”NHÀ TÔI”

 

Nguyễn Trọng Lưu

Trong những ngoại ngữ mà tôi biết, chắc không có ngôn ngữ nào diễn tả tuyệt vời hơn tiếng Việt khi hai vợ chồng nói với người khác về ”nửa kia của mình”: ”nhà tôi”. ”Nhà” đây chính là ”chồng” hay ”vợ” tôi, mà ”nhà” cũng chính là không gian đặc thù, nhưng cũng đầy đối nghịch – mà lại là nơi hai vợ chồng muốn và hứa ăn đời ở kiếp với nhau.

Tại sao căn nhà mà hai vợ chồng muốn và hứa ăn đời ở kiếp với nhau lại là một không gian đối nghịch?

Nhìn vào thực tại xã hội, chúng ta thấy có quá nhiều khó khăn và những tan vỡ trong đời sống lứa đôi, đã làm cho mái ấm gia đình nhiều lúc biến thành tù ngục. Những băn khoăn đó làm cho tôi tự nghĩ, có thể dùng ánh sáng phân tâm học để thanh lọc những huyền thoại về đàn ông và đàn bà và để tìm ra một lối sống hạnh phúc cho đời lứa đôi ngay trong lòng xã hội hôm nay không?

 

”Manden er fra Mars, kvinden fra Venus”

Người Đan Mạch thường dùng câu ”Manden er fra Mars, kvinden fra Venus” để nói lên những khác biệt giữa hai vợ chồng. Những khác biệt về tâm sinh lý giữa hai người nam và nữ đó, ai cũng đã biết, nên ở đây tôi chỉ muốn khai triển một vài cái nhìn trong xã hội đã góp phần làm tăng thêm những khác biệt giữa hai vợ chồng.

Thực thế, không biết từ thuở nào, người ta đã tin rằng nguồn gốc loài người là đàn ông, vì thế chúng ta thường nghe nói ”ông tổ” chứ không ai gọi là ”bà tổ” bao giờ. Và nếu để ý đến câu tục ngữ Việt Nam ”cha sinh mẹ dưỡng”, ta lại càng thấy chính chất ưu vị của người đàn ông. Đọc Cựu Ước, trong Sách Sáng Thế, sau khi đã tạo dựng vũ trụ với tất cả núi non, sông ngòi, muông chim, cầm thú, Thiên Chúa đã dựng nên người đàn ông để làm chủ, sau đó mới tạo dựng người đàn bà để làm bạn với người đàn ông. Ra như thế, người đàn ông là một lữ khách, trước khi ra đi thi hành một công tác, đã được trang bị đầy đủ: hành lý và bạn đường. Dự phóng của người đàn ông là công danh, sự nghiệp, chí làm trai, như Nguyễn Công Trứ đã mô tả :

”Chí làm trai nam bắc đông tây,

                        Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể

                        Chí những toan sẻ núi lấp sông

                        Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ

                        Đã mang tiếng ở trong trời đất,

                        Phải có danh gì với núi sông”

Nếu dự phóng của người đàn ông là sự nghiệp thì đời người đàn ông là để thực hiện dự phóng đó. Mục đích cuộc đời người đàn ông bao hàm ngay trong nền tảng xác định người đàn ông là đàn ông : đàn ông là ”người-sống-cho-mình” (être-pour-soi). Còn đàn bà dược dựng nên để làm bạn đường của người đàn ông, thế nên không có một dự phóng căn bản riêng biệt, nhưng người đàn bà trở thành đàn bà trong việc cùng với người đàn ông thể hiện dự phóng của họ: đàn bà là ”người-sống-thiết-yếu-cho-người-khác” (être-pour-autrui).

Ngay từ khi còn bé đến khi trưởng thành, người con gái sống chờ đợi: chờ đợi có người yêu thương mình, rồi chờ  đợi có người đến hỏi cưới:

                      ”Thân em như tấm lụa đào,

                        Phất phơ trước gió, biết vào tay ai?”

