Saints by the numbers: Catholic martyrs from the first century to the  twentieth – Catholic World Report

 

Nguyễn Trọng Lưu

“Ủy ban các vị tử đạo mới – Chứng nhân đức tin”

Ngày 05.07.2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập “Ủy ban các vị tử đạo mới – Chứng nhân đức tin” để lập một danh sách tất cả những người đã đổ máu để tuyên xưng Chúa Kitô và làm chứng cho Tin Mừng.

Đức Thánh Cha cho biết ”Ủy ban các Vị Tử đạo mới” sẽ tiếp tục nghiên cứu việc đã được bắt đầu trong dịp năm thánh 2000, để xác định các chứng nhân đức tin trong một phần tư đầu của thế kỷ và sau đó tiếp tục trong tương lai – những người cho đến hôm nay vẫn tiếp tục bị sát hại chỉ vì là Kitô hữu. Nghiên cứu sẽ không chỉ liên quan đến các tín hữu của giáo hội công giáo, nhưng sẽ được mở rộng đến các các tín hữu thuộc Kitô giáo. Xin được ghi chú ở đây – ”Kitô giáo” là tên gọi chung cho tất cả những giáo hội tin vào Đức Kitô – bao gồm công giáo, chính thống giáo và tin lành.

Trong số các thành viên của Uỷ ban các Vị Tử đạo Mới này có Cha Angelo Romano của cộng đoàn thánh Egidio, giám đốc đền thờ Thánh Bartolomeo trên đảo Tiberina của sông Tevere ở Roma – là đền thờ được dâng kính các vị tử đạo của thế kỷ 20 và 21. Chúng ta sẽ lược đọc những trình bày của Ngài dưới đây.

Sts. Andrew Dũng Lạc, and his companions, Martyrs - Information on the  Saint of the Day - Vatican News

 

Các thánh tử đạo Việt Nam ngày xưa.

 Nhưng trước hết, chúng ta hãy ghi nhận lại 117 vi thánh tử đạo Việt Nam ngày xưa với những khổ hình các ngài phải chịu. Các ngài đã sống dưới những thời kỳ bắt đạo ác liệt của các triều vua Trịnh Nguyễn, Cảnh Thịnh, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức – kéo dài hai thế kỷ, từ năm 1745 (Trịnh Nguyễn) đến năm 1883 (Tự Đức)Các vị tử đạo gồm 8 Giám Mục, 50 Linh Mục, 14 thầy giảng, 1 chủng sinh và 44 giáo dân – người Việt (96 người), Tây ban Nha (11 vị) và Pháp (10 vị).

Các Ngài đã phải chịu

 Bá đao: cắt từng miếng cho đủ trăm miếng (1 vị)

Lăng trì: chặt tay chân trước khi chém đầu (4 vị)

Thiêu sinh (6 vị)

Xử trảm: chém đầu hay chặt đầu, được thực hiện bằng đao, rìu, kiếm, dao (75 vị).

. Xử giảo: tròng giây vào đầu rồi kéo (22 vị)

Rũ tù (9 vị)

 

Tử đạo thời nay.

Ngày nay cơ hội tử đạo không còn như xưa. Đương nhiên, những cám dỗ và hình thức tử đạo mỗi thời một khác. Ngày nay, việc tử đạo qua cái chết không còn phổ thông lắm. Kẻ thù của Chúa và của Giáo Hội biết nhiều cách tàn phá đạo Chúa và con cái Chúa cách tinh vi hơn. ”Tử đạo” không chỉ còn là sự lựa chọn giữa có và không, giữa sống và chết, nhưng là một cuộc tranh đấu kiên trì giữa tự do thật và phóng túng, thiện hảo thật và thiện hảo giả, nhân quyền và độc tài. Tử đạo thời nay không chỉ giới hạn trong phạm vi tôn giáo, trong nhà thờ. Tử đạo thời nay là cuộc tranh đấu giữa giữa Thiên Chúa và ma quỷ, giữa chính và tà.

 

Tự do thật và phóng túng.

