Billedresultat for legio mariae logo

 

Nguyễn Trọng Lưu

 
Lịch sử chuỗi kinh Mân Côi

Năm 1209, khi bè rối Anbijoa tàn phá Giáo Hội ở miền nam nước Pháp, Đức Mẹ đã hiện ra với Thánh Đaminh trao nhiệm vụ truyền bá việc lần chuỗi Mân Côi. Cùng hiện ra với Mẹ có ba nữ hoàng mặc ba màu áo khác nhau: trắng, đỏ, vàng. Mỗi nữ hoàng có năm mươi trinh nữ theo hầu. Đức Mẹ nói với thánh nhân: “Hỡi con, con hãy đi rao giảng cho dân chúng cách cầu nguyện bằng kinh Mân Côi!” Rồi Đức Mẹ chỉ vào ba đoàn trinh nữ mà giải thích ý nghĩa các mầu nhiệm: áo màu trắng là năm sự vui, áo màu đỏ là năm sự thương và áo màu vàng là năm sự mừng.

Từ đó, kinh Mân Côi hình thành. Thánh Đaminh lên đường rao giảng và kêu gọi mọi người đọc kinh Mân Côi. Nhờ đó, bè rối Anbijoa dần suy yếu, nhiều đã người trở lại đạo và Giáo Hội lại được thanh bình. Ngài gọi đó là cách cầu nguyện bình dân theo Phúc Âm rất đẹp lòng Đức Mẹ và Đức Mẹ mong muốn mọi người lần chuỗi này, để Mẹ cầu cùng Chúa ban cho mọi ơn lành hồn xác.

Billedresultat for MARIA AND ROSARY

Tiếp nối Thánh Đaminh, vào thế kỷ 15, chân phước Alano de la Roche cũng cổ động việc lần chuỗi Mân Côi. Đức Mẹ đã hiện ra với chân phước Alano và long trọng hứa ban 15 đặc ân sau đây:

1. Những ai trung thành phụng sự Mẹ bằng cách đọc kinh Mân Côi sẽ nhận được những ơn cao cả.

2. Mẹ hứa sẽ phù trợ đặc biệt và ban nhiều đặc ân cho những ai đọc kinh Mân Côi.

3. Kinh Mân Côi sẽ là áo mã giáp để chống lại hỏa ngục. Kinh Mân Côi tiêu diệt thói xấu, giảm thiểu tội lỗi và phá tan các ngụy thuyết.

4. Kinh Mân Côi giúp làm triển nở các nhân đức và các việc lành. Kinh Mân Côi kéo nhiều tình thương của Chúa xuống trên các linh hồn, giúp người ta khinh chê thế tục và nâng tâm hồn để khát khao nước trời. Kinh Mân Côi chính là phương tiện giúp thánh hóa các linh hồn.

5. Các linh hồn đến với Mẹ bằng kinh Mân Côi sẽ không hư mất.

6. Những ai đọc kinh Mân Côi sốt sắng và áp dụng những mầu nhiệm của kinh Mân Côi vào đời sống mình sẽ không sợ bị rủi ro. Chúa nhân từ sẽ ở với họ và sẽ không phải chết bất tử. Nếu đã sống công chính, họ sẽ được bền vững mãi trong ơn Chúa và xứng đáng hưởng phúc Thiên Đàng.
7. Những ai tôn sùng mầu nhiệm Mân Côi sẽ được ơn chịu các phép Bí Tích trước giờ chết.

8. Những ai trung thành lần hạt Mân Côi, khi sống và nhất là trong giờ chết, sẽ được ánh sáng Chúa soi dẫn cùng với ân huệ của Ngài. Khi lâm tử, họ sẽ được chia sẻ huân nghiệp của các thánh trên thiên đàng.

9. Mẹ sẽ cứu khỏi luyện tội những ai tôn sùng phép lần hạt Mân Côi.

10. Những con cái trung thành của phép lần hạt Mân Côi sẽ được thừa hưởng vinh quang lớn lao trên trời.

11. Nhờ lần hạt Mân Côi, các con sẽ được hết những gì mình xin.

12. Những ai truyền bá phép lần hạt Mân Côi sẽ được Mẹ giúp đỡ trong lúc gian truân, khốn khổ.

13. Mẹ đã xin Con chí thánh Mẹ ơn này cho những ai truyền bá phép lần hạt Mân Côi, là họ sẽ được cả triều đình thiên quốc cầu bầu cho khi sống và trong giờ lâm tử.

