Nguyễn Trọng Lưu

 

”Đừng chết lúc đang sống, mà hãy sống khi đã chết!”

Nhưng làm sao lại có thể “chết lúc đang sống và vẫn sống khi đã chết được?”  Bởi sống và chết là hai bề mặt của cùng một đời người nhưng đến ở hai thời điểm khác nhau với hai khía cạnh hoàn nghịch chống: “lúc sống thì chưa chết và lúc chết thì không còn sống nữa!”

“Những người chết lúc đang sống!”

Đó là những người sống với tâm địa gian ác và làm điều ác. Vì đã bị hủy hoại ở nhiều phương diện – nên những người này – dù xác thân còn sống, thực sự họ đã chết rồi!

 

Lương tâm là ơn Đức Chúa ban cho con người để phân biệt được điều gì tốt điều gì xấu, khi làm điều tốt thì lương tâm thanh thản, an ủi – còn khi làm điều xấu lương tâm cắn rứt. Mà một khi lương tâm chết rồi – nó không còn cắn rứt nữa: khi làm điều xấu mà không cảm thấy cắn rứt nữa, thì lương tâm đó chết rồi!

Luân lý là những mẫu mực, quy tắc để hành xử cho đúng đạo lý. Khi cư xử không còn theo đạo lý nữa, không còn biết điều xấu nữa, thì luân lý đó chết rồi: nó không bị chi phối bỏi những quy luật đạo lý nữa!

Lý trí là khả năng giúp người ta biết phân định những giá trị cao thấp khác nhau – như “thời gian lớn hơn không gian, toàn phần lớn hơn một phần”. Bây giờ người ta chọn một phần mà quên đi toàn phần thì cái đó là cái chết của lý trí – không còn phân định được toàn bộ – mà lại chọn các giá trị thấp và bỏ các giá trị cao!

Chính trị chính là nghệ thuật tổ chức sắp xếp để cho mọi người được hạnh phúc. Ý thức hệ chính trị đã chết trong lòng người ác: đó chính là nguyên nhân làm cho họ phá hủy môi sinh của toàn nhân loại!

Không thiếu những nơi trên thế giới, người ta khai thác gỗ, khái thác rừng cây – mà chẳng để ý bảo vệ gia sản chung của toàn nhân loại. Nạn đổ rác bừa bãi, làm ô nhiễm môi sinh. Những dịch vụ kiếm tiến qua nạn ấu dâm. Trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay, những người bán buôn đầu cơ tích trữ, tăng giá hàng lên cao vút để kiếm lợi nhuận, làm cho dân nghèo không thể mua được những nhu yếu phẩm hàng ngày để sống, khiến cho dân chết đói. Những người làm như thế – tuy xác thân còn đang sống, nhưng thực sự họ đã chết!

Những người nói về người khác mà không biết rõ hoặc thêm thắt câu kia chữ nọ – có khi không cố tình làm hại người khác, nhưng lại vô tình đã dựng nên những tường vách, cách ngăn, những “ngục tù vô hình”. “Ngục tù vô hình” cũng được dựng xây khi tâng bốc nhau, khi nịnh bợ nhau, đưa nhau lên một ngôi vị đè bẹp những người khác, làm cho người khác không còn cảm nhận được nhân vị của mình nữa, bắt họ phải kéo dài cuộc sống trong một vỏ ốc bưng biền. “Ngục tù vô hình” được dựng xây khi lòng ghen ghét hận thù hằn sâu trong tâm khảm để rồi chỉ còn biết “nhìn” “lên án” người khác qua lăng kính chủ quan tự vẽ đó. Đó chính là chiếu lên người khác những gì mình đang có trong não trạng của mình: mình trở thành một tên khủng bố phá hoại đời mình và đời người. Những ngục tù vô hình này còn dần dà đưa đến cái chết cho tha nhân ngay khi họ đang sống – mà không cần đến khi chết và được chốn cất trong nghĩa trang mới là chết thực. Chính khi muốn loại trừ, muốn xóa bỏ người khác khỏi tâm trí mình, khỏi gia đình mình, khỏi cộng đoàn, cộng đồng và khỏi xã hội đang sống, thì chính lúc đó chúng ta đã giết người và đem chôn sống họ rồi: : sống như thế thì chẳng khác đã chết lúc đang sống vậy!

