THIÊN CHÚA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

Prodigal son


CN 4 CHAY C – 2016

Gandhi kể rằng khi ông 15 tuổi, ông đã ăn cắp của anh mình một đồng tiền vàng. Tuy nhiên sau đó ông rất áy náy nên quyết định thú tội với cha mình. Ông viết lên một tờ giấy những gì mình đã làm, sau đó xin cha tha thứ, và cuối cùng hứa sẽ không tái phạm nữa. Khi ấy cha ông đang bệnh phải nằm trên giường. Gandhi đến đưa tờ giấy cho cha và hồi hộp chờ cha xét xử. Người cha ngồi dậy, cầm tờ giấy, trong khi ông đọc thì hai dòng lệ từ đôi mắt ông chảy xuống. Gandhi cũng không cần được nước mắt mình. Cuối cùng khi đã đọc xong, người cha không hề nổi giận và cũng chẳng trách móc Gandhi lời nào. Ông ôm chầm lấy con và sung sướng vì con mình đã biết hối hận.

Cảm nghiệm được yêu thương ngay khi mình còn tội lỗi là một cảm nghiệm vô cùng sâu sắc đối với Gandhi. Sau này ông nói: “Chỉ có người nào đã trải qua cảm nghiệm về loại tình yêu như thế mới có thể hiểu được nó thôi”.

Đó cũng là cảm nghiệm của đứa con hoang đàng trong bài Tin Mừng hôm nay. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn giúp chúng ta hiểu được lòng thương xót bao là của Thiên Chúa là Cha chúng ta. Ngài muốn nói với chúng ta rằng: Nếu chúng ta phạm tội thì Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Ngài không những không bớt thương mà còn thương nhiều hơn nữa. Không phải đợi chúng ta trở nên hoàn hảo thì Thiên Chúa mới thương, mà Ngài yêu thương chúng ta chính vì chúng ta tội lỗi, yêu thương ngay khi chúng ta còn trong tội lỗi.

Người con hoang đàng biết mình xứng đáng bị trừng phạt và sẵn sàng chờ đợi bị trừng phạt.Thế nhưng người cha không trừng phạt, mà tha thứ.

– Dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu là một dụ ngôn tuyệt đẹp về lòng nhân từ bao la của Thiên Chúa. Tình yêu ấy được thể hiện bằng muôn ngàn cách thế khác nhau. nhưng đặc biệt nhất là lòng tha thứ:

    + Tha thứ không có điều kiện,

    + Tha thứ không bao giờ biết mỏi mệt,

    + Tha thứ luôn và sẵn sàng tha thứ mãi.

– Dù tội lỗi chúng ta lớn đến đâu thì tình thương Chúa còn lớn hơn gấp trăm ngàn lần. _ Dù tội lỗi chúng ta có nhiều tới mức độ nào, Chúa vẫn chờ đợi để đón nhận và tha thứ, miễn là chúng ta biết thành tâm sám hối và quay trở về với Ngài.

ACE thân mến,

Chúng ta thường nói đến đứa con hoang đàng là đứa con thứ, nhưng thật ra người anh cũng là một đứa con đi hoang.

Đứa con cả vẫn ở nhà, nhưng thực ra chỉ có thân xác ở nhà, còn tâm hồn nó đã đi hoang từ lâu.
Tuy ở trong gia đình, nhưng tâm hồn nó không thuộc về gia đình. Nó làm việc không phải với tâm tình của một người con hiếu thảo coi “mọi sự của cha là của con”.

Sống bên cha mà tâm hồn nó xa tâm hồn cha biết bao. Nó không sao chia sẻ được những tình thương, những ưu tư, hoài bão của cha. Cha là tình thương nhưng con chỉ là ích kỷ. Cha là bao dung nhưng con chỉ là hẹp hòi.

Một lần nữa, người cha lại phải bỏ nhà ra đi, bỏ dở bữa ăn để tìm đứa con đi hoang trong tâm hồn. Vẫn với cử chỉ dịu dàng cố hữu; vẫn với những lời lẽ ôn tồn; vẫn với ánh mắt chan chứa cả một trời bao dung, cha cố gắng thuyết phục đứa con cả trở về.

Qua dụ ngôn này Chúa cho thấy dù tôi là con út hay con cả, tôi vẫn cần trở về. Vì nếu tôi chưa đi hoang trong đời sống, chắc chắn đã rất nhiều lần tôi đi hoang trong tâm hồn: suy nghĩ và hành động của tôi khác hẳn với đường lối của Thiên chúa là Cha; tôi vẫn không muốn chấp nhận anh em tôi.

Chúng ta đã đi được hơn nửa mùa chay, mùa của sám hối ăn năn. Xin Chúa cho chúng ta ý thức được thân phận tội lỗi của chúng ta, biết dứt khoát với tội lỗi và quay trở về với Thiên Chúa tình yêu.

Sau hết, như Thiên Chúa nhân hậu và khoan dung, ước gì chúng ta cũng biết nhẫn nại và nhân từ với anh chị em, những người xúc phạm đến chúng ta.

Xin Chúa chúc lành cho những nỗ lực của chúng ta.

Amen

Lm. Phêrô Nguyễn Kim Thăng