14. Những ai đọc kinh Mân Côi đều là con cái Mẹ và là anh em với Con Một Mẹ là Chúa Giêsu Kitô.

15. Tôn sùng phép lần hạt Mân Côi là dấu chắc chắn được ơn cứu rỗi.

Sang đầu thế kỷ 18, Thánh Louis-Marie Grignion de Monfort (1673-1716) đã nhiệt thành phổ biến cách lần chuỗi này và Ngài còn lập Hội Mân Côi để quy tụ những người đọc kinh Mân Côi để cầu nguyện cho kẻ tội lỗi và người ngoại giáo trở lại cùng Chúa.

Billedresultat for Blue Army of our Lady of Fatima

Danh xưng “Đạo binh Đức Mẹ”

Có thể nói rằng “Hội Mân Côi” do Thánh Louis-Marie Grignion de Monfort thành lập là khởi đầu của hội “đạo binh Đức mẹ” sau này. Nhưng đã có nhiều người tưởng lầm rằng – các phong trào “đạo binh Đức mẹ” được lập ra để kỷ niệm ngày “đạo binh thánh giá” chiến thắng đoàn quân Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lepante ngày 07.10.1571 – vào đúng ngày Lễ Đức Mẹ Mân Côi.

Chúng ta nên thận trọng khi giải thích biến cố Lepante, đừng coi đó như là một chiến tranh tôn giáo – mà cũng đừng hiểu lầm danh xưng “đạo binh Đức Mẹ” với “đạo binh Thánh Giá” đã tham gia trận chiến Lepanto. Giữa hai bên không có liên hệ lịch sử gì hết, ngoại trừ danh thánh Đức Mẹ Maria.

Năm 1571, vua Selim 2, sau khi đánh đông dẹp bắc, lại muốn đem quân sang chiếm đóng Âu châu, tiêu diệt công giáo. Để thực hiện ý định này, nhà vua đã chiêu tập nhiều đạo quân Hồi giáo thiện chiến, và quyết tâm giành chiến thắng cuối cùng. Đứng trước mối nguy hiểm đe dọa hết sức nặng nề này, Đức Giáo Hoàng Piô 5 hạ lệnh chiêu tập “đạo binh Thánh Giá”, để bảo vệ Công giáo và Châu Âu – dưới sự hướng dẫn của các tướng lãnh thời danh, nhất là do sự tổng chỉ huy của tướng Don Juan d’Autriche. Ngày 17.09.1571, “đạo binh Thánh giá” tiến vào vịnh Lepante, dàn trận đối diện với đạo binh hồi giáo, đông gấp 10 lần. Đức Giáo Hoàng khuyên nhủ các quân nhân không nên cậy vào sức mạnh vũ khí, mà phải hoàn toàn trông cậy vào quyền phép Đức Mẹ Maria. Ngài truyền cho giáo dân khắp nơi phải lần hạt Mân Côi, cầu xin Đức Mẹ ngăn tay kẻ dữ, ban hoà bình chân chính cho Giáo Hội và cho các quốc gia Âu Châu, đang lâm nguy trước sự tấn công vũ bão của địch.

Để ghi nhớ chiến thắng vịnh Lepante và cũng như để tạ ơn Đức Mẹ đã cứu giúp Hội thánh qua việc lần chuỗi Mân Côi, Đức Giáo Hoàng Piô 5 đã thiết lập lễ “Đức Mẹ chiến thắng” vào ngày 07.10 hằng năm và cả tháng 10 được chọn là tháng Mân Côi. Đến đời Đức Gregorio 13 mới đổi lễ này thành lễ kính “Đức Mẹ Mân Côi”.

“Legio Mariae – Đạo binh Đức Mẹ”

Cách đây 97 năm, lúc ấy là 20.00 giờ ngày 07.09.1921, buổi chiều vọng lễ Sinh Nhật Đức Mẹ – có một nhóm người tụ họp tại Myra House, ở Dublin, thủ đô nước Ái Nhĩ Lan – để cùng nhau tìm kiếm phương thức làm việc cho Nước Chúa. Họ ngồi quanh chiếc bàn có đặt tượng Đức Mẹ Maria giang đôi tay, trong cử chỉ tiếp đón trìu mến.

