Nỗi đau Vũng Áng: không thể làm ngơ!
Nguyễn Trọng Lưu
Gia sản chung
Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải đặt lại vấn đề nỗi đau Vũng Áng cho đúng tầm mức của nó – khởi từ thảm hoạ cá chết từ ngày 04.04.2016, đi từ Vũng Áng sang đến sông hồ, từ Trung ra Bắc, từ Bắc xuống Nam.
Đó không chỉ đơn thuần là một “tai nạn môi trường”, là “biển bị đầu độc” – mà là vấn đề về thái độ sống của con người hôm nay, vấn đề về quyền và trách nhiệm của cá nhân cũng như của mọi người trong việc tham gia xây dựng và phát triển xã hội.
Khi chạm tới môi trường là chạm đến ngôi nhà chung của nhân loại, chạm đến nguồn sống còn của con người và tất cả những sinh vật ở trong đó – và như vậy đồng nghĩa với việc chạm đến phẩm giá và những quyền cơ bản của con người: quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền được lao động, quyền được hưởng tài sản mang tính phổ quát bao gồm nước, không khí, tài nguyên.
Chạm đến môi trường là chạm đến gia sản chung của toàn xã hội – được hiểu là toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép con người – tập thể cũng như cá nhân – đạt tới sự phát triển trọn vẹn, bao gồm sự dấn thân xây dựng hoà bình, tổ chức các cơ quan quyền lực của quốc gia, xây dựng một hệ thống tư pháp lành mạnh, bảo vệ môi trường và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho hết mọi người, mà trong số đó có những quyền lợi của căn bản của con người. Bởi đó, gia sản chung liên quan đến mọi thành phần trong xã hội, và lien quan đến hầu hết các nhu cầu sống của con người. Đòi hỏi hướng đến gia sản chung là đáp ứng bản năng cao nhất của con người – nghĩa là những đòi hỏi phát sinh từ bản tính con người, không lệ thuộc vào áp đặt của ý thức hệ nào cả. Đó là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người, nên không ai được nghĩ rằng mình được miễn trừ trách nhiệm hoặc có thể để người khác làm thay phần cộng tác vào việc thực hiện và phát huy thiện ích chung.
Chúng ta đang cư xử thế nào với nhau?
Thảm hoạ môi trường đã và đang xảy ra tại Vũng Áng – một sự kiện không thể xem là nhỏ, khi nó ảnh hưởng đến sự tồn vong của một dân tộc.
Trách nhiệm đạt tới gia sản chung không những thuộc về từng cá nhân, mà còn là trách nhiệm của nhà chức trách, vì công ích chính là lý do khiến quyền hành chính trị tồn tại.
Cũng không được quên rằng, mỗi quốc gia phải có bổn phận hướng đến sự hợp tác toàn cầu để góp phần xây dựng công ích của toàn thể nhân loại, và đặc biệt là của cả các thế hệ tương lai. Khi lo lắng cho vấn đề môi trường hôm nay, là chúng ta lo cho ngôi nhà chung của cả nhân loại, và lo cho các thế hệ con cháu mai sau. Điều đó phải được trân trọng như một trách nhiệm đối với lịch sử.
Lên tiếng trước thảm hoạ môi trường biển miền trung là thể hiện tình liên đới xã hội. Bởi không ai có thể sống độc lập mà không có những giao tác với tha nhân và môi trường cả về chiều kích không gian lẫn thời gian. Không ai có thể không khoác lên người những áo quần đến từ vải vóc được dệt thành do bàn tay cần mẫn của những người sống ở những miền xa xôi trên thế giới. Không ai lại không ăn những thứ từ bàn tay lao động của người khác. Cũng không ai có thể trưởng thành mà không cần đón nhận những sản phẩm trí tuệ, văn hoá, đã được để lại từ bao đời trước. Vì thế không thể nói rằng việc của anh không liên quan gì đến tôi, việc của miền Trung không liên quan gì đến miền Nam, hay chuyện của thế hệ này chẳng liên quan đến thế hệ sau. Liên đới không chỉ là một nguyên tắc xã hội để xây dựng và phát triển cách lành mạnh, mà nó còn là một nguyên tắc luân lý để con người sống xứng hợp với phẩm giá con người. Bởi con vật còn biết quan tâm đến đồng loại, lẽ nào con người lại không rung cảm trước nỗi đau của nhau?
