Cho tôi được tự do thật …

 

Nguyễn Trọng Lưu

 

Là người Việt tỵ nạn sống lưu lạc trên đất khách quê người – nhất là những thuyền nhân (boat people) – chắc không ai có thể quên được những dằn vặt, khổ đau, cơ cực, khi phải dám liều đánh đổi mạng sống của mình, của cả vợ chồng con cái và phải bỏ lại tất cả sau lưng, để vượt biên vào những năm từ sau biến cố tháng tư đen, không một chắc chắn nào nằm trong tầm tay, với mục đích duy nhất là đi tìm tự do. Bởi con người dưới chế độ cộng sản hay dưới những chế độ độc tài, đã bị tước hết nhân phẩm, để chỉ còn là những công cụ cho một nhóm người tự liên kết thành một giai cấp thống trị, chỉ muốn bóc lột, đàn áp nhân dân theo một ý thức hệ vô lương tri. Cái mất lớn lao nhất của nhân dân là cái mất tự do, một thứ tự do linh thiêng chân thật phát sinh tự trái tim đầy ắp tình thương con người. Cái giá của tự do quá đắt, bởi nó đã cướp biết bao mạng sống của anh em đồng hương trên biển cả – khi bị hải tặc hãm hiếp rồi giết chết, khi bị làm mồi cho cá biển, hoặc khi bị vùi thân sâu trong lòng đại dương bao la song vỗ kinh hoàng.

Còn chúng ta, những người may mắn được sống và đi đến bến bờ tự do, ngày hôm nay đây, trước hết hãy tạ ơn Trời vì món quà lớn lao đó, rồi hãy thắp một nén nhang tưởng nhớ đến những người anh em xấu số đã mất mạng khi chưa được toại nguyện.

Nhưng lời tạ ơn và nén nhang ắp đầy tình người nhất, theo thiển ý của tôi, vẫn là đi tìm ý nghĩa của “tự do”, để sống trọn vẹn ý nghĩa đó.

 

Những hệ luận của tự do

Thông thường, nếu hỏi “tự do là gì?” thì chắc ai cũng có thể trả lời rằng “tự do là quyền được làm như ý muốn của mình”. “Tự do” vừa là bản chất tự nhiên, vừa là khát vọng nội tại của mỗi người. Nhưng khi trả lời như thế, chắc chẳng mấy khi và cũng chẳng mấy ai để ý đến những hệ luận của “tự do”.

Theo nguyên ngữ Hy Lạp – “tự do – ελευθερία” là khái niệm dùng trong chính trị học – mô tả tình trạng khi một cá nhân không bị ép buộc từ bên ngoài để có thể lựa chọn và hành động theo đúng ý thức và nguyện vọng của mình. Như thế phạm trù tự do bao gồm quyền chọn lựa của lý trí và ý chí để hành xử điều mình đã chọn.

Mà khi nói đến “quyền” tức một cách mặc thị (implicite) chúng ta phải hiểu là có những “bổn phận” hay “trách nhiệm” đi kèm, bởi “quyền lợi”“bổn phận” chỉ là hai bề mặt của cùng một việc. Nói như thế có nghĩa là tự bản chất của tự do đã có những hạn giới của nó – cho nên không thể nói đến tự do tuyệt đối được – mà trớ trêu thay rất nhiều người khi nghĩ đến tự do, là chỉ biết nghĩ và đòi thứ tự do tuyệt đối này mà thôi. Hãy lấy một thí dụ rất đơn giản. Tôi được tự do chọn và mua xe rồi muốn đi đâu thì đi. Nhưng tôi không được tự do lái xe với tốc độ tối đa theo ý tôi muốn hoặc theo những lộ trình xuyên qua đồi núi hay ruộng lúa tôi thích, bởi tôi phải mặc thị tuân giữ những luật lệ giao thông trong quốc gia tôi đang sống.

Cũng thế, khi nói đến “quyền” làm theo “ý muốn” của mình, là chúng ta đã một cách mặc thị nói đến “lý trí” (raison)“ý chí” (volonté) là hai điều kiện – mà các nhà luận lý học cũng như các nhà làm luật gọi là điều kiện “sine qua non” nghĩa là thiếu những điều kiện này thì không thể nói đến “tự do” được. Chẳng hạn như khi lập gia đình, thì cả hai người con trai cũng như con gái đã xử dụng quyền tự do để quyết định chọn lựa nhau và muốn trao thân gởi phận cho nhau trong đời sống lứa đôi. Mà để tự do muốn như thế, chắc chắn hai người phải hiểu biết về nhau – tức điều kiện “lý trí” và phải muốn là vợ chồng với nhau – tức điều kiện “ý chí”.

