Related image

Con đường hạnh phúc của ”Bát chánh đạo” và ”Bát phúc” (phần 1)
Nguyễn Trọng Lưu

Người Việt Nam chúng ta thường dùng câu ”trăm năm hạnh phúc” để cầu chúc cho cô dâu chú rể trong ngày cưới, là ngày quan trọng nhất trong cuộc đời thành thân của hai người – mà các cụ ngày xưa gọi là ”đại đăng khoa”. Nếu dừng lại để suy nghĩ cặn kẽ về thuật ngữ đó, chúng ta thấy – ở một khía cạnh, kiểu nói đó có vẻ sáo ngữ, vì ngày xưa khi lập gia đình, ít nhất ”nữ thập tam, nam thập lục”, làm sao có thể sống được đến trăm tuổi trên cõi đời này để hưởng hạnh phúc – nhất là ở Á đông, thường người ta hay nói ”thất thập cổ lai hy” để nói lên cuộc sống ngắn ngủi của con người?
Nhưng nhìn ở một góc cạnh khác, lời cầu chúc đó lại làm nổi bật lên một khát vọng tiềm ẩn trong mỗi người, đó là khát vọng ”hạnh phúc”: khát vọng hạnh phúc là một khát vọng nội tại – gắn liền với hiện hữu của con người.
Nhưng đâu là con đường dẫn đến hạnh phúc?

Phân biệt ”hạnh phúc” và ”khoái cảm”
Nhưng trước khi đi vào chính vấn đề, thiết tưởng cần phân biệt rõ ràng hai từ ”hạnh phúc ” và ”khoái cảm”. ”Hạnh phúc” và ”khoái cảm” là hai từ có nghĩa hơi giống nhau, vì cả hai đều chỉ về cảm giác thoải mái khi đạt được một giá trị, một mục đích, một kết quả nào đó, nhưng điểm khác nhau nằm ở tính chất hữu hình hay vô hình của giá trị của mục đích, hay của kết quả đạt được. Chẳng hạn tình yêu, sự thành công, việc nổi tiếng … sẽ làm cho người ta hạnh phúc, trong khi đó các tiện nghi vật chất như xe hơi nhà lầu, vàng bạc … sẽ mang lại khoái cảm cho con người. Ngoài ra, cũng còn phải kể đến các khoái cảm khi được thỏa mãn các bản năng căn bản như ăn uống, vui chơi giải trí, sinh hoạt tình dục… Như thế, có thể tạm nói rằng hạnh phúc liên quan đến lý trí còn khoái cảm liên quan đến bản năng vật chất.
Thêm vào đó, trong mỗi người lại còn tiềm ẩn bản năng xã hội – tức bản năng tự liên kết với nhau thành dòng tộc, thành gia đình, thành quốc gia – nên hạnh phúc của con người còn mang cả tầm vóc xã hội nữa. Đó cũng chính là trách nhiệm của mỗi người như chúng ta thường nghe nói ”quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”- mà đặc biệt là phận vụ của những vị lãnh đạo quốc gia trong lãnh vực chính trị, phải làm cho quốc thái dân an.
Trong khuôn khổ bài này, tôi chỉ muốn bàn về hạnh phúc cá nhân – chứ không đi vào thứ hạnh phúc tập đoàn, thuộc lãnh vực chính trị.

