Nguyễn Trọng Lưu

 

 

Những cuộc đại ly giáo

Sự ly giáo hay phân chia trong Giáo Hội công giáo không phải là điều mới lạ vì thực ra đã có đến ba cuộc đại ly giáo từng xảy ra.
Chúng ta hãy đi ngược lại 2.000 năm lịch sử của giáo hội công giáo – để nhìn lại những cuộc đại ly giáo này.

Thực sự, ngay từ thời khởi đầu Giáo Hội, các Kitô hữu vẫn tuyên xưng “Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh cùng thông công”Công Đồng Nicea, năm 375, xác tín lại rằng “Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Tuy vậy, do bản tính yếu đuối của con người – sự chia rẽ đã thường xuyên xảy đến giữa các con cái Chúa. Mà vì thế – Thánh Phaolô Tông đồ luôn kêu gọi các giáo đoàn hiệp nhất. Chúng ta đọc thấy trong thơ gởi giáo đoàn Êphêsô: “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 3-6).

 

Thế kỷ 5: Giáo Hội Semitic

Sau Công Ðồng Chalcedon năm 451, một số giáo hội Kitô ở Trung Ðông và Bắc Phi Châu như Armenia, Persia, Syria, Ai cập và Ethiopia đã từ chối những huấn dụ về tín lý của Công Ðồng. Tín lý đó dạy rằng Ðức Kitô vừa là Chúa và vừa là người thật (Yoan 1, 1-14). Họ đã tự tách rời khỏi hai trung tâm chính của Kitô giáo là Constantinople và Roma, để thành lập “Giáo hội tiền công đồng Chalcedon” hay là các giáo hội Semitic. Sự phân chia này đã làm Kitô giáo mất hẳn một miền rộng lớn thuộc đông và nam địa trung hải. Tuy đã có lý do chính trị và địa phương liên hệ trong quyết định nói trên, nhưng sự phân chia đã thực sự làm các nguồn tư tưởng thần học của tây phương mất thăng bằng và nghiêng hẳn về phía các nguồn tư tưởng Hi lạp. Những giáo hội Semitic hiện vẫn nay còn tồn tại, chạy dài từ miền tây Ấn Ðộ đến bắc Phi Châu và lên tới miền nam nước Nga với trên 10 triệu Kitô hữu. Ở Ai Cập  giáo hội này được gọi là Coptic – là giáo hội của người Ai cập. Gần đây, một số trong những giáo hội này đã trở lại, hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo Roma.

Vào thế kỷ 16, dưới thời Đức Giáo Hoàng Lêô 10 (1513-1521), Giáo Hội Công Giáo lại bị suy yếu và cần phải sửa đổi – từ đó phát sinh ra các thể thức sửa sai nghiêm nhặt của Martin Luther (1480-1546), tại Đức và của Jean Calvin (1509-1564), tại Pháp, dẫn tới “phong trào cải cách Tin Lành” (1517-1650). Sau đó “việc cải cách” của Ulrich Zwingli (1484-1531), tại Thụy Sĩ – lại đi đến chỗ chối bỏ cả bí tích rửa tội và bí tích Thánh Thể. Cũng vào thế kỷ 16, vì Đức Giáo Hoàng Clêmentê 7 (1523-34) không công nhận việc vua Anh quốc Henry 8 (1509-1547) ly dị với hoàng hậu Catherine xứ Aragon để kết hôn với Anne Boleyn, nên năm 1534, vua Henry 8 tự tôn mình làm thủ lãnh Giáo Hội Anh Quốc và từ đó Anh Giáo ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo.

  

Thế kỷ 11: Giáo Hội Chính Thống Đông Phương (Constantinople)

Cuộc khủng hoảng lớn nhất đã xảy ra vào thế kỷ thứ 11 – dưới thời các Giáo HoàngSylvester 3 (1045); Grêgôriô 6 (1045-1046); Clêmentê 2 (1046-1047); Bênêđíctô 9 (1047-1048)Damasus 2 (1048) – mà mãi đến thời Đức Lêô 9 (1049-1054) mới tái lập lại được trật tự.