Có thể nào chúng ta vẫn an nhiên tự tại vì dường như tất cả đã lắng xuống? Cá không còn chết, hay không còn cá để chết? Cơn nóng sốt đã qua đi và người dân bắt đầu ăn cá trở lại, bất kể nguồn cá đó xuất phát từ đâu và tiềm ẩn nguy cơ chết người nào. Và chừng hai ba tháng nữa thôi, là có thể tìm thấy ngoài thị trường “nước mắm Vũng Áng” được làm từ nguồn cá chết. Biết đâu hàng ngày, bữa cơm của chúng ta đang được nêm nếm bởi nguồn muối từ nước biển độc? Cá chết, biển chết, kéo theo bao nhiêu cái chết của các nghành nghề liên quan. Người dân Việt Nam – dẫu lên tiếng hay an thân nín lặng – cũng chạy đâu cho thoát hiểm hoạ diệt vong?
Đồng bào chúng ta đang đối diện với một thứ văn hoá ích kỷ, một thứ “văn hoá xả rác” vô trách nhiệm: bao nhiêu thứ rác rưởi đáng kinh tởm và đáng xấu hổ đang đổ dồn lên đầu con cháu đời sau! Chúng ta cũng đang chứng kiến một thứ văn hoá tham lam bất chấp sự an nguy của người khác.
Phải chăng ở hải ngoại, chúng ta không liên quan gì đến Vũng Áng?
Dù có cách xa ngàn dặm, mẹ chúng ta vẫn là “mẹ Việt Nam”. Dù có mang quốc tịch nước nào đi nữa, chúng ta vẫn là người Việt máu đỏ da vàng và vẫn sống mạnh bằng “hồn Việt”. Chúng ta vẫn đau cắt lòng khi anh em đồng bào, khi con cháu chúng ta đang bị đẩy đưa dần dà vào cái chết oan nghiệt, dã man. Chúng ta không thể giả mù giả điếc, ung dung xem mạng, để nhìn dân Việt bị đưa vào cái chết dần chết mòn do tập đoàn Formosa và những kẻ tạo ra sự có mặt của Formosa trên đất Việt – như Bùi Quang Vom đòi khởi tố vụ án cấp phép Formosa.
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
“Thương nhau” – không chỉ thuần bằng tưởng nhớ, bằng dăm ba câu kinh qua lần chiếu lệ hay bằng vài ba đóng góp bạc tiền, mà theo thiển ý của chúng tôi, người Việt ở hải ngoại – đặc biệt là những đoàn thể tôn giáo, văn hóa, chính trị ở khắp nơi trên thế giới – phải lên tiếng, phải đấu tranh cho quyền sống làm người của đồng bào chúng ta, phải mạnh dạn lên tiếng kết án, chống lại cái gian tham của tập đoàn Formosa, buộc tổ chức gây ra ô nhiễm phải bồi thường thiệt hại, trả lại môi trường biển sạch cho ngư dân, cũng như phải đập tan thói che đậy dấu diếm của tập đoàn những người lụy phục ý thức hệ cộng sản để bòn mót cả tỷ dollar vào túi, mặc kệ nhân dân. Chúng ta cần sát cánh chống lại cạm bẫy giết người và khai phá con đường phục hồi sức sống, phục hồi nhân phẩm.
Những người có trách nhiệm chính trị không được bỏ qua hoặc coi nhẹ chiều kích luân lý của việc đại điện là phải tìm cách giải quyết các vấn đề xã hội, hành sử quyền bính trong tinh thần phục vụ, nhắm tới công ích, chứ không phải tìm danh vọng hoặc ích lợi cá nhân. Nền tảng và mục tiêu của cộng đồng chính trị là tôn trọng phẩm giá con người vì nhân quyền có trước chính trị. Có tư tưởng chính trị như vậy thì liêm sỉ và luân lý của người có trách nhiệm chính trị mới thực sự là phục vụ nhân dân và công ích quốc gia. Đó mới thật là ý nghĩa của từ “chính trị” phát sinh từ nguyên ngữ Hy Lạp “Polis” mà cũng là ý nghĩa của câu: ”Nhân đạo, chính vĩ đại” (Lễ Ký, Ai Công vấn, tiết 6).
Tại Cồn Sẻ, mới đây Đức Cha Nguyễn Thái Hợp đã mời gọi mọi người hãy hành động để công lý và hòa bình ngự trị trên đất nước chúng ta: “Đất nước chúng ta hiện nay đang bước đi trong thảm cảnh đen tối, nhân quyền, nhân phẩm và công lý chưa được tôn trọng bởi những con người có chức có quyền. Trong hoàn cảnh đó, mỗi người dân chúng ta cần nói lên tiếng nói chính đáng của mình, và đòi buộc các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phải thực thi công lý. Chúng ta hãy hành động không chỉ vì cuộc sống, vì môi trường chúng ta hôm nay, mà còn để xây dựng môi trường lành mạnh cho các thế hệ tương lai”.
