Nguyễn Trọng Lưu
Cảm nghiệm về một uy lực nào đó
Khi còn trẻ, ít khi chúng ta để ý tìm hiểu cặn kẽ căn nguyên của những sự việc xảy ra trong cuộc sống thường ngày – bởi như tôi đã phân tích trong bài ”Hai thế hệ, một cuộc đời” – người trẻ với đầy nhiệt huyết và sức lực, lúc nào cũng nghĩ rằng mình sẽ thực hiện được hết những dự phóng đang ôm ấp trong lòng. Nhưng đến một lúc nào đó trong cuộc đời, sau khi đã trải qua năm chìm bảy nổi, chúng ta mới cảm thấy rằng, có những dự phóng mình không thể thực hiện được bởi muôn ngàn lý do khác nhau – hoặc vì ”lực bất tòng tâm”, mà cũng có khi chúng ta ”cảm thấy lờ mờ” rằng có những lực vô hình nào đó đã đưa đẩy cuộc đời theo những định hướng khác – nhất là trong vấn đề sinh tử và giàu sang, thường được gọi chung chung là ”số phận” hay ”định mệnh”.
Tiếng Việt diễn tả về cái ”phận” hay cái”mệnh” này khá đa diện. Khi nói đến ”vận”, là chúng ta muốn nói đến cài hên xui may rủi (vận đỏ, vận đen), còn ”mệnh” là từ để diễn tả về thân phận con người, như khi nói ”hồng nhan bạc mệnh”. Nhưng khi ghép hai chữ ”vận” và ”mệnh” vào với nhau, thì ”vận mệnh” sẽ có nghĩa như ”số phận”, ”số mệnh”, ”số kiếp” hay ”định mệnh”, là sự định đoạt cuộc đời của một người được hưởng hạnh phúc hay chịu đau khổ, giàu sang hay nghèo hèn, sống lâu hay chết sớm…, do một lực thiêng liêng nào đó, mà người Á Đông thường gọi là ”Trời”: “tử sinh hữu mệnh, bần phú do thiên”.
Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu xem có định mệnh hay không, và nếu có thì phải hiểu định mệnh như thế nào.
Nhưng để hiểu chính xác vấn đề, trước hết chúng ta cần phải minh định rõ ràng những lãnh vực khác nhau. Khi nói: ”định mệnh đã an bài” hay ”phần số của một người chỉ có thế”, là chúng ta nhận định về một sự việc sau khi đã xảy ra – và đó mới là điểm cần chú ý. Bởi nếu không hiểu rõ và nắm chắc được vấn đề, chúng ta sẽ rơi vào vòng mê tín, và đôi khi trên phuơng diện tôn giáo, chúng ta ”đỗ lỗi” một cách quyết đoán (catégorique) cho Trời hay cho Chúa – thật tội nghiệp cho các Ngài!
Thêm vào đó, khi nói đến ”định mệnh”, là chúng ta bước đã vào lãnh vực siêu hình học (métaphysique) – tức không thể chứng minh theo nguyên lý nhân quả (principe de causalité), là nguyên lý căn bản được dùng trong lãnh vực khoa học kỹ thuật – mà chúng ta phải dùng phương pháp loại suy (analogie). Cũng thế khi tư duy về ”định mệnh”, chúng ta bó buộc phải đối đầu với vần đề giải thoát hay cứu độ – mà vấn đề đó lại liên quan đến tín ngưỡng, không thuộc về lãnh vực bài này, nên tôi chỉ nêu qua trong phần cuối mà thôi.
Có ngẫu nhiên hay không?
Ai trong chúng ta cũng biết rằng, tất cả mọi việc xảy ra đều có nguyên do – và đó là nguyên lý nhân quả – một trong những nguyên tắc suy luận căn bản, đặc biệt được dùng trong lãnh vực khoa học kỹ thuật. Chẳng hạn, khi một ngôi trường học bị cháy, thì tất nhiên phải có lửa đốt – mà lửa cũng phải phát sinh từ một nguyên nhân nào đó, hoặc do điện chạm giây, hoặc do có ai bật lửa đốt.
Như thế thì trong rất nhiều trường hợp không thể nói đến chuyện ”tình cờ” hay ”ngẫu nhiên” được.