Cũng chính vì những lủng củng trong các triều giáo hoàng tại Rôma, nên Đức Thượng Phụ Chính Thống ConstantinopleMichael Caerularius, không nhìn nhận Giám Mục Rôma là giáo hoàng mà chỉ xem là người ngang hàng với các giám mục khác. Vì không hòa giải được với Roma, nên năm 1054, nên Công Giáo và Chính Thống Giáo hoàn toàn chia ly.

Sau nhiều năm rạn nứt giữa Ðông và Tây, giữa những giáo hội nói tiếng Hi lạp và các giáo hội dùng tiếng la tinh, năm 1045, thì điều người ta e rằng phải đến, đã đến. Ðức Hồng Y Humbert đã đọc bản án truất phép thông công toàn thể các giáo hội Đông Phương (Orthodoxe, trung tâm là Constantinople, ngày nay là thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ). Ðể đáp lại, Thượng Phụ Michael Cerularius và công đồng của ông cũng lên án phạt các giáo hội tây phương – Roma.

Ðây là những nguyên do chính đưa đến sự phân chia này:

1. Về chính trị: Kể từ khi có các cuộc xâm lăng của dân Bắc Âu, đến việc thành lập đế quốc Roma, việc đội vương miện cho vua Charlemagne của Pháp, đã làm cho đông phương bất bình. Ðến khi vua Otto 1 (Đức) chiếm thành Roma năm 962 và áp đảo Ðức Giáo Hoàng, thì các giáo hội Ðông Phương không còn hoàn toàn thần phục Ðức Giáo Hoàng nữa.

2. Về văn hóa: Tây phương đã bị ảnh hưởng sự tục hóa của “dân man di – barbarians” và chính họ cũng đã muốn có một nền văn hóa riêng, thay vì phải chấp nhận nền văn hóa “thuộc địa” của Hi Lạp. Lối thực hành trong đời sống hàng ngày cũng thấy có những dị biệt. Thí dụ: các linh mục đông phương để râu dài, còn những linh mục ở tây phương lại cạo râu đi. Ðông phương dùng bánh có men trong phép thánh thể, trong khi tây phương chỉ dùng bánh không men. Từ đó đã nảy sinh thêm những nghi kỵ và đưa đến sự bất tín lẫn nhau.

3.Về thần học: Ðông phương thiên về chiêm niệm, suy gẫm những mầu nhiệm của Chúa qua sự mạc khải của Ngôi Con trong mầu nhiệm nhân bản của giáo hội. Họ cũng phát triển khoa thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi và môn Kitô học. Trong khi đó, Tây phương đã đi hẳn về phần nổi bề ngoài, chú trọng nhiều đến ý nghĩa của mầu nhiệm cứu chuộc, về đời sống trong giáo hội và đời sống bí tích: “Giáo hội là gì? Thế nào là ân sủng?”

 

Thế kỷ 16: Sự phân ly của Giáo Hội tây phương

Sự phân chia lần này đã ảnh hưởng đến tận nền móng của Giáo Hội Công Giáo. Từ bên ngoài, các quốc gia chống đối lẫn nhau, đến bên trong các cộng đồng địa phương cũng có người theo phe này kẻ theo phái khác. Khởi đi từ đêm 30.10. 1517, khi Martin Luther đề ra 95 tiểu án chống giáo hội, nói chung; và lề lối ban các ơn đại xá, tiểu xá, nói riêng. Luther đã cho rằng con người không thể “mua” ơn tha tội của Chúa bằng các việc đền tội, nhưng con người được trở nên công chính do ơn sủng đến từ niềm tin vào Ðức Kitô. Ðáng tiếc thay, sự chống đối đơn thuần này đã được một số lãnh chúa ở Ðức ủng hộ, vì lúc ấy giáo hội đang có nhiều đất đai ở vùng này, nếu ủng hộ Luther, họ sẽ chiếm được số đất đai đó. Một vài người khác như Jean Calvin ở Pháp và Ulrich Zwingli ở Thụy Sĩ, cũng trình bày những tư tưởng thần học của họ và từ chối quyền bính của Ðức Giáo Hoàng ở Roma. Trong khi đó, Giáo Hội Công Giáo Roma đã tung ra nền thần học chống lại các tư tưởng thần học cải cách và loại trừ tất cả những ai không tuân phục quyền bính của Ðức Giáo Hoàng.

