Nguyễn Trọng Lưu
Đi tìm “ikigai” trong chính con người mình
Không có phương cách đơn giản nào để tìm kiếm “ikigai” của chính mình, nhưng mỗi người có thể bắt đầu bằng việc đặt ra một vài câu hỏi:
- Điều gì làm cho bạn hạnh phúc?
- Bạn giỏi làm gì?
- Điều gì hoặc ai đó mà bạn cảm thấy trân trọng?
- Động lực để bạn thức dậy mỗi sáng là gì?
Ken Mogi – tác giả cuốn sách “Đánh thức Ikigai trong bạn” đã tóm lược nghệ thuật đi tìm ”Ikigai” này trong năm điều căn bản sau đây.
- Bắt đầu bằng những việc nhỏ
Bắt đầu bằng những việc nhỏ và thực hiện cẩn thận từng bước là điều căn bản nhất – và điều này áp dụng với tất cả mọi thứ trong cuộc đời của bạn. Những người thợ thủ công sẽ dành hết thời gian và công sức để tạo ra những sản phẩm đẹp mắt và tinh xảo nhất. Họ cẩn thận tạo ra từng chi tiết nhỏ một, cho đến khi hoàn thành tác phẩm. Việc bắt đầu từ những thứ nhỏ như vậy đưa họ đi được quãng đường rất dài.
- Giải phóng bản thân
Khi bạn giải phóng bản thân, bạn có thể quẳng đi những nỗi ám ảnh và nhìn mọi thứ quan trọng bằng góc nhìn rõ ràng và tích cực hơn. Học cách tự chấp nhận bản thân là một điểm quan trọng và là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trong đời. Nhưng nếu bạn có thể vượt qua được trở lực này và sống hạnh phúc với con người bạn, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc.
- Hài hòa và bền vững
Bạn không thể đạt được những mục tiêu của mình nếu cứ liên tục tranh đấu với những người xung quanh. Hãy tu dưỡng tâm tính và giữ một tâm thái bình hoà với mọi người, bạn sẽ xây dựng và duy trì được một hệ thống những người ủng hộ và giúp đỡ trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời.
- Niềm vui với những điều nhỏ bé
Hãy cảm thấy hạnh phúc với những điều nhỏ bé: không khí trong lành buổi sáng sớm, một tách cà phê dưới tia nắng mặt trời ấm áp. Những điều này là một động lực giúp bạn sống một ngày an bình, hạnh phúc.
- Sống với thực tại
Đây có lẽ là điều thâm thúy nhất. Hãy sống với thực tại. Điều quan trọng là tập trung vào hiện tại và duy trì chính niệm hàng ngày.
Rất nhiều nhà đô vật Sumo nói rằng – sống với thực tại là điều cần thiết nhất phải chuẩn bị trước mỗi trận đánh. Chính việc sống với thực tại sẽ giúp duy trì sự tập trung cho những màn trình diễn tốt nhất.
Một vài cái nhìn tôn giáo về trường sinh bất tử
Có nhiều người nghĩ rằng – vì gặp quá nhiều khổ đau, bất mãn trong cuộc đời thường và vì không thể trường sinh bất tử, nên con người mới muốn phóng chiếu khát vọng đó lên cuộc sống vĩnh hằng của các tôn giáo – để thỏa mãn khát vọng này. Đó là cái nhìn của Karl Marx, Sigmund Freud.
Tôi không đồng ý với lối tư duy đó. Bởi theo tôi, vì con người từ khởi thủy đã được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh Ngài, nên khát vọng trường sinh nội tại ngay trong mỗi người. Đó là điều mà Thánh Augustino đã viết trong ”Confessions”: “Lạy Chúa, Chúa vĩ đại và đáng ca tụng. Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn của chúng con luôn xao xuyến cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Tôi hay dùng cụm từ ”căn thiện” – trong những bài viết của tôi, để trình bày ý nghĩa này.