Thêm vào đó, khi “muốn”tức khi chọn lựa cái này thay vì cái kia – là chúng ta đã một cách mặc thị đón nhận những thuộc tính (attribut) của cái này mà từ bỏ những thuộc tính của cái kia. Chẳng hạn khi anh A quyết định lấy cô B làm vợ và ngược lại, thì cả hai đã mặc thị muốn đón nhận và trao tặng cho nhau tất cả những cá tính, những thói quen, những ý thích, những cái hay cái dở trong con người trọn vẹn của mình, cả về phương diện thể lý cũng như tâm lý – và do vậy tự bản tính của hành động tự do chọn lựa này đã bó buộc hai người phải đón nhận nhau “như nhau là”. Đấy mới chính là ý nghĩa sâu thẳm nhất của tự do chọn lựa nhau trong đời sống lứa đôi.

Đó là ý nghĩa tối thượng của tự do mà các triết gia – mỗi người mỗi cách – muốn nói tới, như Hegel Georg Wilhelm Friedrich (1770-1831): “Tự do là cái tất yếu được nhận thức” hay như Jean-Paul Charles Aymard Sartre (1905-1980) “Hiện hữu của con người là tự do. Kẻ không có tự do không phải là con người”.

Nhưng nếu chúng ta không biết tôn trọng những qui luật của tự do, thì chúng ta cũng đã không muốn tuân theo quĩ đạo của cuộc sống – mà càng như vậy, chúng ta lại càng cảm thấy bị tù túng và lại càng tìm cách phá vỡ quỹ đạo đó để thoát ra ngoài. Và như thế có thực là chúng ta được tự do để hành động hay chúng ta lại bị nô lệ bởi một ý thức hệ, một động lực không lành mạnh là sự ích kỷ, háo thắng và muốn khẳng định mình một cách ngược đời và ngông cuồng trong những tính toán thiển cận của mình?

 

Những chiều kích sáng tạo của tự do

Như chúng ta vừa nói ở trên, câu trả lời nhanh nhất hầu như nằm sẵn trong tiềm thức mỗi người về “tự do” – là quyền được làm như ý muốn của mình mà không bị áp đặt, bị ức bách hay bị ràng buộc vào một mệnh lệnh nào. Nhưng khái niệm đó lại mơ hồ, thiếu chính xác đáng, nhiều khi chỉ dẫn đến phi lý, buồn nôn, ngõ cụt mà thôi.

Con người nếu chỉ khép kín trong bản thân sẽ là một bế tắc, không có lối thoát. “Thuyết duy ngã” (solipsisme) – biểu trưng qua chủ trương của triết gia Jean-Paul Charles Aymard Sartre về quyền tự do tuyệt đối khép kín này: “L’enfers, c’est les auttres – tha nhân là hỏa ngục” – đã là một minh chứng cụ thể.

Tự do là một giá trị, và người ta chỉ tự do khi tìm kiếm những chiều kích thăng hoa hay những giá trị siêu việt. Tự do không phải là giá trị được làm sẵn trong mọi trạng huống, nhưng chính con người phải làm nên. Thực hiện tự do là một cuộc chinh phục, có khi rất liều lĩnh và dám chịu thất bại, nhưng lại là một cơ may tiến triển và mở rộng không ngừng. Sự chinh phục đó được thực hiện trước tiên bằng sự giải phóng chính bản thân mình. Sự giải phóng này chỉ có thể xảy ra khi chúng ta gặp gỡ và đón nhận tha nhân trong nhân phẩm của họ. Trong gặp gỡ tha nhân, chúng ta nhận ra một giá trị vô biên mà cũng chính là giá trị chúng ta cảm nghiệm nơi chính mình.

Từ ý nghĩa đó ta mới thấy, tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, mà chỉ có nghĩa là làm những gì để xây dựng giá trị cho hiện hữu của tôi và của những người chung quanh. Đó mới là tự do thật, tự do đúng nghĩa, lúc nào cũng vươn cao và tỏa rộng trong gặp gỡ và đón nhận tha nhân.

