Billedresultat for DIE SOUL

Nguyễn Trọng Lưu

 

 

”Con người là hữu thể hướng đến cái chết”

 

Trong những bài thuyết trình về văn học và triết học, tôi luôn khởi từ nhận định rằng triết lý là chính cuộc sống, là những suy tư về cuộc đời, để sống cho khôn ngoan, sáng suốt và hạnh phúc. Triết lý là một nỗ lực không ngừng của con người đi tìm chân lý và hạnh phúc trong đời – nhưng tuyệt cùng của đời người lại là cái chết, thế nên triết gia Martin Heidegger (1889-1976) mới viết: ”Con người là hữu thể hướng đến cái chết” – mà do vậy trong một chiều kích, triết học cũng chính là nghệ thuật sống cái chết. Những suy tư đó cũng bàng bạc trong các bài viết của tôi về sự sống và cái chết: “Sống, chết và sống lại”; “Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời”; “Tình yêu không chết và đó là dấu chỉ của sự sống lại” “Chết lúc chết và chết lúc đang sống”.

Cảm nghiệm này mới đây được Costica Bradatan – một triết gia đương thời, người Mỹ, thuộc phân khoa nhân văn của đại học Texas – đã đào sâu và chia sẻ theo một nhãn quan mới trong cuốn “Philosophy as an Art of Dying – Triết học như nghệ thuật chết” (2011).

Costica Bradatan khởi đi từ một vài truyền thống triết học phương tây đánh giá xác thân có địa vị thấp kém hơn so với tinh thần, trí tuệ hay tâm hồn: nó là lãnh địa của “xác thịt”, vùng của những bản năng mù lòa với những động lực không trong sạch, để đi đến những trường hợp con người bị ép phải chết – như đã từng xảy ra với Socrates, Hypatia, Thomas More, Giordano Bruno, Jan Patočka và một số người khác và cuối cùng là những trường hợp tự tử – mà theo thống kê của tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), cứ 40 giây lại có một người tự tử trên toàn thế giới. Như vậy có khoảng một triệu người tự kết liễu mạng sống của mình mỗi năm.

Riêng đối với tôi, con số những người chọn cách chết bằng việc tự tử thật ra chỉ là một con số vật lý, bởi khi có người tự tử, thì cái chết này luôn ám ảnh và dằn vặt tâm hồn của những người thân quen còn sống – và điều này mới quan trọng.

Billedresultat for DIE SOUL

Triết lý về sự chết

Để hiểu như thế, có lẽ chúng ta cần tìm hiểu những khía cạnh của cái chết. Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể chia sẻ cảm nghiệm về chính cái chết – vì khi sống, chúng ta chưa chết, mà khi đã chết, chúng ta không còn sống để chia sẻ cảm nghiệm về cái chết nữa.  Do vậy triết gia Jean-Paul Satre mới nhận định rằng chúng ta chỉ có thể nói về cái chết của những người khác mà thôi.

Vì không ai có kinh nghiệm về cái chết nên cũng chẳng ai dám khẳng quyết về điều này. Một số người có thể có những kinh nghiệm về “cận tử – near death” – như ý thức là đã chết, cảm thấy đã rời khỏi thân xác và từ bên trên nhìn xuống thể xác của mình, đi vào đường hầm hun hút, thấy ánh sáng cuối đường hầm, gặp lại những người thân yêu, thấy lâng lâng hạnh phúc – sau đó quay trở lại

thân xác và hồi tỉnh. Nhưng kinh nghiệm về “cận tử” này cũng có thể xảy ra do tình trạng thiếu oxy, nên óc não tạo ra những ảo giác vừa kể mà thôi.

Chết là gì?

Hình như cái chết vẫn còn rất xa lạ với những người trẻ tuổi đang sống bình thản và vô tư trong cuộc đời. Họ chẳng quan tâm gì đến cái chết – “ai chết thì chết” – nhưng ta cứ sống khỏe mạnh để hưởng thụ và bon chen trong cuộc đời và từ đó thường nảy sinh ý nghĩ: “phải chăng suy niệm về cái chết chỉ dành cho những người sắp gần đất xa trời”?

