Nguyễn Trọng Lưu

 

Chắc chắn là chúng ta đã nghe biết rất nhiều về các thiên thần – nhất là ba tổng lãnh thiên thần Michael, GabrielRaphael; các thiên thần bản mệnh – cũng gọi là ”thiên thần hộ thủ” – và những thiên thần khác qua các giấc báo mộng trong Cựu Ước và Tân Ước. Và có lẽ chúng ta cũng đã từng nghe đến ”chín phẩm thiên thần”. Bài này là một tìm hiểu về dấu vết của các thiên thần trong lịch sử nhân loại và về cấp bậc của các thiên thần.

Dấu vết của thiên thần thời cổ đại
Trong các tài liệu đã được ghi chép, dấu vết của các thiên thần được tìm thấy sớm nhất vào thời của đế chế Sumer cổ đại, có từ 3.000 năm trước công nguyên. Các nhà khảo cổ đã khai quật được bàn thờ của các thiên thần bản mệnh có cánh ở Iraq – nơi từng là lãnh thổ của đế chế Sumer. Cũng có một tác phẩm tiếng Hebreux được viết vào khoảng năm 300-200 trước công nguyên – đã đề cập đến vai trò của các thiên thần và đáng chú ý nhất là sự phản bội của một số các thiên thần – mà sau này đã bị đuổi khỏi thiên đàng. Các thiên thần được gọi là ”gregori” hoặc là “người theo dõi”. Các thiên thần này đã hướng dẫn nhân loại làm nông nghiệp và chế tạo ra vũ khí kim loại.

Dấu vết của các thiên thần trong các giai đoạn sau
Vào thế kỷ thứ 4 sau công nguyên, các nghệ sĩ Châu Âu bắt đầu miêu tả các thiên thần như những thực thể có cánh. Đến thế kỷ thứ 12-13, những hình họa về thiên thần đã lan rộng trong nghệ thuật và trở nên quen thuộc với con người.

Thánh Phanxicô thành Assisi – được cho là đã có lần được viếng thăm bởi một thiên thần có đôi cánh rực lửa và giữa đôi cánh đó xuất hiện hình ảnh của một người đàn ông bị đóng đinh. Nhiều sử gia đã viết rằng Thánh Teresa thành Avila đã gặp thiên thần Seraphim trong những năm tháng ngài còn tại thế vào thế kỷ 16.

Vào tháng 8 năm 1914, trong thế chiến thứ nhất, khi quân đội Anh và Pháp buộc phải rút lui khỏi chiến trường nước Đức, những người lính bị thương nói rằng họ nhìn thấy có một thiên thần luôn theo sát bên cạnh để giúp họ chiến đấu chống lại kẻ thù. Những người lính Pháp tin rằng đó là tổng lãnh thiên Thần Michael, trong khi những người lính Anh lại cho rằng đó là Thánh George. Trong các báo cáo sau đó, người Đức đã phải thừa nhận rằng tại thời điểm đó họ không thể tiến lên tấn công. Ngựa của họ sợ hãi, họ buộc phải quay đầu bỏ chạy. Vì sự kiện này, nên các thiên thần sau này được biết đến với tên ”Thiên thần của Đức Chúa”.
 

Hình ảnh các thiên thần

 ”Thiên thần” (“thiên” là trời, còn “thần” bản thể mang tính linh thiêng) – mà hai từ này ghép lại để chỉ một hữu thể linh thiêng từ trời – được tìm thấy trong nhiều tôn giáo. Từ ”thiên thần” có gốc từ tiếng Hy Lạp – ángelos”, tiếng La Tinh ”angelus” – nghĩa là ”sứ giả”. Một từ trong tiếng Do Thái có nghĩa gần nhất với ”ángelos”מלאך – mal’ach” cũng có nghĩa là “sứ giả”. Có lẽ vì vậy mà tiếng Việt có khi dịch là ”thiên thần – hữu thể thiêng liêng của trời”; có khi dịch là ”thiên sứ – sứ giả của trời”.  Ý niệm và hình ảnh về các thiên thần đã trở nên khá quen thuộc và đóng vai trò quan trọng trong nhiều tôn giáo. Hồi giáo tin rằng thiên thần sinh ra từ ánh sáng, còn trong Thiên Chúa giáo, các ngài được tạo ra từ bàn tay của Chúa.