Khao khát tự do còn là cửa mở hướng chúng ta đến một giá trị vô biên vĩnh hằng nữa, mà ngôn từ triết học gọi là “Hữu Thể Tuyệt Đối” – là nền tảng cho mọi hiện hữu. Đó là điều mà triết gia Pháp Gabriel Honoré Marcel (1889-1973) đã nhìn ra và khai triển, đặc biệt qua những tác phẩm triết học “Être et avoir” (1918-1933), “Journal métaphysique” (1914-1923), “Position et approches concrètes du mystère ontologique” (1949) và “Le Mystère de l’être” (1951).

“Tự do” là lời mời gọi chúng ta nhận ra sự hiện diện vô biên đang ở trong mỗi người. Linh mục Maurice Zundel Maurice (1897-1975) người Thụy Sĩ,  trong cuốn “Je parlerai à ton coeur” (1970) đã viết lên cảm nghệm này: “Tôi đã không thể được tự do ở trong tôi, bởi tôi không được tự do từ bản thân, khi tôi chưa gặp gỡ được với Đấng đã sinh tôi ra cho bản thân tôi”. Chính nhờ sự gặp gỡ này, mà người ta cho mình có quyền thực hiện điều mình muốn, vì đã giải phóng khỏi bản thân bằng việc mở rộng ra cho tha nhân.

Phải chăng đó cũng là điều mà Mạnh Tử (372–289 trước công nguyên) ngày xưa đã viết: “Vạn vật giai bị ư ngã, phản thân nhi thành lạc mạc đại yêu, cường thứ nhi hành, cầu nhân mạc cận yên(Tận tâm thượng)? Người ta mang lấy vũ trụ trong mình khi không còn một ràng buộc nào với cuộc hiện sinh ngoài ân ban đang tràn ngập trong nó. Đó là sự chuyển vị của cái tôi chiếm hữu thành cái tôi dâng hiến.

Đón nhận tất cả là dấu hiệu của một tự do rộng mở tới tột đỉnh để có thể thực hiện những gì tốt đẹp nhất cho cuộc đời. Hành động tự do là hành động của một người đã thấm sâu trong tình yêu, như thánh Augustinô đã xác quyết: “Dilige et quod vis fac”: cứ yêu đi rồi làm điều bạn muốn làm.

 

Tự do làm điều thiện

Qua những tra cứu sâu xa như thế thì chúng ta mới có thể hiểu được thứ tự do lớn lao nhất trong các thứ tự do, đó là “tự do làm điều thiện”, là nền tảng cho đời sống luân lý (“morale” hay “éthique”).

Đọc lại lịch sử, chúng ta mới thấy là hấu hết mọi quốc gia đều có những ngày ban bố luật pháp tôn trọng các quyền tự do của người công dân, chẳng hạn như hiến pháp ban bố quyền tự do của Mỹ năm 1787; hiến pháp của Đan Mạch công bố ngày 5.6.1849, trao quyền lập pháp cho quốc hội thay vì dành cho vua. Ngay cả những dòng đầu của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc ban bố ngày 24.10.1945 cũng lên tiếng công bố và bảo vệ quyền tự do của con người.

Hẳn thực giá trị lớn lao nhất của con người là hành xử quyền tự do của mình. Mà con người có rầt nhiều quyền tự do khác nhau, chẳng hạn quyền tự do tư tưởng (nghĩ những điều mình suy tư), quyền tự do ngôn luận (nói ra điều mình nghĩ), quyền tự do làm chính trị (quyền chọn đảng phái thích hợp với mình), quyền tự do tôn giáo (chọn lưa và sống niềm tin mình xác tín)

Nhưng có một thứ tự do ít khi chúng ta nghe nói đến và do vậy hầu như không bao giờ chúng ta để tâm tìm hiểu, đó là tự do làm điều thiện.

Thoạt vừa nghe chúng ta thấy hơi là lạ, là bởi khi chúng ta làm việc thiện – thí dụ chúng ta cho một người ăn xin kr. 10,00 hay kr. 20,00 – là tại chúng ta thương người đó và muốn chia sẻ với cảnh đói khát của người đó – và như thế thì có gì phải nói tới đâu! Nhưng nếu suy tư đến tận cùng, chúng ta mới thấy tự do làm điều thiện không phải là một việc dễ dàng và đơn giản đâu!