Ấn Độ Giáo
Ngay từ thời cổ đại, Kinh Véda và Kinh Upanishad ở Ấn Độ đã lý giải vấn đề này như sau: ”Brahman – linh hồn vũ trụ” được coi là thần thánh sáng tạo tất cả. Còn Âtman – linh hồn của mỗi con người, mỗi cá thể súc vật, cây cỏ … – là một bộ phận của linh hồn vũ trụ, nên về nguyên tắc nó cũng bất tử như linh hồn vũ trụ. Khi cơ thể sinh vật chết đi, Âtman sẽ tách khỏi cơ thể và đầu thai sang một cơ thể khác mới sinh ra, tiếp tục cuộc sống ở một kiếp khác. Kiếp sau có thể là người, là súc vật hay cây cỏ. Linh hồn cứ đầu thai hết kiếp này sang kiếp khác trong một cái vòng tròn như vậy gọi là sự luân hồi (samsara: bánh xe quay tròn). Con người chịu hậu quả của hành vi của chính mình gọi là “nghiệp” (karma: hành động). Chính cái nghiệp của kiếp này quy định cuộc sống ở kiếp sau.
Để giải thoát khỏi cái vòng luân hồi, nghiệp báo, con người phải dốc lòng tu luyện, từ bỏ ham muốn dục vọng để linh hồn được “siêu thoát”, tức thoát khỏi sự ràng buộc của cơ thể và trở về với linh hồn vũ trụ tối cao, đạt đến hạnh phúc và sự bất tử vĩnh hằng.
Phật giáo
Phật giáo ra đời trong phong trào đấu tranh chống đạo Bàlamôn, chống lại sự phân biệt đẳng cấp, đòi bình đẳng xã hội, nên không thể không bác bỏ những luận điểm cơ bản của Kinh Véda và Kinh
Upanishad. Đạo Phật không thừa nhận linh hồn vũ trụ tối cao Brahman và linh hồn cá thể bất tử Atmam. Theo Đạo Phật, cơ thể của chúng sinh được cấu tạo từ những yếu tố vật chất và tinh
thần gọi là ngũ uẩn – cũng được gọi là năm ràng buộc (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn) và danh (bốn yếu tố tinh thần: thụ, tưởng, hành, thức). Khi chết, những yếu tố này phân hủy, nên không còn cái âtman bất tử. Tuy nhiên, Đạo Phật lại thừa nhận sự tái sinh ở kiếp sau và tiếp thu một số yếu tố của Đạo Bàlamôn, như luân hồi, nghiệp báo, sự tu luyện nhưng mang nghĩa khác để đạt đến sự giải thoát.
Giáo lý siêu việt của Đức Phật luôn chú trọng về nhân quả, về nghiệp duyên, luân hồi, cho nên sẽ không có những phương pháp chỉ dạy cho chúng sinh lao theo những cuộc tìm kiếm vô vọng sự bất tử trường sinh ở trần gian tạp uế – mà chỉ có con đường chánh đạo dẫn cho con người tìm đến với an vui thanh thản, với giải thoát. Phật Pháp chỉ cho con người phương pháp đoạn trừ phiền não, dứt lìa khổ đau, liễu sinh thoát tử tìm đến an nhiên cực lạc qua mỗi bước chân đại lực không rời ”Bát chánh đạo”. Trường sinh bất tử có chăng thì cũng chỉ hiện hữu tồn tại ở một cõi siêu thoát vĩnh hằng vượt khỏi vòng luân hồi – tức cõi Niết bàn, bất tử bất sinh, mà chỉ bậc giác ngộ chân tu mới chứng đắc được.
Kitô Giáo và Hồi Giáo
Các nhóm tôn giáo thuộc ”Kitô giáo – Christianisme” do Đức Yêsu sáng lập vào đầu công nguyên và ”Hồi giáo – Islamisme” do tiên tri Môhamet sáng lập vào thế kỷ 7 – đều tin vào sự bất tử của linh hồn con người. Theo Kitô giáo và Hồi giáo, khi chết cơ thể trở về đất bụi nhưng linh hồn vẫn tiếp tục tồn tại. Và đến ngày cuối cùng, được gọi là ”ngày tận thế” hay ”ngày phán xét” – Thiên Chúa sẽ phán xét tất cả, cho những ai trong lúc sinh thời đã có lòng tin ở Ngài và làm những điều tốt lành sẽ được ”phục sinh” – nghĩa là được sống lại với cả thể xác và linh hồn giống như sự phục sinh của Đức Kitô trước đây, và được lên thiên đàng hưởng phúc; còn những người làm điều dữ sẽ bị đày xuống hỏa ngục vĩnh viễn.