Có nhiều cuốn sách viết về thiên thần và mối liên hệ giữa thiên thần với con người rất nổi tiếng – như cuốn ”Where Angels tread – Nơi thiên thần cất bước” và cuốn “Angels: Who they are and how they help? – Thiên thần: họ là ai và giúp được gì?” . Nội dung chủ yếu của những cuốn sách này nhắc đến các cuộc thảo luận về thiên thần trong kinh thánh, cùng với những câu chuyện cảm động có thật trong thời hiện đại. Ngoài ra, một số chương trình truyền hình được yêu thích như ”Highway to Heaven, 1984-1989, Xa lộ thiên đường”“Touched by an Angel, 1994-2003 -Chạm đến thiên thần” đã góp phần làm nổi bật vị trí của thiên thần trong văn hóa đại chúng Mỹ.

 

Cảm nghiệm về ”thiên thần” trong đời thường

Con người đã có những suy luận thần học trong nhiều thế kỷ để nghiên cứu về thiên thần, nhưng không ai biết chính xác sự tồn tại của họ bên ngoài những câu chuyện về truyền thuyết. Ngay từ thời thượng cổ, hai triết gia lớn của Hy Lạp – PlatonAristote – cũng tin rằng thiên thần tồn tại. Mới đây, một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy gần 70% người Mỹ tin vào sự hiện hữu của thiên thần. Còn trong cuốn “Paranormal America – Nước Mỹ huyền bí”, ba nhà xã hội học Christopher Bader, F. Carson MenckenJoseph Baker viết: “Thiên thần đã đi vào văn hoá đại chúng qua sách vở, chương trình truyền hình, phim ảnh, … và hơn một nửa dân số Mỹ (53%) tin rằng họ được thiên thần hộ mệnh bảo vệ.”

Cuộc điều tra tôn giáo Baylor được thực hiện vào năm 2007, cho thấy 57% người công giáo, 81% tín đồ tin lành và 10% người theo Do Thái giáo cho biết họ đã từng có trải nghiệm cá nhân với một thiên thần hộ mệnh. Ngay đến 20% số người vô thần cũng tuyên bố rằng họ đã từng gặp thiên thần.

Năm 2008, một người phụ nữ ở tiểu bang North Carolina tên là Colleen Banton cho biết thiên thần đã xuất hiện và chữa lành bệnh cho con gái cô. Theo lời kể, từ khu nhà chờ của bệnh viện, Banton nhìn thấy một quầng sáng xuất hiện bên ngoài cửa sổ và chiếu khắp cả hành lang bên ngoài căn phòng con gái cô đang nằm. Sau đó, cô bé nhanh chóng hồi phục và Banton tin rằng đó là nhờ cuộc viếng thăm của thiên thần. Một số người cũng cho biết những ánh sáng như vậy thường hay xuất hiện trong khu vực bệnh viện.

Thiên thần trong tôn giáo

Thiên thần thường xuất hiện trong nhiều hình dạng, có thể giống như con người hay có hào quang bao quanh. Đặc biệt, khi xảy ra các thiên tai, các thiên thần hay hiện ra để cứu giúp con người. Đứng trước những điều bất ngờ và tốt lành xảy ra – gần như không thể lý giải được – người ta thường nói đó là nhờ sự can thiệp của thiên thần.

Những thiên thần được biết đến nhiều nhất là của Thiên Chúa Giáo – bắt nguồn từ Kinh Thánh – với rất nhiều chức danh, chẳng hạn như ”Tổng Lãnh Thiên Thần – Ærkeengle””Thiên Thần tối cao – Seraphim”.

Trong Kitô giáo và Hồi giáo, thiên thần chủ yếu đóng vai trò sứ giả của Thiên Chúa. Từ “thiên thần” hay được dùng để mô tả các vị anh hùng hay ân nhân. Mặc dù các thiên thần, về bản chất là để phục vụ Thiên Chúa, nhưng nếu Thiên Chúa muốn và cho phép, thì các thiên thần cũng trực tiếp phục vụ nhân loại. Chính vì thế, chúng ta mới thấy thiên thần cũng đảm trách nhiều nhiệm vụ khác, từ chữa bệnh cho con người đến tìm ra những điểm yếu để giúp họ đánh bại kẻ thù và giành chiến thắng.