Rồi sau khi đi lấy chồng, người con gái bỏ lại đàng sau gia đình, nếp sống, tập quán, giai cấp, có khi cả đến dân tộc của mình nữa, để đón nhận nếp sống, tập quán và dân tộc của chồng. Sự tự xóa hoàn tất trong việc lấy tên chồng: từ nay không còn Nguyễn Thị Hồng Trang”, Lê Mộng Ngọc” … nữa, mà chỉ còn Trần Văn Thành”, Vũ Đình Tân” … mà thôi.

Cuộc đời người đàn ông được  dựng xây trên chữ DANH, còn người đàn bà đuợc xây trên chữ TÒNG. Người con trai được cha mẹ nuôi cho đi ăn học, đến khi khôn lớn tạo công danh sự nghiệp cho mình, cho dòng họ. Trái lại người con gái được dạy bảo kỹ càng về việc nội trợ, trau dồi ”công, dung, ngôn, hạnh” và rồi được cha mẹ tìm những chỗ xứng đáng, vững chắc để gả con. Người đàn ông sau khi lập gia đình vẫn ”ra đi” xây dựng cuộc đời và sự nghiệp, phó thác gia đình cho người vợ:

”Anh cậy em coi sóc trăm đường,

                        Để anh buôn bán trẩy trương thông hành,

                        Còn chút mẹ già nuôi lấy cho anh,

                        Để anh buôn bán thông hành đường xa”

còn thế giới của người con gái khi lấy chồng chỉ là chồng và con. Đấy mới là ý nghĩa đích thực của ”tam tòng”: ”Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.

 

Cái vong thân của đàn ông

Người đàn bà đã bị đặt để trong một  hoàn cảnh bấp bênh, thấp kém, thế mà lắm lúc đàn ông lại khôn khéo che dấu sự đặt để đó bằng những huyền thoại nhằm ca tụng, tôn sùng đàn bà. Trong

văn chương, nghệ thuật, âm nhạc… đàn bà vẫn được ca tụng như là thần tượng, là vẻ đẹp tuyệt đối, là giấc mơ vô hạn của con người hạn hữu. Honoré de Balzac (1799-1850) – nhà văn thuộc trường phái hiện thực lớn nhất của Pháp vào nửa đầu của thế kỷ 19 – đã có một nhận xét hóm hỉnh: ”Đàn ông coi đàn bà như không có linh hồn, thế mà họ vẫn tôn sùng đàn bà làm hoàng hậu!”. Đúng là ”nhất vợ, nhì trời, ba mới đến tôi!”.

Ngày nay có thể nói hình ảnh người đàn bà ngự trị khắp nơi. Nhiều kỹ nghệ lớn lao được thiết lập để phục vụ đàn bà như các thẩm mỹ viện, các hãng chế tạo mỹ phẩm. Đàn ông ca tụng, tô điểm cho đàn bà thật đẹp, thật hay – vì đàn bà, hay chỉ để làm tăng thú hưởng thụ của đàn ông? Đấy chính là chỗ ích kỷ giả hình của người đàn ông: vật hóa người đàn bà để trọn vẹn thụ hưởng.

Đôi khi ngay cả luân lý, xã hội và luật pháp cũng chứa đựng những ích kỷ có lợi cho đàn ông để sự hưởng thụ người đàn bà được trọn vẹn trong trật tự an toàn:

”Trai làm nên, năm thê, bảy thiếp

                        Gái chính chuyên thủ tiềt thờ chồng”

Bi đát nhất là đàn ông không biết rằng chính mình cũng yếu kém, cũng là ”être-pour-autrui” trong dự phóng yêu đương và sự nghiệp.