Từ một vài tư duy triết học …
Đọc lại lịch sử tư tưởng, chúng ta thấy rằng ngay từ thời thượng cổ Hy Lạp, Aristippe de Cyrène, một đồ đệ của triết gia Socrates, và cũng là người sáng lập ra trường phái ”hédonisme” – sau này được Epicure (341-270 trước công nguyên) khai triển rất hệ thống – đã chủ trương rằng, mục đích của mọi hành vi trong đời người là phải tránh khổ đau để đi tìm khoái lạc tột đỉnh. Chủ trương này lại được nhiều triết gia Anh vào thế kỷ 19 trong trường phái ”utilitarisme” khai thác khá sâu sắc, với nhiều tên tuổi lớn như J. S. Mill, W. Paley, B. Bentham… mà tiểu biểu là ý tưởng thời danh của J. S. Mill trong “Utilitarianism”, 1863, ch. II, § 4: ” The creed which accepts as the foundation of morals utility, or the greatest happiness principle, holds that actions are right in proportion as they tend to promote happiness, wrong as they tend to produce the reverse of happiness. By happiness is intended pleasure and the absence of pain; by unhappiness, pain and the privation of pleasure”.
Triết thuyết này đã bị nhóm “stoicisme” – do Zénon de Cittium, là người sáng lập, nhưng người đào sâu và quảng bá lại là Chrysippe de Soles – đả kích kịch liệt, vì cho rằng thứ hạnh phúc của nhóm ”hédonisme” chủ trương chỉ dựa trên tình cảm và bản năng sinh tồn nên rất hời hợt và do vậy cũng không đạt được tính chất vững bền và vô vị lợi của lý trí. Phải đợi đến Emmanuel Kant (1724-1804), một triết gia nổi tiếng người Đức chúng ta mới thấy được một nền tảng vững chắc cho thứ hạnh phúc thuần túy của lý trí này – mà có lần tôi đã trình bày sơ qua trong bài ”Cho tôi được tự do thật…” (nguyentrongluu.blogspot.com). Triết lý của E. Kant sau này cũng đuợc nhiều triết gia Mỹ tên tuổi trong trường phái ”déontologisme” như H. A. Prichard, E.F. Carrit, W.D. Ross khai triển và đề cao.
Chủ đích của tôi ở đây không phải là đi chuyên biệt vào lãnh vực triết học để phê bình các chủ thuyết này, mà chỉ muốn từ đó tìm hiểu về khát vọng hạnh phúc của con người mà thôi.

Image result for vietnamese wedding

Hạnh phúc lứa đôi
Trước hết tôi muốn dừng lại đôi chút để nói về ”hạnh phúc lứa đôi”, là thứ hạnh phúc mà hầu hết đôi trai gái nào cũng ước mơ. Sở dĩ tôi nói ”hầu hết” là vì đó là lối sống mà hầu như ai cũng muốn đi qua – chỉ trừ một số nhỏ những người vì một lý tưởng khác – không muốn lập gia đình. Cũng có một số những người trong xã hội mới bây giờ muốn suốt đời sống ”single” để khỏi bị ràng buộc vào cái mà ca dao Việt Nam ngày xưa đã nói:
”Gái có chồng, như gông đeo cổ,
Trai có vợ, như rợ buộc chân”.