Là những thực thể siêu nhiên, thiên sứ có thể mang hình dạng loài người để thích ứng với sứ mạng thực thi. Thiên sứ có thể cầm gươm trần hoặc các loại vũ khí khác (Dân số 22, 23; Joshua 5. 13; Ezekiel 9. 2). Có một thiên sứ đến thi hành sự trừng phạt – được đề cập ở sách Sử ký cuốn 1, 21. 16,30: “David ngước mắt lên, thấy thiên sứ của Chúa đứng giữa lưng trời, tay cầm gươm đưa ra trên Yêrusalem”. Sách Daniel có nhắc đến một thiên sứ “mặc áo vải gai, chung quanh lưng thắt đai bằng vàng ròng, mình người như bích ngọc; mặt người như chớp sáng, mắt như đuốc cháy; tay và chân như đồng đánh bóng, và tiếng nói như tiếng đám đông” (Daniel 10. 5,6). Hình tượng này của thiên sứ tương tự như sự miêu tả dành cho Chúa Yêsu trong sách Khải Huyền. Người ta thường tin rằng thiên sứ có cánh: “Gabriel, người mà ta đã thấy trong sự hiện thấy đầu tiên, được sai bay mau đến gặp ta độ lúc dâng lễ chiều hôm” (Daniel 9. 21) và thường có vầng hào quang.

Thiên sứ thường được tin là có quyền năng và đáng sợ, khôn ngoan và thấu suốt mọi điều trên đất, sáng suốt trong phán đoán, thánh khiết mặc dù là không phải không thể sa ngã. (Thánh vịnh 103. 20; 2. Samuel 14. 17, 20; 19. 27; Zakaria 14. 5; Job 4. 18; 25. 2).

Trong Tân Ước thiên sứ thường xuất hiện như là những sứ giả đem mặc khải đến từ Thiên Chúa như khi hiện đến cho Đức Maria, cho Thánh Yuse, cho Chúa Yêsu, cho, cho Thánh Phêrô. Đức Yêsu cũng nói về các thiên sứ thi hành nhiệm vụ trong Tin Mừng Marcô 8.38 và 13.27.

Cấp bậc của các thiên thần

Tân Ước không nói nhiều về thứ bậc của thiên sứ, nhưng có những ám chỉ về điều này: các thiên sứ như Gabriel, Michael và các thiên sứ của Bảy Hội thánh vùng Tiểu Á đã được mô tả trong sách Khải Huyền 1-3. Đây là những thiên sứ bảo vệ, đại diện cho các hội thánh cũng giống như các thiên sứ trong sách Daniel đại diện cho các dân tộc.

Sứ thần Gabriel đã hiện ra cho Đức Mẹ Maria, loan báo việc Mẹ sẽ thụ thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần và người con mẹ sinh ra là Đấng Cứu thế. Các thiên thần khác cũng hiện ra để báo tin về việc ra đời của hài nhi Yêsu. Trong Matthêu 28,2 – một thiên sứ hiện ra tại mộ của Chúa Yêsu, làm lính gác La Mã kinh khiếp, lăn tảng đá ở cửa mộ: “Và này, đất rúng động dữ dội, vì có thiên sứ của Chúa ở trên trời xuống, đến lăn hòn đá mà ngồi ở trên” – và bảo cho những phụ nữ đến thăm mộ biết về việc Chúa Yêsu phục sinh. Trong Marcô 16,5, khi các phụ nữ này vào bên trong ngôi mộ trống họ thấy một thiên sứ được miêu tả như là “một người trẻ tuổi”, còn trong Luca 24.4, có hai thiên sứ hiện ra khi những phụ nữ này đã vào bên trong ngôi mộ: ở đây các thiên sứ được miêu tả mặc áo “sáng như chớp”.

Khi Chúa Yêsu về trời, có hai thiên sứ hiện ra và báo rằng Ngài sẽ trở lại (CvTđ. 1. 10-11). Khi Phêrô bị bắt giam, một thiên sứ khiến lính gác ngủ mê, giải thoát ông khỏi xiềng xích và đưa ông ra khỏi nhà giam (CvTđ. 12. 7-8). Trong sách Khải Huyền, các thiên sứ thi hành nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có việc chầu quanh Ngai Thiên Chúa và ca hát chúc tụng: “Thánh thay! Thánh thay! Thánh thay!”.

Các thiên sứ thường hay xuất hiện trong hình dạng loài người – mặc dù các nhà thần học cho rằng thiên sứ không có thân xác – nhưng có thể hoá thân. Thiên thần Seraphim được miêu tả trong Kinh Thánh là có sáu cánh toả sáng từ bên trong. Từ cuối thế kỷ thứ 4, người ta hình dung các thiên sứ xuất hiện với đôi cánh: đó là cách giải thích dễ hiểu cho khả năng di chuyển của thiên sứ đến từ thiên đàng.

