Nguyễn Trọng Lưu
”Hòm bia Thiên Chúa – Aron habrit”
Trong kinh cầu Đức Bà, chúng ta thấy có câu ca ngợi: ”Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy!” “Hòm bia Thiên Chúa” – cũng thường được gọi là ”hòm bia thánh” là gì, và tại sao Giáo Hội lại ca ngợi Đức Maria như vậy?
”Hòm bia Thiên Chúa” – tiếng Do Thái là “Aron habrit” – là hòm thánh nhiệm mầu của dân Do Thái. Hòm bia này chứa đựng hai tấm bảng đá, ghi khắc mười giới răn Chúa – mà ngày xưa trên đường từ Ai Cập về miền đất hứa – trên núi thánh Sinai, Thiên Chúa đã truyền cho dân Ngài qua ngôn sứ Môisê. Hòm bia này được đặt trong lều đền thờ khi đang còn lưu lạc trong sa mạc trên đường về đất hứa. Sau này, hòm bia được đưa về đặt ở vùng Silo, nằm khoảng giữa nước Do Thái. Mười giới răn đó được coi là giao ước Thiên Chúa ký kết với dân Ngài – vì thế cũng còn có tên là ”hòm bia giao ước”.
Sách Xuất Hành, đoạn 25, câu 10-22 – đã ghi lại Lời Đức Chúa phán với Moisê về việc làm ”hòm bia Thiên Chúa” như sau: “Chúng phải làm một Hòm Bia bằng gỗ keo, dài một thước hai, rộng bảy tấc rưỡi và cao bảy tấc rưỡi. Ngươi sẽ lấy vàng ròng mà bọc, bọc cả trong lẫn ngoài. Ngươi sẽ làm trên đó một đường viền chung quanh bằng vàng. Ngươi sẽ đúc cho hòm bia bốn chiếc vòng bằng vàng và gắn vào bốn chân Hòm Bia: bên này hai vòng, bên kia hai vòng. Ngươi sẽ làm những cây đòn bằng gỗ keo bọc vàng. Ngươi sẽ xỏ đòn vào những vòng bên sườn Hòm Bia để khiêng. Đòn để xỏ vào vòng của Hòm Bia thì không được rút ra nữa. Ngươi sẽ đặt vào Hòm Bia chứng ước mà Ta sẽ ban cho ngươi. Ngươi sẽ làm một cái nắp xá tội bằng vàng ròng, dài một thước hai, rộng bảy tấc rưỡi. Ngươi sẽ làm hai tượng thần hộ giá bằng vàng gò, ngươi sẽ làm các tượng ấy ở hai đầu nắp. Ngươi sẽ làm một tượng ở đầu này, một tượng ở đầu kia; ngươi sẽ làm các tượng thần hộ giá gắn liền với nắp, ở hai đầu. Các tượng thần hộ giá có cánh giương lên và phủ trên nắp. Hai tượng đối diện với nhau, cùng cúi mặt xuống nắp. Ngươi sẽ đậy nắp xá tội trên Hòm Bia, và ngươi sẽ đặt vào đó chứng ước mà Ta sẽ ban cho ngươi. Ở đó Ta sẽ gặp gỡ ngươi. Từ trên nắp, giữa hai tượng thần hộ giá đặt trên Hòm Bia chứng ước, Ta sẽ nói với ngươi tất cả những gì Ta truyền cho ngươi để ngươi nói lại cho con cái Israel!”
Sau này, vua Davit đã rước hòm bia thánh về Yêrusalem lên trên núi Sion. Và khi đền thờ Yêrusalem được hoàn thành dưới thời vua Salomon, hòm bia được rước về đặt trong cung thánh đền thờ trên núi Moria – còn gọi là “núi đền thờ”. Hòm bia giao ước được đặt trong nơi cực thánh của đền thời Yêrusalem và chỉ vị tư tế thượng phẩm, mỗi năm một lần, vào ngày lễ đền tội – lễ Jom Kippur – được phép vào nơi đó, nhân danh Thiên Chúa đọc lời cầu nguyện, dâng tiến lễ vật và cầu xin ơn tha thứ tội lỗi cho toàn dân.
