Nguyễn Trọng Lưu

 Đã rất nhiều lần chúng ta nghe cụm từ ”Lễ Vượt Qua” – nhưng có thể chúng ta chưa hiểu rõ ý nghĩa và liên quan giữa ”Lễ Vượt Qua” và ”Mầu nhiệm Phục Sinh”.

Những lễ lớn trong Do Thái giáo

Có lẽ chúng ta phải bắt đầu từ những lễ lớn trong Do Thái Giáo thì mới có thể hiểu tường tận ý nghĩa và mối tương quan này.

Do Thái Giáo có khá nhiều lễ và những ngày lễ này được tính theo lịch Do Thái. Có bốn thứ lễ chính: lễ trọng, lễ hành hương, lễ tết Phu Rim và lễ Hanukkah.

Lễ trọng – Yamim Noraim – là các lễ về sự phán xét và tha thứ

  1. Tết Do Thái” – còn gọi là ”Yom Ha-Zikkaron – Ngày tưởng niệm” ”Yom Teruah – Ngày tiếng kèn Shofar”Tết Do Thái là lễ năm mới của Do Thái Giáo, mặc dù nó là ngày thứ nhất của tháng thứ 7 Tishri. Tết Do Thái đánh dấu bắt đầu thời gian 10 ngày để đền bù tội lỗi chuẩn bị cho Lễ Đền Tội.  Trong thời gian này, người Do Thái sửa soạn tâm hồn, sám hối và làm việc đền bù tội lỗi đã phạm một cách vô tình hay cố ý trong suốt năm qua. Trong ngày lễ này, người ta thổi kèn shofar – kèn sừng cừu, trong đền thờ, ăn táo và uống mật ong, đọc các lời chúc lành trên thực phẩm tượng trưng như quả lựu chẳng hạn.

  1. Lễ Đền Tội, Yom Kippur – יוֹם כִּפּוּר” – là một trong những lễ trọng của Do Thái Giáo. Đó là ngày cộng đoàn tụ họp lại và cầu nguyện xin tha thứ tội lỗi đã phạm. Các tín hữu cầu nguyện suốt ngày trong đền thờ, đọc kinh từ sách Mahzor. Vào đêm lễ Lễ Đền Tội, trước khi thắp nến, người ta ăn nhẹ (suhoor). Nghi thức trong các đền thờ vào đêm Lễ Đền Tộibắt đầu với lời kinh Kol Nidre. Vào dịp lễ này có thể mặc quần áo trắng nhưng không được mang giày da. Ngày tiếp theo, người ta cầu nguyện từ sáng đến tối. Khi buổi cầu nguyện kết thúc, người ta lại thổi một hồi dài kèn shofar.

Lễ Hành Hương

Đó là các ”ngày lễ thánh – haggim” – kỷ niệm các mốc trong lịch sử Do Thái giáo, như việc thoát khỏi đất Ai Cập, sự mạc khải của Thiên Chúa trong sách Torah, hoặc đôi khi đánh dấu sự chuyển mùa hoặc lúc giao mùa giữa các chu kỳ trồng trọt. Có ba lễ chính, đó là Lễ Lều Tạm, Lễ Vượt Qua và Lễ Ngũ Tuần. Trong ba dịp lễ này, các tín hữu thường hành hương về Jerusalem để dâng lễ hy sinh trong Đền Thánh.

  1. Lễ Lều Tạm– Sukkot”- tưởng nhớ con cái Israel phải mất 40 năm đi qua sa mạc để trở về miền Đất Hứa. Lễ này kỷ niệm việc dựng các lều tạm (sukkot) khi dân Israel lưu đày trên đất Ai Cập. Lễ này trùng với mùa thu hoạch hoa quả và đánh dấu sự kết thúc một chu kỳ trồng cấy. Người Do Thái từ tất cả các nơi trên đất nước sẽ hành hương tới đất thánh Jerusalem. “Lễ Lều Tạm” kết thúc bằng lễ Shemini Atzeretשמיני עצרת; lễ người Do Thái cầu mưa và Lễ Ăn Mừng Kinh Thánh Torah – שמחת תורה, là lễ đánh dấu sự kết thúc của sách Torah và bắt đầu một chu kỳ sách mới.

  1. “Lễ Vượt Qua – Pesah”: Lễ này tưởng niệm lại biến cố tổ tiên người Do Thái đã được Chúa cứu thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập, thường được cử hành vào mùa xuân. Vào dịp này, mọi người sẽ hành hương về Đền Thánh Yêrusalem. Đức Yêsu cũng bị giết chết vào khoảng thời gian này. Theo Tin Mừng của Thánh Matthêu, Marco và Luca thì Đức Giêsu bị giết chết vào đúng ngày Lễ Vượt Qua. Còn Thánh Yoan thì nói rằng Ngài chết vào một ngày trước ngày lễ Vượt Qua. Xét về mặt lịch sử, thì có lẽ Tin Mừng Thánh Yoan hợp lý hơn vì khó có thể tin rằng trong chính ngày lễ mà người ta lại bắt Đức Yêsu và giết Ngài. Đức Yêsu đã chết vào khoảng năm 30 sau công nguyên.