Giáo hội công giáo và nhiều giáo hội Kitô giáo khác trong vài thập kỷ vừa qua phải đương đầu với nhiều phong trào – nghe như dân chủ và có lý, nhưng ngược với quyền tự nhiên và quyền thiêng liêng của con người – chẳng hạn tự do phá thai, việc kết hôn giữa đồng tính. Khoa học gia nào, bác sĩ nào với lương tâm chân chính của mình dám khẳng quyết rằng đúng 24 tuần thì thai nhi là người? Thế còn nếu một ngày, một giờ trước đó thì sao? Thai nhi chưa là người? Vậy dựa trên quyền gì để nói rằng phá thai trước 24 tuần là vô tội?
Tại một vài tiểu bang, nếu trẻ em dưới 14 tuổi đi xỏ lỗ tai, cần có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người chịu trách nhiệm, nhưng nếu đi phá thai thì không cần xin phép. Ý kiến của đám đông chưa hẳn là ý kiến đúng – nếu không dựa trên luật tự nhiên chân chính và luật Thiên Chúa.

Thiện hảo thật và thiện hảo giả.

Phải chăng mọi thứ – nếu đa số con người muốn đều là tốt cả? Phải chăng khi đa số đồng ý thì tất cả sẽ trở nên đúng? Phải chăng bất cứ phương tiện nào cũng là đúng nếu đạt được mục đích tốt? Phải chăng cần và nên hy sinh quyền cá nhân để đạt đến thành tựu lớn lao cho dân tộc? Các chính phủ thời đức quốc xã và cộng sản ủng hộ phương pháp biện minh cho phương tiện. Chế độ tư bản cũng mặc nhiên cho rằng kiếm nhiều tiền là trên hết. Cách nào có tiền cũng đều có giá trị và người nào kiếm ra nhiều tiền là kiểu mẫu! Do đó, không ai lạ khi các triệu phú nhờ bài bạc, nhờ đánh “boxing”, nhờ đóng phim – dù bất cứ loại phim gì – nhờ chơi thể thao đều trở thành “anh hùng hào kiệt” cho tuổi trẻ. Lợi nhuận do phim ảnh xấu, do cờ bạc và do bán các vũ khí giết người tính theo tiền tỷ tỷ. Còn lương công chức của một người cần mẫn thì không đủ sống. Đâu là giá thật và giá trị giả?

Nhân quyền và độc tài.

Hiến pháp nhiều quốc gia được tô vàng chuốt lục, rất đẹp và tuyệt hảo trên lý thuyết, nhưng khi áp dụng thì hoàn toàn khác với điều mà người có tâm lý bình thường mong đợi. Cũng có khi – nhiều nhóm lãnh tụ cởi mở một vài lãnh vực, rồi khép chặt các khía cạnh khác liên quan đến tôn giáo, tinh thần và tín ngưỡng. Người bảo vệ luân lý, tôn giáo trở thành kẻ bơi ngược dòng, trở thành người tử đạo. Họ bị khép tội phỉ báng chế độ và bị khép bệnh tâm thần, mất bình thường.

Gần đây, giáo hội tuyên dương cha Maximilien Kolbe (1894-1941) người Ba Lan – nạn nhân Đức quốc xã – lên bậc hiển thánh, tử đạo, không phải vì ngài trực tiếp chết nhân danh Chúa Yêsu. Ngài chết vì bác ái, vì Chúa Yêsu, khi đồng ý chịu tử hình thay cho một tội nhân khác, mà hoàn cảnh gia đình thực đáng thương.

Đức Giáo Hoàng Yoan Phaolô II khi đến quỳ trước mộ Tổng Giám Mục Óscar Arnulfo Romero y Galdámez (1917-1980) của San Salvador, ngài đã nói: “Tôi đến thăm một đấng tử đạo.” Đức Cha Romero chết vì bênh vực người nghèo, chống lại chế độ độc tài.

Now is the Time for Preparation / OrthoChristian.Com

 

Con cháu các thánh tử đạo Việt Nam và tử đạo mới.

Đôi khi chúng ta hiểu lầm rằng chỉ qua cái chết trực tiếp vì Chúa mới là tử đạo. Chúa Giêsu, trong tám mối phúc thật, đã đưa ra tiêu chuẩn không chỉ sống đạo để nên thánh, mà còn là thánh tử đạo.

“Phúc thay ai tâm hồn nghèo khó, vì nước Trời là của họ.”
“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì nước Trời là của họ.”
“Phúc cho anh em khi  Thầy mà bị người ta xỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5, 1; 10-12).
Hãy vui mừng khi thấy chúng ta không thiếu những vị tử đạo thời mới đang chịu bách hại vì công chính, vì người nghèo, vì người bị áp bức, vì tự do phải có, vì bảo vệ nhân quyền, vì sống bác ái, vì sống lời dậy dỗ của Chúa trong thánh kinh.

