Ngay từ lúc 5-6 tuổi, ở Đàlạt trong khí trời lành lạnh, tối nào cũng vậy, ba tôi bế tôi ngồi trong lòng dạy tôi lần hạt và đọc kinh cầu Đức Bà. Và mỗi khi trong giáo xứ hay trong gia đình có người thân qua đời, thì lại phải đọc ”kinh cầu chữ” – tức kinh cầu Đức Bà bằng chữ Hán – trong đó có một câu tôi thuộc và thích nhất: ”Thượng thiên chi môn”, nghĩa là ”Đức Bà là cửa thiên đàng” – mà mãi cho tới bây giờ tôi mới cảm nghiệm được phần nào ý nghĩa sâu xa thầm kín của lời tụng ca đó, nhất là từ sau khi được đi hành hương Thánh Địa.

“THƯỢNG THIÊN CHI MÔN”

 

Nguyễn Trọng Lưu

 

Ngay từ lúc 5-6 tuổi, ở Đàlạt trong khí trời lành lạnh, tối nào cũng vậy, ba tôi bế tôi ngồi trong lòng dạy tôi lần hạt và đọc kinh cầu Đức Bà. Và mỗi khi trong giáo xứ hay trong gia đình có người thân qua đời, thì lại phải đọc ”kinh cầu chữ” – tức kinh cầu Đức Bà bằng chữ Hán – trong đó có một câu tôi thuộc và thích nhất: ”Thượng thiên chi môn”, nghĩa là ”Đức Bà là cửa thiên đàng” – mà mãi cho tới bây giờ tôi mới cảm nghiệm được phần nào ý nghĩa sâu xa thầm kín của lời tụng ca đó, nhất là từ sau khi được đi hành hương Thánh Địa.

Tháng 10 năm 2000, dưới sự huớng dẫn của Linh Mục P. Nguyễn Chí Thiết từ Saint-Germain-en-Laye, Pháp, tôi đã tổ chức 8 ngày hành hương thánh địa, với sự tham dự của 52 anh chị em công giáo việt nam rải rác khắp trong Đan Mạch.  Mỗi tối, trước khi đi ngủ, chúng tôi ngồi lại đọc kinh và chia sẻ cho nhau những cảm nghiệm đặc biệt trong ngày. Có những người bị đánh động khi đến ”Bức tường than khóc”, ”Núi Tabor nơi Chúa hiển dung”, ”Phòng tiệc ly” hoặc nơi ”Chúa lên trời”. Còn tôi, điều mà tôi cảm nghiệm sâu xa nhất, mạnh mẽ nhất, vẫn còn kéo dài tới bây giờ, đó là cảm nghiệm về việc sứ Thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ, mà tôi hay gọi là ”cảm nghiệm về việc trời xuống gặp đất”.

Trải qua những tháng năm trong cuộc đời, tôi lại càng xác tín hơn nữa về ý nghĩa của việc trời đất gặp nhau này – về khoảng cách giữa ”thần””nhân”– mà tôi đã từng chia sẻ trong bài ”Thiện căn ở tại lòng ta” và bài ”Cây rừng còn xanh lá”(www.cdcgvn.dk) – bởi nếu ”thần”không ”khai ngộ” cho ”nhân”, thì ”nhân” sẽ bị hụt hẫng triền miên trong ngõ cụt. Việc”khai ngộ” đó được Đức Chúa thực hiện qua ơn mạc khải, được hoàn thành trong Đức Yêsu nhập-thể-và-nhập-thế, mà khởi điểm là việc truyền tin cho Đức Maria.

”Nhà cửa”

Để hiểu sâu xa hơn về ”Thượng thiên chi môn”, có lẽ chúng ta hãy dừng lại một vài phút để suy nghĩ một cách khái quát về ý niệm ”nhà cửa”.

Không gian không phải là một thực tại khách quan vô ngã, nhưng thiết yếu gắn liền với những dự định của con người. Đó là một không gian sống, vì chứa đựng những cái nhìn và tình cảm của con người đối với ngoại giới mà tiêu biểu nhất, gần kề bên chúng ta nhất là cái nhà. Mà khi nói đến nhà, chúng ta thế nào cũng liên tưởng đến cửa – mà có lẽ là vì vậy mà tiếng Việt chúng ta mới luôn nói cặp đôi ”nhà cửa”.