Thiên đàng được miêu tả trong ”Sách Khải Huyền” là Thành phố Yêrusalem tráng lệ ở trên trời, có 12 cửa thành, nền và tường thành xây toàn bằng vàng và đủ các loại ngọc quý. Những người được lên thiên đàng sẽ vô cùng hạnh phúc, sẽ trường sinh bất tử, không còn đau khổ, chết chóc: “Tôi thấy Thành Thánh là Yêrusalem mới, từ trên trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe phía ngai có tiếng phán: Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại! Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên- Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.”
Thiên đường cũng được mô tả một cách rất cụ thể trong Kinh Coran: ”Đó là một nơi có mùa xuân bất tận, cây cối xanh tốt quanh năm với đủ các loại hoa quả, có các suối nước róc rách. Trên Thiên đường, của cải dồi dào, mọi người tha hồ hưởng vinh hoa phú quý; mỗi bữa ăn có hàng mấy trăm món ăn, thức uống, rượu vang; đặc biệt là có các trinh nữ mắt đen xinh đẹp làm vợ, các chàng trai trẻ làm nô tỳ”. Trong Kinh Coran có đến 8 chỗ nói về các trinh nữ có mắt đen láy là phần thưởng cho những người Hồi Giáo trên thiên đường.
Như vậy, niềm tin của tín đồ Kitô giáo và Hồi giáo vào sự bất tử của cá nhân ở kiếp sau hoàn toàn chỉ dựa vào sự khẳng định trong các kinh sách như Kinh Thánh (gồm hai phần Cựu ước và Tân ước) của Kitô giáo và Kinh Coran của Hồi giáo.
Tư tưởng gia người Pháp – Blaise Pascal (1623-1662) – đã từng coi niềm tin vào Thượng Đế như là một canh bạc, một sự cá cược, trong đó người tin chỉ có được chứ không có mất, còn người không tin chỉ có mất chứ không có được. Pascal lập luận: ”Nếu bạn tin vào Thượng Đế và Thượng Đế thật sự tồn tại thì bạn sẽ được cả một thiên đường hạnh phúc, còn nếu Thượng Đế không tồn tại thì bạn chẳng mất gì cả! Còn ngược lại, nếu bạn không tin vào
Thượng Đế và điều không tin của bạn là đúng, thì bạn chẳng được gì cả, còn nếu điều này không đúng – nghĩa là có Thượng Đế nhưng bạn lại không tin – thì bạn sẽ bị trừng phạt và đưa xuống địa ngục vĩnh viễn”.
Quan điểm khoa học và chủ nghĩa vô thần
Đối với các nhà khoa học, mặc dù họ rất mong muốn sự bất tử, nhưng lý trí khoa học không chứng minh được có sự bất tử theo quan điểm của các tôn giáo truyền thống nên họ không thể tin vào sự bất tử theo quan điểm của các tôn giáo.
Về sự bất tử của cá nhân, Albert Einstein bác bỏ các quan niệm tôn giáo và đưa ra quan niệm về “sự bất tử tương đối – relative immmortality”. Einstein nói: “Sự bất tử ư? Có hai loại. Loại thứ nhất nằm trong trí tương tượng của con người và do vậy chỉ là một ảo tưởng. Còn sự bất tử tương đối đó là sự duy trì ký ức về một cá nhân qua một số thế hệ. Tuy nhiên, chỉ có một sự bất tử thật sự duy nhất, ở phạm vi vũ trụ, đó là sự bất tử của chính vũ trụ. Không có một sự bất tử nào khác”.