Nhưng trong thực tế thì cũng có rất nhiều tình trạng

“Lá vàng thì ở trên cây

  Lá xanh rụng xuống, trời ơi hỡi trời”

xảy ra trong cuộc sống mà người ta vô tình hay cố ý không để tâm đến. Như vậy cái chết đã đến mà không hề phân biệt tuổi tác, giới tính, trình độ hay địa vị xã hội. Khi cái chết đến, không điều gì có thể ngăn cản được, dù chúng ta là ai, dù chúng ta đã thành công hay thất bại trong cuộc đời, dù chúng ta đã sẵn sàng hay chưa.

 

Quan điểm khoa học

Tự điển bách khoa Britannica định nghĩa đơn giản rằng cái chết là “sự chia tách giữa phần hồn và phần xác”. Định nghĩa này cho thấy mối quan hệ giữa cái chết và các yếu tố tâm linh, nhưng nó không làm thỏa mãn với những người theo chủ nghĩa duy vật, không công nhận có linh hồn.

Nhà sinh lý học người Pháp Claude Bernard (1813-1878) lại nói rằng: “Sinh vật lớn lên, suy tàn và chết”. Quan điểm này giống như quan điểm “sinh, lão, bệnh, tử” của Phật giáo, những cũng chưa phải là định nghĩa rõ ràng về cái chết. Sau này, người ta mới phát biểu rõ ràng dưới khía cạnh khoa học “chết là khi não gặp phải những tổn thương không thể phục hồi được, đẩy tình trạng tim phổi ngừng hoạt động thành trạng thái “chết lâm sàng”. Theo như định nghĩa này, một người được xem là đã chết về mặt pháp lý nếu não của người đó mất hoàn toàn tất cả các chức năng thần kinh đối với cơ thể. Nhưng việc xác định xem một bộ não phải bị tổn thương ở mức độ nào mới được tính là đã chết cũng còn nhiều tranh cãi.

Như vậy, ngoài cái “chết lâm sàng” ra, còn một cái chết nữa là “chết thật sự”: khi các mô không còn hoạt động được nữa và bắt đầu phân hủy.

Billedresultat for DIE SOUL

Thái độ của con người trước cái chết

 

Trong lịch sử triết học, đã có một số triết gia duy vật cho rằng, chết là hết, không có gì để nói hay suy tư gì nữa. Triết gia Hy Lạp Epicure  nhìn cái chết theo một chiều hướng rất lạnh lùng: “Khi

chúng ta sống – cái chết vắng mặt, và khi chết là ta không còn sống nữa” – mà do vậy chả có gì phải lo lắng suy nghĩ cả: thật đơn giản! Còn triết gia Socrates lại bình thản uống chén thuốc độc trong lúc tranh luận về tính bất tử của linh hồn.

Ông bà chúng ta thì cho rằng, chết là một cuộc hành trình trở về quê hương đích thực “sinh-ký, tử-quy” và do vậy các ngài không dùng từ “chết” mà dùng những cụm từ “qui tiên”, “qua đời”, “từ trần”, “tạ thế”. Có nhiều cụ thản nhiên đợi chờ giờ về với ông bà, thậm chí mua quan tài để sẵn trong nhà, rồi thỉnh thoảng vào nằm thử nữa.

Nhưng cũng có những người bất mãn với cái chết – như nhà thơ Du Tử Lê, khi chứng kiến cái chết của những người thân đã đặt ra những câu hỏi bi đát: “Chưa bao giờ tôi thấy kiếp sống con người lại có thể vô nghĩa đến thế?”

Quan niệm triết học và tôn giáo về cái chết

Nhưng có sợ hay không thì cuối cùng con người cũng phải chết, và như vậy – thay vì sợ chết có lẽ chúng ta nên đi tìm ý nghĩa của nó.

