từ ”bình an”. Chữ ”an ” – có nghĩa là yên ổn, an ninh (an cư lạc nghiệp – ở yên vui với việc làm).

Khi nói về hòa bình, tiếng La Tinh dùng chữ “pax”; tiếng Anh: ”peace”; tiếng Pháp: ”paix”; tiếng Đan Mạch ”fred” – có nghĩa là được giải thoát khỏi xáo trộn giữa người với nhau. Từ năm 1300, từ này thường được dùng để chào hỏi nhau theo nghĩa ”shalom” của người Do Thái – mang ý nghĩa an toàn, phúc lợi, thịnh vượng, an ninh, thân thiện. Thuật ngữ này cũng mô tả mối quan hệ tôn trọng, công bằng và thiện chí với người khác và mang cả ý nghĩa bình an trong tâm hồn nữa.

 

 Khái niệm “bình an”

Chắc không phải là một chuyện một tình cờ mà cũng không phải là một khái niệm suông – mà ngay khi Đức Yêsu được sinh ra, các thiên thần đã chúc tụng:                 

 “Vinh danh Chúa cả trên trời

  Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Luca 2, 14)

 và cho đến khi sống lại và ngay cả trước lúc lên trời, Đức Kitô cũng vẫn chúc: “Bình an cho các con!”  (Yn 20, 19 và 26). Như thế “bình an” phải là một phạm trù rất quan trọng – mà chúng ta có thể nói rằng, sứ điệp khởi đầu và kết thúc cuộc đời trần gian của Đức Kitô được tóm gọn trong hai chữ “bình an”.

Cũng rất nhiều lần đi dâng lễ chúng ta đã đọc, đã hát kinh ”Lạy Chiên Thiên Chúa” mà phần cuối của lần thứ ba được kết thúc: ”Xin ban bình an cho chúng con!”. Ngay sau đó, Linh Mục lại cầu nguyện tiếp: ”Lạy Đức Kitô, Chúa đã phán rằng, Thày để lại bình an cho các con, Thày ban bình an của Thày cho các con!” rồi trước khi ra về, linh mục còn cầu chúc: ”Lễ xong, chúc anh chị em về bằng an!”.

Khi Đức Giám Mục cử hành thánh lễ với cộng đoàn dân Chúa, Ngài cũng bắt đầu với lời chào: ”Bình an của chúa hằng ở cùng anh chị em!”

Thuật ngữ la tinh “Pax” trong hai câu “et in terra pax hominibus, bonæ voluntatis – bình an dưới thế cho người thiện tâm” và ”dona nobis pacem – xin ban bình an cho chúng con” được chuyển dịch sang tiếng Việt trong kinh nguyện là “bình an”, nhưng thông điệp “Pacem in terris” của Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan 23 công bố ngày 11.04.1963 – lại được dịch là “hòa bình”. Như thế – ở nơi từng người có bình an nội tâm – còn ở ngoài xã hội, có thứ an bình ổn định, không chiến tranh, không xung đột giữa các phe nhóm hay các quốc gia mà chúng ta gọi là “hòa bình”.

Có lẽ chưa có lúc nào người ta lại nói đến ”bình an, hòa bình” nhiều như ngày nay và có lẽ cũng chẳng khi nào lại có nhiều thương thuyết, nhiều hiệp hội và dẫy đầy những nỗ lực tìm kiếm và thực thi ”hòa bình” nhiều như hiện nay – nhưng dường như lại chẳng có lúc nào lại nhiều hận thù, chém giết, chia rẽ như bây giờ. Chiến tranh giữa Nga và Ukraine, Hamas và Israel là những bằng chứng cụ thể.

Có lẽ cũng tại vì chúng ta đã quên bẵng rằng ”bình an là ơn ban của Thiên Chúa”Bình an thực sự và trường cửu phải dựa vào Thiên Chúa. Bình an phải đến từ ”hiến chương hạnh phúc” – mà chúng ta hay gọi là ”tám mối phúc” được ghi lại trong Mt. 5, 1-10:

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ!

Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được đất!

Phúc thay ai than khóc vì họ sẽ được ủi an!

Phúc thay ai đói khát sự công chính vì họ sẽ được no đủ!

Phúc thay ai xót thương vì họ sẽ được thương xót!

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa!

Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa!

Phúc thay ai bị bách hại vì sự công chính vì Nước Trời là của họ!”