Vào khoảng năm 1050 trước Chúa Giáng Sinh, hòm bia giao ước (1 Các vua, 4) – trong trận chiến ở Aphek bị người Philitinh chiếm đoạt. Theo sách Samuel (1 Samuel, 5), người Philitinh đem hòm bia về Aschdod và đặt trong đền thời kính thần Dagon của họ. Nhưng sau nhiều biến cố bất ưng xảy ra, đem lại những bất hạnh, hoạn nạn, người Philitinh quyết định đem hòm bia giao ước đó trả lại cho người Do Thái (1 Sammuel, 6).
Hòm bia được giữ nhiều năm ở Kirjat-Jearim trên một ngọn đồi. Sau những năm lưu lạc, cuối cùng hòm bia được đưa trở về Yêrusalem như ngày trước. (2 Samuel, 7)
Vào khoảng năm 587-585 trước Chúa giáng sinh, vua Nebukanezar 2 chiếm Yêrusalem, bắt người Do Thái lưu đày bên Babylon. Lúc đó ngôn sứ Jeremia đã dời hòm bia giao ước và mang dấu trên núi Nebo trong một hang động.
Khi đến nơi, Jeremia thấy một cái nhà nhà nhỏ, giống hình một cái hang, nên ông đã đưa hòm bia và bàn thờ dâng hương vào đấy – rồi bít cửa lại. Sau đó một số người đã phụ giúp ngôn sứ Jeremia tính trở lại để ghi dấu đường, nhưng họ tìm không ra. Và ngôn sứ Jeremia đã khiển trách họ: “Nơi ấy chẳng ai được biết cho đến khi Thiên Chúa tập hợp dân lại và tỏ lòng thương xót họ” (2 Maccabê, 5-7)
Năm 63 sau Chúa Giáng Sinh, tướng Pompejus của Roma tiến chiếm Jerusalem. Ông cho khám xét đền thờ Jerusalem mong tìm thấy hòm bia giao ước – nhưng ông không tìm thấy dấu vết gì ở đây.
Trải qua hơn 2000 năm nay, người ta nỗ lực đi tìm hòm bia giao ước đã bị mất, nhưng không có kết quả nào.
Năm 2009, Thượng Phụ Abuna Pauolos, giáo chủ của Chính Thống Giáo Etiopia đã cho biết: “Hòm bia giao ước hiện ở bên Axum, Etiopia, Phi Châu. Chính tôi đã nhìn ngắm hòm bia giao ước.” Nhưng thực sự không có bằng chứng hiển thị chắc chắn nào là hòm bia giao ước hiện này đang ở Etiopia, Phi Châu.
Cho tới bây giờ, ngoài các bản văn Thánh Kinh, cũng không có một bằng chứng khoa học nào về sự hiện hữu của hòm bia giao ước cả.
Dường như, Do thái giáo đã hy vọng một sự tái xuất hiện hòm bia vào thời sau hết (2 Mcb. 2, 4-8), và điều này đã được Thánh Yoan đề cập trong sách Khải Huyền, khi nói về thị kiến nhìn thấy hòm bia giao ước trên trời: “Đền thờ Thiên Chúa mở ra, và hòm bia xuất hiện trong đền thờ, với ánh chớp, tiếng sấm sét, động đất và mưa đá lớn” (Khải Huyền, 11, 19)
Phát hiện của Uri Geller về hòm bia giao ước
Nhưng vào tháng 1 năm 2022, nhà thần bí học nổi tiếng trên thế giới là Uri Geller bất ngờ đưa ra một tuyên bố chấn động. Ông đã dùng nội lực tìm kiếm ở các vùng biển trên toàn thế giới, và đã phát hiện ra thần khí của tôn giáo lưu truyền trong Kinh Thánh: đó là “hòm bia giao ước”.
Mặc dù hòm bia giao ước đã bị mất tích khoảng hơn 2000 năm trước, nhưng Uri Geller nói, ông nhìn thấy rất rõ ràng. Bên ngoài hòm bia giao ước vẫn giữ được hoàn hảo, mỗi mặt đều có 4 chiếc vòng vàng. Ông tin rằng, phát hiện này sẽ lật ngược hoàn toàn lịch sử thế giới, đồng thời kết thúc những chia rẽ về giáo nghĩa tồn tại hàng nghìn năm trong nội bộ Thiên Chúa giáo.