Sự chết luôn gắn liền với con người, nên cái chết đã mang một ý nghĩa nhân bản. Trước sự ra đi của người thân yêu, con người ta sầu muộn và khổ đau. Triết gia Martin Heidegger coi cái chết là một hiện tượng mang tính cá nhân nhất, không ai chết hai lần mà cũng chẳng ai chết thay được cho ai. Mỗi người phải chết cho cái chết riêng tư của mình trong sự cô quạnh, đìu hiu. Sự sống đã mang một giá trị lớn lao đến nỗi con người thà chấp nhận sống đau khổ còn hơn là chết, vẫn thích án chung thân hơn là tử hình – như Albert Camus nhận định: “sự sống là giá trị của mọi giá trị”: nếu không có sự sống làm sao có tình yêu, có trí tuệ, có tranh đấu, cho nên bằng mọi giá con người níu kéo sự sống, bệnh sắp chết cũng ráng chữa với quan niệm “còn nước còn tát”.

Các nhà tư tưởng Nho Giáo chủ trương “tử sinh hữu mệnh, bần phú do thiên – sống chết có số, phú quý ở trời”. Dường như Nho Giáo chỉ chú trọng đến sự sống, ít quan tâm đến cái chết. Khổng Tử thì nói “chưa biết chuyện sống, sao biết chuyện chết”. Nhưng Nho Giáo lại quan niệm – tuy đời người có hạn nhưng tu dưỡng, học vấn, đạo đức có thể khiến tinh thần trở nên vĩnh hằng bất tử.

Riêng Trang Tử coi cái sống và cái chết là lẽ tự nhiên, bình thường và bình đẳng, nên ông chẳng xao xuyến gì trước cái chết, thản nhiên vào ra cuộc đời: “Bậc chân nhân không ham sống, không sợ chết, vào không vui, ra không buồn, thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi”. Đối với ông, sống chết cũng giống như chuyện được mất, mà được là thời, mất là thuận: “Thuận thiên giả tồn”, cứ theo ý trời thì chẳng phải lo sợ gì.

Theo giáo lý của Ấn Giáo, thì chết là trở về với Brahman, tức là hồn của vũ trụ. “Hồn Vũ Trụ” chính là trung tâm của vũ trụ và vạn vật. Mọi sinh linh sau một thời gian sẽ trở về lại với hồn vũ trụ, nơi phát xuất ra vạn vật.

Còn theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, con người sở dĩ sống được là nhờ hiệu năng của các nguyên lý thượng đẳng – đó là “Hồn” – và nguyên lý hạ đẳng đó là “Vía”. Mỗi người đều có ba Hồn, nhưng đàn ông thì có bảy vía, còn đàn bà có chín vía. Các nguyên lý không hoàn toàn tiêu tan khi con người chết đi, mà tồn tại mãi. Trong đó có nguyên lý gắn với thể xác, có nguyên lý gắn với bài vị, lại có nguyên lý lang thang đó đây. Văn hóa Việt Nam cũng ghi nhận 18 tầng địa ngục mà Thượng Đế sẽ dùng vào việc thưởng người lành, phạt kẻ dữ. Hơn nữa người sống và người chết luôn có quan hệ mật thiết với nhau, từ đó mới sinh ra việc thờ cúng tổ tiên và nghi lễ cúng giỗ để tưởng nhớ và giúp đỡ người đã khuất: “sự tử như sự sinh”.

Trong triết học Tây Phương, thì Platon – một triết gia duy tâm lớn của Hy Lạp cổ đại là đại diện tiêu biểu trong việc tìm hiểu vấn đề liên quan giữa sự sống và cái chết của con người. Trong các tác phẩm của mình, Platon đã định nghĩa chết là sự tách rời phần vô hình – còn gọi là phần phi vật thể của một sinh vật (tức phần hồn) ra khỏi phần hữu hình – vật thể (tức là phần xác). Hơn thế nữa, Platon còn cho rằng linh hồn một khi đã lìa khỏi thể xác, có thể gặp lại những linh hồn khác và để họ hướng dẫn đi qua giai đoạn quá độ sang thế giới bên kia. Có thể nói theo Platon – trong mỗi con người luôn tồn tại hai phần thể xác và hồn, cũng như có một thế giới cho linh hồn sau khi chết. Hégel lại cho rằng, chết là tan mất trong tinh thần tuyệt đối. Còn Jean-Paul Sartre, triết gia hiện sinh vô thần người Pháp – thì coi cái chết cũng vô lý như sự sống vậy. Hầu hết các thuyết duy vật đều quan niệm cái chết là một hiện tượng tự nhiên, thuộc quy luật sinh lý, tức là việc tiêu tan các yếu tố lý hóa đã khiến cho thân thể sống động.