Ngay từ thời trung cổ, các tư tưởng tôn giáo thường chịu ảnh hưởng bởi tác phẩm ”Celestial hierachy – Phẩm trật các thiên thể” của một tác giả ẩn danh vào thế kỷ thứ 5, viết dựa theo ý tưởng của Dionysius the Areopagite. Người công giáo vẫn luôn tin rằng mỗi người đều có một thiên thần bản mệnh – hay thiên thần hộ thủ – bảo vệ cho mỗi người ngay khi vừa chào đời.

 Quan điểm Thiên Chúa giáo về đời sau tin rằng linh hồn của những người công chính sau khi chết sẽ được lên thiên đàng và được biến hóa trở nên giống các thiên sứ. Thánh Luca ghi lại lời của Chúa Yêsu miêu tả người được cứu rỗi sau khi phục sinh sẽ trở nên giống như thiên sứ: “…song những người đã được kể đáng dự phần đời sau và đáng từ kẻ chết sống lại, thì không lấy vợ gả chồng. Bởi vì họ sẽ không chết được nữa, vì giống như các thiên sứ, và là con của Thiên Chúa, tức là con của sự phục sinh.” (Luca 20. 35-36). Thánh Phao-lô cũng đề cập đến sự hoá thân này, “Này là sự mầu nhiệm tôi tỏ cho anh em: chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến hóa.”

(1.Cor. 15,51).

 

Chín phẩm thiên thần

 Chúng ta biết gì về các thiên thần? Kinh Thánh cho biết: “Thiên Chúa truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Tv. 91. 11-12) Các thiên thần thuộc cao cấp hơn con người, là các sứ giả của Thiên Chúa và luôn bảo vệ con người. Từ sách Sáng Thế tới sách Khải Huyền, chúng ta thấy có 250 lần nói đến các thiên thần.

Kinh Thánh cũng cho biết thiên thần ở khắp nơi: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết.” (Do Thái, 13,2) Mặc dù các thiên thần được đề cập nhiều lần trong Kinh Thánh và luôn ở xung quanh chúng ta, vẫn có nhiều huyền thoại về các thiên thần và không được nói tới trong Kinh Thánh.

Kinh Thánh không có đoạn riêng nào đề cập đến ”chín phẩm thiên thần”, nhưng có những phần nói tới phẩm trật thiên thần. Pseudo-Dionysis, triết gia Kitô giáo cuối thế kỷ 5 – trong cuốn “De Cœlesti Hierarchia” – đã trích những đoạn trong Tân Ước và các nguồn khác để trình bày phẩm trật thiên thần. Các thiên thần được chia thành ba cấp và chín phẩm. Trong ba cấp, mỗi cấp có ba phẩm: cấp một, gồm ”Seraphim – Luyến Thần”; ”Cherubim – Minh Thần” và ”Bệ Thần” hay Ngai Thần”; cấp 2 gồm ”Quản Thần”, ”Dũng Thần” và ”Quyền Thần” và cấp ba gồm ”Lãnh Thần”, ”Tổng Thần” và ”Thiên Thần”.

  1. ”Seraphim”: Cao nhất trong chín phẩm thiên thần là ”Seraphim – Luyến Thần”. Các thiên thần đặc biệt này luôn chầu trước Ngai Thiên Chúa, được đề cập trong Is 6, 1-7. Các thiên thần này luôn chúc tụng Thiên Chúa: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!”. Điều thú vị là thiên thần Seraphim có 6 cánh: 2 cách che mặt, 2 cánh che chân, và 2 cánh để bay.

  1. ”Cherubim”: Tiếp theo sau thần Seraphim là ”Cherubim – Minh Thần”, cao thứ nhì trong chín phẩm thiên thần. Các thiên thần này nhìn giống con người về bề ngoài, có hai cánh và bảo vệ vinh quang Thiên Chúa. Trong Tân Ước, các thiên thần này thường được gọi là những người trời, được đề cập trong sách Khải Huyền chương 4-6.

  1. ”Bệ thần”: Các ”Bệ Thần hay Ngai Thần” là phẩm trật thiên thần được Thánh Phaolô đề cập: “Vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người.”(Col. 1,16) Bệ Thần là các thiên thần của sự khiêm nhường, sự bình an và sự phục tùng. Nếu các thiên thần phẩm trật dưới cần đến gần Thiên Chúa thì phải qua các Bệ Thần.