“Lễ Vươt Qua” kéo dài một tuần, bắt đầu vào chiều tối ngày thứ 14 của Nisan – tháng thứ nhất theo lịch Do Thái – để tưởng nhớ ngày thoát khỏi Ai Cập. Tại các nước khác ngoài Israel, Lễ Vượt Qua được mừng trong tám ngày. Thời xưa, lễ này trùng vào mùa gặt lúa mạch. Đây là lễ duy nhất tập trung cho các nghi thức được thực hiện ngay tại nhà, đó là “Bữa tối lễ Vượt Qua”. Thực phẩm có men (chametz) sẽ được mang ra khỏi nhà trước ngày lễ và suốt tuần sẽ không dùng thực phẩm có men. Bánh không men (matzo) sẽ được dùng thay cho bánh mì.

”Lễ Ngũ Tuần – Shavout”: Lễ này được cử hành bảy tuần sau ngày lễ Vượt Qua. Đây là lễ của ngày thu hoạch đầu tiên. Người ta mang của đầu mùa lên dâng cho Thiên Chúa để cảm tạ Người đã ban cho họ có đất đai và có sản phẩm tiêu dùng. Lễ này thường được cử hành vào khoảng tháng 6. Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa được Thánh sừ Luca nói đến trong sách Công Vụ các Tông Đồ xảy ra vào ngày này.

Lễ Ngũ Tuần kỷ niệm việc mạc khải của sách Torah cho con cái Israel trên núi Sinai. Đây còn được gọi là ”Lễ Bikurim – lễ hội của hoa quả đầu mùa”, lễ này trùng với mùa thu hoạch lúa mì. Trong ngày lễ Shavuot, người ta tổ chức học suốt đêm (Tikkun Leil Shavuot), ăn thực phẩm làm từ sữa – như bánh phô-mai và bánh crêpe kếp mỏng, đọc ”Sách Ruth – מגילת רות”, trang trí nhà cửa và đền thờ thành màu xanh lá cây, mặc quần áo trắng, tượng trung cho sự thanh khiết.

Lễ Tết Phú Rim

 

Tết Phú Rim (Purim – פורים Pûrîm) là lễ mừng, tưởng nhớ việc giải thoát dân Do Thái gốc Iran (Persian Jews) khỏi bị truy sát của vua Haman, theo như Sách Esther đã ghi chép. Trong ngày lễ này, người ta đọc Sách Esther ở nơi công cộng, trao tặng nhau thực phẩm và thức uống, làm việc từ thiện cho người nghèo (Esther 9, 22). Còn có những tập tục khác như uống rượu, ăn bánh “hamantash”, mang mặt nạ, tổ chức diễn hành và tiệc mừng.

Tết Phú Rim được kỷ niệm hàng năm vào ngày thứ 14 của tháng Adar theo lịch Do Thái, tương đương với tháng hai hoặc tháng ba dương lịch

 

”Lễ Hanukkah חנוכה, còn gọi là ”Lễ hội Ánh Sáng”, là lễ kéo dài tám ngày bắt đầu từ ngày thứ 25 của tháng Kislev theo lịch Do Thái. Trong dịp lễ này, người Do Thái sẽ thắp thêm một ngọn đèn theo số tăng dần của mỗi đêm lễ, đêm thứ nhất thắp một ngọn đèn, đêm thứ hai thắp hai ngọn đèn… cho đến đêm cuối cùng là tám ngọn đèn.

”Lễ Hanukkah” có nghĩa là “dâng hiến” vì nó đánh dấu việc tái dâng hiến đền thờ sau khi đền thờ bị phá hủy. Lễ Hanukkah còn gợi nhớ đến “dầu kỳ diệu”. Theo sách Talmud, khi tái dâng hiến đền thờ Yêrusalem sau chiến thắng của phong trào Macabê, chỉ còn đủ dầu thánh để đốt lửa vĩnh cửu trong đền thờ trong một ngày. Kỳ diệu thay, lửa đã cháy trong tám ngày – đó là thời gian đủ để ép, chuẩn bị và thánh hoá dầu mới.

Nhưng lễ Hanukkah không được đề cập đến trong Kinh thánh và cũng chưa bao giờ được xem là lễ chính của Do Thái giáo nhưng lễ này đã được mừng rộng rãi ở nhiều nơi.

