Nguyễn Trọng Lưu
Thường chúng ta hay quan niệm một cách đơn giản rằng – đứng trước vấn đề hiện hữu của Thiên Chúa – con người chỉ có thể hai thái độ đối nghịch: hoặc là tin nhận, hoặc là chối bỏ.
Thái độ chối bỏ này trên phương diện triết lý hoàn toàn mâu thuẫn. Bởi vì để chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa – thì ít nhất người chối bỏ phải chấp nhận ý niệm hiện hữu của Ngài trước, rồi mới chối bỏ được. Nhưng làm sao có thể có ý niệm về Thiên Chúa được nếu thực sự Thiên Chúa không hiện hữu? Bởi vậy linh mục Louis Leahy – dòng tên người Canada – trong cuốn ”L´inéluctable Absolu” (DDB, 1967) đã viết rằng con người không thể chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa được, mà chỉ có thể thay thế hoặc bóp méo những thuộc tính của Thiên Chúa mà thôi.
Thay thế, như trường hợp các ý thức hệ chính trị – tôn thờ lý tưởng cộng sản, hoặc triết học – tôn thờ chủ nghĩa hiện sinh. Bóp méo, như trường hợp các giáo phái (les sectes) – mà trong loạt bài này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu.
Tôi xin được trình bày thành 4 phần:
Những giáo phái phát sinh từ Âu Châu
Những giáo phái phát sinh từ Mỹ Châu
Những giáo phái phát sinh từ Á Châu
Tổng kết và so sánh những đặc tính chung của các giáo phái này với giáo huấn của Giáo Hội.
Trước khi đi vào chính vấn đề, chúng ta hãy tìm hiểu nguồn gốc của tiếng giáo phái.
Từ ”secte” – dịch là ”giáo phái” – có lẽ bắt nguồn từ động từ ”sequi” trong tiếng la tinh, có nghĩa là ”theo, đi theo”; nhưng cũng có thể phát sinh từ động từ ”secare” – có nghĩa là ”cắt rời, tách khỏi”. Ngay từ thế kỷ thứ 4, Lactance – một đại văn hào La Mã – đã định nghĩa rằng ”Secta (tức les sectes, các giáo phái) – là từ dùng để chỉ các nhóm tôn giáo tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo, để tin theo một chủ thuyết nào đó, chống hay làm sai lạc ý nghĩa chân thật của giáo lý công giáo” (B. Franck, Signification du développement des sectes chrétiennes, Le Cerf, 1978, trang 18).
Đặc tính chung của các giáo phái là tách rời khỏi Giáo Hội công giáo để làm sai lạc ý nghĩa chân thật của tín lý mạc khải.
Từ đặc tính căn bản này, chúng ta hãy đi vào phần thứ nhất của loạt bài này: tìm hiểu các giáo phái phát sinh từ Âu Châu.
Những giáo phái phát sinh từ Âu Châu
Có thể sắp xếp các giáo phái phát sinh từ Âu Châu chung chung vào thành 5 loại:
Các giáo phái tin vào sự thống trị một ngàn năm (les sectes milliénaristes)
Các giáo phái chủ trương nhân đạo (les esctes humanitaires)
Các giáo phái chủ trương chữa bệnh (les sec guérisseuses)
Các giáo phái sáng tạo (les sectes initiatiques)
Các giáo phái coi việc tôn giáo như một chuyện buôn bán (les sectes commerciales)
Nhưng xin lưu ý quý độc giả 2 điểm sau đây:
Chúng tôi theo Jean Marie Vermander trong cuốn “Des sectes diablement vôtres” (Editions Socéval 1981) để phân chia và xếp loại các giáo phái này. Tuy nhiên cách phân chia và xếp loại này cũng chỉ mang tính cách tương đối – vì như quý vị sẽ thấy, có những giáo phái chủ trương cùng một lúc hai ba đường hướng khác nhau. Thứ đến, chúng tôi chỉ trình bày một cách lược tóm những điểm căn bản của những giáo phái này – bởi lẽ, nếu đi sâu vào chi tiết, sẽ rất dài. Hơn nữa ở Âu Châu này, có rất nhiều nhóm người cứ đến nhà chúng ta bấm chuông và ngồi lỳ hai, ba tiếng đồng hồ để giảng về Kinh Thánh – mà nếu chúng ta chỉ cần biết danh xưng và chủ trương căn bản của các giáo phái này, chúng ta có thể nhận ra và đối phó với họ được rồi.
