Nguyễn Trọng Lưu

 

Chắc là nhiều người trong chúng ta đã có dịp du lịch Luân Đôn, Anh – và đã xem những trình chiếu trên Tivi – nhiều thánh lễ theo lễ nghi Anh Giáo vào những dịp quan trọng của hoàng gia Anh. Nhưng có thể chúng ta chưa hiểu rõ về ”Anh giáo”.

Lịch sử

Danh xưng ”Anh giáo” có nghĩa là “giáo hội của nước Anh” – nhưng Anh giáo vẫn hiện diện ở khắp năm châu – đặc biệt trong các nước thuộc địa của Anh và là các nơi mà những nhà truyền giáo nói tiếng Anh đặt chân tới.

Giáo hội Anh giáo- lúc khởi đầu cũng thuộc về Giáo Hội được lưu truyền từ các tông đồ. Nhưng vào năm 1536 – khi vua Henry 8, là vua thứ hai thuộc nhà Tudor, kế vị phụ vương Henry 7, đã làm vua nước Anh từ ngày 21.04.1509 – vì không được phép ly dị với hoàng hậu Catherine thành Aragon để lấy người khác – nên đức vua giận dữ với Đức Thánh Cha, và đã lập thành Anh giáo. Ngoài sáu cuộc hôn nhân, Henry 8 còn nổi tiếng vì đã giải thể các tu viện công giáo và nhà vua đảm nhận vị trí lãnh đạo tối cao của giáo hội Anh giáo – hoàn toàn tách rời khỏi giáo Hội Roma. Tuy nhiên, Henry vẫn duy trì niềm tin vào giáo lý công giáo, ngay cả sau khi ông bị vạ tuyệt thông.

Phong trào cải cách của Anh giáo

Trước hết, các nhà cải cách Anh giáo nhìn nhận mỗi giáo hội tại mỗi quốc gia được độc lập và lệ thuộc vào luật dân sự. Hoàng gia Anh là ”vị cầm đầu tối cao của Giáo hội” và giáo hội phủ nhận quyền bính của Đức Giáo Hoàng. Giáo hội Anh giáo tự trị về mọi hình thức phụng tự. Đức Tổng Giám Mục thành Canterbury, là giáo chủ cai quản – như vị cầm đầu giữa các vị giám mục có quyền ngang hành với ngài trong các giáo hội địa phương, nên vai trò của giáo chủ Canterbury không giống như vai trò của Đức Thánh Cha, mà chỉ tương tự như ”Thượng Phụ” trong Giáo Hội Đông Phương.

Và là dù một giáo hội đã cải cách, nhưng vẫn giữ một sự liên tục từ các thánh tông đồ, nên giáo hội vẫn tin vào một kinh thánh, một kinh tin kính – và tin có ba thánh chức là giám mục, linh mục và phó tế; tin vào bí tích Thanh Tẩy và Thánh Thể. Các bí tích là những dấu chỉ hiển hiện giúp người tín hữu hiểu được sự tác động vô hình nhưng rất thực của Thiên Chúa. Chỉ những điều nào nghịch với Thánh Kinh thì bị giáo hội Anh giáo khước từ. Giáo hội Anh giáo xưa được cải tổ thành Anh giáo nhưng vẫn tự hào là công giáo tông truyền.

Theo thống kê năm 2019, thì hiện Anh giáo có khoảng 85 triệu tín đồ chia thành 44 miền và có mặt tại 160 quốc gia trên thế giới.

 

Những khác biệt giữa Công giáo và Anh giáo

Ở đây chúng ta đề ta một số những điểm khác biệt về thần học của hai giáo hội. Trong thế kỷ 20, hai giáo hội cũng đưa ra những qui định khác nhau đặc biệt về vấn đề liên quan tới đời sống luân lý.

Giáo Hội công giáo tin có luyện ngục để được thanh tẩy sau khi chết, còn Anh giáo thì không.

Giáo Hội công giáo tin rằng bánh và rượu sau khi được truyền phép trở thành Mình Máu Chúa thật trong Thánh Thể, còn Anh giáo thì không.