Mọi người khiêm tốn quì gối bắt đầu đọc Kinh Đức Chúa Thánh Thần rồi sốt sắng lần hạt Mân Côi. Hiện diện trong buổi họp hôm ấy có Linh Mục Michael Toher, anh Frank Michael Duff (07.06.1889 – 07.11.1980) và mười lăm phụ nữ. Tất cả đều thuộc giai cấp xã hội khiêm hạ, làm công trong các bàn giấy hoặc nơi các tiệm hàng. Họ họp nhau sau một ngày làm việc vất vả, với chủ đích tìm ra một đường lối tông đồ. Là những phụ nữ nghèo, họ không có gì để trao tặng, ngoài hai bảo vật: đức tin và lòng yêu mến các linh hồn.

Buổi chiều hôm ấy, người thanh niên duy nhất có mặt trong nhóm là anh Frank Michael Duff, 32 tuổi. Anh thuật lại việc anh say mê đọc cuốn ”Luận về lòng sùng kính chân thật đối với Đức Mẹ” của thánh Louis-Marie Grignion de Montfort (1673-1716). Anh sung sướng khám phá ra vai trò trung gian các ơn của Đức Mẹ Maria. Đây cũng là thời kỳ Đức Giáo Hoàng Benedictô 15 (1914-1922) vừa cho phép cử hành Thánh Lễ kính Đức Mẹ Trung Gian các ơn. Anh Frank Duff nói rằng: ”Lòng sùng kính chân thật đối với Đức Mẹ Maria không thể là một tâm tình thụ động, đóng kín vào chính mình mà dửng dưng đối với tha nhân: yêu mến là hành động. Nếu chúng ta thật tình yêu mến Đức Mẹ, chúng ta phải san sẻ với Đức Mẹ về ưu tư phần rỗi các linh hồn và quyết chí ra đi tìm kiếm các linh hồn”.
Sau đó, Cha Toher giải thích về Giáo Hội như huyền thể Đức Kitô. Đây là một giáo huấn chẳng những buộc phải tin mà còn phải đem ra thực hành nữa. Mọi người chăm chú lắng nghe lời giảng và cùng có ước muốn sống thực tại ”nhiệm thể”, bất chấp mọi khó khăn cản trở.

Cuối phiên họp, toàn nhóm quyết định phân chia công tác. Họ sẽ đi từng hai người một, đến bệnh viện chính của thủ đô Dublin, để viếng thăm và nâng đỡ tinh thần cho các bệnh nhân.

“Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ” chào đời từ buổi chiều hôm ấy.

Tháng 07.1996, Đức Cha Desmond Connell, Tổng Giám Mục Dublin – sau này được tấn phong Hồng Y – đã mở án xin phong chân phước cho ông Frank Duff. Hiện tại ông được gọi là “Tôi Tớ Chúa”.

Ông Frank Duff tin rằng chúng ta có thể hoán cải thế giới. Nhưng để đạt mục tiêu, mỗi tín hữu công giáo bình thường phải trở thành một vị tông đồ. Và ông đặt hoài vọng nơi những kẻ bé nhỏ và khiêm tốn để thực hiện công tác siêu nhân này. Đối với ông, những kẻ bé mọn và khiêm tốn lại là những người có đầy sinh lực và trung tín. Họ kiên trì và không sợ gian khổ. Họ thực tế và làm việc hữu hiệu. Nhưng cần phải họp thành nhóm và hoạt động có tổ chức và nhất là phải hoạt động trong niềm hiệp thông sâu xa với Đức Mẹ Maria: chính qua Đức Mẹ Maria mà Đức Chúa Yêsu được sinh ra.

Chủ đích của phong trào “Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ” – là thánh hóa hội viên bằng cầu nguyện. Và dưới sự lãnh đạo của giáo quyền, hội viên tích cực cộng tác vào công cuộc hoạt động của Đức Mẹ Maria và của Hội Thánh.

Tinh thần của Legio Mariae là chính tinh thần của Đức Mẹ Maria. Hội viên Legio sẽ cố gắng rèn luyện cho được đức khiêm nhường sâu xa, đức vâng lời hoàn hảo và đức hiền hậu như Đức Mẹ. Hội viên Legio tập tính luôn luôn chăm chú cầu nguyện, hãm mình, giữ đức thanh khiết không tỳ vết, lòng nhẫn nhục anh dũng và tình mến Chúa vừa can đảm vừa xả thân của Đức Mẹ Maria – nhất là bắt chước đức tin của Đức Mẹ Maria, một mẫu gương tuyệt tác.