Chúng ta cần nhớ, kẻ thù của dân tộc Việt Nam vẫn ngồi đó, rất gần và đã rất lâu. Cá chết không chỉ một lần bởi Formosa. Và người Việt không chỉ chết một lần này mà thôi. Sẽ còn nhiều cái chết trong tương lai khi thủ phạm vẫn ung dung ngồi đó và đi ra đi vào Ba Đình như nhà của chúng.
Bốn cái chết
Đó cũng chính là cái nhìn phân tích sâu sắc của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt qua “bốn cái chết” từ sự kiện Vũng Áng: cái chết của lương tâm, cái chết của luân lý, cái chết của lý trí, cái chết của chính trị.
“Lương tâm là ơn Chúa ban cho con người để phân biệt được điều gì tốt điều gì xấu, khi làm điều tốt thì lương tâm thanh thản, an ủi còn khi làm điều xấu lương tâm cắn rứt. Mà một khi lương tâm chết rồi nó không còn cắn rứt nữa. Khi làm điều xấu mà nó không còn cắn rứt nữa thì lương tâm đó chết rồi.
Luân lý là những chuẩn mực, quy luật để hành xử cho đúng đạo lý. Khi cư xử không còn theo đạo lý nữa, không còn biết điều xấu nữa thì luân lý đó chết rồi, nó không bị chi phối bởi những chuẩn mực đạo đức, không còn quy tắc đạo lý nữa.
Lý trí để giúp người ta biết phân định những giá trị cao thấp khác nhau như Đức Thánh Cha nói rằng: “thời gian lớn hơn không gian, toàn phần lớn hơn một phần”. Bây giờ người ta chọn một phần mà quên đi toàn phần thì cái đó là cái chết của lý trí không còn phân định được và chọn các giá trị thấp mà bỏ các giá trị cao.
Chính trị chính là nghệ thuật tổ chức sắp xếp để cho mọi người được hạnh phúc. Cho nên nó đã chết trong lòng con người chính là nguyên nhân làm cho biển chết, cá chết.”
Chúng ta đang đối xử tàn tệ với môi trường sống bằng nhiều phương cách. Và chúng ta đang chịu nhiều lệch lạc, mù tối trong hiểu biết và trong đường lối xây dựng xã hội. Nếu không nhìn nhận và không sửa chữa lối sống của mình, e rằng đất nước này không còn kịp nữa!
Chúng ta có thật sự vô can không?
Cô giáo Trần Thị Lam – sau bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” lại đặt chúng ta vào một vấn nạn lương tâm – mà chúng tôi muốn ghi lại sau đây như lời kết thúc những suy tư này:
“Chúng ta đã thờ ơ với tình hình chính trị xã hội của đất nước khi nghĩ rằng mọi việc đã có Đảng và chính phủ lo.
Chúng ta nghĩ chỉ cần chăm sóc cho cái tổ của mình là đủ, những biến động ngoài cánh cửa không ảnh hưởng đến gia đình mình.
Chúng ta chỉ cần yên ổn.
Chúng ta dửng dưng trao vận mệnh của mình và con cháu mình vào tay của những kẻ tham lam và năng lực quản lý yếu kém.
Chúng ta sợ hãi đủ thứ, sợ một từ nhạy cảm, sợ cả cái bấm like với một bài viết bày tỏ quan điểm trên các trang facebook, sợ một tiếng nói thầm, sợ thể hiện chính kiến.
Chúng ta sống câm lặng như những cái bóng hoặc phù phiếm, sặc sỡ như loài côn trùng.
Chúng ta vô cảm.
Chúng ta hèn nhát.
Cho đến một ngày chúng ta hoảng sợ nhận ra rằng, mâm cơm nhà mình đã thiếu khuyết đi món ăn từ biển, hạt muối ta ăn không biết có an toàn, món rau không thể không chấm nước mắm… mùa hè ta đến biển chỉ để đứng trên bờ ngắm nhìn những con sóng.
Tai hoạ đã gõ cửa nhà tất cả chúng ta, không trừ một ai.
Chúng ta nơm nớp lo sợ cho tương lai.
Chúng ta sống trong môi trường xã hội nhưng quên mất một điều chúng ta được mẹ thiên nhiên bao bọc và nuôi dưỡng.
Khi mẹ thiên nhiên nổi giận thì không có biệt lệ cho bất kì ai.
Sự hèn nhát, sự sợ hãi, sự dửng dửng, vô cảm đã biến chúng ta thành những kẻ đồng loã với cái ác.
Chúng ta đã phản bội thiên nhiên, phản bội quê hương và cái giá chúng ta phải trả là môi trường sống của chính mình bị đầu độc, là sức khoẻ, sinh mạng, sự tồn vong của nòi giống.
Để xảy ra thảm cảnh môi trường như ngày hôm nay, tôi, bạn, tất cả chúng ta đều không vô can”.