Mọi học thuyết vô thần đều dẫn đến đêm đen của sự chết chóc, đồng thời nhân loại phải chồng chất trên vai những gánh nặng bệnh tật, chiến tranh, lòng thù hận cũng như mất dần phương hướng. Phần lớn những người tôn thờ các học thuyết vô thần và duy vật đang trên đà mất dần bản tính người mà sống thiên về thế giới của động vật, thậm chí có kẻ biến chất thành dã thú. Mà nếu con người chết là hết thì thật là phi lý. Bởi khi họ không còn niềm tin, họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì họ muốn. Chẳng hạn như tội buôn bán phụ nữ và trẻ em vùng biên giới Việt Trung, lạm dụng tình dục trẻ em khắp nơi, hay khu nô lệ tình dục tại Thái Lan. Nếu không có niềm tin vào hạnh phúc đời sau, chết là hết – thì thật là phi lý: chẳng lẽ kết thúc cuộc đời của những người ăn ngay ở lành, bác ái từ bi lại cũng chỉ có được kết cục như những kẻ có tâm địa độc ác, sống bất nhân và vô lương tri hay sao?

 

Jiddu Krishnamurti (1895-1986) cho rằng ta phải để quá khứ chết đi, tập trung sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại, và chỉ như vậy mới cảm nhận được cái bao la khôn cùng của cảnh giới niết bàn nơi trần thế. Sống hôm nay là chết đi với những cái hôm qua, sống giây phút này là chết đi với giây phút trước, sống và chết giao nhau trong từng giây phút. Hạnh phúc thực sự sẽ xuất hiện khi con người biết chết đi với quá khứ.

Còn đối với thi hào Rabindranath Tagore (1861-1941) thì cái chết là cửa vào viên mãn đích thực: “Ôi! Thần chết, ngươi làm cuộc đời tràn đầy lần cuối. Những gì ta là, những gì ta có, những gì ta hoài mong, những gì ta yêu thương, tất cả vẫn sâu xa bí mật trôi chảy về ngươi. Chỉ một ánh nhìn từ mắt ngươi lần cuối là đời ta vĩnh viễn thuộc về ngươi. Hoa đã kết thành tràng, sẵn sàng chờ đợi tân lang. Sau tiệc cưới, giai nhân sẽ rời nhà, một mình ra đi gặp tân lang trong đêm tối quạnh hiu”.

Có lẽ chính vì thế, khi cảm nghiệm thường xuyên cái chết của chính mình hay của những người thân quen sẽ giúp ý thức sâu sắc hơn về tính vô thường của cuộc sống, nó có thể làm giảm bớt lòng bám víu vật chất nơi con người.

Quan điểm tôn giáo

Phật Giáo cho rằng khi hơi thở chấm dứt là con người sẽ chết và nó là một trong bốn khâu của định luật “thành, trụ, hoại, diệt”. Bất cứ sự vật nào thuộc thế giới hiện tượng, nghĩa là có hình có tướng, đều phải trải qua bốn giai đoạn của hiện hữu: “Thành” (từ chưa có trở nên có); “Trụ” (tồn tại một thời gian); “Hoại” (bị hư hoại, yếu dần, suy thoái)“Diệt” (cuối cùng bị tiêu diệt, mất đi, không còn tồn tại nữa). Chết chính là khâu cuối cùng của bốn giai đoạn hiện hữu trên cho mọi vật sống.