“Blue Army of our Lady of Fatima – đạo binh xanh”

Trong lịch sử Giáo Hội, đã có nhiều hội đoàn được lập ra để kính Đức Mẹ. Tại Việt Nam, chúng ta biết đến hai hội đoàn mang tên là “đạo binh” – mà thoạt nghe, chúng ta có thể liên tưởng đến lực lượng vũ trang, nhưng kỳ thực họ không phải là lực lượng quân sự – mà chỉ là các phong trào tông đồ: khí giới chiến đấu là cầu nguyện, đặc biệt là đọc kinh Mân Côi. Tuy trong tiếng Việt cả hai cụm từ đều được dịch là “đạo binh”, nhưng trong nguyên ngữ, thì một bên là “Legio Mariae – từ tiếng La-tinh – tức “Đạo binh Đức Mẹ”, còn bên kia – “Blue Army of our Lady of Fatima – là “Đạo binh xanh”. Hai hội đoàn bắt nguồn từ hai bối cảnh lịch sử và địa lý khác nhau.
“Đạo binh xanh” là một tổ chức thuần túy tôn giáo, được thành lập với mục đích truyền bá các mệnh lệnh của Đức Mẹ Fatima, và khuyến khích các Kitô hữu thuộc mọi thành phần thực thi lời Mẹ dạy: cải thiện đời sống, lần chuỗi Mân Côi, và tôn sùng Trái Tim đau khổ của Đức Mẹ – nhờ đó thế giời khỏi chiến tranh tàn phá, Trái Tim Mẹ sẽ thắng và Nước Nga sẽ trở lại.

Tháng 10 năm 1947, Linh Mục Harold V.Colgan, cha sở họ đạo Plainfield, Hoa Kỳ, bị đau nặng phải vào bệnh viện, bệnh tình hết sức nguy hiểm. Ngài khấn với Đức Mẹ: “Nếu Mẹ cho con khỏi bệnh, con sẽ hứa với Đức Mẹ dâng cả cuộc đời còn lại của con, để truyền bá những mệnh lệnh của Mẹ tại Fatima để cầu xin cho nước Nga trở lại!”

Đức Mẹ đã nhận lời Ngài cầu khần, và cho Ngài được khỏi bệnh. Giữ lời hứa, Cha đã vận động thành lập một tổ chức lấy tên là “Đạo binh xanh”. Ông John Haffert, một giáo hữu rất đạo đức và khả năng, đã cùng cộng tác đác lực với cha Harold V. Colgan, thiết lập trụ sở và một nhà nguyện tại Washington, New Jersey và lập một nhà nguyện quốc tế tại Trung Tâm Fatima.

Số hội viên xin gia nhập phong trào lúc bấy giờ rất đông – vì ai cũng có quyết tâm thực thi ba mệnh lệnh Fatima – như Đức Mẹ đã dạy cho em Lucia, Phanxico và Jacinta ở Fatima năm xưa. Điều kiện để được gia nhập tổ chức đạo binh xanh là hằng ngày phải lần một chuỗi Mân Côi năm chục, sống đạo đức gương mẫu, thánh hoá bản thân và gia đình, rước lễ liên tục năm ngày thứ bảy đầu tháng, như Đức Mẹ đã phán bảo khi hiện ra với ba thánh trẻ.

Danh xưng “Đạo binh xanh” hiện nay, đã được thay đổi gọi là: “Tông đồ Fatima”.

Vậy xin đừng hiểu lầm “đạo binh Đức Mẹ” hay “đạo binh xanh” chỉ là một hội đoàn dành cho những người già đang dọn mình vào chốn vĩnh hằng – mà trái lại mỗi người hãy sống tinh thần – và nếu có thể, hãy gia nhập “Đạo Binh Đức Mẹ” – để đọc kinh Mân Côi hàng ngày dâng kính Mẹ, để thánh hóa chính mình đồng thời góp phần nhỏ bé vào việc làm sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn – như lời kinh tuyệt vời của hội Legio Mariæ: “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đang tòng quân dưới lá cờ Đức Bà Maria, được lòng tin Chúa, lòng cậy Đức Bà đầy đủ, như vậy chắc chắn sẽ thắng thế gian. Xin ban cho chúng con đức tin mạnh mẽ, đức tin sống bởi đức mến – để chúng con có sức làm trọn mọi việc – chỉ vì mến Chúa và hằng nhìn thấy cùng hầu hạ Chúa trong mình anh em chúng con”.