“Tử đạo – martyr” theo nguyên nghĩa là “chứng nhân”. Và trong lịch sử kitô giáo, các vị tử đạo – tức là các chứng nhân, luôn luôn đông đảo. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng “các vị tử đạo là những người không thể thiếu cho việc tăng trưởng Tin Mừng” (Redemptoris missio 45). Thiên Chúa vẫn cần đến chúng ta như những “khí cụ” hữu hiệu trong việc rao giảng Tin Mừng trên quê hương đất nước chúng ta và trên toàn thế giới.

Cha Angelo Romano – mà chúng ta vừa nhắc tới ở trên có nói rằng: ”Trong 25 năm qua chắc chắn có rất nhiều vị tử đạo. Tôi đặc biệt nghĩ đến câu chuyện của linh mục Jacques Hamel, người Pháp, 85 tuổi – khi đang cử hành phụng vụ – đã bị hai kẻ vật ngã và cắt cổ. Ngài là một con người của hòa bình, của tình huynh đệ vĩ đại. Ngài đã hiến đất của giáo xứ để xây dựng một trung tâm Hồi giáo cho phép người Hồi giáo trong khu vực của mình cầu nguyện.

“Nhiệm vụ của Ủy ban các thánh tử đạo mới – chính xác là thu thập các câu chuyện, do đó thu thập các chứng tá về những sự kiện này, để mọi người được biết đến. Sự thật là hầu hết những chứng nhân đức tin này đều sống trong một bối cảnh không được nhắc đến hoặc rất ít được nhắc đến, chẳng hạn như Haiti, chẳng hạn như Kivu ở Cộng hòa Dân chủ Congo, hoặc như ở một số nơi nào đó của Trung Đông.

Biết được những câu chuyện của họ cũng có nghĩa là mở ra một cái nhìn thoáng qua về bức màn im lặng thường ngăn cản chúng ta biết và đánh giá cao họ. Nhưng chúng là những câu chuyện hấp dẫn, chúng là những câu chuyện hay, chúng là những viên ngọc của Tin Mừng mà chúng ta nhất định phải chiêm ngưỡng. Chúng đưa chúng ta đến chỗ chiêm ngưỡng, ngưỡng mộ và biết ơn đối với một sự sống đã cố gắng đạt đến nơi mà theo cách nói của con người, nó không bao giờ đạt được, đó là món quà của sự sống, nhưng thông qua một con đường được soi sáng bởi ân sủng của Thiên Chúa”.

 

21 vị tử đạo thuộc Giáo Hội Chính Thống Coptic

Gần gũi và được thế giới biết đến trong những năm gần đây là lòng dũng cảm của 21 tín hữu Chính Thống Coptic – 20 người Ai Cập và một người Ghana -, những người vào ngày 15.02. 2015 đã bị cắt cổ trên bãi biển Izmir, Libya, nơi họ đang làm việc – bởi những chiến binh tự xưng là nhà nước Hồi giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong một thông điệp video vào ngày 15.02. 2021, nhân dịp các tín hữu Coptic này được Giáo hội của họ phong thánh: “Những vị tử đạo này đã được rửa tội không chỉ trong nước và Thánh Thần, mà còn bằng máu, với dòng máu là hạt giống hiệp nhất cho tất cả những người theo Chúa Kitô.” Sau đó, trong cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Tawadros của Giáo hội Alexandria và là người đứng đầu giáo hội Chính Thống Coptic của Ai Cập vào ngày 11.05.21 tại Vatican, Vatican thông báo rằng “với sự đồng ý của Đức Thánh Cha, 21 vị tử đạo này sẽ được đưa vào danh sách tử đạo Roma như một dấu chỉ của sự hiệp thông thiêng liêng liên kết hai Giáo Hội của chúng ta”.

Thi thể của 21 tín hữu Chính Thống Coptic đã được tìm thấy chôn trong một ngôi mộ tập thể, trên người mặc bộ quần áo màu cam giống như họ đã mặc vào thời điểm bị hành quyết.

Các vị tử đạo mới trong một phần tư đầu của thế kỷ 21 này rất nhiều, trong số đó có các tín hữu của giáo hội Chính Thống Coptic bị nhà nước Hồi giáo sát hại ở Libya, các nạn nhân của các cuộc tấn công vào Lễ Phục sinh ở Sri Lanka năm 2019, Sơ Luisa Dall’Orto ở Haiti và Sơ Maria De Coppi ở Mozambique, Cha Santoro ở Thổ Nhĩ Kỳ, Cha Hamel ở Pháp.

Đây là một số vị “tử đạo mới” trong 25 năm qua và những chứng tá của họ sẽ được Ủy ban do Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập thu thập.