Giáo Hội công giáo tin tưởng Đức Thánh Cha có quyền trên toàn Giáo hội, còn Đức Tổng Giám Mục Canterbury cho rằng ngài không có quyền tối thượng phổ cập cho toàn giáo hội.

Chỉ có Giáo Hội Công giáo tin vào ơn bất khả ngộ của Đức Thánh Cha. Ngài không sai lầm khi giảng dậy nhân danh quyền kế vị và tuyên phán từ ngai tòa thánh Phêrô trong lãnh vực đức tin và luân lý.

Đức Thánh Cha có quyền tối cao trong giáo hội công giáo Roma – còn trong Anh giáo thì những quyết định cần có sự đồng thuận của tín hữu, của giáo sĩ và các giám mục.

Anh giáo không tin vào tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội. Họ cũng không nhận là Đức Mẹ được đưa về trời cả hồn lẫn xác. Họ cũng không tin sự đồng công cứu chuộc của Đức Mẹ với Chúa Giêsu.

Trong công giáo, phụ nữ không được quyền làm linh mục. Đức Thánh Cha đã khẳng quyết về điều này và không còn bàn cãi nữa. Trái lại vào năm 2003, Anh giáo đã truyền chức cho hai linh mục nữ giới ở Hồng Kông và một trong hai vị đã được tấn phong giám mục. Sau đó nhiều giáo hội Anh giáo khác cũng đã truyền chức cho nữ giới.

Một số giáo hội Anh giáo đã chấp nhận cho nữ giới được tấn phong làm giám mục.

Giáo Hội công giáo không cho phép ly dị và tái hôn; nhưng Anh giáo thì được phép.

Trong công giáo, việc ngừa thai nhân tạo bị cấm, mặc dầu nhiều người xử dụng phương pháp này. Với Anh giáo thì đây là vấn đề riêng tư cá nhân chứ không còn là vấn đề của tôn giáo nữa.

Giáo Hội công giáo cấm phá thai còn Anh giáo thì cho với điều kiện.

Năm 2001, giáo phận tân Westminster, ở Columbia thuộc giáo hội Anh giáo Canada bầu phiếu tán đồng cho phép làm đám cuới cho những người đồng tính luyến ái. Và tháng 1.2003, Rowan Williams được bầu làm Tổng Giám Mục Canterbury, Ngài ủng hộ việc bình đẳng cho phép lập gia đình khác phái cũng như cùng phái. Cũng năm 2003, đại hội của giáo hội Episcopal ở Hoa kỳ tấn phong giám mục cho Gene Robinson làm Giám Mục giáo phận New Hampshire. Vị giám mục này đã ly dị vợ và hiện nay sống đồng tính luyến ái với một người đàn ông khác.

Image may contain: 3 people, indoor

Chức Linh Mục của Anh Giáo và Bí Tích Thánh Thể

Vấn nạn chính trong tiến trình tìm về hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo của khối Anh giáo mà ngày nay chúng ta nghe nhiều là câu hỏi về bí tích truyền chức thánh mà các giám mục và linh mục Anh giáo hiện đang có và đang thi hành chức vụ.

Thật ra, trọng tâm không phải là bí tích truyền chức thánh nhưng là bí tích Thánh Thể. Theo giáo lý Công Giáo, bí tích thánh thể trong thánh lễ – là trung tâm đời sống linh đạo của mọi Kitô hữu, và là điều kiện để nhận ra sự hiện diện của giáo hội. Nghĩa là, bí tích thánh thể sản sinh ra giáo hội, và giáo hội tiếp tục bảo trì qua việc cử hành bí tích thánh thể để giáo hội trường tồn.

Qua linh mục, thánh thể được tiếp tục hiện diện giữa con người. Vì thế, bí tích truyền chức thánh trở nên cần thiết. Với bí tích truyền chức, giáo hội công bố sự bảo đảm tính truyền thống được Chúa Yêsu thiết lập nhằm tiếp tục duy trì và làm sống động việc Chúa hiện diện cách cụ thể ở trần gian qua bí tích thánh thể. Hơn nữa, sự bảo đảm tính tông truyền trong tiến trình truyền chức thánh là điều cần thiết để giáo hội là công giáo.

