Billedresultat for TE DEUM LAUDAMUS

Tạ ơn Thiên Chúa vào ngày cuối năm với thánh thi ”Te Deum!”

Hàng năm, vào ngày 31.12 – tức ngày kết thúc năm dương lịch – toàn thể Giáo Hội, từ giáo đô Vatican cho đến các giáo phận, trong các nhà thờ chính tòa trên toàn thế giới – đều tổ chức thánh lễ tạ ơn hoặc Chầu Mình Thánh Chúa một cách trọng thể, do Đức Giám Mục chủ sự và được kết thúc với thánh thi “Te Deum” bằng tiếng Latinh. Chiếu theo tông huấn giáo lý về ân xá (Indulgentiarum Doctrina) – được Đức Thánh Cha Phaolô 6 công bố năm 1967, Hội Thánh đã rộng ban ơn toàn xá cho các tín hữu khi tham dự sốt sắng tham dự Thánh Lễ tạ ơn hoặc chầu Mình Thánh và cầu nguyện với thánh thi này.

Sử sách đã ghi lại việc hát thánh thi ”Te Deum” vào ngày cuối năm đã khởi từ thế kỷ thứ 6 và được lưu truyền cho tới ngày nay, do sáng kiến của Đức Giám Mục Nicetas, giáo phận Di Remesiana, Serbia (335-414), tại miền sông Danube thuộc vùng Trung Âu. Tại giáo đô Vatican, hằng năm thánh lễ tạ ơn này đều do Đức Giáo Hoàng chủ tế, được cử hành tại nhà thờ Chúa Yêsu – được coi là nhà thờ của giáo phận Rôma, do các linh mục dòng tên coi sóc.

Trong giờ kinh chiều ngày 31-12-2011, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã nói: “Giáo Hội gợi ý rằng chúng ta không nên kết thúc năm cũ mà không bày tỏ lời cám tạ Chúa, vì những ơn lành của Ngài đã ban cho chúng ta”.

Tạ ơn Thiên Chúa với thánh thi ”Te Deum”trong những dịp khác
Việc hát thánh thi ”Te Deum” trong ”Phụng Vụ các giờ kinh” – mà các linh mục và tu sĩ phải đọc hàng ngày theo từng giờ, từ sáng tới tối – đã đươc được khởi đầu từ Thánh Caesarius thành Arles ngay từ năm 502. Thánh Biển Đức (qua đời năm 526) cũng quy định như thế cho các tu sĩ của mình. Ngày nay, các linh mục và tu sĩ phải đọc đọc thánh thi ”Te Deum” trong kinh nguyện trước lời nguyện kết thúc của Kinh Sách trong mọi chúa nhật ngoài mùa chay, trong tuần bát nhật lễ Phục Sinh và lễ Giáng Sinh, trong các lễ trọng và lễ buộc.

Người ta cũng thường hát thánh thi ”Te Deum” như một bài thánh ca tạ ơn Thiên Chúa vào những dịp đặc biệt tôn giáo và dân sự. Các dịp lễ tôn giáo là chẳng hạn như cuộc bầu cử Giáo Hoàng, lễ tấn phong Giám Mục, lễ phong thánh, lễ khấn dòng và các dịp quan trọng khác.

Tại nhiều quốc gia Công Giáo – nếu chính quyền dân sự tham dự một nghi thức tạ ơn đặc biệt – chẳng hạn dịp lễ đăng quang Nhà Vua, lễ nhậm chức tổng thống, lễ ký hiệp ước hòa bình và các ngày kỷ niệm lịch sử quan trọng – thì theo truyền thống sẽ hát thánh thi ”Te Deum”.
Truyền thống này đôi khi còn phải được xét định trong một vài tình huống đặc biệt. Như khi tướng Charles de Gaulle ngày 25.04.1944 hân hoan chiến thắng bước vào thủ đô Paris, thì các kinh sĩ Vương Cung Thánh Đường Notre Dame đã tranh luận xem nhà lãnh đạo Pháp được công nhận này có phải là quốc trưởng hợp pháp không. Vì thánh thi ”Te Deum” chỉ có thể được hát cho vị quốc trưởng hợp pháp của nhà nước, mà do vậy, khi tướng De Gaulle bước vào nhà thờ, các kinh sĩ chỉ đón tiếp ông trong nghi thức ngoại giao với bài ”Magnificat – Linh hồn tôi ngợi khen Chúa – Min sjæl højlover Herren” mà thôi.

Thánh thi này đã được chuyển sang tiếng Đan Mạch ”Store Gud, vi love Dig!” với một cung điệu riêng – được in trong Lovsang của Giáo Phận, số 200.
Tại giáo xứ Aarhus, bao giờ sau thánh lễ tạ ơn cuối năm với hết mọi cha xứ đồng tế lúc 16.00, cũng hát thánh thi tạ ơn này.

Tác giả

Ai là tác giả của thánh thi này? Quyền tác giả của thánh thi này đã được tranh luận rất nhiều. Theo truyền thống, người ta cho rằng Thánh Cipriano đã sáng tác nó, nhưng ngày nay các chuyên viên cho rằng Nicetas, Giám mục giáo phận Remesiana – mà chúng ta vừa nêu ở trên – là người đã biên soạn sau cùng.

Theo một truyền thuyết khác, thánh thi “Te Deum” đã được Thánh Ambrosio và Thánh Augustino hát vào ngày lễ rửa tội của thánh Augustino tại Milan năm 386, do đó nó được gọi là “thánh thi Ambrosio”.

Có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như G. Palestrina, GF Handel, Henry Purcell, Ralph Vaughan Williams, ML Cherubini, Benjamin Britten, H. Berlioz, A. Bruckner và A. Dvorak đã phổ nhạc thánh thi này theo âm điệu bình ca Gregorian.