Hơn bao giờ hết, con người thời nay đang hành xử một thứ tự do cá nhân tuyệt đối và đề cao tuyệt vời những giá trị nhân bản. Nhưng dường như có một sự nghịch chống nào đó, là vì con người thời nay lại hay cảm thấy bất lực trong hôn nhân, không làm cho nhau cảm nhận đượchạnh phúc và cuối cùng đi đến chỗ vứt bỏ ”nửa kia của mình” – mà khổ đau này sẽ suốt đời dày vò cả hai và tội thân nhất là những đứa con vô tội.
Đã hơn một lần tôi trình bày về ý nghĩa của thủy chung trong tình yêu vợ chồng và dùng áng sáng phân tâm học đi vào những va chạm trong đời sống lứa đôi mong cho các vợ chồng được hạnh phúc qua các bài ”Đây là thịt xương tôi” và ”Nhà tôi” (đọc trong ”nguyentrongluu.blogspot.com”). Hạnh phúc không phải là một món hàng vô cầu, tự nhiên phải đến trong đời sống vợ chồng. Hạnh phúc lứa đôi giống như một hạt mầm yêu thương hai vợ chồng phải trồng xuống, phải tưới nước và phải trông nom, săn sóc từ ngày này qua tháng nọ. Hạnh phúc lứa đôi cũng đòi những điều kiện ”sine qua non” – nghĩa là không có những điều kiện đó, thì không thể có hạnh phúc được.
Hãy đón nhận nhau trọn vẹn, vì ”nhân vô thập toàn”. Hãy đỡ nâng, đùm bọc và tha thứ cho nhau, đến từ những khác biệt cá tính, giáo dục gia đình. Hãy trao ban cho nhau tin yêu đừng gian dối. Vì những dối trá, dấu diếm là những trái mìn nổ chậm che lấp bên vệ đường một ngày kia sẽ nổ tung và làm biến tan đi hạnh phúc. Cũng đừng bao giờ đánh bóng tô màu con người thật của mình, ví đó chỉ là những lớp phấn son trát ở bên ngoài sẽ bị bay đi khi va chạm với gió sương và mưa nắng trong thời gian. Cũng chẳng có gì có gì mê hoặc đôi trai tài gái sắc hơn là những cuộc chạy đuổi theo những hình này bóng nọ, vì tưởng tượng ra rằng anh đó, chị kia chắc sẽ làm ta hạnh phúc sung sướng hơn là vợ hay chồng của mình, mà có biết đâu rằng ”Suivre l´amour, l´amour fuit, fuir l´amour, l´amour suit” – rồi rốt cục chỉ còn là đắng cay, tiếc nuối, trống rỗng, mất cả chì lẫn chài mà thôi.
Hạnh phúc mà hai vợ chổng gặt hái sẽ được tùy vào từng những cái nhỏ bé của đời sống ngày thường mà cả hai làm cho nhau, chẳng có số phận nào an bài, mà cũng chẳng có ông Tơ bà Nguyệt nào đặt để cả. Đó cũng chính là cảm nghiệm về hạnh phúc mà Veronica Mikhailovna Tushnova, nột nữ thi sĩ người Nga nổi tiếng, đã viết lại trong tập thơ Сто часов счастья – Một trăm giờ hạnh phúc, 1965 – bản dịch của Nguyễn Viết Thắng.
Chính Tenzin Gyatso – tức Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 – cũng đã thuyết giảng rất nhiều lần tại nhiều nơi trên thế giới về hạnh phúc của con người, và Ngài luôn luôn nhắc lại rằng :”Hạnh phúc không phải là thứ có sẵn. Nó đến từ chính hành động của bạn”.

… đến hạnh phúc của thánh nhân
Ngoài một vài tư duy triết học về hạnh phúc mà tôi vừa trình bày sơ qua ở trên – thì vẫn còn một chiều kích nữa của hạnh phúc – tôi muốn gọi là ”hạnh phúc của thánh nhân”. Sỡ dĩ tôi gọi là ”hạnh phúc của thánh nhân” vì thứ hạnh phúc đó diệu vợi quá, siêu linh quá – mà con người tầm thường như tôi chỉ muốn nhìn vào đó như một mẫu gương sống cho cuộc đời khiêm hạ của mình mà thôi.

”Trung Đạo” của Đức Khổng

Đức Khổng là người đã đạt được Trung Đạo và Ngài đã dành cả cuộc đời để giảng dạy Trung Đạo đó. Trung Đạo là biết phối thiên, tức biết sống cái nhân tâm của mình trong kết hợp với thiên tâm – như trong Kinh Thư, Đại Vũ, mô 15 viết:

”Nhân tâm duy nguy,
Đạo tâm duy vi.
Duy tinh duy nhất,
Doãn chấp quyết trung ”

(Lòng của Trời siêu vi, huyền ảo,
Lòng con người nghiêng ngả, đảo điên,
Tinh ròng, chuyên nhất ngày đêm,
Ra công, ra sức giữ nguyên lòng Trời)

Đó là thứ hạnh phúc mà có lần Đức Khổng đã nói ”Sớm nghe biết đạo, chiếu chết cũng cam.”(Luận Ngữ, IV, 7).

Hạnh phúc của Đức Khổng không khác gì cảm nghiệm hạnh phúc được mô tả trong kinh Upanishad của Ấn giáo, trong đó Âtman – tức tiểu ngã – đươc hòa nhập trong Brahmân – tức Đại Ngã. Sau này Linh Mục Teihard de Chardin, s.j.(1881-1955), một nhà cổ sinh vật học nổi danh trên thế giới đã sống gần trọn cuộc đời tại Trung Hoa, cũng đã cảm nghiệm được thứ hạnh phúc này khi Ngài viết: ”Il ne saurait y avoir logiquement de bonheur plus profond que de sentir Dieu, réalité suprême, se substituer douloureusement à son être propre”.