Phật Giáo quan niệm chết không phải là chấm dứt, và đau khổ cũng không chấm dứt sau khi chết, nhưng vẫn tiếp tục cho đến khi nào giải được tất cả ác nghiệp. Luân hồi nghiệp báo là quan điểm không những của Phật giáo mà còn là quan điểm của một vài tôn giáo Ấn Độ khác trước khi đạo Phật ra đời, như Ấn Giáo, Bà La Môn Giáo. Chết không phải là hết mà chỉ là sự thay đổi cảnh giới từ người sang những cảnh giới khác (thiên đàng, địa ngục, A-Tu-La, người, ngạ quỷ, súc sinh) – gọi chung là “lục đạo”.

Còn Thiên Chúa Giáo tin rằng chết không phải là hết mà chỉ là một chuyển tiếp để bước vào đời sống vĩnh cửu. “Kinh tiền tụng” lễ cầu cho người chết đã diễn tả niềm tin này: “Lạy Chúa, đối với những người tin kính Chúa, sự sống không bị hủy diệt nhưng được biến đổi, và khi thời gian sống của họ trên trái đất này chấm dứt, họ có được một nơi cư ngụ vĩnh viễn trên trời”do vậy người công giáo nói rằng chết là được gọi về nhà Cha. Sách Giáo Lý Công Giáo đã khẳng định rằng: “Chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế, kết thúc thời gian Thiên Chúa gia ân và xót thương để mỗi người thực hiện cuộc sống theo ý định của ngài, và sẽ không trở lại những kiếp sống khác nơi trần gian này nữa. Con người sẽ được phục sinh vào ngày tận thế”. Người chết chờ sự phán xét của Thiên Chúa và linh hồn sẽ đi vào một trong ba cõi: luyện ngục (nếu mang những tội nhẹ), hỏa ngục (mang tội trọng) và thiên đàng (nếu có công đức trong khi sống).

“Nếu bạn đã thất bại trong cuộc sống? Vậy hãy thành công trong cái chết!”

Nếu thi sĩ La Fontaine, người Pháp nói rằng: “Cái chết không bao giờ bất ngờ đến với con người khôn ngoan, vì người đó luôn luôn sẵn sàng ra đi” – thì có lẽ chúng ta cũng có thể nói: “Nếu bạn đã thất bại trong cuộc sống ư? Vậy hãy thành công trong cái chết đi!”

Cuộc sống là một món quà vô cùng quý giá. Chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ cuộc sống của chính mình và cả cuộc sống của người khác. Nhưng học cách hiểu về sự chết chính là học cách để giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp, trọn vẹn.

Sống không phải là sự buông xuôi bất lực, là cúi đầu đón nhận những gì cuộc đời mang lại. Sống đồng nghĩa với hành động: cái đáng sợ không phải là chết mà là sống có ý nghĩa gì hay không. Cái chết không hề vô nghĩa: khi cái chết đến, là lúc con người chúng ta có dịp nhìn lại để cảm nhận sâu sắc ý nghĩa về cuộc đời. Cuộc sống con người giống nhau ở cái chết, nhưng khác nhau ở phần để lại. Sự hạn hữu của cuộc đời sẽ hóa thành vô hạn khi con người sống hết mình cho cuộc đời trần thế. Chết không có nghĩa là hết mà là khởi đầu cuộc sống mới, một cuộc sống tinh thần bất tử.

Cũng trong ý hướng này mà Ted Hughes một thi sĩ người Anh (1930-1998) mới cảm hứng viết những dòng thơ này: “Ta mạnh hơn cái chết!” – hiểu theo nghĩa biết dùng chính cuộc sống để chuẩn bị cho mình cái chết hạnh phúc:

“Who is stronger than hope? Death.

 Who is stronger than the will? Death.

 Stronger than love? Death.

 Stronger than life? Death.

 But who is stronger than Death?

 Me, evidently.”

 

(Ai mạnh hơn hi vọng? Cái chết

Ai mạnh hơn ý chí con người? Cái chết

Ai mạnh hơn tình yêu? Cái chết

Ai mạnh hơn cuộc sống? Cái chết 

Nhưng ai mạnh hơn cái chết? Chính ta!)   

   

                    Billedresultat for SOUL