Tuy vậy, ông không tiết lộ đia điểm chi tiết, mà chỉ ám chỉ rằng hòm bia giao ước đang ở Israel.
“Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa”
“Hòm bia Thiên Chúa” trong giao ước cũ được biểu trưng qua bảng đá ghi khắc mười giới răn Chúa dạy, còn giao ước mới của Thiên Chúa với dân Người là Giáo Hội và chính Chúa Yêsu Kitô, Đấng mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Tân Ước dẫn chứng rằng hòm bia thánh đã tìm thấy sự hoàn thành trong Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa cư ngụ giữa con người (Yoan 1,14), vừa là nguồn cứu độ, vừa hướng dẫn (Yoan 8, 12) và trở thành sự tha tội đích thực (Rm. 3,25; 1 Ga. 2,2 và 4,10).
Hòm bia giao ước cũ được bao bọc bằng vàng. Và nếu hòm bia Thiên Chúa trong Cựu Ước được tôn kính vì chứa đựng luật giao ước mà Thiên Chúa đã ban cho ông Môisen, thì Đức Trinh Nữ Maria còn đáng tôn vinh gấp trăm ngàn lần, vì Mẹ không chỉ mang trong mình Lời bằng chữ viết hay biểu tượng, mà là chính Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng ngay từ ban đầu đã hiện hữu, như Thánh Yoan đã viết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Yoan 1, 1). Đức Maria không là giao ước mới, nhưng cung lòng Mẹ đã cưu mang thân xác con người của Chúa Yêsu vào trong trần gian. Chúa Yêsu là Đấng thiết lập giao ước mới với dân Ngài, là Giáo Hội. Tâm hồn và cung lòng Đức Maria được Thiên Chúa gìn giữ nguyên tuyền, không mắc tội tổ tông truyền và khi chết, Mẹ được rước về trời cả hồn lẫn xác. Đó là những trang điểm cao quý sáng ngời của hòm bia giao ước mới – và do vậy Giáo Hội trong kinh cầu Đức Bà mới ca tụng Đức Mẹ như hòm bia Thiên Chúa.
Nếu Đức Mẹ được xưng tụng với danh hiệu “hòm bia Thiên Chúa”, thì chúng ta, những Kitô hữu, hiểu theo một khía cạnh nào đó, cũng là những người mang danh xưng này. Bởi lẽ, hằng ngày chúng ta được nghe Lời Chúa, và được mời gọi thực thi lời ấy trong cuộc sống. Nhờ bí tích Thánh tẩy, chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Yêsu. Chúng ta cũng được vinh dự mang tên kitô hữu, tức là người được xức dầu và thuộc về Chúa Kitô. Hiểu như thế, mỗi chúng ta cũng là những “hòm bia của Thiên Chúa” giữa lòng cuộc đời, để phán ánh sự thánh thiện của Ngài giữa lòng nhân thế. Đó là điều Đức Thánh Cha Phanxicô mong ước: “Ở đâu có cộng đoàn Kitô hữu, ở đó con người tìm được những tụ điểm chan hòa lòng thương xót” (Tông thơ Misericordiae Vultus, số 12).
Nếu Hòm bia Thiên Chúa trong Cựu ước tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Israel, thì hôm nay, mỗi Kitô hữu cũng đang diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng cuộc đời, được thể hiện qua cuộc sống thánh thiện, liên đới, bao dung và hiền hòa. Đức ái là cốt lõi của đạo công giáo, để nhờ đức ái mà người ta nhận ra chúng ta là con cái của Cha trên trời.
Nếu ngày xưa, trong trận chiến ở Aphek, hòm bia giáo ước cũ của người Do Thái đã bị mất vào tay người Philitinh, thì ngày nay, nếu người tín hữu bỏ quên Đức Mẹ, là hòm bia cưu mang chứa đựng giáo ước mới – thì cũng có nguy cơ đánh mất Chúa Yêsu như vậy.