Điều chúng ta thấy ngay được qua đoạn Mt. 5, 1-10 này là hạnh phúc đến từ bên trong và do vậy hòa bình cũng phải đến từ bên trong, từ “tâm, tâm thiện” của con người. Mà một khi đến từ “tâm”, thì hạnh phúc này không phải là một thứ sẵn có mà mỗi người phải tự tạo.Thứ hạnh phúc đến từ con tim này mới trường tồn và sung mãn như Tenzin Gyatso tức Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói rất nhiều lần: “Hạnh phúc không phải là thứ có sẵn. Nó đến từ hành động của bạn”.

 Hạnh phúc và bình an theo quan điểm của Phật giáo

Hạnh phúc và bình an trong Phật Giáo luôn luôn đòi hỏi sự hành trì thâm hậu ở mỗi con người. Con người phải luôn ý thức và làm chủ ngũ dục: “sắc, thanh, hương, vị, xúc” còn những vật chất hữu vi chỉ là phương tiện sống. Mục đích chính là con người phải biết quay về đời sống tinh thần tu tập diệt trừ mọi phiền não để tâm hồn thanh tịnh, an lạc ngay trong kiếp sống hiện tại.

Đạo Phật không quan niệm vàng bạc, ngọc ngà châu báu là hạnh phúc. Hạnh phúc và bình an lại càng không phải là đặt chân vào lâu đài tình ái vì những thứ này chỉ làm cho tâm con người quay cuồng trong vòng xoay sinh tử, khôngbiết bao giờ ngưng nghỉ, và tạo thêm khổ đau.

Hạnh phúc và bình an dành cho những ai biết quay về với đời sống tâm linh cao cả – là phần tinh hoa cao quý nhất của con người: sống quay về với chính mình trong giây phút hiện tại. Nếu chúng ta rời khỏi mình mà chạy tìm ở ngoài – thì làm mất đi cái gì quý giá nhất, mà một khi lạc vào tà kiến, thì ta đã quên đi cái sáng suốt vốn có của mình, tức Phật Tính. Đức Phật đã dạy rằng: “Giải thoát an lạc, giác ngộ và tịnh độ đều ở ngay trong tâm của chúng ta. Ta đến đây không phải cứu độ cácngươi, Ta đến đây cốt là để chỉ đường đi sáng suốt cho các ngươi. Các ngươi hãy noi theo đó mà tiến hóa giác ngộ để tự độ lấy mình.”

Hạnh phúc và an bình mà Đức Phật muốn dạy chúng ta đạt đến là cảnh giới Niết Bàn tại tâm: Niết Bàn chính là hạnh phúc, bình an.

 “Tâm” của bình an

Như thế “hạnh phúc” và “bình an” đều đến từ “tâm” – dù với Đức Phật hay Đức Yêsu.

“Tâm” – vừa có thể được hiểu là một phần nhỏ bé nhưng vô cùng quan trọng trong con người – tức trái tim, mà cũng có thể được hiểu là tình yêu, là tấm lòng, là nơi ẩn chứa nguồn sinh lực khi hành động.

Nếu “tâm lệch lạc”, cuộc sống sẽ nghiêng ngả, đảo điên.

Nếu “tâm gian dối”, cuộc sống lúc nào cũng bất an

Nếu “tâm ghen ghét”, cuộc sống sẽ đầy thù hận

Nếu “tâm đố kỵ”, cuộc sống sẽ mất vui

Nếu “tâm tham lam”: cuộc sống sẽ dối trá

 

Mang “tâm” của mình trên ngực không những chỉ để yêu thương mà còn phải

Đặt “tâm” trên tay, để giúp đỡ người khác

Đặt “tâm” trên mắt, để nhìn thấy nỗi khổ của tha nhân

Đặt “tâm” trên chân, để mau mắn chạy đến với người cùng khổ

Đặt “tâm” trên miệng, để nói lời ủi an với người gặp cảnh khổ

Đặt “tâm” trên tai, để biết nghe lời than trách, góp ý của người khác

Đặt “tâm” trên vai, để biết gánh trách nhiệm và chia sẻ trách nhiệm với anh em

 

Thân xác không “tim” thì thân xác chết, mà làm người không có “tâm” thì cuộc sống chỉ có hận thù và là mối nguy hiểm cho hết mọi người.

 

Here Are 4 Points You Can Apply to Grow in Discerning Spirits | God TV News

Đó cũng là ý nghĩa sâu xa của lời các thiên thần đã hát mừng khi Đức Yêsu giáng sinh:                

 “Vinh danh Chúa cả trên trời

  Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Luca 2, 14)

 

Kính yêu Đức Chúa và sống trọn vẹn tình yêu chân thành với tha nhân thì ơn “bình an” của Chúa Hài Nhi mới được hiện thực nơi mỗi người chúng ta.