Thực thế, đàn ông có thừa can đảm để làm những điều hèn nhát nhất – ngay cả những điều phạm pháp nữa – để làm đẹp lòng người đàn bà mà họ yêu thích. Họ đã quên mất cái thực tại của mình, mà chỉ để sống cho thiên hạ. Thiên hạ đây là người xung quanh. Họ vong thân để trở thành ”thế nọ thế kia”, để rồi quên mất chính con người của mình. Đó là thứ tâm lý biểu lộ cái vong thân đến cùng cực của người đàn ông: càng yếu hèn, càng tội lội, lại càng nói nhiều đến cao thượng, đạo đức . Đổ lỗi cho người khác chính là tố cáo sự yếu hèn của mình, như Adam đã đổ lỗi: ”Người đàn bà Ngài đã đặt làm bạn dường cho tôi, đã hái trái cây và bảo tôi ăn!” (Stk. 3, 12)

 

Nghịch chống nội tại của tình yêu vợ chồng

Nhưng có thực sự lúc nào đàn ông cũng ở trong một vị thế vững chãi, ưu việt không? Đặt câu hỏi này tức là đã dám hoài nghi cả một cái nhìn cũ kỹ đã ăn sâu vào lòng người qua các thời đại. Người đàn ông đã tạo ra  một hoàn cảnh xã hội trong đó người đàn bà chỉ là người ”tháp tùng” cho đàn ông, đúng như Simone de Beauvoir – triết gia và nhà văn nữ người Pháp (1908-1986) – đã viết mở đầu trong ”Le deuxième sexe”: ”On ne nait pas femme, on le devient”.

Hình ảnh đích thực của một cuộc sống lứa đôi ngày hôm nay phải là một yêu thương chân thành, một tôn trọng lẫn nhau trong bình đẳng. Sự thu hút, gắn bó giữa hai người nam và người nữ trong đời sống lứa đôi là một sự gắn bó, thu hút riêng biệt. Dường như có một sự nghịch chống nội tại nào đó trong tình yêu vợ chồng mà nếu xóa bỏ đi thì không còn phải là tình yêu vợ chồng nữa. Phải chấp nhận đó như nền tảng của phận lứa đôi: vừa gần nhau, vừa gắn bó không thể xé lẻ, nhưng lúc nào cũng khác biệt, sóng đôi.

Chính vì thế tình yêu đích thực của hai vợ chồng lúc nào cũng chen lẫn những lo lắng, ghen tuông và giận dỗi. Yêu nhau là tự nhận sự thiếu thốn của mình, để đi tìm cái thiếu thốn trong người mình yêu, mà cái thiếu thốn đó rất nhiều lúc khó hiểu. Đàn bà rất ghét những hành động cứng rắn, nhưng lại thích rụt rè để được đàn ông bảo vệ, còn đàn ông chúa ghét những ủy mị, rụt rè, nhưng họ lại bị mê mệt bởi những e lệ, e ấp của người họ yêu. Thế nên đàn ông và đàn bà sống với nhau như vừa tố cáo nhau lại vừa đồng lõa với điều  mình tố cáo: họ ghét cái họ yêu và họ yêu cái họ ghét.

Đó chính là tuyệt đỉnh ý nghĩa của câu ca dao

”Mình với ta tuy hai, mà một,

  Ta với mình, tuiy một, mà hai”

Cuộc sống lứa đôi chính là một đòi hỏi thông cảm, chia sẻ, tha thứ, nâng đỡ, hy sinh và đón nhận nhau. Đã là đôi lứa thì lúc nào cũng phải có hai, nhưng cùng một phận – hiểu nghĩa là duyên, là kiếp: ”yêu anh từ thuở lên ba”. Đàn ông và đàn bà yêu nhau, sống với nhau trong một mái nhà, lúc nào cũng có hai nhưng chỉ là một. Nếu không cảm nhận được tình yêu trong ”nửa kia của mình”, thì chỉ là đổ vỡ, dở giang.

”Ngôi nhà” của tình yêu – trong đó có ”nhà” tôi – sẽ là không gian yêu thương hay thù nghịch? Điều đó tùy thuộc mỗi người trong tình yêu đôi lứa.