Billedresultat for Buddha

Nguyễn Trọng Lưu

Vài hàng lịch sử

 Đức Phật (tiếng Phạn: Buddha; Devanagari) – hay Đức Phật Thích Ca – tức ”Đấng Giác Ngộ” – tên là Siddhartha Gautama (tiếng Phạn: Siddhārtha Gautama; Devanagari) – là con vua Conddhodano, vị vua cai trị miền châu thổ sông Ganje, Ấn Độ – vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên.

Ngài còn được xưng tụng với những tên: ”Như Lai – Người đến từ cõi Chân Như”; ”Ứng Cúng” – tức ”A La Hán, Người đáng được cúng dường”; ”Chính Biến Tri Samyaksaṃbuddha” – là ”Tam-Miệu-Tam-Phật-Đàngười hiểu biết đúng tất cả các pháp”; ”Minh Hạnh Túc – Vidyācaraṇasaṃpanna – người có đủ trí huệ và đức hạnh”, tức có đầy đủ tam minh (Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh) và ngũ hạnh (Thánh Hạnh, Phạm Hạnh, Thiên Hạnh, Anh Nhi Hạnh, Bệnh Hạnh); ”Thiện Thệ – Sugata, người đã đi một cách tốt đẹp”; ”Thế Gian Giải -Lokavid, người đã thấu hiểu thế giới”; ”Vô Thượng sĩ – Anuttarapuruṣa, tức “Đấng tối cao, Không ai hơn”; Điều Ngự Trượng Phu – Puruṣadamyasārathi”, người đã chế ngự được bản ngã và nhân loại cũng như có khả năng điều khiển những người hiền và chinh phục những kẻ ác theo về chính đạo; ”Phật Thế TônBuddhalokanātha, Buddhalokajyeṣṭha, Bhagavān” Thiên Nhân SưDevamanuṣyānāṃ śāstṛ” – bậc thầy của cõi người và cõi trời.

Phái Phật Giáo Mật Tông còn gọi Ngài là “Tỳ Lô Giá Na – Đại Nhật Như Lai” mà theo tiếng Phạn, “Tỳ Lô Giá Na” là tên gọi khác của Mặt Trời.

Ngài rất thông minh và hay thương người. Sau những lần theo vua cha đi dạo qua bốn cửa thành, Ngài đã tận mắt chứng kiến những đau khổ của người đời: đau khổ của đứa bé mới lọt lòng mẹ, đau khổ của những người già nua tuổi tác, đau khổ do bệnh tật và đau khổ vì chết.

Lúc đầu, Ngài tưởng rằng, đó chỉ là những đau khổ do xã hội thời đó gây ra – bởi xã hội Ấn Độ thời đó chia thành 5 giai cấp khác nhau: giai cấp Bàlamôn (Brahmanah) gồm các bậc tu hành, đạo sĩ; giai cấp Xát Đế Lỵ (Ksatriyah) là dòng dõi vua quan, quý tộc; giai cấp Phệ Xá (Vai’syah) là hạng thường dân trong sạch; giai cấp Thủ La Đà (Sùdrah) gồm những người làm thuê, làm mướn. Cuối cùng là hạng người tội lỗi mà thực sự không đáng là một giai cấp, gồm những người bị xã hội ruồng bỏ, khinh chê, đào thải.

Nhưng dần dà với thời gian, Ngài thấy rằng những đau khổ đó không phát sinh từ những phân chia giai cấp trong xã hội, mà lại phát sinh từ ngay nội tại tính (immanentéité) của con người – và do

vậy cần phải có sự giải thoát siêu hình mới mong cứu khổ được đại chúng. Ngài nhất quyết lên đường đến núi Himalaya tầm đạo, nhưng thấy không kết quả, Ngài trở về núi Kada, bên kia sông Nackeyam – nay gọi là sông Phalgu – để thiền. Và ở đó, Ngài đã giác ngộ: Ngài đã thành Phật (Xem Maurice Pucheron, Le Bouddha et le boudhisme, Seuil, 1980, trang 15-39).

Từ đó Ngài đi khắp nước Ấn Độ thuyết giảng và dạy dỗ chúng sinh trong 49 năm. Ngài viên tịch năm 80 tuổi.

 

 

Billedresultat for Buddha DIE

 

 Các nhánh trong Phật Giáo

Sau đó Phật giáo bắt đầu phân hóa ra thành nhiều nhánh và nhiều hệ tư tưởng, với nhiều khác biệt.

Phật Giáo Nguyên Thủy, còn gọi là Phật Giáo Nam Tông hay Phật Giáo Tiểu Thừa – là nhánh Phật Giáo có hệ thống kinh điển được coi là gần nhất với giáo lý nguyên thủy của đạo Phật

Phật giáo Đại Thừa, còn gọi là Phật giáo Bắc Tông hay Phật Giáo Đại Chúng.