Lý luận về sự bất tử tương đối của Albert Einstein được các nhà vô thần triển khai. Theo quan điểm vô thần, sự bất tử tương đối của cá nhân được thực hiện một cách hiện thực bằng những con đường như sau:
- Thông qua con cháu của chúng ta. Về mặt sinh học, thế hệ sau thông qua sự di truyền mà kế thừa có chọn lọc và phát triển tất cả những gì mà cơ thể chúng ta đã đạt được. Về mặt ý thức, thế hệ sau sẽ kế thừa những tri thức khoa học, kinh nghiệm sống và chuẩn mực đạo đức, v.v., của thế hệ đi trước. Như vậy theo quan điểm duy vật, chỉ xét về mặt thể xác thôi thì cũng đã thấy chết không phải là hết. Loài người là một dây chuyền vô tận của vô số những thế hệ nối tiếp nhau, mỗi thế hệ là sự phủ định và kế thừa những thành quả phát triển của cơ thể và ý thức của tất cả những thế hệ đi trước. Thế hệ trước để lại mầm sống cho thế hệ sau; thế hệ sau là sự nối tiếp sự sống của thế hệ trước. Cho nên, việc chuẩn bị và chăm lo về mọi mặt cho thế hệ sau cũng chính là vì sự bất tử của con người.
- Sự bất tử tương đối của cá nhân còn được thực hiện thông qua những việc làm tốt,những tấm gương hy sinh, bằng những sự nghiệp và công trình đóng góp vào sự giải phóng con người, vào sự phát triển văn hóa và văn minh nhân loại.
- Sự bất tử tương đối của cá nhân còn thể hiện ở sự tồn tại lâu dài của một người đã chết trong ký ức của nhiều thế hệ mai sau.Một người chỉ thật sự chết khi hoàn toàn không còn tồn tại trong ký ức của người sống.
Lý luận về sự bất tử tương đối của cá nhân lại mang một ý nghĩa đạo đức rất sâu sắc. Nó không chỉ bác bỏ ảo tưởng sự bất tử của cá nhân theo quan niệm tôn giáo mà khắc phục được quan niệm tầm thường coi cuộc sống của con người chỉ ngắn ngủi trong mấy chục năm và cái chết là sự chấm dứt hoàn toàn sự tồn tại của một cá nhân, mà còn thúc đẩy hành vi đạo đức của con người ở những khía cạnh sau đây:
- Trách nhiệm, nghĩa vụ của con cháu, coi như sự báo hiếu đối với tổ tiên là chăm lo cho sự bất tử của các thế hệ đi trước bằng những việc làm thiết thực như việc bảo quản phần mộ người quá cố, những kỷ vật của người chết để lại; việc thờ cúng, tổ chức kỷ niệm ngày sinh, ngày giỗ của tổ tiên v.v., là những việc làm mang tính nhân đạo rất sâu sắc của nhiều dân tộc trên thế giới. Đối với những người đã hy sinh cho tổ quốc trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chúng ta có trách nhiệm làm cho công lao, chiến công của họ trở thành bất tử.
- Chăm lo cho con cháu cũng là chăm lo cho sự bất tử của chính chúng ta. Do vậy, sự nghiệp trồng người, giáo dục con cháu trở thành những người kế tục sự nghiệp của các thế hệ đi trước cũng là một việc làm thiết thực không chỉ vì lợi ích chung mà còn vì lợi ích riêng của mỗi cá nhân. Ở đây có sự thống nhất giữa mục đích, lợi ích chung với mục đích, lợi ích riêng.
- Mỗi cá nhân bằng lao động sáng tạo và sự hy sinh của mìnhđóng góp vào sự phát triển của cộng đồng và nhân loại sẽ để lại tiếng thơm trong lịch sử.
Cũng chính ở trong chiều kích này mà mỗi người sẽ cảm nghiệm được ý nghĩa của ”trường sinh bất tử” – giống như một dọn đường cho cuộc sống vĩnh hằng sau cuộc đời hạn giới.