Các giáo phái tin vào sự thống trị một ngàn năm (les sectes milliénaristes)
Gọi là “giáo phái tin vào sự thống trị một ngàn năm” là bởi vì các giáo phái này tin tưởng tuyệt đối vào mặt chữ của Sách Khải Huyền, đoạn 20, câu 1-10 – để chủ trương rằng nước Chúa chỉ có thể thống trị được một ngàn năm mà thôi.
Chủ trương này lại được phân chia thành 2 giáo phái: giáo phái tân tông truyền (les néo-apostoliques) và giáo phái Darbystes.
Giáo phái tân tông truyền, do F. W. Schwartz khởi xướng năm 1863, nhưng mãi đến năm 1906 mới lấy tên là “Tân tông truyền”.
Giáo phái này chủ trương rằng Đức Kitô mới thực sự mạc khải từ đầu thế kỷ 20 này cho nhóm của họ mà thôi. Và chính họ mới thực sự là tông đồ đích thực: qua bí tích ban dấu ấn (le saint-scéllé), người thụ nhận sẽ trở thành tín đồ của giáo phái, và đương nhiên thuộc thành phần được cứu rỗi. Khi Đức kitô trở lại thế gian này lần thứ hai, thì Ngài sẽ tái lập nước của Ngài mà chỉ kéo dài 1000 năm thôi – sau đó là sự sống lại chung.
Giáo phái tân tông truyền này hoạt động rất mạnh tại miền tây nước Pháp và có ấn bản tờ báo “Người mục tử hiền lành – le bon berger”.
Giáo phái Darbystes do J. Nelson Darby, một mục sư thuộc Anh Giáo thành lập vào năm 1845.
Nhóm này chủ trương rằng, Giáo Hội được Đức Kitô thành lập qua các tông đồ đã bị loại bỏ – bởi vì người công giáo quá tội lỗi. Và qua Thánh Linh, Đức Kitô muốn thiết lập một giáo hội hữu hình mới – tức giáo phái Darbystes. Họ vẫn tụ họp nhau mỗi chúa nhật để làm tiệc bẻ bánh và đọc Thánh Kinh, nhưng đây không phải là những cử hành phụng vụ mà chỉ là những việc làm tượng trưng, không có sự hiện diện đích thực cuảThiên Chúa. Giáo phái này có tờ báo “Semailles et Moissons” và tờ “Servir en attendant” là cơ quan truyền đạo.
Các giáo phái chủ trương nhân đạo (les sectes humanitaires)
Do A. Freytag người Thụy Sĩ sáng lập vào năm 1922, và lấy tên là “Amis de l’homme”.
Đối với nhóm này, linh hồn không bất tử mà chỉ sống được 1000 năm mà thôi. Họ cũng tin vào Thiên Chúa – nhưng không tin vào Chúa Thánh Thần, do vậy không còn Ba Ngôi Thiên Chúa nữa. Thiên đàng của giáo phái Amis de l’homme sẽ là nước Pháp và thủ đô của thiên đàng là vùng Lot và Garrone.
Điểm nổi bật của giáo phái này là lòng bác ái. Theo họ, sở dĩ thế giới ngày nay đầy tai ương, khốn khó là chỉ bởi vì lòng người ích kỷ. Do vậy để tạo lập thiên đàng, chỉ cần thực thi lòng bác ái vị tha. Giáo phái Amis de l’homme thực hiện nhiều công tác bác ái – nhất là giúp cho những trường hợp bị thiên tai như bão lụt, hạn hán v.v. … Tờ báo “Le règne de justice et de vérité” là phương tiện truyền đạo chính thức của giáo phái này.
Những giáo phái chủ trương chữa bệnh (les sectes guérisseuses)
Gồm hai giáo phái chính: giáo hội phổ quát của Chúa Kitô ở Monfavet (Eglise universelle du Christ de Monfavet) và giáo phái Antôn (Atonisme).
Giáo hội phổ quát của Chúa Kitô ở Monfavet do Georges Roux sáng lập vào khoảng năm 1943-1945 tại vùng Vaucluse – Pháp.
Geroges Roux có biệt tài chữa bệnh và tự xưng mình là Đức Kitô Thiên Chúa. Ông cho rằng chính tên ông đã chứng minh điều đó. R (air – khí), O (eau – nước), là l’UX (lumière – ánh sáng). Theo ông việc nhập thể và chuộc tội là điều không cần thiết – và do vậy các phúc âm cvũng chỉ là những điều bịa đặt. Chỉ cần yêu thương nhau và chữa bệnh bằng cách đặt tay là đủ để vào nước trời ở Monfavet.