Linh mục Edward McNamara, giáo sư môn phụng vụ tại Đại Học Regina Apostolorum cho biết về nguồn gốc lịch sử của bài thánh thi đặc sắc này: “Thánh thi Te Deum, một bài thánh thi Latinh cổ xưa bằng văn xuôi có nhịp điệu, có lẽ là một sự kết hợp từ ba nguồn. Thực vậy, có các nhịp độ ba khổ, và ba giai điệu khác biệt trong thánh thi này” – mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong phần sau.

Bản văn thánh thi ”Te Deum”

Câu đầu tiên của thánh thi này – từ nguyên bản từ tiếng La tinh là ”Te Deum laudamus, te Dominum confitemur” – mà do vậy ngày nay người ta chỉ dùng hai từ ”Te Deum” khi nhắc đến thánh thi này.
Ở đây chúng tôi không trích bản tiếng La tinh mà chỉ trích bản tiếng Việt và tiếng Đan Mạch mà thôi.

Bản tiếng Việt

“Lạy Thiên Chúa, Chúng con xin ca ngợi hát mừng, Tuyên xưng Ngài là Ðức Chúa.
Chúa là Cha, Ðấng trường tồn vạn đại, hoàn vũ này kính cẩn suy tôn.
Trước nhan Chúa, các tổng thần phủ phục,
Mọi thiên thần và đạo binh thiên quốc, đều cảm tạ và cung chúc tôn thờ,
Chẳng khi ngừng vang dậy tiếng tung hô:
Thánh! Thánh! Chí Thánh! Chúa tể càn khôn là Ðấng Thánh!
Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa uy linh.
Bậc Tông Ðồ đồng thanh ca ngợi Chúa,
Bao vị ngôn sứ tán tụng Ngài.
Ðoàn tử đạo quang huy hùng dũng,
Máu đào đổ ra minh chứng về Ngài,
Và trải rộng khắp nơi trần thế,
Hội Thánh Ngài hoan hỷ tuyên xưng:
Chúa là Cha lẫm liệt uy hùng,
Và Con Một Ngài chí tôn chí ái,
Cùng Thánh Thần, Ðấng an ủi yêu thương.

“Lạy Ðức Kitô, Con Chúa Trời hằng sống,
Ngài là Chúa hiển vinh, đã chẳng nề mặc lấy xác phàm
Nơi cung lòng Trinh Nữ, hầu giải phóng nhân loại lầm than.
Ngài đã ra tay chiến thắng tử thần, mở cửa trời cho những ai tin tưởng.
Ngài hiển trị bên hữu Chúa Cha,
Ngày cuối cùng sẽ giáng lâm thẩm phán.
Cúi lạy Chúa, xin phù hộ bề tôi, Ngài cứu chuộc bằng bửu huyết tuôn tràn.
Xin được hợp đoàn cùng muôn thần thánh, Phúc miên trường vui hưởng ánh vinh quang.” (Nhóm CGKPV)

Bản tiếng Đan mạch

Khác với bản tiếng Việt chúng tôi vừa trích dẫn ở trên – là bản được dịch sát từ nguyên bản tiếng La tinh – bản tiếng Đan Mạch không được dịch hoàn toàn sát theo bản La tinh mà chỉ được viết ý chính với một cung điệu riêng:

Store Gud, vi love dig
Jordens børn for dig sig bøje
Himlens engle fryde sig
Synge for dig i det høje
Hellig evighens drot!
Alt er dit, Gud Sabaoth!
Med profeters flammeord
Sig apostles hymner blande,
Og med martyrskarens kor
Jubler Kirken vidt om lande:
Priset og højløvet vær,
Skaber, Frelser, Trøster kær

Ærens drot, Gud Faders Ord
Evig Søn af evig Fader
Født for os som barn på jord!
Himmerig din død oplader
Der din trone evigt står
Derfra du til dommen går

Du, som knudste dødens brød
Købte os for korstes pine,
Frels dit folk, din arvelod
Lad os tælles hist balndt dine.
Før os her ad livets vej
Tag engang os hjem til dig.

Dig vi signe dag for dag
Stedse lydt din lov skal klinge
Til vort sidste åndedrag
Skærm os med din nådes vinge
Dig, o Gud, vi håber på
Ej vi skal til skærme stå!
(H. Kejser 1868-1946)

Nội dung

Thánh thi “Te Deum” có thể được chia thành ba phần:

– Phần 1: từ đầu ”Lạy Thiên Chúa” cho đến câu “Cùng Thánh Thần, Đấng an ủi yêu thương”, là lời hướng về Chúa Cha và kết thúc với lời tụng ca Chúa Ba Ngôi.

– Phần 2: từ câu “Lạy Đức Kitô” cho đến câu “Phúc miên trường vui hưởng ánh vinh quang” là lời ngợi khen Chúa Kitô Đấng Cứu Thế và về đời sau.

– Phần 3: từ câu ”Lạy Chúa, xin cứu độ dân Ngài” – gồm những lời cầu xin trích từ các Thánh vịnh. Phần này dường như là phần sau này được thêm vào như lời kinh cầu kết thúc.

Thánh thi này là một lời chúc tụng và cảm tạ tuyệt vời dâng lên Chúa. Ước mong từ nay – vào thánh lễ tạ ơn ngày cuối năm và trong những dịp lễ đặc biệt, chúng ta hãy trọn vẹn hiệp dâng tâm lòng với toàn Giáo Hội và các Thần Thánh trên trời – hát thánh thi ”Te Deum” – để chúc tụng và hoan ca tình yêu chúa đến muôn đời.

Nguyễn Trọng Lưu