  1. ”Quản thần”: Các Quản Thần giữ cho thế giới đúng trật tự, đem công lý của Thiên Chúa tới những nơi bất công, bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa với con người, và giúp các thiên thần cấp dưới thi hành nhiệm vụ hiệu quả.

  1. ”Dũng thần”: Các Dũng Thần kiểm soát việc vận hành của vũ trụ – mà vì vậy các ”dũng thần” còn được gọi là “thần chiếu sáng.” Ngoài tư cách là ”thần chuyển động”, các Dũng Thần cũng giúp điều khiển thiên nhiên, các phép lạ, khuyến khích con người giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa.

  1. ”Quyền thần”: Các Quyền Thần được coi là ”Thiên Thần Chiến Binh” vì các ngài chiến thắng sự dữ, không phải chỉ trong vũ trụ mà nơi cả con người nữa. Được gọi là ”Quyền Thần” vì các ngài ngăn cản sức mạnh của ma quỷ và có quyền trên chúng. Các ”Quyền Thần” cũng giúp con người đấu tranh với các đam mê và tật xấu để từ bỏ những điều quỷ ma xúi giục.

  1. ”Lãnh thần”: Các Lãnh Thần có quyền trên các thiên thần cấp dưới và điều khiển các thiên thần này, giúp hoàn thành mệnh lệnh của Thiên Chúa. Các Lãnh Thần còn được gọi là ”Hoàng thân” hoặc ”Người cai trị” vì các ngài trực tiếp theo dõi các nhóm lớn và các tổ chức, kể cả các quốc gia và Giáo Hội, đồng thời bảo đảm việc hoàn thành thiên ý. Các thiên thần này đầy khôn ngoan và quyền lực nhưng ở cách xa Thiên Chúa nhất trong các phẩm trật thiên thần – để các ngài có thể mau giao tiếp với con người bằng những cách con người dễ đón nhận được.

  1. ”Tổng thần” – hay ”Tổng Lãnh Thiên Thần” mệnh danh là ”Sứ Giả Tin Mừng” vì các ngài được Thiên Chúa sai loan báo các sứ điệp quan trọng cho loài người. Tổng lãnh thiên thần Michael là người truyền hứng của Thiên Chúa cho Thánh Yoan về những mặc khải ghi trong sách Khải Huyền. Ngài là người bảo vệ Giáo Hội, canh giữ Giáo Hội khỏi ma quỷ. Tổng lãnh thiên thần Michael được biết nhiều với vai trò trục xuất Luciphe khỏi Thiên Đàng. Ngài cũng được đề cập trong sách Daniel và giúp Daniel hoàn thành sứ vụ trên thế gian. Còn Tổng lãnh thiên thần Gabriel hiện ra với ông Zacaria và Đức Maria, trao sứ điệp nhập thể và nhập thế của Thiên Chúa. Tổng lãnh thiên thần Raphael được đề cập trong sách Tobia, chữa lành mắt cho ông và giải thoát bà Sara khỏi ma quỷ. 

  1. Thiên thần: Các thiên thần gần nhất với con người và thế giới chúng ta. Các ngài chuyển lời cầu của chúng ta lên Thiên Chúa và chuyển sứ điệp của Chúa xuống cho con người. Một trong các đặc tính của các thiên thần là rất quan tâm và mau mắn trợ giúp những người cầu xin nâng đỡ. Thiên Chúa đã tạo dựng các thiên thần, Ngài cũng hứa với chúng ta rằng các thiên thần hằng ở bên chúng ta khi đối mặt với bão tố cuộc đời.

Hãy kết thúc bài tìm hiểu về các Thiên Thần này với kinh cầu xin Thiên Thần bản mệnh:

”Con thân Đức Thánh Thiên Thần, tính thiêng liêng sáng láng, con cám ơn Đức Thánh Thiên Thần giữ con từ thuở mới sinh đến nay – cho khỏi tay quỷ. Đức Thánh Thiên Thần là thầy con, mở lòng cho con biết được đạo thánh Chúa trời đất. Vì vậy con cầu cùng Đức Thánh Thiên Thần – giữ con ban ngày, xem con ban đêm, cho đến trọn đời, kẻo ma quỷ dữ cám dỗ được con. Con lạy Đức Thánh Thiên Thần – khấn nguyện cho con thông minh sáng láng, giữ mười sự răn, chừa mọi sự dữ, đến khi con lâm chung, xin cùng Đức Chúa Trời cho linh hồn con được lên ở cùng Đức Chúa Trời và Thánh Thiên Thần hằng sống vui vẻ đời đời chẳng cùng. Amen.”