 

”Lễ Vượt Qua”

 

Từ ”Vượt Qua” trong tiếng Do Thái là ”Pascha – pèsah” – bắt nguồn từ tiếng Aram ”pashâ”. Nhưng các nhà khảo cứu vẫn chưa hoàn toàn đồng ý với nhau về nguồn gốc của danh từ này. Có người cho rằng nó phát sinh từ một căn ngữ tiếng Assyria – nhưng chưa có giả thuyết nào có giá trị quyết định. Thánh Kinh cho từ ”pèsah” đồng nghĩa với động từ ”pasah” – có nghĩa là đi khập khiễng hoặc nhảy múa theo nghi thức quanh lễ vật hy tế (Sách Các Vua quyển 1, 18, 21-26) – hoặc theo nghĩa bóng là nhảy qua, bỏ qua, tha thứ. ”Lễ Vượt Qua” là việc đi ngang qua của Thiên Chúa: Người lướt qua trên những nhà người Israel, đang khi đó Người lại trừng phạt những nhà người Ai Cập (Sách Xuất Hành, chương 12-13).

Trải qua dòng thời gian, từ “Vượt Qua” đối với Đức Yêsu và Kitô giáo lại mang nhiều nghĩa mới như: xây lại đền thờ nói đến việc Đức Yêsu thanh tẩy đền thờ tạm thời và loan báo đền thờ vĩnh cửu là thân thể phục sinh của Người (Yoan 2,13-23); Vượt Qua của Chiên Mới: Đức Yêsu là chiên vượt qua, thiết lập bữa tiệc vượt qua mới và thực hiện cuộc xuất hành riêng của Người, vượt qua thế gian về cùng Cha (Yoan 13,1). Vượt qua tức là Tiệc Thánh Thể: khi ăn thịt và uống máu mình, Đức Yêsu đã diễn tả cái chết của Người như là hy lễ Vượt Qua mà Người là Chiên Mới (Mc 14,22-24). Sau cùng vượt qua còn chỉ bữa tiệc cánh chung: bữa tiệc trên trời, bữa tiệc mà mọi người đang trên đường tới dự (Sách Khải Huyền 5 ,6-12; 12,1).
 

Thời Giáo Hội sơ khai, chỉ có lễ Phục Sinh. Trong giờ kinh nguyện canh thức được kéo dài suốt đêm thứ năm thánh cho đến rạng sáng lễ Phục Sinh, các Kitô hữu thời sơ khai cử hành mầu nhiệm Chúa Yêsu Kitô tử nạn và phục sinh như một đại lễ.

Đối với các Kitô hữu thời sơ khai, đó là đêm có rất nhiều ý nghĩa. Các tác giả sách Tin Mừng kể cho chúng ta biết việc Đức Yêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại xảy ra trong bối cảnh Lễ Vượt Qua, là cử hành quan trọng nhất trong niên lịch của người Israel. ”Lễ Vượt Qua” đánh dấu đêm sứ thần Thiên Chúa sát hại các con đầu lòng của người Ai cập, giải thoát dân Israel khỏi kiếp nô lệ. Nhưng theo truyền thống Israel, ngày lễ Vuợt Qua có một lịch sử xa xưa hơn nhiều. Vào ngày này, Thiên Chúa đã tác tạo Adam. Vào ngày này, Thiên Chúa đã gọi Abraham. Vào ngày này, sứ thần của Chúa đã dừng tay Abraham khi ông định sát tế Isaac. Vì thế, vào dịp lễ Vượt Qua, dân Do thái nhìn lại toàn bộ lịch sử của họ, nhớ lại tình thương đặc biệt Thiên Chúa dành cho họ ngay từ buổi bình minh của tạo dựng (Điển ngữ Thần học Thánh Kinh tập 4, Bản dịch Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đàlạt, 1973, trang 445-448).

Ngày cực thánh của người Do thái đã trở thành ngày đại lễ thánh đối với người Kitô hữu. Cũng vậy, trong đêm dài canh thức, các Kitô hữu nhìn lại lịch sử thánh và nhận ra Kinh Thánh đã được ứng nghiệm nơi Đức Kitô trỗi dậy từ trong kẻ chết. Thánh Phaolô đã viết: “Chiên Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô, đã chịu hiến tế” (1.Cor. 5,7).

Sự gia tăng ý thức về tính lịch sử của các biến cố trong cuộc đời Chúa Yêsu đã dẫn đến sự hình thành Tam nhật Vượt Qua, rồi đến Tuần Thánh và cuối cùng là Mùa Chay. Truyền thống này bắt đầu vào thế kỷ 4, thời Thánh Ambrôsiô (ở Milano, Ý)Thánh Augustinô (ở Hippone, Bắc Phi). Tam Nhật Thánh được cử hành vào 3 ngày. Lý do cử hành trong “ba ngày” là để làm đúng theo công thức “ba ngày” được nhiều câu Kinh Thánh nói tới, như trong Hs 6,2; Gn 2,1 và Mt 12,40. Các Kitô hữu kính nhớ cuộc Khổ nạn của Chúa Yêsu theo đúng thời gian, bước theo Người từ lúc Người tiến vào Yêrusalem, khi bị bắt, bị đóng đinh cho đến khi Người phục sinh như Tin Mừng đã thuật lại.