Câu hỏi đặt ra là: nếu những giám mục tách ra khỏi giáo hội công giáo và không được truyền chức một cách hợp lệ – nghĩa là họ không thực sự là những giám mục dưới cái nhìn của giáo hội công giáo. Vậy khi họ phong chức cho các linh mục, liệu những linh mục này có là những linh mục thực sự hay không? Và nếu không là linh mục thực sự, làm sao có thể có thánh lễ  và qua đó, có bí tích thánh thể  thực sự được?

Nói cách khác, nếu một số các giám mục Anh giáo không là những giám mục thực sự, không chia sẻ chức Giám Mục tông truyền trong Giáo Hội, vậy những linh mục được họ phong chức cũng không là những linh mục thực sự. Vì thế, các thánh lễ do các linh mục này dâng cũng không là những Thánh Lễ thực sự.

 

Giáo lý Công Giáo số 1400 dạy: Các cộng đoàn giáo hội phát sinh từ cuộc Cải Cách, đã ly khai khỏi Giáo Hội Công giáo “không còn giữ được bản chất đích thực và nguyên vẹn của mầu nhiệm Thánh Thể, chủ yếu là vì thiếu bí tích Truyền Chức Thánh”. Vì lý do này, Giáo hội Công giáo không thể cùng với họ cử hành bí tích Thánh Thể được. Nhưng khi các cộng đoàn này “tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa trong Tiệc Thánh, họ đã tuyên xưng rằng sự sống chỉ có nghĩa nhờ hiệp thông với Chúa Ki-tô và họ mong đợi ngày trở lại vinh quang của Người.”

Vì bí tích thánh thể liên quan trực tiếp đến bí tích truyền chức, nên Giáo Hội Công Giáo đã cẩn thận suy xét quá trình hiệp nhất dựa trên bí tích truyền chức.

 

Giáo Huấn của Giáo Hội Công Giáo và Chức Linh Mục Anh Giáo

Chúng ta có thể bắt đầu bằng lời phán quyết của Đức Giáo Hoàng Leo 13: “chức thánh của Anh giáo là vô hiệu”.

Năm 1894 môt số những nhà lãnh đạo Anh giáo liên lạc với giáo hội Pháp và nói đến việc hợp tác chuyên môn trong nhiều lãnh vực thần học và thánh kinh, và những vị đại diện này cũng lên tiếng là Toà Thánh Roma đã đối xử thiên vị với Anh giáo khi nói đến chức năng giám mục và linh mục không được giáo hội Công Giáo công nhận. Một số các giám mục Pháp đã tường trình lên Toà Thánh ý kiến này, và Đức Giáo Hoàng Leo 13 đã cho mở cuộc điều tra.

Một ủy ban gồm tám người dưới quyền Đức Hồng Y Mazzella đã nghiên cứu lịch sử và những điều kiện liên quan đến vấn đề chức thánh. Sau sáu tuần, ủy ban đã đệ trình lên cho đức giáo hoàng Leo 13 kết quả điều tra. Dựa vào kết quả điều tra và với ý kiến đồng nhất của tám thành viên, Đức Giáo Hoàng Leo 13 đã đi đến quyết định – qua Sắc Chỉ Apostolicae Curae được công bố ngày 18.09.1896 – trong đó Ngài phán quyết: “Chức thánh của Anh giáo vô hiệu.”

Từ sau phán quyết của Đức Giáo Hoàng Leo 13, Giáo Hội Công Giáo luôn thi hành nguyên tắc là nếu một linh mục Anh giáo nào muốn gia nhập giáo hội Công Giáo, họ phải được Phong Chức Thánh lại  – vì Giáo Hội Công Giáo không công nhận chức linh mục Anh giáo.

Image may contain: 1 person

Lý Do Chức Thánh Anh Giáo Không Được Công Nhận

Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu và phán quyết của giáo hội về Chức Thánh trong các giáo phái Tin Lành trước khi nói đến Anh giáo.