Ý niệm ”nhà” bao hàm sự ”che đậy””bảo vệ”: che đậy ở trên và bảo vệ chung quanh. Còn ”cửa”là lối để vào trong nhà, là đường chúng ta mời đón những người thân quen đi vào ”nhà”, vào trong ”tổ ấm”. ”Tổ ấm” vì chính dưới mái nhà thân yêu, chúng ta được chào đời, được lớn lên trong tình yêu cha mẹ, anh chị em ruột thịt. Mà tình yêu gia đình là gì nếu không phải là những gắn bó, ràng buộc linh thiêng, những lưu luyến, nhớ thương lúc nào cũng bắt con người quay về với tổ ấm đó? Ra đi khỏi nhà, lúc nào chúng ta cũng mang theo những hình ảnh quen thuộc, những cảm mến tạo thành chúng ta, và lúc nào chúng ta cũng mong muốn được trở về nhà, xum họp trong ”tổ ấm” đó. Đó là thứ cảm nghiệm tâm lý thường được gọi là ”nostalgie” – tạm dịch là ”niềm nhớ quê nhà”.

Nếu chúng ta phóng chiếu những suy tư khái quát về “nhà cửa” này vào đời sống kitô hữu, chúng ta sẽ thấy có một điểm tương đồng nào đó. Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa – tức từ Cha ở cõi ”thượng thiên” hay thiên đàng – và cho dù có sống trong đời thường này, chúng ta vẫn thuộc về một ”kinh thành khác”, có nghĩa là  lúc nào chúng ta cũng mong muốn trở về ”thượng thiên”. Đó cũng chính là ý nghĩa tuyệt vời mà Thánh Augustinô đã viết trong cuốn”Confessions”:”Ngài đã tạo dựng nên chúng con để hướng về Ngài, nên tâm hồn chúng con không thể nghỉ yên cho đến khi được yên nghỉ trong Ngài”.

 

Thế nên, vấn đề là chúng ta phải tìm ra ”môn”để vào ”thượng thiên”.

 Cửa duy nhất

Người đầu tiên nói đến ”môn”của ”thượng thiên”, chính là Đức Kitô.  Câu nói ”Ta là cửa đoàn chiên” của Đức Yêsu trong Yoan 10, 7 và 9 làm cho chúng ta thấy rằng không có cửa vào nuớc trời nào khác ngoài Đức Kitô. Mà ”môn”đó, trong Tin Mừng Luca, Chúa gọi là ”cửa hẹp”, chúng ta cần phải nỗ lực “chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13, 24). “Cửa hẹp” Đức Yêsu nói ở đây không phải là cánh cửa hạn giới trong không gian chúng ta đang sống, nhưng là “cửa hẹp”của cách sống của người kitô hữu, đang sống trong thế giới này nhưng lại là ”công dân của một kinh thành khác”, đã được Thánh Phaolô dạy bảo qua Êphêsô 5, 8-9 và qua thơ thứ nhất gởi giáo đoàn Corintô 15, 16-20 – mà chúng ta mới suy niệm trong lễ Phục Sinh vừa qua.

 

”Cửa hẹp” này cũng đã được Đức Yêsu trình bày một cách khác khi nói chuyện với Nicôđêmô, một đầu mục nguời Do Thái “Nếu không được tái sinh bởi nước và Thần Khí, thì thể nào vào nước Thiên Chúa được” (Yn 3, 5). Giá trị của lời giảng dạy về ”cửa hẹp” này là một giá trị tự tại và tuyệt đối bởi ”không ai đã lên trời, trừ Đấng tự trời mà xuống, là Con Người, Đấng ở trên trời” (Yn 3, 13).

 

Ở những chỗ khác, Đức Yêsu lại trình bày”cửa hẹp đó như là tình yêu thương“: ”Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em; hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6,27); ”là lòng tha thứ”: tha đến “bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22) và ”là lòng phục vụ tha nhân”: ”Con Người không đến để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người” (Mt. 20, 28).