Hãy lấy một thí dụ. Một ngày đẹp trời kia, có một chàng trai bị đau lưng, phải xin nghỉ việc để đi nhà thương khám bệnh. Đang đi ngang dưới hiên nhà thương, thì có một bình bông từ trên lầu ba rơi xuống, trúng vào đầu làm chàng bị chảy máu đầu và do vậy chàng bó buộc phải vào phòng cấp cứu trước đã. Ở đó có một cô y tá trực săn sóc băng bó cho chàng, rồi dần dà hai người quen nhau, yêu nhau rồi lấy nhau thành vợ chồng. Ai cũng bảo rằng chuyện tình đó hoàn toàn tình cờ hay ngẫu nhiên xảy ra!
Nhưng nếu suy luận thật kỹ, chúng ta mới thấy rằng, vì có quá nhiều những nguyên lý nhân quả xảy ra vào cùng một thời điểm – mà chúng ta đã vô tình đơn giản hóa tất cả để xác quyết rằng đó là việc ”tình cờ” hay ”ngẫu nhiên”. Tại sao chàng thanh niên kia lại đi vào nhà thương? Nguyên nhân: tại chàng bị đau lưng. Tại sao bình bông lại rớt xuống? Nguyên nhân: vì có người làm rơi. Tại sao bình bông lại rơi vào đầu anh ta? Nguyên nhân: đúng lúc chàng ta bước tới đó thì bình bông – theo nguyên lý Newton về vật rơi trong trái đất đụng phải đầu chàng. Tại sao chàng ta lại quen cô y tá kia? Nguyên nhân: tại chàng phải đi vào khu cấp cứu, đúng giờ làm việc của cô y tá này. Tại sao hai người lại thành vợ chồng? Nguyên nhân: tại vì hai người yêu nhau và tự do chọn lựa nhau lập thành gia đình mới.
Hãy để ý đến yếu tố ”tự do” ở đây. Vì cả hai người đã tự do chọn lựa và trao thân gởi phận cho nhau để nên vợ thành chồng, nên không có cái gì có thể gọi là ngẫu nhiên trong cuộc tình này cả. Mà một khi hiểu được như thế, chúng ta mới thấy rằng trong rất nhiều trường hợp cần phải ”giải oan” cho ”Trời”.
Giải oan cho ”Trời”
Một trong những điều mà người ta hay ”đỗ lỗi” cho ”Trời” nhiều nhất là vấn đề hạnh phúc vợ chồng – trong khi đó người Việt chúng ta lại đổ lỗi cho ”ông Tơ bà Nguyệt”, đã xe lầm giây tơ hồng.
Khi vợ chồng hạnh phúc, thì chẳng ai nghĩ đến ”Trời”, nhưng một khi cơm không lành, canh không ngọt, thì cả vợ lẫn chồng chẳng ai biết tự vấn về chính mình, để xem mình đã ăn ở với ”nửa kia của mình” có phải đạo vợ chồng hay không, mà ngay lập tức vội đỗ tội cho ”số”, cho ”duyên phận” của mình:
”Bắc thang lên đến tận trời
Bắt ông Nguyệt lão đánh muời cẳng tay
Đánh rồi lại trói vào cây,
Hỏi ông Nguyệt lão: nào giây tơ hồng?
Nào giây xe bắc, xe đông,
Nào giây xe vợ, xe chồng người ta
Ông vụng xe, tôi lấy phải vợ già,
Tôi thì đốt cửa, đốt nhà ông đi.”
Thêm vào đó, các cô gái có nhan sắc một chút lại hay vịn vào những câu như ”hồng nhan đa truân” hay ”hồng nhan bạc mệnh” để bi thảm hóa cuộc đời của mình bằng những khổ đau lãng mạn – và đổ tội rằng cho tại ”số”, tại ”mệnh”. Hay có khi còn cả gan hơn, dám đổ lỗi cho ”Trời” đánh ghen với mình:
”Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”
Vì ỷ lại một cách quá chủ quan vào nhan sắc của mình mà các cô lúc nào cũng nghĩ rằng bất cứ người đàn ông nào cũng phải quỵ lụy trước sắc đẹp của mình, nên cứ đỏng đà đỏng đảnh, gây khổ đau cho chính mình và cho chồng con. Chẳng có trời xanh nào đánh ghen cả, mà chỉ tại tính nết của mình mà thôi!
Từ tử vi đến định mệnh
Nhưng đi đến một nhận xét như thế không có nghĩa là con người khi sinh ra lại không bị hạn giới vào những liên hệ của vũ trụ vật lý, mà một cách khoa học có thể được khảo sát qua lá số tử vi (horoscope).