Theo tín lý của giáo hội, giám mục là người kế vị các tông đồ của Chúa Giêsu, và là người duy nhất có thể Truyền Chức cho các giám mục hay linh mục khác. Vì thế, việc bảo đảm một giám mục trong truyền thống các Tông Đồ (tông truyền) là điều tối cần thiết để đánh giá một giám mục hay linh mục nhận Chức Thánh có hiệu lực hay không. Nghĩa là, nếu một giám mục được phong chức thành sự và có hiệu lực, Ngài là giám mục của giáo hội (không nhất thiết phải là giáo hội Công Giáo, nhưng là một giám mục của giáo hội Chúa Kitô). Vì thế, Ngài duy trì tính Tông Truyền và những yếu tố căn bản tín lý được Chúa Giêsu thiết lập.

Ví dụ, các giám mục của Chính Thống giáo là những những giám mục thực sự, dù các Ngài không tùng phục đức giáo hoàng, vì giáo hội Chính Thống tách rời khỏi giáo hội Công Giáo từ 1054. Nhưng trước khi tách rời khỏi Công Giáo, những giám mục này thực sự được phong chức có hiệu lực, vì thế, các Ngài tiếp tục phong chức cho những giám mục của giáo hội các Ngài, và những giám mục mới này vẫn được coi là có hiệu lực và thành sự – hay nói đơn giản là giám mục thực sự.

Theo cách thức đó, các giám mục Chính Thống vẫn tiếp tục truyền thống các Tông Đồ. Do dó, những linh mục Chính Thống được phong chức là những linh mục hiệu lực và thành sự. Vì thế, những thánh lễ các do các linh mục Chính Thống dâng là những thánh lễ thực sự. Vì lý do này, những linh mục Chính Thống khi hiệp nhất với giáo hội Công Giáo không cần được phong chức lại.

Trường hợp của Anh giáo thì không hoàn toàn như vậy. Khi ly khai với giáo hội Công Giáo (mà nguyên nhân là chính trị hơn là tín lý), Anh giáo thời kỳ đó vẫn có những giám mục thực sự của giáo hội, nghĩa là những vị này được phong chức có hiệu lực và thành sự. Vì thế, nếu các ngài phong chức cho một giám mục khác, vị giám mục đó cũng là một giám mục có hiệu lực.

Trong thời kỳ đầu của Anh giáo, khi vua Henry 8 còn sống, tổng giám mục Canterburry là Thomas Cranmer (người được Henry 8 chỉ định) vẫn giữ nguyên những công thức trong nghi lễ của các phụng vụ và phong chức của giáo hội Công Giáo, dù ông là người ủng hộ chủ trương của giáo phái Luther và Calvin, và tán đồng viêc thay đổi những tín lý của giáo hội Công Giáo cho thích hợp với hoàn cảnh nước Anh.

Hai yếu tố chính làm cho Chức Thánh của Anh giáo bị đặt nghi vấn là: công thức dùng để phong chức giáo hội và linh mục được thay đổi, và có giám mục đã được phong chức không đúng theo những tiêu chuẩn của giáo hội Công Giáo.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhất là từ sau công đồng Vatican 2, khi có nhiều người Anh giáo muốn trở về với giáo hội Công Giáo, nhiều sử gia, nhiều thần học gia Công Giáo và Anh giáo, và nhiều giám mục Công Giáo cũng đã lên tiếng về việc xét lại quyết định “vô hiệu” của chức thánh Anh giáo.

Giáo hội Công Giáo Roma luôn trân trọng truyền thống sống đạo của Anh giáo, và vui mừng đón nhận những thành viên muốn tìm về hiệp nhất với giáo hội Công Giáo Roma. Tuy nhiên, vì lịch sử đã chứng minh là Chức Thánh của Anh giáo không thực sự tiếp tục truyền thống của giáo hội từ thời các Tông Đồ qua nhưng cố tình thay đổi nghi thức Truyền Chức, giáo hội Công Giáo Roma đã không công nhận chức giám mục và linh mục của Anh giáo.

Dù vậy, giáo hội Công Giáo luôn tạo điều kiện dễ dàng để những linh mục Anh giáo, sau khi hiệp nhất với giáo hội Công Giáo Roma, nếu muốn tiếp tục thi hành chức vụ linh mục, cũng được giúp đỡ để tiếp tục mục vụ cho những người tín hữu Anh giáo gia nhập giáo hội Công Giáo.