Giáo phái này cấm hút thuốc, cấm uống cà phê, cấm uống trà, cấm ăn các chất béo và đồ hộp. Kinh Lạy Cha của giáo phái này được sửa lại như sau: “Lạy cha ở khắp mọi nơi, xin cho sự hiện diện của cha được khám phá ra, và xin cho ý cha được thực hiện trong toàn vũ trụ. Chúng con tự tạo được lương thực hàng ngày và tự tránh được các lỗi lầm. Chúng con chỉ muốn quay về điều thiện để làm tiêu tan sự dữ trên trần gian”.
Trụ sở chính của giáo phái này đặt ở Avenue des Champs Elysées và có ba tờ báo chính: “Lumière”, “Nésidor” và “Agence mondiale d’information”.
Giáo phái Antôn, do Louis Antoine thành lập vào khoảng năm 1896 tại Bỉ.
Tín điều chính của giáo phái Antôn này là không có Thiên Chúa mà chính chúng ta là những vị Thiên Chúa. Ấy thế mà giáo phái này lại tin vào kiếp luân hồi: kiếp sống hiện tại của chúng ta là kết quả của kiếp trước, nhưng chính kiếp này lại định đoạt cho kiếp sau. Tuy nhiên, chỉ có xác thân thay đổi mà thôi, còn “linh hồn” thì kiếp nào cũng chỉ là một.
Giáo phái này hàng tuần tụ họp nhau lại để làm nghi thức an ủi và chữa bệnh qua nghi thức đặt tay. Tờ báo “La révélation de l’auréole de la conscience” là cơ quan truyền bá của giáo phái này.
Các giáo phái sáng tạo (les sects initiatiques)
Nổi tiếng hơn cả là giáo phái “Huynh Đệ Trắng phổ quát – -Fratrternité Blanmche Universelle” do Peter Deunov, một người Bảo Gia Lợi (Bulgarie) thành lập khoảng năm 1920. Khi Deunov mất năm 1937, thì Oraam Mikkhaël Alvanhov nối quyền, tự nhận mình là Tổng Thiên Sứ Michael – đặt ra các điều luật và tín điều cho giáo phái.
Theo Alvanhov, Thiên Chúa đã tạo dựng tất cả cho con người, nên con người phải tận hưởng đến mức tối đa tiền tài, danh vọng, tình dục, tiện nghi… miễn là sống trong hòa bình, không chém giết, không gây hận thù. Phải tắm nắng thật nhiều, vì thần linh của Đức Kitô hiện diện trong tia nắng mặt trời.
Họ không ra tờ báo nào cả, nhưng chỉ tụ họp suốt ba tháng hè tại Bonfin, gần Frejus – để hưởng thụ.
Giáo phái coi việc tôn giáo như chuyện bán buôn (les sects commerciales)
Đại diện cho phái này là nhóm “Ba Trái tim Thánh – Les trois saints Cœurs”.Nhóm này được khai sinh từ Bỉ khoảng 50 năm nay, Khởi đầu nhóm chỉ là một số những tu sĩ nam nữ công giáo – vì bất mãn với bề trên, nên tự tách rời khỏi cộng đoàn để sống chung với nhau, dưới quyền hướng dẫn của Roger Melchior.
Tất cả mọi người trong nhóm phải bán hết đồ đạc, của cải để góp lại trao cho Melchior điều hành. Điểm nổi bật là không ai có quyền chỉ trích người lãnh đạo của nhóm, vì ”Melchior là ngôn sứ của Thiên Chúa và là Yuse, cha của Đức Yêsu”. Chỉ có mình Melchior mới được Thiên Chúa mạc khải cho và những điều mạc khải này phải tuyệt đối được giữ kín. Các hội viên chỉ có quyền nghe theo lệnh của Melchior mà thôi.
Sở dĩ gọi giáo phái này coi việc tôn giáo như chuyện bán buôn, vì theo mạc khải của Thiên Chúa qua Melchior, thì mỗi người chỉ là một thương gia của Thiên Chúa. Thương gia này phải tuyệt đối vâng phục ông chủ mình là Thiên Chúa qua vị lãnh đạo Melchior. Càng vâng phục Melchior thì các hội viên càng được Chúa chúc phúc.
Giáo phái này có tờ báo ”Pianto” làm cơ quan truyền đạo.
(Còn tiếp)