 

Không có cửa nào khác để vào trời. Không có cửa hông mà cũng chẳng có cửa hậu. Chỉ có một cửa duy nhất mà thôi. Đó chính là “cửa hẹp đưa đến sự sống vĩnh cửu” (Mt 7, 14) mà Đức Yêsu là người đầu tiên đi qua và đã được Thánh Phaolôdiễn tả rất tuyệt diệu trong thơ gởi cho tín hữu Philip: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng Ngài không nghĩ phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng Người đã tự hủy mình, nhận lấy thân phận tôi đòi còn đội xác người phàm và vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự” (Ph. 2, 6-8).

Đó chính là “cánh cửa Mầu Nhiệm Vượt Qua”: qua cái chết nhục thân trên đồi Canvê để đi vào phục sinh trong cõi vĩnh hằng.

”Thượng thiên chi môn”

Nếu chúng ta vừa nhận định ở trên rằng, chỉ có một cửa hẹp duy nhất dẫn vào nước trời, thì chúng ta phải hiểu thế nào về lời tụng ca ”Thượng thiên chi môn”?

Chúa Yêsu mở ra cánh cửa duy nhất để lên trời, trong tư thế của Đấng từ trời xuống đất, còn Mẹ Maria lại hé ra một cánh cửa về trời, trong tư thế là thụ tạo từ đất lên trời.

 

Đức Maria, là thụ tạo tuyệt hảo nhất đã khai mở cho chúng ta một cách thế mới, dẫn đến cửa thiên đàng. Qua việc sứ thần Gabriel truyền tin mà Mẹ đã khiêm hạ đón nhận bằng lời ”fiat: xin vâng” – thì Mẹ chính là ”thượng thiên chi môn”. ”Mẹ là cửa thiên đàng” vì Mẹ đã đi đường trước và dạy cho chúng ta một cách thế rất nhân bản để đến với Chúa, trong đơn sơ, khiêm hạ giữa cuộc đời lát đầy chông gai. Cách thế đó là sống tín thác tuyệt đối và vâng theo ý thánh trong suốt cuộc đời, với ân ban của Chúa: ”Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả, vì danh người là thánh” (Lc 1, 49).

Qua Mẹ Maria, trời không còn là một ý thức hệ không tưởng mà là một thực tại hiện sinh lúc nào cũng tận kề và thôi thúc chúng ta trong hết mọi phút giây của cuộc đời.

Hãy nâng hồn lên tới trời – trong những lúc an vui, sung sướng, để quy chiếu vào niềm vui vĩnh hằng. Niềm vui hạn giới trong không gian và thời gian này chỉ là một phản chiếu yếu ớt của hạnh phúc vĩnh cửu, là Thiên Đàng.

Hãy nâng hồn lên tới trời – trong nhưng khi gặp phải khổ đau đầy đọa, để cảm nghiệm và nhận được rằng, những đau khổ trong cõi đời rồi cũng sẽ qua đi, mà còn là cửa mở dẫn vào nơi tràn ngập yêu thương, là Thiên Đàng.

Hãy nâng hồn lên tới trời – trong những phút giây yêu thương diệu vợi nơi hạ giới trong một xác thân ngày kia sẽ lụi tàn, để Tình-Yêu-Tuyệt-Đối-Vĩnh-Cửu biến cái hạn giới thành vô biên, là Thiên Đàng.

Hãy nâng hồn lên tới trời – trong những hận thù ghen ghét, để thức tỉnh lòng mình nhớ lại nơi chỉ có yêu thương ngập tràn và sẻ chia cho nhau, là Thiên Đàng.

Hãy nâng hồn lên trời – những khi phải lo, âu, suy tính để đừng bao giờ quên rằng, những toan tính đó không được là những cản trở trong chuyến đi về nhà cha, về tổ ấm, là Thiên Đàng

Hãy nâng hồn lên trời – trong những lúc bệnh tật, già nua, đau yếu, khi cảm thấy gần đất xa trời, để gởi trọn những phút giây đó trong niềm xác tín vào lòng yêu thương vô bờ của Chúa, là Thiên Đàng.