Những người này, tuy còn sống, nhưng thực sự họ đã chết: chết vì không còn tình người, không còn trái tim nhân loại, không còn đập cùng nhịp đập với tha nhân.

Liều đánh mất hạnh phúc Nước Trời

 

Hãy nhớ lại Lời Chúa nói với những người ở bên trái trong ngày phán xét: “Quân bị nguyền rủa kia, hãy đi cho khuất mắt ta! Bởi khi ta đói, các ngươi đã không cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng(Mt 25, 41-43).

Đó là hoàn cảnh đã xảy ra từ tai hoạ Formosa: nhà cửa của người dân bị tàn phá mà chẳng ai quan tâm; trẻ em bị ngăn cản không cho đến trường học. Cả năm dân không có thu nhập mà chẳng có chính quyền nào giúp đỡ – lại còn đàn áp khi dân nghèo lên tiếng đòi quyền lợi chính đáng: quyền sống, quyền được biết sự thật.

Những nơi mà người ta thản nhiên xả những đập nước làm cho dân chúng không kịp trở tay: tất cả đều trôi theo dòng nước, người bỏ của để lo chạy thoát thân. Những người làm như thế đã nhẫn tâm, hại dân, hại đồng bào. Đó là những người sống mà đã chết: họ đang tự kết án mình bằng sự chán ghét của người dân, bằng nuôi dưỡng mầm mống sự chết trong mình. Và nhất là bằng việc tự kết án mình trong ngày phán xét!

Khi giết chết người khác, họ đang tự kết án mình. Họ không còn được đón nhận trong cộng đồng nhân loại. Họ đang thù nghịch với nhân loại, chống lại nhân loại. Và qua đó, họ tự loại trừ mình ra khỏi nhân loại. Họ đang chết trong lòng nhân loại. Cái chết của người khác trở thành cái chết của chính bản thân họ.

Cái khổ đau nhất là họ không thể vào hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa – vì họ không còn trái tim – nên không thể sống bên cạnh trái tim Chúa. Họ không có yêu thương nên không thể vào làm công dân trong vương quốc Tình Yêu của Thiên Chúa. Họ tự loại mình ra khỏi tình yêu, liều mình đóng cửa thiên đàng.

 

“Những người vẫn sống dù đã chết!”

Trái lại, cha mẹ chúng ta, dù có mất cả hàng chục năm rồi, nhưng chúng ta không sao quên được hình ảnh các ngài. Mà trái lại, có những lời nói, việc làm của các ngài ngày càng hiện rõ nét trong trí nhớ ta.

Trong cuộc động đất ở Nhật cách đây mấy năm, người ta đã đào bới và tìm thấy một đứa trẻ còn sống, dù đã bị chôn vùi hơn mười ngày dưới lớp gạch đá đổ nát. Thì ra đứa bé được mẹ che chở: bà mẹ biến mình thành mái nhà, thành hầm trú ẩn. Bà cong lưng lên và ôm đứa con dưới long mình. Tay bà còn cầm chiếc điện thoại có hàng tin nhắn: “Xin hãy cứu con tôi!” Bà đã chết cho đứa con được sống. Dù bà đã chết, thì hình ảnh bà vẫn sống mãi trong lòng nhiều người trên thế giới. Và chắc chắn đứa con sẽ suốt đời không thể quên mẹ!