Thường chúng ta ai cũng cảm thấy rằng, con người tự nhiên lúc nào cũng hướng về Chân, ThiệnMỹ. Phải chăng là vì trong con  người đã có “căn thiện” – như tôi đã phân tích và đã đặt câu hỏi trong bài “Thiện căn ở tại lòng ta” ? Nhưng nếu chúng ta làm điều thiện “chỉ vì tôi thích” – xin lưu ý – tôi nhấn mạnh đến chữ “chỉ vì tôi thích”thì tôi làm điều thiện đó là chỉ để thỏa mãn cái tôi ích kỷ của tôi mà thôi. Hoặc giả chúng ta sống đạo chỉ để sau này cầu được vào thiên đàng hay được tiêu diêu miền cực lạc, thì cái kiểu sống đạo đó chỉ là ích kỷ, trá hình (tôi chỉ nghĩ đến cái tôi mai hậu mà thôi) và vụ lợi (tôi nhắm đến cái lợi sau này cho tôi trong một thế giới khác).

Chính vì thế, Emmanuel Kant (1724-1804), một triết gia người Đức nổi tiếng trên thế giới – với hai quyển “Kritik der Reine Vernunft” và quyển “Kritik der Pratische Vernunft” – đã đánh đổ hết những quan niệm làm việc thiện một cách ích kỷ, trá hình và vụ lợi này – để đòi buộc chúng ta phải làm điều thiện chỉ vì điều thiện mà thôi – qua một câu viết thời danh: “Du kannst, denn du sollst“  ”Anh chị có thể làm điều đó, bởi vì anh chị phài làm”. Nói một cách khác, với E. Kant, chỉ khi nào chúng ta làm điều thiện chỉ vì bản chất của điều thiện đòi buộc, thi chúng ta mới lột thoát được hết những ràng buộc vô hình của lòng tham không đáy.

 Nhưng nếu chúng ta chỉ làm điều thiện do bản chất của điều thiện bắt buộc như E. Kant đã chủ trương, thì chúng ta đâu còn còn được hoàn toàn tự do để làm điều thiện nữa?

Chính vì thế, chúng tôi – trong luận án triết học trình tại Đai học Århus, Đan Mạch năm 1986 – với nhan đề “Possibilité de la morale et sa fonction” đã chủ trương rằng ngay trong chính bản chất của điều “Thiện” chỉ là một sự mời gọi (persuasif suprême) chứ không ép buộc tự do con người phải làm điều thiện đó –  nhưng tại thẳm sâu của tâm lòng mỗi người đều có “căn thiện”, và khi lý trí của con người nhận biết điều thiện đó, thì lý trí sẽ mời gọi ý chí con người muốn làm điều thiện đó một cách hoàn toàn tự do, chứ không bị thúc ép như E. Kant.

Cái mà chúng tôi gọi là “tự do làm điều thiện” như chúng tôi vừa trình bày ở trên, có lẽ cũng chính là cái mà Đức Phật gọi là “tâm định” – hay như Thánh Ignace de Loyola, đấng sáng lập ra Dòng Tên trong Giáo Hội Công Giáo gọi là “bình tâm”. “Tâm định” hay “bình tâm” là trạng thái tâm hồn được thanh thản nhận ra điều thiện để tự do làm điều thiện đó, chỉ vì điều thiện là phản ảnh của ĐẤNG THIỆN TUYỆT ĐỐI mà con người được sáng tạo theo tuyệt đối đó.

Tự do tạo ra giá trị cho con người nhưng ngược lại, con người, ở chỗ sâu xa nhất trrong tâm hồn của mình lại làm cho tự do trở nên đa dạng, giàu có về nội dung. Chính tâm hồn con người khi hành xử những lẽ phải của nó là một biểu hiện sâu sắc nhất của tự do.

Chính vì thế, nếu hết mọi người, ai ai cũng biết sống và biết tự do làm điều thiện cho nhau, thì chúng ta sẽ tạo dựng đuợc một thiên đàng hạ giới.

Đó có phải là một ước mơ ngoài tầm tay của chúng ta hay không? Câu trả lời chỉ tùy thuộc vào mỗi người mà thôi.