Và cuối cùng là Phật Giáo Mật Tông hay Phật Giáo Kim Cương Thừa, cũng còn được gọi là Phật Giáo Tây Tạng,

 

Những điểm chính yếu trong giáo lý Phật Giáo

 Tuy có nhiều nhánh khác nhau, nhưng tựu trong giáo lý Phật Giáo đều có những điểm chung như sau.

 

1- Hai nguyên lý căn bản

Đi vào Phật Giáo, chúng ta thấy có hai nguyên lý căn bản:

  • Tất cả đều biến chuyển vô thường
  • Trong một bản thể bất sinh bất diệt

Quả vậy, tất cả mọi vật hiện hữu trong vũ trụ không có gì là thường tồn và tại hữu, mà lúc nào cũng chuyển biến, đổi thay. Một hại giống, phải mục nát đi để thành cây, rồi đơm hoa kết trái. Con người sinh ra, lớn lên, già nua, rồi chết đi: ”sinh, trụ, dị, diệt”.

Nhưng chính trong khi thay đổi đó, tất cả đều nằm trong cái ”tâm” của vũ trụ – tức một bản thể trường tồn – là công năng hoạt động làm phát sinh ra thế giới. Bản thể đó gồm sáu công năng -được gọi là ”Lục Đại” – tức: đất, nước, gió, lửa, không khí và linh tri.

 Vũ trụ quan của Phật Giáo

 ”Lục Đại” đó lúc nào cũng tràn đầy và dung hòa với nhau, cấu thành vũ trụ. Sự cấu thành vũ trụ là do các công năng đó tự làm nguyên nhân nhân quả (pincipe de causalité) lẫn cho nhau chứ không có một Đấng Tối Cao nào làm chủ cả. Vũ trụ quan của Phật Giáo lúc nào cũng gắn liền với chủ trương duyên khởi: cái này là kết quả của cái kia, nhưng cái này lại là nhân của cái tiếp theo sau.  

 

 Thuyết luân hồi nghiệp báo (Karma)

 Chính vì vậy mà Phật Giáo chủ trương thuyết luân hồi. Tất cả mọi sự vật đều biến chuyển, nhưng không biến mất, mà để trở thành một cái khác, theo ”luật nghiệp báo”: làm lành sẽ được cái tốt hơn, còn làm dữ sẽ chịu cái xấu hơn. Mỗi khi chuyển từ tình trạng này sang tình trạng khác – tức là đã chuyển dịch từ ”kiếp này” đi sang ”kiếp khác”.

 

”Sự giải thoát” hay ”Giác Ngộ”

Nhưng làm sao có thể giải thoát khỏi vòng luân hồi, nghiệp báo? Chỉ bằng cách ”chấp mê” – tức thoát khỏi vòng me lẫm của nhân sinh. Nhưng để ”chấp mê” thì trước hết phải biết đến ”Tứ Diệu Đế” và ”Thập Nhị Nhân Duyên”.

”Tứ Diệu Đế” gồm có ”khổ đế” (nhân sinh là khổ); ”tập đế” (những nguyên nhân quá khứ kết tụ lại); ”diệt đế” (cảnh an lạc) và ”đạo đế” (phải tu theo bát chính đạo).

”Diệt đế” và ”đạo đế” thuộc về giải thoát luận, còn ”khổ đế” và ”tập đế””thập nhị nhân duyên” (mười hai duyên nhân quả):

 

  • Vô minh: trạng thái mê lẫm, không giác ngộ
  • Hành: Sự biến chuyển của nghiệp thức
  • Thức: ngiệp chướng
  • Danh sắc: nghiệp chướng và khí huyết của cha mẹ
  • Lục nhập: ngũ quan và ý thức
  • Xúc: cảm xúc của ngũ quan
  • Thụ: sự lãnh thụ, quyến luyến
  • Ái: lòng yêu, tham
  • Hữu: có do những nguyên nhân trên
  • Thủ: lòng ham giữ lại cho mình
  • Sinh: nhân quả về sau trong cõi thụ sinh
  • Lão tử: già, chết.

Trong mười hai nhân duyên này, “vô minh” và ”hành” là nhân quả thuộc về quá khứ; ”thức”, ”danh sắc”, ”lục nhập”, ”xúc”, ”thụ”, ”ái”, ”hữu” và ”thủ” thuộc về hiện tại, còn ”sinh”, ”lão tử” thuộc về tương lai.

Như thế cuộc sống là một cuộc mê chấp triền miên – mà để giải thoát – phải ”diệt dục”: diệt hết những ham muốn từ thập nhị nhân duyên để đạt đến giác ngộ.

 

  1. Niết Bàn – Nirvana

Cõi giác ngộ này – Phật Giáo gọi là “Niết Bàn – Nirvana”. Niết Bàn là một sự tịnh diệt, là sự hoan lạc, vô vi, là một sự chiếu sáng (illumination) để hội nhập vào vái “TÂM” của vũ trụ, để trở thành bất chuyển. Chính lúc này mà người theo đạo Phật trở thành Phật, như Đức Phật Thích ca vậy.

Đây cũng chính là tận điểm của giáo lý nhà Phật.