Những người theo Luther, CalvinZwingli đã tiếp tục lám triển nở các “giáo hội Tin Lành” hay “Thệ Phản” (protestant). Thế rồi, vì không có một hệ thống tổ chức chặt chẽ, nên sự phân chia trong chính hàng ngũ của họ vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Hiện có trên 300 giáo phái Tin Lành khác nhau với một tổng số khoảng 400 trăm triệu Kitô hữu trên thế giới.

Cũng nên nhắc thêm về trường hợp của Anh Giáo.

Sự ly cách của giáo hội này đã không gây ra bởi các lý do thần học hoặc văn hóa, nhưng chỉ vì vua Henry 8 muốn ly dị người vợ chính thức, là bà Catherine d´Aragon, để cưới vợ lẽ, bà Anne Boleyn  – vì bà Catherine d´Aragon đã không thể sinh con trai cho ông. Dĩ nhiên là Ðức Giáo Hoàng Clement 7 đã không cho phép, nên năm 1534, ông ta đã đưa cả nước Anh ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo Roma. Henry đã lần lượt cưới 6 người vợ, 2 trong số các bà ấy đã bi Henry ra lệnh chém đầu, trong đó có cả bà Anne Boleyn. Tuy nhiên, qua những cuộc bách đạo, vẫn còn rất nhiều tín hữu người nước Anh, trung kiên với Giáo Hội Công Giáo Roma và dạy dỗ con cháu giữ vững niềm tin cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất trong sự phân chia này, cũng như các cuộc đại ly giáo khác, là sự bất đồng về quyền bính của Ðức Giáo Hoàng. Ðối với Tây phương, Ðức Giáo Hoàng là người kế vị của thánh Phêrô, cai quản toàn giáo hội, có quyền tuyệt đối. Trong khi đó, Ðông phương chỉ coi chức giáo hoàng (Giám Mục thành Roma) như giám mục của một giáo phận, đồng thời điều hợp các giáo hội khác của giáo hội hoàn vũ như một vị chủ tịch của một liên đoàn ái hữu. Như vậy, Ngài không có quyền tuyệt đối.


Sự cách biệt địa lý cũng là một trong những nguyên nhân đã đưa những trung tâm văn hóa đến chỗ tự tạo thế lực để tách rời khỏi Giáo Hội Mẹ, như trường hợp các giáo hội Trung Ðông và Ðông Phương. Trong hiện tại, Giáo Hội Công Giáo đang có ba trung tâm văn hóa chính: Châu Âu, Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada), và Châu Mỹ La Tinh (các miền Trung và Nam Châu Mỹ). Ở Châu Âu và Bắc Mỹ đang có những phong trào đòi quyền tự do quá lố, mà mục đích chỉ nhằm thỏa mãn những đòi hỏi của tình dục hoặc trần tục hóa Giáo Hội, một mầu nhiệm bất biến của ơn cứu chuộc. Trong khi ở Châu Mỹ La Tinh, phong trào “thần học giải phóng”, đi ngược với giáo huấn chân chính của Kinh Thánh, vẫn đang âm ỷ và chờ cơ hội bùng dậy.

Liệu sẽ xảy ra một cuộc phân chia đau lòng nữa trong Giáo Hội công giáo?

 Thời gian gần đây, nhiều Giám Mục của giáo hội Đức Quốc đã tuyên bố rằng họ sẽ thành lập một tiến trình “công đồng” có tính cách bắt buộc, để đối phó với vấn đề xâm phạm tính dục của một số giáo sĩ.