 

”Tam Nhật Vượt Qua”

”Tam Nhật Vượt Qua” – tức thứ năm, thứ sáu tuần thánh và thứ bảy phục sinh – thường được gọi là “thánh” vì ba ngày này làm chúng ta sống lại biến cố chính của ơn cứu độlà cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Yêsu Kitô. Những ngày này là trọng tâm của toàn năm phụng vụ cũng như của đời sống Giáo Hội. Đây là thời điểm kết thúc con đường mùa chay thánh để chúng ta chuẩn bị bước vào chính bầu khí mà Chúa Yêsu đã sống khi xưa tại Yêrusalem. Chúng ta muốn khơi dậy ký ức sống động về các khổ đau mà Đức Giêsu đã chịu vì chúng ta và chuẩn bị cử hành Chúa Nhật tới đây với niềm vui lễ Vượt Qua đích thực, mà Máu Chúa Kitô đã bao phủ bằng vinh quang. Đó là Lễ Vượt Qua mà trong đó Giáo Hội cử hành là nguồn gốc của mọi thánh lễ khác như được khẳng định trong Kinh Tiền Tụng ngày lễ Phục Sinh.

Mầu nhiệm vượt qua này là trung tâm điểm của các việc cử hành trong năm phụng vụ. Công Đồng Chung Vaticanô 2 đã nhấn mạnh nhiều tới điều này trong ”Hiến chế về phụng vụ” ở các số 5. 6. 61 và 102. Và “Văn Kiện Những Quy Luật Tổng Quát Năm Phụng Vụ” nói một cách rõ ràng rằng : “Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, nhất là nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Chính Tam nhật Vượt qua, nhằm tưởng niệm cuộc Thương khó và Phục sinh của Chúa, sáng chói lên như tột đỉnh của cả Năm phụng vụ”. (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, số 18.19 )

Như vậy cử hành mầu nhiệm này là cử hành công cuộc cứu chuộc chúng ta và toàn thể nhân loại. Do vậy toàn thể nội dung của tuần thánh nhằm làm nổi bật và làm sáng tỏ mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô.

Mỗi năm, dân Do thái ăn lễ Vượt Qua để tưởng niệm việc họ đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh áp bức của người Ai cập và Thiên Chúa đã ký kết giao ước với họ. Chúa Giêsu Kitô đã mở đầu cuộc khổ nạn khi cùng với các môn đệ dùng bữa tiệc vượt qua đó. Từ giờ phút này, Đức Kitô sẽ thực sự dấn thân vào cuộc thương khó tử nạn. Ngài đã khởi đầu bằng một bữa tiệc vượt qua cổ truyền để chấm dứt Lễ Vượt qua của Cựu Ước, đồng thời mở đầu cho lễ Vượt Qua của Tân Ước bằng chính máu thịt Ngài. Cuộc hiến tế đẫm máu trên đồi Canvê giờ đây được tiên báo bằng việc lập Bí tích Thánh Thể. Như vậy, Ngài đã muốn cho bữa tiệc này trở thành bữa tiệc của giao ước mới, giao ước Người lập khi đổ máu hy sinh trên thập giá. Nhiệm tích này sẽ tồn tại mãi mãi như một kỷ niệm và là một lễ hy sinh mỗi khi được tái hiện trên bàn thờ. Vì thế, khi trao cho các môn đệ tấm bánh và chén rượu, là thức ăn thức uống đã trở thành Mình và Máu của Ngài.

Biến cố Chúa Yêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại xảy ra trong bối cảnh lễ Vượt Qua, là cử hành quan trọng nhất trong niên lịch của người Do thái. Ngày quan trọng nhất đối với người Do Thái nay đã trở thành ngày cực thánh đối với người Kitô hữu. Việc cử hành phụng vụ tam nhật thánh không dừng lại ở việc hướng về, tưởng nhớ một sự kiện lịch sử chan hòa ý nghĩa xúc động và đầy sức tác động, nhưng quan trọng trên hết chính là tái diễn cách sống động sự kiện Đức Yêsu đã chết và sống lại trong hiện tại và kéo dài đến tương lai. Vì thế, cuộc sống của người Kitô hữu được mời gọi nối dài các mầu nhiệm của Đức Kitô, đặc biệt là mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người. Chúng ta được mời gọi biết chết với Đức Kitô để rồi cũng được sống lại với Ngài: Chúa Yêsu Kitô là sức mạnh, bình an và nguồn mọi ơn phúc của mỗi người chúng ta.