 

Đối thoại với Phật Giáo

Sau khi đã lược qua những điểm chính yếu nhất về Phật Học – đến đây – tôi muốn so sánh một vài điểm trong giáo lý Phật Giáo với giáo lý công giáo, để từ đó có thể xác minh những giá trị tích cực của Phật Giáo.

 

  1. Một vài điểm so sánh

Có một vài điểm không tương hợp giữa Phật Giáo và Công Giáo. Chẳng hạn, trong khi Phật Giáo chủ trương vũ trụ và tất cả mọi sự được tạo thành chỉ do sự dung hòa giữa “lục công” – chứ không có thần thánh nào chi phối cả – thì trái lại, bên công giáo lại tin rằng tất cả đều do Thiên Chúa tạo thành và duy trì.

Rồi khi đã giác ngộ và vào cõi “Niết Bàn”, thì phật tử cũng trở thành Phật, có đồng bản tính – như và với Đức Phật Thích Ca. Thế nhưng bên công giáo, cho dù được vào thiên đàng và trở thành thánh, không bao giờ người công giáo trở thành Chúa và cũng không bao giờ có cùng một bản tính như Thiên Chúa.

  1. Phật Giáo có phải là một tôn giáo không?

Chính ở hai điểm khác biệt trên đây mà chúng tôi nêu lên vấn nạn: ”Phật Giáo có phải là một tôn giáo không?”

Thoạt vừa nghe, chúng ta sẽ ngạc nhiên bởi lẽ đã gọi là “Phật Giáo” – tức là tôn giáo của Đức Phật -thế tại sao còn phải đặt vấn đề “Phật Giáo có phải là một tôn giáo không?”

Trước hết, chính Đức Phật đã dạy “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Như vậy mỗi con người đều mang trong mình Phật tính (Bouddhéité)tức không có sự phân biệt bản tính giữa Đức Phật và phật tử. Như vậy cũng không có sự đòi buộc phải thờ kính – hiểu theo nghĩa tôn thờ, cúng bái Đức Phật, để cầu Ngài ban ơn giải thoát. Khi tại thế chính Đức Phật, cũng chỉ giảng dạy cho chúng sinh biết con đường “chấp mê” mà thôi, chứ không khi nào Ngài đòi buộc thờ cúng Ngài.

Thêm vào đó, nếu tất cả mọi sự đều được tạo thành từ một nguyên lý nhân quả giữa “lục công” -tức từ căn bản, Phật học là một thuyết không thần (doctrine a-théiste). Xin quý độc giả lưu ý cẩn thận: thuyết vô thần (athéisme) là thuyết không chấp nhận có thần, và phải bằng mọi cách, chống lại những thuyết hữu thần (théisme) – còn thuyết không thần (a-théisme) không tin có thần mà cũng không chống lại những thuyết hữu thần khác.

Do vậy, nếu hiểu tôn giáo là một đạo có nghi lễ thờ cúng thần thánh, thì Phật Giáo không phải là một tôn giáo đúng nghĩa. Nhưng nếu hiểu tôn giáo là một con đường giải thoát, thì thực sự Phật Giáo đã đóng góp rất nhiều cho nhân loại.

 

  1. Giá trị tích cực của Phật Giáo

Phật Giáo đã đề ra một con đường giải thoát rất cao cả và rất thu hút. Khởi từ những nhận định về chỗ đứng của con người trong vũ trụ, từ những hoàn cảnh cụ thể của kiếp nhân sinh, Đức Phật đã tìm ra con đường giải thoát. Sự giải thoát này vừa có tính chất tri thức (épistémoligiste) – biết thập nhị nhân duyên và tứ diệu đế – vừa có tính chất ý chí (volontariste) – phải tự mình tu luyện để có thể giải thoát.

Hơn thế, đức từ bi hỷ xả – tức lòng bác ái vị tha – của Phật Giáo là một giá trị vô cùng quý báu. Đức Phật đã dạy phải coi mọi người là anh em, phải biết hy sinh cho đồng loại và phải cùng với anh em đi tìm giải thoát. Tính chất liên đới trong sự đi tìm giải thoát – xét theo một khía cạnh – có thể so sánh với tín điều các thánh cùng thông công trong công giáo: mỗi người sống (trong giáo hội tại thế) đều có bổn phận – cùng với những anh em đồng đạo – dù là những anh em đã được vinh hiển (tức các thánh) hay những anh em đã chết mà còn trong luyện ngục – làm vinh danh Thiên Chúa qua sự đón nhận ơn cứu rỗi từ Chúa Kitô.

Bởi thế, nếu trong quá khứ – nhất là khi còn ở Việt Nam – chúng ta đã có những gì xúc phạm đến anh em Phật Giáo – chúng ta hãy thành tâm xin lỗi và nguyện cầu cho nhau. Vì nhà Thiên Chúa có nhiều chỗ (Yo. 14, 2) và Thiên Chúa muôn đời vẫn là Thiên Chúa của tình thương (Yo. 15, 9-10).

Nguyễn Trọng Lưu