Thoạt tiên, những vấn đề sẽ được thảo luận là việc độc thân của linh mục, giáo huấn của giáo hội về luân lý tính dục và quyền lực của các giáo sĩ. Nhưng sau đó, do áp lực của một số phe nhóm, các Giám Mục đã thêm một điểm thảo luận nữa là: phụ nữ trong sứ vụ của Giáo Hội.
Tuy nhiên, không phải toàn bộ Giáo Hội Đức đã cùng đồng ý với tiến trình này.

Như Đức Hồng Y Woelki của tổng giáo phận Cologne đã cảnh cáo rằng con đường nguy hiểm của “công đồng” đó đang đưa đến một ngã rẽ phân chia, và nếu điều tồi tệ nhất xảy racó thể chúng ta sẽ mất đi sự thông công với Giáo Hội hoàn vũ và trở nên một “Đức Giáo.” Ngài còn thêm, tiến trình công đồng đó cũng có thể đưa đến sự phân chia ngay trong lòng Giáo Hội Đức.

Người đứng đầu của phong trào muốn có “công đồng” này, Đức Hồng Y Reinhard Marx, cũng tự bênh đỡ rằng “truyền thống và cải tổ không đối ngược nhau.” Cũng nên biết rằng chính vị Hồng Y này đã muốn cho phép giáo dân giảng trong các thánh lễ.

Nhưng liệu những chiều hướng này có nguy cơ làm phát sinh ra “đức giáo” không?


Và một phân chia nữa từ Hoa Kỳ?

Sau chuyến tông du đến các nước Mozambique, Mauritius và Madagascar ở Châu Phi, báo chí đã hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng “Ngài có lo ngại về nguy cơ của một cuộc phân chia khác sẽ đến từ Hoa Kỳ không?” – thì Ngài  đã trả lời rằng: “Tôi không sợ sự phân chia, nhưng tôi cầu nguyện xin cho giáo hội tránh được điều đó vì đời sống tinh thần của nhiều người sẽ bị đe dọa.”

Khác với giáo hội Đức, xem ra như muốn đối thoại với Tòa Thánh về những vấn đề được coi là “cấp tiến”, một số thành phần ở Mỹ theo khuynh hướng bảo thủ lại cho rằng Đức Giáo Hoàng đã đi quá xa trong các lãnh vực xã hội, di dân và biến đổi thời tiết. Ngài nói rằng những người đó đang dùng một “hệ tư tưởng cứng nhắcrigid ideology”, đã để tư tưởng chính trị xâm nhập vào giáo điều. “Khi anh thấy các kitô hữu, giám mục, linh mục, là những người cứng nhắc thì đàng sau là những vấn đề và cách diễn giải Kinh Thánh không lành mạnh.”

Tuy nhiên, những áng mây mù nói trên đã và đang được Chúa Thánh Linh xóa tan trong Hội Thánh cùng với Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan Phaolô 2, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô 16 và Đức Giáo Hoàng đương nhiệm Phanxicô. Các ngài đã đến tận những địa phương để sửa đổi các sai lầm này cũng như bày tỏ mối quan tâm ưu ái của Giáo Hội Mẹ đối với đoàn chiên ở khắp nơi.


Hơn nữa, ở vào một  thời đại mà nhân loại đã có khả năng đưa người và phi thuyền đến các hành tinh khác, thiết tưởng người Kitô hữu cũng cần có cái nhìn tinh tế hơn, rộng lượng hơn trước những biến cố đã, đang cũng như có thể sẽ xảy ra trong Giáo Hội. Ðôi khi chính những bất hạnh và tử đạo hôm nay, sẽ trở thành phúc lộc và triều thiên vinh hiển mai ngày. Nếu bình tĩnh nhận định các biến cố và tin tưởng vào ơn Chúa Quan Phòng với một tinh thần lạc quan, người ta sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm những giải đáp và thái độ cần phải có trong mọi hoàn cảnh của đời sống.