Hình ảnh Mẹ Têrêxa Calcuta dành hết cuộc đời, hi sinh bản thân mình cho người nghèo bên Ấn độ sẽ sống mãi.  Mẹ có rất nhiều tiền. Mọi người trên thế giới đổ tiền vào công cuộc cứu trợ của Mẹ. Nhưng Mẹ sống rất nghèo. Căn phòng đơn sơ. Đồ dùng giản dị. Mẹ dành tất cả cho người nghèo. Vì thế Mẹ sống mãi trong lòng người nghèo, trong lòng nước Ấn Độ, trong lòng thế giới. Và hơn nữa Mẹ sống trong Thiên Chúa. Trái tim của Mẹ là trái tim của Thiên Chúa. Mẹ làm cho hằng triệu người được sống. Mẹ xây dựng nền văn hóa sự sống. Mẹ phát triển sự sống. Không chỉ sự sống thân xác, mà còn cả sự sống tâm hồn. Bao nhiêu người đã tìm lại được lẽ sống, lý tưởng, biết hi sinh quên mình nhờ học hỏi gương Mẹ. Mẹ đại diện cho tất cả những người đã chết mà nay vẫn sống: sống trong tâm hồn con người, sống trong lịch sử nhân loại và nhất là sống trong Thiên Chúa: đó là sự sống vĩnh cửu, viên mãn, hạnh phúc.

Các bậc vĩ nhân cũng sống mãi dù họ đã chết. Họ sống trong công trình để lại cho hậu thế. Như nói đến chữ quốc ngữ ta không thể quên ơn cha Đắc Lộ. Đi qua núi Hồng Lĩnh nhắc ta nhớ đến Nguyễn Du, một thi hào đi vào lòng mọi người dân Việt. Khi còn sống ông đã tự hỏi : “Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ thùy nhân khóc Tố Như”. Nhưng ba thế kỷ trôi qua tên ông và Truyện Kiều vẫn còn ở vị trí danh dự trong nền văn chương Việt Nam và thế giới. Đó là những vĩ nhân sống mãi với lịch sử!

Còn rất nhiều chuyện về những con người quên mình cho người khác được sống. Họ là các ân nhân của nhân loại. Là các bậc vĩ nhân. Là các thánh nhân đã hi sinh thân mình vì Chúa và vì anh em. Họ sống mãi trong lòng nhân loại. Họ sống mãi trong lòng Thiên Chúa. Họ làm cho nhân loại được sống. Họ phát triển nền văn hoá sự sống. Sự sống nảy sinh từ sự hi sinh quên mình: dám chết cho chính mình để người khác được sống: họ hi sinh quyền lợi của mình, và có khi phải mất chính mạng sống mình.

 

Tháng các linh hồn

Giáo Hội hàng năm vẫn dành tháng 11 để cầu cho người quá cố và mời gọi chúng ta nhớ đến sự chết. Việc kính viếng đất thánh – ngoài mục đích nhắc chúng ta nhớ đến và cầu nguyện cho người đã chết – lại còn làm nổi bật cho chúng ta một sự thật: biết bao người đã chết mà nay vẫn sống – thế mà chúng ta nhiều khi còn đang sống mà như đã chết rồi vậy!

Những người đã chết mà vẫn còn sống. Vì các ngài hi sinh quên mình. Chết cho người khác được sống. Chết vì Chúa và vì anh em.

Chúng ta đang sống mà như đã chết – vì chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân, chỉ đòi hỏi cho chính mình, chà đạp người khác và vô cảm trước nỗi đau của người khác.

Nói đến cái chết – dù là cái chết lúc chết hay cái chết lúc đang còn sống – là để mỗi người chúng ta có dịp suy tư, có cái nhìn tích cực hơn về cùng đích của đời người trong tương quan với tha nhân. Suy tư về cái chết của phận người và về cái chết của chính mình sẽ nhận ra giới hạn của kiếp người, của bản thân, tính bất định của sự sống – và qua đó, con người có thể sống tốt hơn, yêu thương và quý trọng người khác như một nhân vị với đầy đủ ý thức và tự do, chứ không phải coi tha nhân như một món hàng hay bàn đạp để tiến thân – ngay cả khi làm việc đạo đức trong cộng đoàn, cộng đồng.

”Đừng chết lúc đang sống, mà hãy sống khi đã chết!”