Lá số tử vi – dù là lấy theo cách của Âu Tây, của Ấn Độ hay của Á Châu – là cách khảo sát ngày sinh tháng đẻ của mình trong tương quan với mười hai con giáp và thập can hay – và với các ngôi sao trong vũ trụ, để tìm hiểu xem vận mệnh của mình trong tương lai như thế nào. Các vì sao này được phân bố theo những quy tắc định trước cho mười hai cung qui ước của lá số – gồm có cung bản mệnh, cung huynh đệ, cung phu thê (vợ chồng), cung tử tức (con cháu), cung tài bạch (tiền tài), cung giải ách (bệnh tật), cung thiên di (di chuyển), cung nô bộc (quan hệ xã hội), cung quan lộc
(nghề nghiệp chức vụ), cung điền trạch (đất đai nhà cửa), cung phúc đức và cung phụ mẫu (cha mẹ).
Đây là một nghiên cứu hoàn toàn mang tính chất khoa học, không có gì là mê tín dị đoan cả.
Vấn đề chúng ta muốn bàn đến ở đây, là phải chăng số tử vi đó hay mạng số đó đã được sắp đặt sẵn mà con người không thể cưỡng lại được:
”Cũng đành nhắm mắt đưa chân,
Để xem con tạo xoay vần đến đâu”?
Như đã nói ở trên, nếu chúng ta dùng nguyên lý nhân quả (principe de causalité) để tra cứu về vấn đề mạng số, chúng ta sẽ thấy rằng lá số tử vi đó không tuyệt đối đúng cho hết mọi người: tại sao
có rất nhiều người sinh ra cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, mà lại có người giàu người nghèo, kẻ sống thọ, người chết yểu?
Nhưng nếu dùng phương pháp loại suy (analogie) để tra cứu vấn đề, chúng mới thấy rằng dường như có một lực vô hình nào đó đã đẩy đưa con người theo những hướng đi ngoài ý muốn của con mình. Nhất là khi chúng ta suy tư về cái chết, về những thiên tai, những đại nạn xảy ra do sóng thần, động đất chẳng hạn, đã kết thúc mạng sống của nhiều người một cách khủng khiếp, khiến chúng ta phải nhận rằng mỗi người đều có một phận số khác nhau – mà người Việt hay nói là đã được ghi trong ”sổ nam tào bắc đẩu”. Phận số đó lắm lúc rất trớ trêu đến nỗi tác giả ”Cung oán ngâm khúc” đã phải thốt lên:
”Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán
Đánh đuối người trên cạn mà chơi”
Mà một khi đã nhận định rằng mỗi người dường như đều có một phận số riêng của mình hầu như không thể cuỡng lại được, thì phải hiểu thế nào về vấn đề đau khổ và giải thoát?
Ngay từ đầu, tôi đã viết rằng khi tra cứu đến tận cùng về số mệnh, thì chúng ta sẽ phải đối đầu với vần đề giải thoát, là vấn đề thuộc lãnh vực tôn giáo – nên tôi chỉ nêu qua ở đây mà thôi.
Nhiều giáo phái (secte) đã viện vào ”Sách Khải Huyền” (chương 7, câu 4): ”Số người được niêm ấn 144.000 ngàn” để nói rằng số người được cứu độ đã được định trước: nếu như thế thì đâu là chỗ đứng của tự do, của tu thân, tích đức?
Chính vì thế, tôi rất ngưỡng mộ con đường giải thoát của Đức Phật, khi Ngài dạy rằng: ”Ta là Phật đã thành, còn chúng sinh là Phật sẽ thành”. Giáo lý này rất năng động (dynamique), bắt mỗi người phải tự tìm kiếm và tu luyện để gíác ngộ đi vào niết bàn (nirvana), chứ chẳng có gì là tiền định trong việc giải thoát cả.
Thêm vào đó, còn một vấn đề khá nan giải nữa, đó là vấn đề đau khổ – mà ngay từ thời xa xưa, Socrates, một triết gia Hy lạp đã tra vấn: tại sao người hiền lại gặp nạn? Chúng ta vẫn thấy nhan nhản trước mắt nhiều người lương thiện, hiền lành vẫn phải chịu khổ đau, trong khi đó không thiếu những người gian ác vẫn phây phây hưởng thụ. Như vậy đâu là công bằng, đâu là giá trị của tự do, đâu là giá trị của tôn giáo?
Câu trả lời cho vấn nạn này không thuộc lãnh vực bài này và cũng còn tùy thuộc rất nhiều vào ”tâm” của mỗi người.
”Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử dã”
Trong bài viết về tuổi già ”Hai thế hệ, một cuộc đời”, tôi có đề cập đến khái niệm ”tri thiên mệnh” của Đức Khổng. Ngài đã khẳng định ”bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử dã”: ”ai không biết mệnh, không thể làm người quân tử” (Luận Ngữ, 20, 3).
“Mệnh” của Đức Khổng là“thiên mệnh”. ”Tri thiên mệnh” tức biết rằng trong thâm tâm ta có Trời làm căn cơ (thiên mệnh chi vị tính) và con người được sinh ra là để sống cuộc đời hoàn thiện, thực hiện sứ mệnh trời trao ban (suất tính chi vị đạo). Điều đó cũng có nghĩa là con người phải làm sáng ngọn lửa thiên căn tiềm ẩn trong tâm can qua việc tu thân để đi đến chỗ chí thành chí thiện (tu đạo chi vị giáo).
Chính vì thế người quân tử – tức người biết ”tri thiên mệnh” chẳng những sẽ đón nhận tất cả mọi việc xảy đến trong bình tâm, không than vãn, không hờn căm mà hơn thế còn biết ”đổi loạn thành trị”, tức biết tận dụng tất cả những cái tốt đẹp trong mọi hoàn cảnh để phục vụ cho người khác và đóng góp vào việc dựng xây một xã hội tốt đẹp theo đúng ý Trời.
Điều này ngày nay khoa học cũng đã chứng nghiệm. Mỗi người chúng ta đều có một nhịp điệu sinh hóa (bio rhythm) thay đổi theo sức hút các ngôi sao. Nhưng khoa chiêm tinh không hề đưa ra một định mệnh không thể thay đổi. Con người có quyền chọn lựa ngày tháng tốt để bắt đầu công việc làm ăn quan trọng, chọn lựa chồng hay vợ hạp tuổi để tránh những mâu thuẫn về tánh tình. Khi ta bắt đầu công việc quan trọng vào thời điểm nhịp sinh hóa cao thì dễ thành công hơn. Tuy nhiên ảnh hưởng của nhịp sinh hóa không đáng kể so với ảnh hưởng của ý định (intention). Ngay khi ta ở giai đoạn nhịp sinh hóa cao mà có ý định xấu (tham lam, hờn giận) thì ý định sẽ làm biến đổi nhịp sinh hóa theo chiều xấu. Đó chính là ý nghĩa của câu ”cái đức thắng cái số”.
Khái niệm”nghiệp” trong Phật giáo cũng là một sự chọn lựa. Chúng ta có quyền chọn lựa tạo dựng cơ sở của những nghiệp tốt, như cố gắng học hành để giúp ích xã hội – mà chúng ta cũng có quyền chọn lựa nghiệp xấu như hút sách, rượu chè, xì ke, ma túy – và như thế chúng ta đạp phá những tiềm năng tốt. Thoạt đầu chúng ta có tự do chọn lựa nhưng dần dà dần khả năng chọn lựa đó bị mất dần. Và khi trở thành nghiện ngập, thì chúng ta hoàn toàn mất sự tự do chọn lựa và trở thành nô lệ cho những thói quen xấu này.
Câu chuyện người đàn bà ngoại tình được kể lại trong Tin Mừng Yoan 8, 1-11 cũng đề cao sự chọn lựa và ý định tốt. Đức Yêsu không lên án người đàn bà ngoại tình bị dân làng muốn ném đá cho chết, như người dân làng thường tin là định mệnh của những người đàn bà ngoại tình. Ngược lại Ngài khuyên dân làng hãy dừng lại và đề cao sự tha thứ. Đức Yêsu khuyên chúng ta nên có ý định tốt và chọn lựa sự tha thứ để thoát khỏi định mệnh an bài. Khi hiểu được ý nghĩa câu chuyện này thì chúng ta mới thấy rõ rằng chúng ta có quyền chọn lựa một trong hai con đường: con đường buộc tội và con đường tha thứ. Con đường buộc tội là con đường của định mệnh: ta buộc tội và bị người khác buộc tội lại. Con đường tha thứ là con đường của giải thoát.
Còn nói theo ngôn từ của triết học Ấn Độ, thì ”tri thiên mệnh” là biết hòa nhịp Âtman (tiểu ngã) trong Brâhman (đại ngã). Mỗi người là một cá vị duy nhất và mỗi việc xảy ra cho chúng ta trong cuộc đời nay, ngay cả sự sống cũng như cái chết – mà chúng ta hay gọi là ”định mệnh” – đều chỉ là những diễn tiến nằm trong huyền nhiệm yêu thương của Brâhman mà thôi.